Bộ Cứu tế và chuyện về nữ Thứ trưởng đầu tiên trong Chính phủ

Thứ Hai, 10/09/2018, 09:28
Ngày 20-9-1955, Hội đồng Chính phủ quyết định tái lập Bộ Cứu tế xã hội. Ông Nguyễn Xiển được cử làm Bộ trưởng. Bà Lê Minh Hiền được cử làm Thứ trưởng. Đó là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Thứ trưởng đồng thời là thành viên nữ đầu tiên trong Chính phủ.


Lịch sử sắp đặt vị trí

Theo Tuyên cáo ngày 28-8-1945 của Chính phủ cách mạng lâm thời, Bộ Cứu tế xã hội được thành lập. Cụ Nguyễn Văn Tố, một trí thức uyên bác Tây học và Nho học, làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ, đồng thời là Chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ, được cử làm Bộ trưởng đầu tiên. 

Nhiệm vụ thời kỳ này của Bộ Cứu tế xã hội là phát động toàn dân tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo cho đồng bào nghèo, thực hiện cứu trợ xã hội... 

Tổ chức bộ máy đơn giản, số lượng cán bộ tuy ít nhưng làm việc hiệu quả. Khi Chính phủ liên hiệp ra đời (2-3-1946), trong tình hình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ quyết định giải thể Bộ Cứu tế xã hội, nhập vào Bộ Lao động.

Mười năm sau đó, miền Bắc được giải phóng, công việc cứu trợ xã hội cho các đối tượng bị thiệt thòi do thiên tai, bão lụt, mất mùa, tàn tật do chiến tranh… đòi hỏi phải tái lập Bộ. 

Nhưng rồi đến tháng 4-1959 Chính phủ lại ra quyết định giải thể Bộ Cứu tế xã hội và giao cho Bộ Lao động phụ trách công tác bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội và an dưỡng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo và Thứ trưởng Lê Minh Hiền cùng điều hành công tác Bộ.

Tôi cứ ngại ngần rằng tìm đến bà sẽ gặp nhiều khó khăn vì Bộ Cứu tế xã hội giải thể đã 60 năm nay, liệu rằng cơ quan có còn lưu giữ thông tin liên hệ với gia đình bà hay không? 

Đâu ngờ chỉ một tin nhắn đến Văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hôm trước, hôm sau tôi nhận được số điện thoại của Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Lê Thanh, con gái của bà Lê Minh Hiền.

Bà Lê Minh Hiền (1917 - 2006) (Ảnh: Tư liệu gia đình)

Những hạt nắng cuối hè của Hà Nội còn lấp ló trên những ô cửa ngôi biệt thự cũ nằm khép mình trong phố. Bác sĩ Nguyễn Lê Thanh lần giở trong ký ức những kỷ niệm về mẹ. 

Bà Lê Minh Hiền nghỉ hưu từ năm 1976 do điều kiện sức khỏe. Bà lại khiêm tốn, ít kể về mình, đôi khi con gái hỏi bà mới kể về quãng đời hoạt động cách mạng sôi nổi từ thuở đôi mươi. 

Bác sĩ Nguyễn Lê Thanh chia sẻ, khi Bộ Cứu tế xã hội được tái lập, Ban Tổ chức Trung ương và Chính phủ cân nhắc giữa hai thành viên. 

"Mẹ tôi kể, một người khác, thành tích hoạt động cách mạng và tên tuổi nổi tiếng hơn mẹ, nhưng rồi, Chính phủ quyết định chọn mẹ tôi". Người nổi danh "nữ tướng" huyền thoại có tài cưỡi ngựa, bắn súng hai tay, được tổ chức phân công nhiệm vụ khác. Bà Lê Minh Hiền trở thành thành viên Chính phủ như một sự sắp đặt của lịch sử là như vậy.

Tuổi hai mươi sôi nổi

Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, trung nông, thạo nghề truyền thống  chăn tằm dệt lụa của quê hương thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), Lê Minh Hiền được gia đình cho ăn học nên được tiếp xúc với sách báo và sớm được giác ngộ. 

Năm 1937, tròn tuổi đôi mươi, bà đã tham gia tích cực phong trào Bình dân, tổ chức phụ nữ tương tế ở xã Vạn Phúc, vận động nhân dân chống sưu thuế, vận động chị em phụ nữ thị xã Hà Đông bãi thị…

Đồng chí Dương Nhật Đại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông (1939 - 1940) đã viết trong hồi ký về giai đoạn này: "Có Đảng bộ làm hạt nhân lãnh đạo, phong trào cách mạng trong tỉnh như con thuyền vững lái rẽ sóng tiến lên. Các tổ chức quần chúng ngày càng được củng cố vững chắc thêm. 

Theo chủ trương của Đảng, chúng tôi khẩn trương chuẩn bị đưa các đoàn thể quần chúng ra công khai nhằm thu hút rộng rãi hơn nữa các tầng lớp quần chúng vào Mặt trận dân chủ…". 

Đảng bộ tỉnh Hà Đông chuẩn bị đưa hai đoàn thể Thanh niên dân chủ và Phụ nữ dân chủ ra công khai lấy tên là Thanh niên xã hội, Phụ nữ xã hội (dựa vào danh nghĩa chi nhánh Đảng Xã hội Pháp S.F.I.O ở Hà Nội) và dự kiến lập trụ sở công khai ở thị xã Hà Đông.

Những năm 1940, cơ sở cách mạng bị vỡ, cán bộ bị bắt nhiều nhưng Lê Minh Hiền vẫn kiên trung bám trụ cơ sở. Bà làm nhiệm vụ liên lạc với cấp trên, nắm tình hình và đưa tài liệu, liên hệ với các đồng chí ở nhà tù Sơn La, Hòa Bình về Vạn Phúc. 

Trong số những cán bộ vượt ngục Sơn La thành công, đặc biệt là các đồng chí Sao Đỏ (tức Nguyễn Lương Bằng), Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân và Lưu Quyên (tức Lưu Đức Hiểu) đã bổ sung ngay vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo toàn quốc của Đảng đêm trước cách mạng.

Những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 sôi động, bà Lê Minh Hiền tham gia Ban Cán sự tỉnh Hà Đông, lãnh đạo khởi nghĩa tại quê nhà. Dưới sự chỉ đạo của bà Trương Thị Mỹ - Bí thư huyện ủy và bà Lê Minh Hiền - Chủ nhiệm Việt Minh, huyện Hoài Đức nhanh chóng giành được chính quyền về tay nhân dân. 

Tri huyện trẻ họ Đinh đã bàn giao ấn tín cho chính quyền cách mạng và về sau trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên Nhà nước dân chủ nhân dân, cán bộ nghiên cứu tư pháp.

Lại thêm hai năm tiếp theo, từ năm 1946 đến năm 1948, bà Lê Minh Hiền tham gia công tác Đội của Trung ương Đảng. Nghe đến tên gọi công tác Đội, nhiều người sau này không hiểu đó là công việc gì. 

Thậm chí, có bà trong công tác Đội của Trung ương qua đời, cán bộ chính sách còn tưởng trước đây người vừa nằm xuống từng phụ trách đội thiếu niên tiền phong (!). 

Những người làm công tác Đội có thể ví như công tác cảnh vệ của Bộ Công an hiện nay. Đó là đánh giá của đồng chí Mười Hương (tức Trần Quốc Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, thành viên của công tác Đội của Trung ương từ năm 1943. 

Cái tên "công tác Đội" gọi nghe không toát được hết tầm quan trọng của nó. Đó là đội cận vệ ở sát Thường vụ Trung ương Đảng (nay gọi là Bộ Chính trị), được giao nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu tình hình, nắm mọi mặt của địa bàn hoạt động một cách chặt chẽ nhất và cũng bí mật nhất, để bảo vệ chu đáo mọi sinh hoạt và các cuộc họp quan trọng của Thường vụ Trung ương Đảng.

Bà Lê Minh Hiền trong chuyến công tác tại Liên Xô (Ảnh: Tư liệu gia đình)

Bà Lê Minh Hiền làm Thứ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội rồi Thứ trưởng Bộ Lao động 7 năm. Dù trải qua nhiều lĩnh vực công tác nhưng ở cương vị nào, đảm nhiệm công việc gì, bà cũng đều tận tâm, tận lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Trong thời gian này, với tinh thần tận tụy, tích cực và đầy trách nhiệm trong công tác, bà còn được cử tri tỉnh Hà Đông tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa II.

Cán bộ nữ phải sát quần chúng

Đó là điều bà Lê Minh Hiền luôn ghi nhớ khi tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các chuyến công tác xuống cơ sở. Vì vậy, là một cán bộ giữ cương vị lãnh đạo trong cơ quan, bà luôn nhiệt tình, chủ động, hăng hái trong công tác, không ngại khó, ngại khổ, lắng nghe, đi sâu đi sát quần chúng để có những đề xuất kịp thời với Chính phủ.

Một kỷ niệm trong hồi ức của bà Lê Minh Hiền, đó là sau năm 1954, khoảng năm đến sáu nghìn cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc được đưa lên nông trường ở Yên Bái, Lào Cai. 

Do cuộc sống gian khổ, không quen khí hậu miền Bắc nên số đông bị ốm, rồi lại hết việc làm. Với ý nghĩ hai năm sẽ trở về quê hương nay gặp quá nhiều khó khăn, nhiều người sức khỏe suy sụp cả thể chất và tinh thần.

Trước tình hình đó, Nhà nước chủ trương lập các khu điều dưỡng cho cán bộ miền Nam. Tiền do Bộ Tài chính chu cấp. Bộ Cứu tế xã hội đảm nhận việc tổ chức trại. Bà Lê Minh Hiền tổ chức các trại điều dưỡng đã giúp đời sống cán bộ miền Nam tập kết tương đối đảm bảo so với trước đây. 

Chỉ trong hai năm, Bộ Cứu tế xã hội đã mở được tám, chín trại. Trại gần ở Thanh Trì, Hà Nội, trại xa ở Quảng Ninh. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến các cán bộ miền Nam tập kết vì vậy Người thường xuyên hỏi thăm tình hình và đã thu xếp về thăm cán bộ miền Nam tập kết tại các trại ở Thường Tín và Thanh Trì.

"Có nhiều dịp được tiếp xúc làm việc gần Bác, tôi thấy Bác rất quan tâm đối với cán bộ miền Nam cũng như đối với phụ nữ. Bác lắng nghe và ân cần chăm sóc thăm hỏi động viên họ; khuyên bảo cán bộ phụ nữ phải đi sát quần chúng, phải biết nấu cơm, phải biết tắm rửa cho trẻ con. Đối với dân Bác rất tôn trọng, quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của dân. Bác sống rất giản dị, thanh đạm. Công ơn Bác như trời bể, đạo đức Bác thật sáng ngời, Bác là một lãnh tụ đặc biệt...", bà Lê Minh Hiền đã viết như vậy về vị lãnh tụ kính yêu của đất nước.

Qua đời ngày 20 tháng 12 năm 2006 hưởng thọ 90 tuổi, bà Lê Minh Hiền đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng… 

Trong điếu văn đưa tiễn bà, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH đã ghi nhận: "Cuộc đời của bà đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết lòng vì mọi người cũng như trong mối quan hệ đầy tình người với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, làng xóm và gia đình, họ hàng".

Kiều Mai Sơn
.
.