Người nữ trong văn chương Việt

Bài 2: "O du kích nhỏ giương cao súng"

Chủ Nhật, 23/09/2018, 17:41
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gần như ngay lập tức, hình ảnh người nữ trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật ở miền Bắc được mô tả theo chuẩn anh hùng xã hội chủ nghĩa với phẩm tính và hành động mang nhiều nét nam tính hóa.

Dần bước ra khỏi dáng vẻ liễu yếu đào tơ, người nữ trở thành một biểu trưng mới của thời đại chiến tranh vệ quốc giỏi việc nước đảm việc nhà, tay súng tay cày và trong nhiều trường hợp, tự tách khỏi các khuôn định nữ giới thông thường để chứng tỏ những khả năng phi phàm không hề kém cạnh hảo hán trượng phu.

 “Cô gái hay nàng tiên”

Tiếng hát sông Hương (1938) không phải là một thi phẩm xuất sắc của Tố Hữu nhưng chắc chắn báo hiệu xu hướng chuyển đổi cái nhìn về những thân phận phụ nữ bất hạnh: không gì là tăm tối, khổ đau mãi mãi nếu con người biết đấu tranh, lạc quan, hi vọng. Bài thơ ngắn, nhỏ nhẹ giọng điệu ấy, thực ra, là đối thoại lớn với những gì thơ Mới đã thi vị hóa số kiếp gái làng chơi mà Lời kĩ nữ (1939) của Xuân Diệu là một ví dụ tiêu biểu. 

Tố Hữu, từ mốc Từ ấy (1946) trở đi, không chỉ là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng mà còn là tác giả của hàng loạt định tính mới về người nữ. Từ bà Bủ, bà Bầm đến những cô gái phá đường “em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét nước làng em lo”; từ mẹ Suốt, bà má Hậu Giang đến o du kích, chị lao công và đỉnh điểm là “người con gái Việt Nam”,… đều được khắc họa trong tư thế người chiến thắng mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy. 

Mất dần những thắt đáy lưng ong, mắt phượng mày ngài, hoa nhường nguyệt thẹn, người nữ trong thơ Tố Hữu gây ấn tượng vì sức mạnh và ý chí lao động, chiến đấu được cụ thể hóa bằng những “thịt da em hay là sắt là đồng?”, “chị lao công/ Như sắt/ Như đồng”, “o du kích nhỏ giương cao súng”… 

Những tình thái từ tuy có phần cứng cỏi, rắn đinh quá mức ấy lại thể hiện rất hiệu quả vẻ đẹp khỏe khoắn, can trường, xóa bỏ các đường viền phận nữ nhi thường tình và đặc biệt, có sức lay động tâm tư nữ giới ghê gớm trong việc nhiệt tình hưởng ứng các phong trào xã hội đang ngày một lan rộng lúc đó.

Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang, từ thập niên 1960 trở đi, luôn hiện hữu ở vị trí trung tâm trên các tranh cổ động, luôn nằm trong chủ đề nổi bật của âm nhạc, và dĩ nhiên, thường xuyên hấp dẫn, phong phú trong văn chương, điện ảnh. 

Ở đó, người nữ là người cất khát vọng thống nhất tổ quốc (vợ chồng Hoài và Vận trong Chung một dòng sông; vợ chồng Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm), là người ưu tiên cái chung, hi sinh cái riêng (Truyện vợ chồng anh Lực), là hiện thân của miền Nam quật cường (vợ chồng Ba Đô trong Cánh đồng hoang)… 

Rất nhiều ca khúc dưới dạng “nghề ca” mà giờ đây hầu như không mấy ai còn hát đã chọn người nữ để ngợi ca tinh thần xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa: Cô thợ nề thủ đô (“Có ai hỏi em hiện nay cô làm gì/ Em trả lời em cô thợ nề/ Xây dựng Thủ đô ngày càng tươi sáng/…/Vui sao dàn giáo lên cao/ Tay bay em dẻo, tầng cao cứ lên dần” – Lưu Bách Thụ); Em là thợ quét vôi (Tay người thợ quét vôi, tô thêm màu hạnh phúc/ Đây người thợ kiến trúc đi xây đẹp cuộc đời/ Em là thợ quét vôi làm đẹp cho thành phố - Đỗ Nhuận); Cô thợ hàn (“Đến hôm nay trên lò cao, ánh lửa lóe sáng hơn sao/Đôi mắt đang nhìn theo, ngắm xem đường hàn nhẵn bóng cô yêu – Thịnh Trường); Cô thợ xây còn nhớ (“Này bạn hỡi, trên tầng cao bao nhiêu tay thợ giỏi của ngành xây chúng ta Hà Nội/ Những hội thi tài nhanh tay đặt gạch, khéo tay đưa dao/ Đứng trên dàn giáo, bạn hỡi ban mai nắng chào” – Văn Chung)… 

Những “cô thợ” hồ hởi phấn khởi ấy, dẫu lao động chân tay, vẫn ánh lên niềm hạnh phúc được sống, cống hiến trong chế độ mới và nghĩa lí của những công bằng, bình đẳng nam nữ sẽ bắt đầu từ sự phân công công việc. 

Không còn bó hẹp trong không gian chợ búa và ruộng đồng, người nữ được văn chương nghệ thuật đồng nhất với hậu phương lớn, nơi các công việc do nam giới thường đảm nhận sẽ lần lượt đến tay phụ nữ, kể cả cầm súng. 

Do thanh niên trai tráng phải ra chiến trường, những người vợ, người mẹ, em gái dĩ nhiên vừa phải sản xuất tăng gia vừa chiến đấu bảo vệ quê hương. 

Hơn cả một khẩu hiệu, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh trở thành phương châm sống thường ngày của phụ nữ thời chiến, thậm chí, trở thành chứng cứ tái sinh truyền thống lịch sử bà Trưng bà Triệu ở thế kỉ XX. Ngoài thủy chung được đề cao, các diễn ngôn nghệ thuật đều coi “đạp lên cái chết dáng em hiên ngang” là mẫu số phẩm chất mới của nữ giới.

Bởi thế, “cô gái hay nàng tiên” đều không phải là đáp án duy nhất đúng về người nữ. Thường xuyên và sẽ lí tưởng là sự pha trộn tính cách giữa sự thật và cường điệu, giữa điều đáng tin và lối ẩn dụ đa nghĩa. Hình tượng người nữ dần chuyển hóa thành sự trỗi dậy của quần chúng công nông binh. 

Nói cách khác,  không có một người nữ cụ thể mà chỉ có một thời đại, một dân tộc cụ thể trong chiến đấu và chiến thắng, trong vinh quang và hạnh phúc.

Nam tính hóa

Có một thực tế là phần lớn nhân vật nữ trong văn chương cách mạng 1945-1975 đều do nam giới tạo dựng nên. Tôi không nói rằng nam giới sẽ gặp nhiều sai lệch khi viết về người nữ. Nhưng trong giai đoạn chủ nghĩa anh hùng về cơ bản là sự quy chiếu của nam tính (mạnh mẽ, dũng cảm, hiên ngang,…), nhân vật nữ sẽ khó có cơ hội bộc lộ các yếu tính riêng rẽ thuộc về giới mình. 

Đọc lại những điển phạm (canon) liên quan đến nhân vật nữ, từ chuyện Mỵ cởi trói cho A Phủ trứ danh năm nào cũng nằm trong đề thi (Vợ chồng A Phủ) đến chuyện chị Sứ (Hòn Đất), chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng), chị Tư Hậu (Một chuyện chép ở bệnh viện); chuyện cô Đào mỏi gối chồn chân gắn bó với nông trường Điện Biên (Mùa lạc) đến chuyện cô Nguyệt thanh niên xung phong nuôi giữ mối tình tinh khiết (Mảnh trăng cuối rừng)…, ta sẽ thấy một ngữ pháp thiên về gan dạ, quyết liệt, liều lĩnh và cực kì bền bỉ với mục tiêu của mình. 

Người đọc rất ít khi bắt gặp những băn khoăn, chẳng hạn, về thân thể, nỗi đau, sự mất mát, nỗi cô đơn, hay về tình dục, sinh nở… Nếu có chăng thì cũng chỉ là đôi ba khoảnh khắc phân vân nhưng rồi hoàn toàn toại nguyện khi đặt tình yêu cá nhân trong tình yêu đất nước. 

Thơ của Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ ở chặng cuối chống Mỹ tuy bắt đầu nhấn giọng thủ thỉ tâm tình song chưa thể vượt ngưỡng tạo ra kiểu người nữ nổi loạn, phá cách. 

Mức độ “cấm kị” một số chủ đề khiến giới cầm bút e ngại hoặc quên bẵng việc quan sát thật kĩ lưỡng thế giới nội tâm, tính cách vốn phức tạp của nữ giới. 

Một nụ hôn “rồi hai đứa hôn nhau – hai người đồng chí” (Tố Hữu), một cái ôm “anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em” (Nguyễn Đình Thi), một cuộc chia tay “và rạng đông đang bừng trên nét mặt” (Nguyễn Mỹ), rõ ràng, chỉ tập trung diễn đạt cái cao cả, anh hùng hơn là một thức nhận sâu sắc về tâm lí con người.

Đặt người nữ trong cái nhìn nam tính, có thể nói, là sự song hành với quá trình bảo tàng hóa kí ức chiến tranh. Phổ biến trong bảo tàng là hình ảnh người phụ nữ, như nhà nghiên cứu Cynthia Enloe nhận định, một tay cầm súng một tay cho con bú và họ gần như không có lựa chọn nào khác giữa việc chăm sóc con cái và chiến đấu cho dân tộc. Các tác phẩm văn học viết về chiến tranh, cho đến khoảng mười năm sau 1975, vẫn tiếp tục tô đậm các loại hành động, tính cách của nam giới. 

Mặc dù bắt đầu nhìn thấy chiến tranh ở những lo âu thấp thỏm, những thua thiệt, cay đắng của người mẹ, người vợ nhưng Những người đi tới biển (1976), Đường tới thành phố (1979) vẫn chỉ tiếp đà sử thi, coi cuộc chiến chính nghĩa là sứ mệnh, trách nhiệm đương nhiên của trai đất Việt. Người nữ, một lần nữa, hiện lên chủ yếu trong các kí ức của nam giới nên chưa thể bộc lộ mình hết mọi nhẽ. 

Do đó, bảng hệ giá trị của người nữ đa số đều mở rộng về phía nhẫn nhục chịu đựng mất mát, chấp nhận tình thế đứng lùi sau hào quang: “Cờ đỏ ngợp bờ đê/ Pháo hoa rạn trời ngày chiến thắng/ Người lính trở về/ Ngật ngưỡng con búp bê ngồi trên khung xe đạp/ Như đàn lạc đà trườn qua sa mạc/ Những mặt nhìn hốc hác/ Lũ lượt bíu vai nhau/ Hàng một/ Tôi cùng đồng đội chia phôi/ Nơm nớp nỗi lo/ Mẹ có còn đợi con đầu ngõ” (Những người lính của làng – Nguyễn Quang Thiều).

Xu hướng nam tính hóa người nữ chỉ thực sự nhạt dần đi khi cao trào đổi mới văn học cho phép gài cắm cái nhìn đa chiều về chiến tranh. Lần lượt những hình tượng người nữ là nạn nhân, là “khổng lồ có tim”, là phận vị ngoài lề, bị lãng quên, dần được thăm dò tới. Và những người làm văn học nghệ thuật lúc đó, trái với quán tính đi hàng ngang trên đường lối có sẵn, sẽ bắt đầu tỉnh táo tìm kiếm cách thể hiện khác. 

Năm 1987, từ gợi hứng của Tiếng hát sông Hương, Đặng Nhật Minh làm phim Cô gái trên sông, một phản biện thấm thía về kiểu người hùng quân tử giả trá. Sẽ còn rất nhiều phản biện như thế mà nhân vật nữ là chất xúc tác. Điều thú vị này, chắc chắn còn dài lời bàn luận, xin được hẹn quý độc giả ở bài viết kì sau.

Mai Anh Tuấn
.
.