Để đọc thấu phim mới, nhà phê bình phải mới

Thứ Năm, 05/07/2018, 19:57
Không sôi động, đa dạng và vàng thau lẫn lộn như phê bình văn học nhưng phê bình điện ảnh ở Việt Nam gần đây, trước áp lực buộc phải tự đổi mới, đang có nhiều chuyển biến tích cực mà nổi bật và đáng ghi nhận hơn cả là sự thay đổi trong các mô hình giới thiệu, phân tích, nghiên cứu phim.

Thậm chí, đâu đó, đã có những “làn gió mới” cả về nguồn cảm hứng lẫn phương pháp diễn giải, khiến hoạt động phê bình phim, vốn không dễ lĩnh hội tức thì, trở nên quan trọng và hấp dẫn hơn đối với công chúng nghệ thuật thứ bảy.

Cách tiếp cận mới

Trước đây, phê bình hay cao hơn một chút, nghiên cứu phim, chủ yếu được hình thành trên mô hình tiếp cận nội dung xã hội của bộ phim là chính. Thao tác này phổ biến bởi, trước hết, quan điểm phản ánh luận chi phối hầu hết các hoạt động tiếp nhận nghệ thuật ở ta.

Theo đó, một bộ phim được đánh giá cao là khi nó phản ánh chân thực cuộc sống của nhân dân, đất nước; là khi nó bám sát những câu chuyện lớn lao của thời đại, xây dựng được nhân vật điển hình tiêu biểu cho phẩm chất, tinh thần cộng đồng. Giới thiệu một bộ phim, vì thế, còn là cách để truyền dẫn những bài học kinh nghiệm sống và lao động, những hô hào phấn đấu và noi theo.

Dĩ nhiên, dạng phê bình phim này còn xuất phát từ thực tế lâu dài: điện ảnh cách mạng Việt Nam, với rất nhiều tác phẩm trứ danh, xét đến cùng, đều được sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, hướng đến phong cách sử thi, nơi chủ nghĩa anh hùng được khai thác triệt để trong từng tính cách nhân vật, trong sự dồn dập các biến cố, hay các giá trị phổ quát.

Quá trình tiếp nhận những Chung một dòng sông (1959), Chị Tư Hậu (1962), Nổi gió (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974), Cánh đồng hoang (1979)…, tuy vô cùng hào hứng và đầy cảm xúc nhưng cho đến nay, đều không đặt người xem vào thế bị thử thách giải mã. Sự khác biệt trong phong cách, hệ thẩm mĩ của các phim trên không quá lớn nên khán giả sẽ vẫn trụ vững trong những tri thức nghệ thuật đã mặc định của mình.

Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam gần đây, bởi ngày càng có nhiều cái nhìn đa dạng, nhiều đề tài mới, và nhất là sự xuất hiện của một thế hệ đạo diễn đang cố gắng đột phá, tìm tòi ngôn ngữ điện ảnh riêng, đã bớt chiều chuộng khán giả. Nhiều đạo diễn thể hiện rõ ý tứ dẫn dắt, gài đặt nhiều thách đố thẩm mĩ và thông điệp, nếu có, cũng không giản đơn trao tận tay.

Với những bộ phim đầy phá cách như “Đập cánh giữa không trung”, nhà phê bình không thể “mổ xẻ” theo lối cổ điển, xưa cũ nữa.

Hệ quả là, các luồng ý kiến của khán giả trở nên không đồng nhất, vừa tán thưởng vừa nghi ngờ, phủ nhận. Đấy là lúc phê bình, ngay cả những bài điểm phim ngắn nhất, phải lên tiếng và đưa ra được cách hiểu mới.

Phải làm sao để khán giả nhận thấy, chẳng hạn, phim ảnh Việt giờ đây với những Xích lô (1995), Mùa hè chiều thẳng đứng (2000), Mê Thảo thời vang bóng (2002), Thung lũng hoang vắng (2002), Mùa len trâu (2004)..., đã bắt đầu dò thấu sự phức tạp, bí ẩn trong đời sống tinh thần con người, đã chạm đến kiểu nhân vật cô đơn, tuy không mấy quyết liệt, gai góc như điện ảnh Đài Loan hay Hồng Kông, nhưng lại khá tinh tế và lạ lẫm so với điện ảnh cách mạng?

Phải làm thế nào để khán giả vỡ lẽ, chẳng hạn, với những Hạt mưa rơi bao lâu (2005), Chơi vơi (2009), Bi, đừng sợ! (2010), Đập cánh giữa không trung (2014), Cha và con và… (2015), thì kể chuyện phim trọn vẹn không phải là mục đích của đạo diễn, mà phải là sự phá vỡ khuôn tự sự truyền thống, để từ đó, gia tăng các yếu tố thuộc về hình thức điện ảnh như ánh sáng, màu sắc, góc máy…?

Để “đọc” thấu những bộ phim có tư duy làm mới, nhà phê bình không chỉ huy động nguồn tri thức điện ảnh căn bản mà còn phải đủ nhanh nhạy, cởi mở trước các dấu hiệu nghệ thuật tiền phong.

Năm 2009, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng than thở rằng, ở Việt Nam, lượng khán giả yêu phim nghệ thuật không nhiều và vì thế, ông làm phim Chơi vơi hoàn toàn không nghĩ tới khán giả đại chúng. Thực tế có phần chua chát ấy vẫn đang bày chật nhưng cũng phải nói rằng, rất nhiều cây bút phê bình đã nhiệt tình ủng hộ Chơi vơi.

Trong hàng loạt phản ứng Bi, đừng sợ!, không thiếu những bình luận sáng giá, thuyết phục về điểm mới mẻ, độc đáo của bộ phim này. Rõ ràng, hệ đánh giá của giới phê bình đã chuyển dần về phía ngôn ngữ điện ảnh thay vì chỉ quan tâm đến câu chuyện, đề tài hay ý nghĩa của bộ phim.

Bởi thế, phòng vé của Đập cánh giữa không trung, Cha và con và, Tâm hồn mẹ (2013)…, có thể không bán chạy, nhưng trên nhiều diễn đàn điện ảnh, các lá phiếu xiển dương vẫn tỏ rõ quyền uy tác động đến khán giả.

Sự chuyển hướng tiếp cận phê bình phim hiện nay đang tập trung trên địa hạt nghiên cứu chuyển thể văn chương - điện ảnh, phong cách tác gia và mỹ học điện ảnh. Một số công trình như Chơi cùng cấu trúc (2009), Điện ảnh châu Á đương đại: Những vấn đề lịch sử mỹ học và phong cách (2015), Chuyển thể văn học – điện ảnh: nghiên cứu liên văn bản (2016), Chân trời của hình ảnh: từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira (2017)…, là minh chứng rõ nét cho tính chất học thuật hóa phê bình điện ảnh, mang đến nhiều gợi dẫn chuyên môn sâu cho khán giả.

Khung lý thuyết phê bình hiện đại (liên văn bản, chuyển thể, diễn ngôn) bắt đầu được vận dụng linh hoạt, cho phép thưởng thức điện ảnh dưới nhiều góc độ khác nhau. 

Cũng cần phải nói rằng, hoạt động giảng dạy về tiếp nhận, phê bình phim của một số đạo diễn, nhà biên kịch nổi tiếng, hay của các trung tâm nghệ thuật, đã góp phần thu hẹp khoảng trống tri thức điện ảnh căn bản cho rất nhiều khán giả trẻ, giúp họ tự biết lựa chọn tấm vé xi-nê đắt đỏ mỗi ngày. 

Thời của phê bình phim trên mạng

Sự lan rộng của các website, blog và gần đây là facebook đã cung cấp nhiều không gian mở cho hoạt động phê bình phim.  Ở đó, các bài điểm, giới thiệu phim luôn được cập nhật, hơn nữa, luôn song hành với đời sống điện ảnh thế giới. Các liên hoan phim lớn, các bộ phim đạt giải, các đạo diễn bậc thầy hay mới nổi đều được bàn luận ít nhiều.

Nhiều web/blog chuyên về phim (yxine.com trước đây, phanxine.com, hay 35mm.vn gần đây) đã trở thành diễn đàn, kênh tham khảo hữu ích. Phê bình phim, nhờ đó, không còn neo đậu duy nhất ở báo, tạp chí chuyên ngành mà đã được cá nhân hóa thông qua mạng, truyền tải và tác động trực tiếp, nhanh chóng hơn.

Trường hợp nhà báo Lê Hồng Lâm với hàng chục bài về điện ảnh, mà phần nhiều xuất hiện trước tiên ở facebook, cho thấy sức ảnh hưởng đáng tin cậy của kiểu phê bình trên mạng. 

Cuốn sách mới nhất của anh, Cánh chim trong gió (2017), xứng đáng là điểm nhấn, một chỉ dẫn phong phú và chuyên nghiệp, của phê bình phim hiện nay. 

Không gian mạng cũng là nơi mà nhà phê bình phim Việt tìm được các dữ liệu điện ảnh cần thiết cho công việc của mình. Khi một phim nước ngoài xa lạ chiếu rạp trong nước, ngay lập tức, người viết phê bình đã có thể đọc được các bài điểm phim của báo chí quốc tế. 

Những bộ phim như “Chung một dòng sông” (1959), “Em bé Hà Nội” (1974), “Cánh đồng hoang” (1979)…, tuy vô cùng hào hứng và đầy cảm xúc nhưng cho đến nay, đều không đặt người xem vào thế bị thử thách giải mã. Ảnh: L.G.

Nhưng chính bối cảnh này cũng đòi hỏi phê bình phim Việt phải thường xuyên tự thâu nạp thông tin, tri thức điện ảnh mới.

Chuẩn mực một bài điểm phim giờ đây, khi các rào cản xem phim từ kinh điển đến siêu phẩm, từ đen trắng đến 3D, 4D, từ nghệ thuật đến thương mại…, dần biến mất, thường bắt đầu từ việc biết chọn phim hay, phim mới; biết lẩy ra những đặc trưng phong cách; biết dừng lại trước những thủ pháp điện ảnh độc đáo và sau cùng, như vị chủ nhà thông thái, biết cách để mời khán giả mở xem bộ phim mình tâm đắc.

Đã qua rồi thời ai đó tự cho mình quyền được biết tất cả và vì thế, trong phê bình phim, chỉ những trải nghiệm xem, thưởng thức kĩ lưỡng mới có thể sinh thành các nhận định, đánh giá đáng lưu ý.

Dĩ nhiên phê bình phim trên mạng, đằng sau sự vô tư và dân chủ tranh luận của nó, rất dễ bị thao túng bởi bàn tay các nhà phát hành. Ở Việt Nam, có quá nhiều phim đạt doanh thu khổng lồ một phần nhờ hiệu ứng “điểm phim” trên mạng xã hội. Vì thế, sẽ phải cần nhiều hơn nữa các trang mạng phê bình, đánh giá, bình chọn phim được thiết lập và tham gia bởi các chuyên gia.

Thống kê của Timothy Corrigan trong cuốn Hướng dẫn viết về phim chỉ ra, ở Mỹ có hơn 10 trang mạng uy tín chuyên dành cho nghiên cứu điện ảnh, chưa kể hàng chục trang khác lưu trữ, đăng tải phim hoặc các chủ đề bàn luận phim.

Thực tế đó, thiết nghĩ, chưa dễ hiện hữu ở nước ta, nhưng ít nhất, đã làm giới phê bình phim Việt tỉnh táo và khôn ngoan hơn trong việc khẳng định vai trò, vị thế của mình ở một lĩnh vực mà, chắc chắn, sẽ ngày càng khởi sắc.

Mai Anh Tuấn
.
.