Người nữ trong văn chương Việt

Bài 1: Trăm năm nhìn lại “gái tân thời”

Thứ Tư, 12/09/2018, 09:39
Trong ba thập niên đầu thế kỉ XX, “gái mới”, “gái tân thời” từng là từ khóa nổi bật và hút vào đó vô số nhọc công bàn luận của nhiều cây bút cấp tiến, khiến bản thân các lớp nghĩa không ngừng được mở rộng cũng như những tác động xã hội mạnh mẽ của nó, giờ đây nhìn lại, luôn là dấu chứng quan trọng cho thấy sự đồng tâm nhất trí tiến đến một thời đại văn minh hơn, mà ở đó, người phụ nữ hoàn toàn có quyền khẳng định bản thân nhờ học vấn, vốn hiểu biết và lối sống hiện đại.


“Trêu ngươi” truyền thống

Ngay từ thập niên 1910, trên Đăng cổ tùng báo, Nguyễn Văn Vĩnh (dưới bút danh Đào Thị Loan) đã mở chuyên mục “Nhời đàn bà” như là một cách để bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm của ông về hình ảnh người phụ nữ mới. 

Theo đó, phụ nữ hấp dẫn và cá tính là người có học vấn, hay giản đơn hơn, biết chữ. Nhưng biết chữ không phải “viết thư cho giai”, và vì thế, như Tân Nam tử bình luận vào tháng 5-1907, những đàn ông sợ vợ biết chữ viết thư cho giai là những ông không có tài trí gì, chỉ mong vợ ngu dốt, “cứ theo gia huấn mà thờ chuộng chồng, chớ không để cho vợ cứ tùy tâm tưởng mà phục”. 

Ở đây, lập tức, ta thấy vấn đề “nữ học” đã khía vào khuôn thức xã hội truyền thống thường mặc định nam giới mới được/ nên có học vấn. Các nề nếp gia huấn kiểu tam tòng vốn sinh thành từ đạo đức Nho giáo, trong giọng điệu chỉ trích khá gay gắt của Đào Thị Loan, dần bị bật gốc bởi sự vô lí, hẹp hòi của nó. 

Dẫu vậy, mọi trật tự không dễ dàng biến mất và riêng ở việc thừa nhận phụ nữ có học là một đòi hỏi chính đáng thì phải chờ thêm nhiều va chạm khác. 

Bắt đầu từ năm 1918, trên Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Hữu Thanh, Phụ nữ tân văn,…, một tiếng nói mạnh mẽ và bền bỉ, một phong thái bàn luận và thức tỉnh vào hàng mẫu mực đã xuất hiện: Đạm Phương nữ sĩ (1881-1947). 

Không chờ đến cánh tu mi nam tử tự san nhường các quyền tất yếu cho nữ giới, Đạm Phương, trong vai nhà báo sắc sảo, đã kiên trì đòi hỏi dư luận lắng nghe, đồng tình với những đề đạt có tầm viễn kiến về việc giáo dục phụ nữ. 

Theo bà, nữ học liên quan trực tiếp không chỉ bản thân một người phụ nữ cụ thể mà còn cả dân tộc về sau. Bởi khi có giáo dục, học thức, người phụ nữ ắt sẽ biết cách đối nhân xử thế, biết dạy con cái, lo toan việc nhà, tham gia các công việc xã hội, hay rộng hơn, biết kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho thế hệ tiếp theo. 

Khi Đạm Phương dần rút lui khỏi làng báo (cuối 1930), thì trên thực tế, các nữ kí giả, nữ diễn giả hay nữ tác giả đã không còn quá hiếm hoi, chứng tỏ chuyện học hành và những nghề nghiệp mới, vốn dĩ đầy thử thách ngay cả với nam giới, đã trở nên thuận tay với phụ nữ. 

Ngoại lệ đáng nhớ hơn cả có lẽ là “me Tư Hồng”, một kì nữ có tài kinh doanh nhưng lắm scandal tình ái, đủ tạo nên huyền thoại lẫn sử sự cho Hà thành một thời!

Năm 1932, Phan Khôi cho rằng phụ nữ xưa chỉ lo việc tề gia nội trợ, làm mẹ, làm vợ trong khi “đời nay nhiều phụ nữ không chịu bó buộc mình vào cái khuôn khổ hẹp hòi ấy”. Bởi thế họ nảy sinh nhu cầu giải phóng, “cởi trói”. 

Sang 1933, Phan Khôi xác định cụ thể hơn những phẩm chất của “gái tân thời”: Gái tân thời “ngoài sự ăn mặc mới, trang sức mới, “phải có học thức mới, tư tưởng mới, giỏi ra nữa phải có cách sinh hoạt mới”, và những cái mới đó, “phải từ trong đầu mới ra”. 

Theo ông “tân thời” dịch từ “moderne” trong tiếng Pháp, nghĩa nó là “điều gì hợp với cái thời mình đương ở”. Ông tú Phan Khôi tuy xuất thân Nho học nhưng lại mạnh tay phê phán thiết chế đạo đức hủ lậu đã kiềm tỏa phận vị chị em trong các bổn phận, nghĩa vụ quá ư nặng nề, bất công.

Chống nam quyền, đòi hỏi bình quyền nam nữ, hai trong số nhiều điểm phái sinh của trào lưu xem xét lại Nho giáo, sẽ trở thành diễn ngôn cốt yếu thường xuyên tái lặp trong văn hóa văn chương, báo chí đương thời.

Cũng như Phan Khôi, nhóm Tự lực văn đoàn tỏ ra dứt khoát tạo lớp nghĩa gây hấn truyền thống của “gái mới”. Trên Phong Hóa, loạt bài “Làm thân con gái thời thượng cổ” (30-6-1932), “Một buổi nói chuyện với một người đàn bà ngoại quốc” (7-7-1932), “Học lực của phụ nữ” (18-8-1932), “Vấn đề phụ nữ” (25-8-1932)…, ngoài thăm dò phản ứng của độc giả, là cách nới rộng hình ảnh người phụ nữ nổi loạn trong các tiểu thuyết ăn khách của chính Tự lực. 

Xem học vấn là căn nguyên làm nên khác biệt, Phong Hóa số 18 (20-10-1932) cho biết: “Mới đây học vấn của chị em ngày một lan rộng ra, mạnh như thác chảy [...]. 

Trong đám phụ nữ tân thời, thảng hoặc cũng có một vài người biết học là để đem cái lẽ phải suy xét, áp dụng vào các việc ở đời, làm cho đời sung sướng hơn lên. 

Nhưng mấy người ấy khó mà tìm được người hiểu mình, biết mình. Vì bọn đàn ông bạc bẽo kia lấy vợ thường là chỉ muốn lấy một người… đầu bếp giỏi”. Bình luận dí dỏm ở đây cho thấy phụ quyền vẫn còn đè nặng hôn nhân, vai trò nam giới (người chồng) quyết định số phận người vợ. 

Do đó, không ngừng nghỉ, Tự lực sẽ dùng nhân vật nữ để trực diện tấn công vào, như Neil L.Jamieson trong chuyên khảo Understanding Vietnam (1993) nhận định, “hàng loạt các thành phần văn hóa truyền thống: tục lệ mai mối, nghi lễ (cưới xin, giỗ chạp) và những nguyên tắc (đặc biệt là chữ hiếu, đạo làm con)”. 

Trong bối cảnh chủ nghĩa cá nhân đang bắt đầu thâm nhập sâu, hình ảnh những phụ nữ nổi loạn, “tranh đấu” ngay trong phạm vi gia đình đã làm mất mặt xã hội nam quyền nhưng cũng dự báo trước những chông gai, biến cố khó lường.

Tâm điểm cải cách xã hội

Có thể nói, quá trình cải cách, canh tân xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX gắn liền, song hành với sự thay đổi cái nhìn về phụ nữ. Từ chỗ tòng thuộc nam quyền, đặt mình trong không gian chợ búa và nhà bếp, nữ giới đã dần có mặt một cách đàng hoàng trong các không gian xã hội, không gian công. 

Và nghiễm nhiên, các dự án hiện đại hóa, nhất là tư tưởng và thẩm mĩ, đều phải bắt đầu từ “gái mới”, từ chính tầng lớp vẫn bị coi là nữ nhi liễu yếu đào tơ.

Tháng 2-1934, trên Phong Hóa xuất hiện chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” và từ đây, Le Mur Nguyễn Cát Tường sẽ kiên tâm theo đuổi cuộc cách mạng y phục dành cho nữ giới, báo hiệu sự trỗi lên bất khả kìm hãm của nhu cầu làm đẹp và ý thức xây dựng hình ảnh thân thể. 

Câu chuyện quan trọng mà ngày nay được diễn đạt bằng khái niệm “công nghệ thẩm mĩ, làm đẹp” này là một phép thử đặc biệt ghê gớm đối với xã hội mà những ai chưa kịp định hình, lập tức sẽ phản ứng dữ dội. Nguyễn Bính chủ trương bảo lưu chân quê đã không thể chấp nhận “áo cài khuy bấm”. 

Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ đã dành hẳn một chương để châm biếm tiệm may  Âu hóa, nơi thỏa mãn mọi nhu cầu ăn mặc của tất cả chị em. 

Nhưng giờ đây, theo tôi, họ Vũ đã không hình dung hết sức mạnh tất yếu của cái mới, đặc biệt khi nó đồng hành với sự thay đổi cái nhìn về thẩm mĩ của nữ giới, từ quần áo chỉ để che thân đến trang phục làm đẹp thân và khoe thân, rõ ràng, là khúc ngoặt trên đà hiện đại hóa đô thị.

Đặt người nữ vào xung đột cũ - mới luôn mang một ý lớn đối với những người trẻ tuổi. Đấy là khi, trên báo chí, họ tìm cách loại dần các đối thủ già nua cả về tuổi tác lẫn tri thức, cổ vũ thoát li trật tự xã hội cũ. Nhưng bi kịch của người có học thức mới, nhất là phụ nữ, đôi khi nằm ở chỗ họ đã trở thành kẻ đáng ghét quá nhanh trước con mắt thủ cựu. 

Nhân vật Loan trong Đoạn tuyệt đã thấm thía đến chừng nào nỗi khổ của một phụ nữ tân thời có học thức khi bị bủa vây bởi đám người vô học nhưng thừa năng lực tấn công người khác bằng thứ đạo đức giả dối. 

“Cái học kia chỉ làm cho mình biết và cảm thấy rõ những nỗi đau khổ phải gặp trên đường đời” không phải là lời than oán của Loan dành cho việc mình đã đến trường mà là sự tự tri nhận tác dụng của học vấn, thứ kinh nghiệm mới mẻ giờ đây giúp nàng phân biệt được lẽ đúng sai trong mỗi hành vi, suy nghĩ và bổn phận của mình. 

Sức mạnh trí tuệ ở Loan, không gì khác, là đã phát hiện, chỉ mặt những tác nhân gây đau khổ, dù đến cùng hay nửa vời, để không rơi vào tình cảnh mê muội chấp nhận mọi phi lí, ngang trái. Đứng sau mỗi bước đi ấy, như phát hiện của Nhất Linh, chính là phương Tây, “chính người Pháp đã dạy họ những nhẽ lý mới, đã cho họ những quan niệm mới về cuộc đời”. 

Như vậy, giải quyết xung đột cũ - mới xoay quanh vị thế người phụ nữ chính là một phương sách đắc dụng để thích ứng với phương Tây hóa và dần rời xa ảnh hưởng Trung Hoa truyền thống.

“Đời cô Mai” (Nửa chừng xuân, 1933) tạo tiền lệ cho “đời cô Loan” (Đoạn tuyệt, 1936) dệt nên một trong những câu chuyện dữ dội, lạ lùng bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại: phụ nữ sẵn sàng chấm dứt những trói buộc hôn nhân môn đăng hộ đối, để tự định đoạt lấy cách hạnh phúc và giá trị của mình. 

Cả Mai, Loan, khác Tố Tâm (1925), đều không tự vẫn khi rơi vào bi kịch. Điều này cho thấy, vào giữa thập niên 1930, nữ giới đã có thể tìm thấy cơ hội khẳng định cách sống mà mình cho là xứng đáng. 

Chấp nhận trạng thái “nửa chừng xuân” (mà nói theo ngôn ngữ hiện nay là làm “mẹ đơn thân”!) để tiếp tục sống cảnh tự do, tự trọng và tự lập, Mai là một hình mẫu lí tưởng để những người trẻ đương thời nhận diện và vươn tới. Dĩ nhiên, nó quá khó, thậm chí quá sức thực hiện cho đến tận hôm nay dù tinh thần nữ quyền nơi đâu cũng thống thiết đề cao.

Mai Anh Tuấn
.
.