Tri kỷ tri âm

Chủ Nhật, 23/09/2018, 11:41
Có bạn tri kỷ, tri âm 
Là người hạnh phúc trăm năm cõi đời


Câu thơ của ai vậy? Của hắn ta, chứ còn ai “trồng khoai trên đất này”. Vừa nhận qua email. Bạn bè chơi với nhau tròm trèm đã 30 năm rồi còn gì? Tri kỷ, tri âm là gì? Giải thích ra làm sao? 

Chỉ biết rằng, đó là khi nhìn về các khiếm khuyết nhất thời của bạn; hoặc với lý do gì đó, bạn đang bị lời ong tiếng ve, người ấy cứ nhẹ tênh như không, vẫn nhìn nhận về bạn như trước đó.

Cứ nghĩ mà thương

Anh chàng nọ, có lúc đàn đúm, nhậu nhẹt, đã say sỉn lại còn kéo bồ tèo chiến hữu kéo bè về nhà nhậu tiếp. Cả lũ hũ chìm ngất ngưởng. Rồi nôn thốc, nôn tháo đầy nhà, cho “chó ăn chè” đầy sân. Rồi nằm la liệt như các chiến binh bỏ mạng nơi sa trường. 

Lúc tỉnh dậy, bọn họ sẽ xắn tay áo lên mà dọn dẹp chăng? Không. Chúng lại kéo nhau đi hát karaoke. Cứ xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Thời gian trôi qua, chẳng mấy chốc tối mịt, anh chàng nọ lếch thếch quay trở về nhà.

Lạ thay, cửa nhà đã ngăn nắp, sạch sẽ, tinh tươm. Ai đã ra tay ngoạn mục thế kia? Mẹ của anh chàng nọ đấy. Biết chuyện, nhiều người cằn nhằn, góp ý: “Cụ chiều con quá. Nó ỷ lại đâm hư”. 

Nào ngờ, bà cụ chỉ cười. Tại sao có sự độ lượng ấy? Vì rằng, chính người mẹ biết con mình chưa bao giờ như thế, nay lại thế ắt có cơn cớ gì đây. Trước mắt, chấp nhận chứ không nghĩ khác về con như đã nghĩ.

Một hai người bạn của y cũng có tâm thế tựa như thế. Lần nọ, do cao hứng quá, y có cử chỉ thế này, thể hiện thế kia. Sau mọi việc, nghĩ lại cảm thấy áy náy, bèn hỏi ý kiến bạn bè. Có người phê bình, có kẻ quăng ngay “cục lơ”. Riêng hắn ta, cứ cười to như không: “Đó mới là tính cách của bạn mình”. Xong, không bàn gì về chuyện đó nữa.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Lại có những người bạn, khi gặp chuyện, hỏi ý kiến của họ thì câu chuyện ấy lại trở nên trầm trọng lắm lắm. Riêng cậu bạn nhỏ của y lại khác. Lúc nào hắn cũng cười: “Chuyện vặt. Anh để ý làm gì?”. 

Ngay cả việc chăm con thế nào, đang lo sốt vó, hắn quả quyết: “Dễ ẹt. Rồi anh khắc biết. Tắm cho con trẻ cứ như trong vòng tay anh đang ôm lấy cái bình thủy, chứ có gì khó”. 

Rồi hắn ta đứng dậy ngay trong quán phở làm động tác này, động tác kia, do đó, sự âu lo trong lòng y vơi dần đi và tự tin hơn. Mỗi lần nhớ lại, y cứ tủm tỉm cười, tin cậy và lại nhớ câu thơ hắn ta đã tặng: “Phong trần nhưng vẫn mặc quần/ Thư sinh dẫu đã cởi trần từ lâu”.     

Thế đấy. Tri âm tri kỷ chính là người đã biết rõ tính cách, tính nết, tâm tính của bạn. Biết từ sâu thẳm lòng mình. Chỉ nói ra khi cần thiết, bằng không, im lặng. 

Khi gặp chuyện cần hỏi han, người ấy lại tiếp thêm sự lạc quan, không gieo bi quan để trầm trọng câu chuyện. Nói cách khác, tri âm tri kỷ là cùng tiếp cho nhau năng lượng để mỗi ngày vui sống. 

Thậm chí, thích một quyển sách, một bộ phim, tranh vẽ, món đồ cổ… mà mình đang đọc, đang xem, đang gìn giữ, nghĩ cho cùng cũng là một cách tri âm, tri kỷ với tác giả/ chủ nhân đã từng sáng tạo/ sở hữu. Đời sống bao giờ cũng có nhiều biến động, thay đổi nhưng từ trong sâu thẳm lòng người, từ ngóc ngách sự việc vẫn có những chi tiết, dù nhỏ nhoi nhất khiến ta ấm lòng.

Nhìn xa hơn một chút, ngay cả người đã chết hàng trăm năm trước vẫn có tri âm, tri kỷ đang sống trên cõi trần.

Chí sĩ Phan Châu Trinh.

Lại chuyện ngày xưa

Mới đây, trang thông tin điện tử của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I vừa công bố Châu bản triều Nguyễn về lễ tế đàn âm hồn tại Huế, do vua Thành Thái “châu phê”. Sự kiện này thế nào? 

Khi dịch văn bản này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thu Hoài giải thích: “Đêm ngày mồng 4-7-1885 tức đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23-5 năm Ất Dậu, lợi dụng việc Khâm sứ Trung kỳ Champeaux mở tiệc nghênh tiếp Toàn quyền De Courcy đến thăm Huế, Tôn Thất Thuyết, một trong số các quan đứng đầu phe chủ chiến của triều đình nước Nam đã ra lệnh tấn công Tòa Khâm sứ Pháp… 

Trong trận chiến hỗn loạn đó nhiều quan lại, binh lính và dân thường tại Huế đã bị giết hại. Ngày đó trở thành một trong những ngày đẫm máu và đau thương nhất trong lịch sử xứ Huế. Chín năm sau ngày Kinh đô Huế thất thủ, năm 1894, vua Thành Thái đã cho lập một đàn tế Âm Hồn để thờ cúng vong linh những người đã tử nạn trong sự kiện lịch sử đó”.

Văn bản này, ngoài liệt kê các phẩm vật, còn có câu: “Hỡi hỡi chư linh, chẳng thể không xót xa, hoặc theo phò vua, hoặc vì nước mà phong trần, bỗng động binh lửa, mà thành thây ma, tụ thành hồn phách, đất trời sầu thảm, cỏ cây xót thương. Lời niệm lòng thành, cập đến tâm can, thê lương bù đắp, ân điển lớn lao, chút nào đắc dụng, ngầm mong an ủi, xin về thượng hưởng”. 

Tưởng niệm sự kiện này, hiện nay ngày 23-5 âm lịch hằng năm tại Huế gọi “Ngày quẩy cơm chung”. Há chẳng phải là ngày của những người tri âm, tri kỷ cùng gặp gỡ đó sao? 

Trên dương thế, vẫn còn có người thương xót, mủi lòng, đồng cảm với số phận đã khuất, đã bỏ mình trong một sự kiện vì nghĩa lớn. Nhìn nhận từ góc độ này, ắt sẽ thấy mối liên kết bất biến, bất di bất dịch của con dân sinh ra trong cùng một bọc, có chung tên gọi là “đồng bào”.

Tri âm, tri kỷ còn đáng quý ở chỗ, do cùng chí hướng, cùng mục đích mà họ gắn kết thực hiện chung một chủ trương nào đó. Nghĩ đến điều này, khâm phục nhất đối với y vẫn là các nhà nho cấp tiến đã khởi xướng phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. 

Khi đánh thức tinh thần quốc dân về lợi ích của việc buôn bán nói chung, trước hết là phải cổ động, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng về ý thức “dân giàu nước mạnh”. Không chỉ đổi mới trong tư duy, các cụ còn xắn tay thực hiện “những việc cần làm ngay” để quốc dân noi gương.

Từ năm 1904 tại Bình Thuận, các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trọng Lợi, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi... thành lập Công ty thương mại Liên Thành. Chỉ riêng việc lập công ty này, ta đủ thấy các cụ “chịu chơi” như thế nào. 

Ai đời các bậc uyên thâm Nho học, thi đậu, có tên chói ngời trên bảng vàng nhưng không thèm ra làm quan “ăn trên ngồi trốc” mà lại rủ nhau đi kinh doanh!

Chẳng hạn, cụ Huỳnh Thúc Kháng lập Thương hội công ty, trụ sở đóng tại gần chùa Cầu Hội An; cũng tại Quảng Nam, cụ Phan Thúc Duyện lập Hợp thương Phong Thử, cụ Trần Quý Cáp lập Nông hội ở phủ Điện Bàn v.v....; tại Nghệ An, cụ Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn lập Triêu Dương thương quán... 

Ngoài Bắc, cụ Đỗ Chân Thiết, Phương Sơn buôn gạo từ Thái Bình, Hải Dương về Hà Nội, mở hiệu buôn Đồng Lợi Tế (nghĩa là hội họp nhau cùng sinh lợi) tại phố Mã Mây chuyên bán đồ nội hóa; cụ Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Quyền mở Công ty Đông Thành Xương bán hàng tạp hóa ở phố Hàng Gai; cụ Tùng Hương lên Phúc Yên mở hiệu buôn Phúc Lợi Tế; cụ Nguyễn Trác mở hiệu buôn Sơn Thọ ở Việt Trì v.v... 

Trong Nam, cụ Nguyễn An Khương mở khách sạn Chiêu Nam lầu; cụ Trần Chánh Chiếu lập Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho, lập Nam kỳ Minh tân Công nghệ theo phương thức cổ đông v.v...

Tri âm tri kỷ là cùng tiếp cho nhau năng lượng để mỗi ngày vui sống.

Nhưng buổi ban đầu, muốn thực hiện chủ trương này không phải dễ. Trong quyển Đông kinh nghĩa thục, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có kể lại chuyện thú vị xảy ra ngoài Bắc vào đầu thế kỷ XX, khi nhà nho Đỗ Chân Thiết và Phương Sơn rủ nhau đi buôn. Hai cụ mướn thuyền về Hải Dương, Thái Bình mua gạo chở lên Hà Nội bán. 

Dù đi buôn nhưng hai cụ vẫn giữ vẻ quan cách đĩnh đạc, vẫn áo xuyến, khăn lượt chỉnh tề! Thuyền đậu ở bến cột Đồng hồ Hà Nội, có mấy o xinh đẹp xuống hỏi mua. Nhưng khi nhìn thấy trong khoang thuyền nào là tráp khảm, sách vở mấy pho, treo vài câu đối đỏ lại vang rền tiếng ngâm thơ nên tưởng là các nhà nho đùa, mấy o liền ù té chạy. Hai cụ gọi hết hơi nhưng cũng chẳng ai tin!

Họ chẳng tin vì lâu nay hình ảnh nhà nho trong mắt họ và trong suy nghĩ của họ: “Cái tên nhà nho không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh hiền trong Nho giáo; lại là chỉ một giai cấp trong xã hội, tức là hạng thượng lưu trí thức trong nước. 

Vì xưa kia ngoài Nho học không có cái học nào khác nữa, nên phàm người đi học là học đạo Nho hết cả. Đạo Nho có địa vị độc tôn, nên hầu như thành một tôn giáo; mà thực ra cũng chính là quốc giáo của nước Nam từ xưa đến giờ. 

Những người phụng sự quốc giáo đó, tức là nhà Nho. Vậy thì nhà Nho là kẻ có học hành, biết chữ nghĩa; nhà Nho là bậc thức giả xã hội trong nước; nhà Nho là tín đồ của tôn giáo họ Khổng. 

Về đường xã hội, về đường chính trị, về đường tri thức, tinh thần đều có một địa vị đặc biệt, đối với một chức vụ đặc biệt. Chức vụ này cao quý, có thể gọi là một thiên chức được, vì là chức vụ hướng đạo cho quốc dân, làm tiêu biểu cho cả nước” (Phạm Quỳnh - Tạp chí Nam Phong số 172, tháng 5-1932).

Thế thì, làm sao họ có thể chia sẻ được hình ảnh nhà nho trở thành “con buôn”, “tư thương” được chứ?

Tất nhiên, thay đổi tận gốc rễ một quan niệm cũ, xây dựng một ý thức không phải là việc làm của ngày một ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài. Ngoài yếu tố khách quan, y còn muốn nhấn mạnh đến cái tình tri âm, tri kỷ của nhau. 

Bởi vì rằng, nền tảng cho việc khởi xướng ấy trước hết xuất phát từ mục tiêu chung, từ chỗ “hợp gu”, “hợp cạ” với nhau. Phải tri âm, tri kỷ như ruột thịt thì các lãnh tụ phong trào Duy Tân mới có thể đồng tâm hiệp lực.

Sức mạnh là ở đó. Một tinh thần của điển tích Lưu Bình - Dương Lễ, chứ nào phải bị ràng buộc vì các quy định hiểu theo văn bản hành chính. Ấy còn chính là khí phách, bản lĩnh, phẩm chất của kẻ sĩ nước Việt đầu thế kỷ XX.

Đã tri âm, tri kỷ thì mới thật sự gắn bó lâu bền, vượt lên trên mọi quan hệ nhất thời “Có qua có lại mới toại lòng nhau”, “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”.

Trước đây, y đã viết loạt bài về tình bạn trong văn chương - nhằm chứng minh rằng, trong văn học Việt Nam xưa nay đã có những đôi bạn tri âm, tri kỷ. Họ chia sẻ buồn vui từ cuộc sống đến tác động lẫn nhau trong sáng tác văn chương, sáng tạo nghệ thuật. Giá trị của tình bạn ấy là chỗ dựa tin cậy trên đường đời của họ mà qua đó, bạn đọc còn được thưởng thức những áng thơ văn có giá trị hoặc cùng thực hiện chung hoài bão nào đó. 

Có thể kể đến Phan Châu Trinh - Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ, Ngô Tất Tố - Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh - Khái Hưng, Đông Hồ - Mộng Tuyết, Xuân Diệu - Huy Cận, Nam Cao - Tô Hoài, Sơn Nam - Kiên Giang…

Có chi tiết cảm động ít người biết đến, về trường hợp cụ Phan Bội Châu bị đưa ra Hội đồng đề hình ngày 23-11-1925 tại Hà Nội. Lúc quan tòa đang luận tội, từ phía xa, vượt qua hàng rào nhân viên an ninh lẫn khán giả đang ngồi chật ních xem xử án, có người đã chạy vụt lên phía trước. Lính canh giữ chặt lại, người này chìa ra lá thư xin nhờ chuyển lên viên chánh thẩm. 

Lá thư ấy, nội dung viết gì? Là xin nhận tội chết thay cho cụ Phan. Người đó là ông Tú Khắc, tức Tú tài Nguyễn Khắc Doanh, người huyện Nam Trực (Ninh Định). Dù mới lần đầu biết mặt, chưa hề “gặp gỡ bắt tay cười to một tiếng cho thoả” nhưng há chẳng phải tri âm, tri kỷ của nhau đó sao?

Lê Minh Quốc
.
.