Lẩn mẩn sách xưa

Thứ Ba, 28/01/2020, 11:23
Năm 2019 vừa trôi qua với muôn vàn những câu chuyện trong đời sống văn hóa của đất nước, của dân tộc. Trong đó, những chuyện liên quan đến sách luôn là một phần thú vị, không thể thiếu khi nhìn lại đời sống văn hóa một năm qua. Trong số đó, đặc biệt thú vị là những gì liên quan tới sách xưa...


Một sự xuất hiện kinh dị...

Năm cũ vừa qua, làng sách xưa có gì hay để kể?

Muôn thuở vẫn là chuyện mua hàng. Tất nhiên, đối với dân chơi sách xưa, “hàng” ở đây có nghĩa là những cuốn sách quý hiếm mà dân chơi sách cũ mặc định đặt cho tên gọi là hàng “hiểm” hay hàng “độc”. Mà hàng “hiểm”, hàng “độc” thì cũng loanh quanh mấy món tiền chiến, sách trước 1975, các ấn bản đặc biệt có thủ bút, chữ ký tác giả...

Trong năm 2019, vào TP Hồ Chí Minh, thị trường lớn nhất của dân chơi sách xưa, đi đâu, gặp ai trong giới buôn bán sách cũ, trẻ hay già, lâu năm hay mới bước vào nghề đều chung một câu than như bọng: “Hết hàng rồi, chẳng có gì!”.

Ngoài Hà Nội thì khỏi nói làm gì, lâu nay đã gần như “tuyệt chủng” các loại sách quý hiếm. Lâu lâu có một ai đó tung ra một cuốn tầm trung đã bị dân chơi đổ xô vào tranh giành, quá như vàng mười.

Vậy mà trong năm 2019, vẫn có một sự kiện kinh dị “long trời lở đất” trong chốn sách xưa: xuất hiện bản Số đỏ, tác giả Vũ Trọng Phụng, do nhà in Nam Cường xuất bản năm 1938.  

Không phải “độc” nữa mà là “cực độc”. Bởi lâu nay sách của ông Phụng vốn đã được giới chơi sách xưa săn lùng ráo riết, hầu hết các tác phẩm của Vũ quân đều đã hiện diện trên kệ hay cất kỹ trong tủ của các tay chơi sách.

Ấn bản “Số đỏ” 1938 và Ấn bản “Bố già” đặc biệt của Đông A.

Nhưng chỉ riêng có Số đỏ 1938 là bấy lâu vẫn bị coi như tuyệt bản. Những ấn phẩm trước đó từng bị xếp vào hàng “mất tích vĩnh viễn” như Cai của Vũ Bằng do nhà Tân Dân xuất bản năm 1944, rồi cũng xuất hiện trong bộ sưu tập của một tay chơi sách ở TP Hồ Chí Minh.

Giới chơi sách xưa cả nước mặc định chỉ còn hai ấn phẩm là “chưa ai nhìn thấy bao giờ”: tiểu thuyết Số đỏ năm 1938 và tập thơ Gái quê của Hàn Mặc Tử cũng do nhà Tân Dân xuất bản năm 1936. 

Tháng 8-2019, Số đỏ bản in năm 1938 xuất hiện trên tay của một tay chơi sách amateur trong một bức ảnh được post lên facebook. Mặc dù được đề chú thích theo trend là “để đây và không nói gì!” nhưng bức ảnh đã gây một chấn rung không hề nhẹ trong giới chơi sách xưa. Bức ảnh này được chụp tại quán phở Dậu trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một quán phở ngon có tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Dân chơi đùa rằng sau này giới chơi sách xưa phải dựng một bức phù điêu cuốn Số đỏ ở lối ra quán phở Dậu để kỷ niệm sự kiện này.

Tay chơi amateur trong bức ảnh nọ dĩ nhiên không phải là chủ của cuốn Số đỏ 1938. Người chủ thực sự của cuốn sách khiêm nhường không muốn ra mặt nên tay chơi amateur nọ làm mannequin để thông báo với giới chơi sách xưa rằng giờ đây, thêm một ấn bản cực quý hiếm đã thoát khỏi tình trạng tuyệt bản. 

Đường đi nước bước để cuốn Số đỏ nọ về tay người chủ mới vẫn là điều bí ẩn bởi người chủ mới không có nhu cầu kể lại. Và cũng như trong các hợp đồng với các siêu sao bóng đá thế giới, khi điều khoản giá trị chuyển nhượng luôn được giữ bí mật, không một ai biết được chính xác giá mua của cuốn Số đỏ 1938 này là bao nhiêu.

Nhưng một trong những đặc điểm phổ biến nhất trong giới chơi sách xưa là luôn tồn tại những tin đồn! Thế nên đã xuất hiện những đồn đoán về giá mua của cuốn Số đỏ 1938, theo đó có người cả quyết rằng nó có giá hơn cả một căn nhà xây cho người gặp hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao biên giới, ở thời điểm cuối năm 2019 là khoảng 200 triệu VNĐ. Nếu so với bên chơi đồ cổ gốm sứ hay tranh pháo, cây cảnh, giá cả như thế hầu như chẳng nhằm nhò gì, nhưng với dân chơi sách xưa, cũng là ghê!

Dẫu sao đó cũng chỉ là tin đồn thổi, tin hay không thì tùy!

Ngay sau khi về tay chủ mới, cuốn Số đỏ 1938 đã được người chủ mới hào phóng cho Công ty cổ phần văn hóa Đông A sử dụng trong một dự án xuất bản của công ty này.

Một buổi chiều đông cuối năm 2019, một cảnh tượng hy hữu diễn ra tại nhà sách Cá Chép của Công ty Đông A tại Hà Nội: trong khi một thành viên cao cấp của Đông A cắm cúi chụp lại từng trang của báu vật xuất bản một thời thì ông chủ mới của cuốn sách ngồi cách đó 2 thước rưỡi, chăm chú nhìn không rời mắt. Trong giới chơi sách cổ trên thế giới, chỉ một trang của cuốn Kinh thánh cổ xưa Gutenberg đã có giá trị cực kỳ. Số đỏ 1938 không phải là Kinh thánh Gutenberg, nhưng dù sao cẩn thận vẫn hơn!

Dự án này của Đông A sẽ hoàn thành trong năm 2020 và như vậy, một báu vật của giới chơi sách xưa sẽ có điều kiện đến với rộng rãi cộng đồng.

Mức đấu giá không tưởng

Chuyện đấu giá sách hiếm, sách đẹp giờ không phải là hiếm trong giới chơi sách xưa nước ta. Còn nhớ cách đây quãng chừng chục năm, khi diễn đàn sachxua.net tổ chức bán đấu giá sách trên mạng, sách bán được vài triệu đồng đã là kinh khủng lắm rồi.

Bây giờ thì những cuốn sách xưa, những trang thủ bút giá vài chục triệu đồng đã là thực tế bình thường. Những giá trị xưa cũ trong ngành xuất bản ngày càng được đánh giá cao. Trong năm 2019 vừa qua, đã có những giao dịch ngầm trên thị trường sách xưa trị giá hàng trăm triệu đồng cho một lô sách hay tài liệu xưa. Thậm chí đã có hai giao dịch kiểu “bán cả tủ” trị giá từ tròm trèm 1 tỷ đồng tới hơn 3,5 tỷ đồng, một ở Hà Nội, một ở TP Hồ Chí Minh, được hoàn thành.

Trong năm 2019, hoạt động đấu giá sách thì khiêm nhường hơn về giá trị nhưng lại nổi trội hơn về mặt truyền thông. Trong đó sự kiện đấu giá sách thiện nguyện lấy tiền ủng hộ một quỹ nghiên cứu của Đại học Hoa Sen do Quán sách Mùa Thu phối hợp với một số cơ quan khác tổ chức ở đường sách Nguyễn Văn Bình, TP Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm 2019 đã có tiếng vang lớn.

Ở cuộc đấu giá này, Thú chơi sách của học giả Vương Hồng Sển do nhà Tự do xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1961 đã được đem ra đấu giá. Mặc dù là một cuốn cẩm nang mà bất cứ dân chơi sách nào cũng muốn cần phải đọc qua, thế nhưng trong suốt gần 60 năm qua, ngoại trừ những bản in lậu, cuốn sách này được xuất bản đúng 2 lần, lần đầu năm 1961 và lần sau, năm 1994, lại do nhà xuất bản Mỹ thuật thực hiện.

Trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người, cuốn sách đã được “gõ búa” với giá chót tới 35 triệu đồng. Ở thời điểm đấu giá, cuốn Thú chơi sách này được giao dịch trên thị trường với giá chỉ từ 5 triệu đến 9 triệu đồng, tùy theo chất lượng xấu đẹp.

Kinh dị hơn là ba cuốn thơ của Vũ Hoàng Chương, Mây (1960), Hoa Đăng (1959) và Trời Một Phương (1961) đóng chung thành một cuốn, có chữ ký của Vũ Hoàng Chương tặng một nhà triết học thời kỳ trước năm 1975, tại cuộc đấu giá này đã bán được cho một nữ nhân có vẻ mặt lạnh lùng với giá 50 triệu đồng!

Ấy là chưa kể vì lo ngại rủi ro, những người tổ chức đấu giá đã không chấp nhận lệnh đặt giá qua điện thoại của một nữ nhân khác từ Hà Nội vốn nổi tiếng trong thị trường mua bán tranh thông qua một nữ nhân có mặt ở cuộc đấu giá, chứ nếu không giá đấu sẽ còn cao ở mức không tưởng. Thời điểm diễn ra đấu giá, mỗi cuốn thơ này có giá trên thị trường sách xưa chỉ vào khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng.

Lẽ dĩ nhiên ai cũng biết rằng giá gõ búa ở những cuộc đấu giá thiện nguyện không mang tính sát thực, nhưng với mức giá hoàn thành như thế, chứng tỏ văn chương có giá thật rồi! Bằng chứng là sau cuộc đấu giá này, giá sách xưa ào ào tăng hơn rocket một giờ với lý lẽ được các ông bán sách đưa ra là giá đấu đã vậy thì ngoài thị trường ít ra cũng phải được một nửa! Chỉ có dân chơi sách là khóc thét lên sau những phiên đấu giá như thế! 

Âm hưởng sách xưa

Trong năm 2019, cũng có một hiện tượng nổi bật của sách mới nhưng liên quan mật thiết đến sách xưa! Ấy là loạt bán sách S100 qua mạng của Công ty cổ phần văn hóa Đông A. S100 là “mật danh” chỉ những cuốn sách bản giới hạn, được Đông A đầu tư xuất bản chỉ đúng 100 cuốn không hơn, theo đúng nghĩa là “bản đặc biệt” mà hầu hết các nhà xuất bản hồi xưa đã từng làm.

Giấy nhập riêng loại đặc biệt, sơn nhũ vàng óng viền quanh mép sách, bìa đóng bằng da cừu có khắc chìm chữ..., mỗi cuốn ngoài giá trị thông thường của sách còn là một tác phẩm nghệ thuật. Có những cuốn như bản Bố già đặc biệt 2019 của Đông A được bạn đọc yêu sách tôn là “Rolls-Royce trong thế giới sách”!

Nhưng oái oăm là Đông A tổ chức bán những bản đặc biệt này trực tuyến qua mạng, ai đặt trước mua trước. Vậy là đã xảy ra một làn sóng đặt và săn lùng bản sách đặc biệt của Đông A. Nhiều bản sách đặc biệt của Đông A được đặt mua hết tất cả 100 cuốn chỉ trong vòng hơn 1 phút!

Những người mắt mờ tay run, trình công nghệ yếu kém đành chịu thua. Và đương nhiên, khi cung không đủ cầu thì dẫn tới hiện tượng đầu cơ, tuy lẻ tẻ nhưng có thật! Một tác phẩm văn học kinh điển, sách mới ra lò ngay trong năm 2019, dẫu có là Anh em nhà Karamazov của Dos đi chăng nữa mà được rao bán trên thị trường với giá 6 triệu đồng thì đúng là văn học có giá thật rồi!

Cũng mới mà cũ là dạng sách Tết, mới được phục hồi trong vòng hai năm trở lại đây. Sách xem Tết không phải là điều mới mẻ gì. Ngoài các giai phẩm báo Tết, Các cụ ngày xưa đã từng ra loại sách xem (trong dịp) Tết từ hồi cuối những năm 1920 của thế kỷ trước, xuất bản lai rai đến tận cuối những năm 1950 mới ngừng.

Nay, từ ý kiến của một bạn đọc vô danh nào đó trên facebook, một công ty văn hóa đã chớp thời cơ tung ra loại sách Tết từ năm ngoái, do một nhà văn có uy tín tuyển chọn bài vở, bán đắt như tôm tươi. Đến năm nay thì thôi rồi, đủ các loại sách Tết được các nhà làm sách đua nhau cho ra lò. Kèm theo sách còn có hộp, rồi lịch sơn mài con giáp treo tường..., biến sách thành một món quà Tết nhiều giá trị.

Việc phục hồi xuất bản sách Tết là một minh chứng rõ ràng cho thấy sách xưa không chỉ tồn tại dưới dạng những ấn bản giấy dó cũ kỹ. Nó cho thấy một khi nhìn ra được những giá trị xưa cũ và biết cách phục hồi, sách xưa vẫn sẽ sống tiếp cuộc đời của chúng, dưới những dạng thức mới, văn minh, đẹp đẽ hơn.

Nguyễn Bách
.
.