Củi tươi cũng cháy

Thứ Năm, 10/08/2017, 15:08
Làm rõ, xử nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực, những kẻ sống sa đọa, vơ vét của dân cũng giống như ta gỡ bỏ ung nhọt, dẫu biết phải chịu đau và áp lực song để có cơ thể khỏe mạnh, đó là việc tất yếu phải làm.

“Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên họp thứ 12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

“Củi tươi cũng cháy” là cách dùng từ ngữ của Tổng Bí thư để người dân dễ hình dung về cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, như Tổng Bí thư giải thích “củi khô, củi vừa vừa cháy trước”, đến khi “cả lò nóng lên” thì “củi tươi cũng cháy”, không thể thoát khỏi xu thế chung. 

Dẫn chứng sinh động hình ảnh “cả lò nóng lên” chính là việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, điều tra, xử lý những vụ việc kinh tế, tham nhũng nổi cộm. 

Trong đó, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank. 

Theo điều tra, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Đối với vụ bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc và thông báo công khai kết quả kiểm tra.

Theo kết luận, bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế”. 

Thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, TP HCM với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận; không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản... 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa.

Trong khi đó, vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) khiến dư luận lo ngại khi bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn suốt gần một năm qua. Vụ án được tháo gỡ điểm nút khi ngày 31-7-2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Trong đơn xin đầu thú, Trịnh Xuân Thanh viết: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh bấp bênh, luôn lo sợ. 

Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật”.

Những diễn tiến nêu trên cho thấy, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang diễn tiến nóng bỏng với chiều hướng tích cực, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước kiên quyết, kiên trì “khui lộ” và xử lý các hành vi tham nhũng, suy thoái, trước hết từ những vụ án điểm. Đánh giá về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. 

“Tôi cảm thấy kinh nghiệm đầu tiên là 6 tháng đầu năm nay tiếp tục đà của năm 2016 sau Đại hội. Đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản” - Tổng Bí thư đánh giá. 

Theo Tổng Bí thư, sắp tới, công tác đấu tranh PCTN phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào. Kinh nghiệm là rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng việc, hết việc này dẫn sang việc khác, làm việc trước tạo tiền đề cho việc sau, không cùng một lúc ham quá nhiều việc để bày ra nhiều quá không làm được. 

Và một điều quan trọng nữa là huy động sức mạnh toàn dân của cả hệ thống chính trị, nhân dân đồng tình, báo chí vào cuộc, trở thành phong trào, thành xu thế của xã hội. 

Tổng Bí thư dẫn câu nói của Lênin: “Tính công khai là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương” để khẳng định vai trò của báo chí, truyền thông trong chống tham nhũng, đồng thời lưu ý báo chí cần thông tin đúng, chuẩn xác, đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, không xây dựng.

Trong cuộc đấu tranh này, để “lò nóng lên” và “củi tươi cũng cháy”, điểm mấu chốt là truy bắt, vận động đầu thú những bị can giữ vai trò cầm đầu hay mắt xích quan trọng trong vụ án. Trước khi bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, trong một số vụ án trước đây cũng đã xảy ra điều tương tự như vụ Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt. 

Trở lại vụ án Dương Chí Dũng, đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài với sự tổ chức chặt chẽ của ê-kíp cán bộ. Khi trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 14-6-2012, nghĩa là sau gần 1 tháng bị can Dũng bỏ trốn, Đại tướng Trần Đại Quang (khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an) khẳng định quyết tâm truy bắt đối tượng, đồng thời cho biết đang chỉ đạo làm rõ việc có hay không lộ, lọt thông tin. 

Chia sẻ về điều này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thời điểm đó, dư luận luôn đặt câu hỏi xung quanh việc Dương Chí Dũng bỏ trốn với những ý kiến ngờ vực, liệu có ai đó bảo kê, bật đèn xanh? Mọi lời giải thích sẽ là thừa, chỉ có việc bắt Dương Chí Dũng mới giải tỏa được hoài nghi trong dư luận. Vì vậy, lời hứa quyết tâm truy bắt của đồng chí Trần Đại Quang đã tạo niềm tin và kết quả, Dương Chí Dũng sau đó đã sa lưới.

Việc bắt giữ Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng Phòng kinh doanh Công ty TNHH 1 thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines) cũng là một chiến công xuất sắc, thể hiện sự quyết tâm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Cùng việc bắt giữ Giang Kim Đạt, CQĐT truy thu khối tài sản hơn 18 triệu đô la - một con số rất đáng khích lệ trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Lần này, trong suốt thời gian bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, dư luận đặt ra những hoài nghi. Để xử lý vụ án đến nơi đến chốn, trong nhiều cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng như tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc bắt giữ bị can để điều tra, xử lý. 

“Đảng rất quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Đây là cuộc chiến đấu cam go, nhưng không thể không làm” - Tổng Bí thư nhấn mạnh. 

Nói về cuộc đấu tranh chống tham nhũng và truy bắt bị can bỏ trốn, ngày 4-10-2016, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, 3, 4 (TP HCM), Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, việc đưa các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng truy tố ra pháp luật là công việc hết sức gian nan cần sự phối hợp, quyết tâm của nhiều cơ quan. 

Liên quan việc bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Chủ tịch nước khẳng định: “Chúng ta kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc này. Tôi nghĩ rằng dù có lẩn trốn đi đâu chăng nữa thì sớm muộn đối tượng tham nhũng, vi phạm cũng bị đưa ra ánh sáng và bị đưa ra truy tố trước pháp luật. Trước đây có một số đối tượng trốn tới 5-6 năm nhưng vẫn không thể thoát được. Cơ quan điều tra cũng bắt được và đưa ra truy tố, xét xử, ví dự như vụ Dương Chí Dũng. Nói điều này, tôi muốn nói dù anh có trốn 5-7 năm vẫn không thoát khỏi pháp luật”.

Không ai thích thú gì khi xử lý cán bộ nhưng đây là công việc phải làm, vì sự nghiêm minh của luật pháp và vì sự tồn vong của chế độ. Chỉ đạo của Tổng Bí thư, của Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đem lại kết quả và niềm tin cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, đánh trúng vào những bức xúc của đời sống chính trị, xã hội, vào tâm lý mà người dân đang ngóng chờ, mong mỏi. 

Làm rõ, xử nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực, những kẻ sống sa đọa, vơ vét của dân cũng giống như ta gỡ bỏ ung nhọt, dẫu biết phải chịu đau và áp lực song để có cơ thể khỏe mạnh, đó là việc tất yếu phải làm.

An Nhi
.
.