Chuyến bay đêm từ Trường Sa và 18h30' cấp cứu thót tim người

Thứ Hai, 11/06/2018, 14:29
Các phương tiện truyền thông đã đưa tin về ca cấp cứu hàng không đặc biệt cứu sống một bênh nhân nhồi máu cơ tim cấp trên quần đảo Trường Sa, tại Bệnh viện Quân y 175. 

Đằng sau chiến dịch kéo dài 18h30 nổi tiếng ấy là những câu chuyện, những con người, những kỷ niệm, những suy tư, cảm xúc đáng để chúng ta suy ngẫm, trong bộn bề những vấn đề của ngành y hôm nay.

Câu chuyện bắt đầu từ ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Những ngọn đèn biển làm nhiệm vụ thắp sáng và chỉ đường, chứng minh và bảo vệ sự hiện hữu, tạo niềm tin và hy vọng cho những miền khơi ra, bền bỉ và can trường cùng sóng gió. Những ngọn hải đăng thực sự là những người lính hiên ngang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.

Quần đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng, trong đó có 3 ngọn xây trên những đảo chìm. Khi nước cạn (cỡ 0,2 - 0,3m) thì còn đá lô nhô, chứ khi nước lên (từ 0,5m) thì chỉ còn 4 chân trụ cõng trạm đèn nhô lên trên mặt nước. Mọi hoạt động chuyên môn, sinh hoạt được tổ chức trên 2 sàn, mỗi sàn có diện tích chừng 30 mét vuông, sau cơi nới thêm sàn thứ ba để tăng gia sản xuất.

Đá Lát là một đảo chìm như vậy. Hải đăng Đá Lát có vị trí khá đặc biệt trong hệ thống hải đăng ở Trường Sa, vì đảo Đá Lát nằm ở vị trí cực Tây của cả khu vực. Ngọn hải đăng này cũng là ngọn hải đăng cao nhất Trường Sa: tính từ mực nước số 0 tới tâm đèn là 37m, tới đỉnh tháp là 42m.

Đèn chiếu ở Đá Lát là loại đèn chớp đơn có 3 tia, chu kỳ 15 giây, và hiệu lực ánh sáng có tầm 15 hải lý. Câu chuyện của chúng ta là câu chuyện xảy ra trên ngọn hải đăng Đá Lát.

1 trong 4 công nhân kỹ thuật đang làm việc trên Đá Lát là anh Nguyễn Công Chính, sinh năm 1975, thuộc biên chế của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. 

Sinh ra ở Thái Bình, năm 1994 (cũng chính là năm khánh thành hải đăng Đá Lát), anh Chính chuyển vào sinh sống ở Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo công nhân kỹ thuật 18 tháng, anh chính thức trở thành cán bộ phục vụ an toàn hàng hải. 

Hoàn thành nghĩa vụ 9 tháng ở đảo Sơn Ca, Nguyễn Công Chính bắt đầu công tác ở hải đăng Đá Lát từ hơn 2 tháng trở lại đây. Đây là một trong những nhân vật chính và là nhân vật mở đầu của câu chuyện này.

Biên bản của một “chiến dịch”

Anh Chính kể lại: "Tôi cảm thấy đau vùng ngực có đến 3 ngày. Lúc đầu là đau nhẹ, đau rồi thôi, rồi lại đau. Từ ngày thứ ba, cơn đau ngực trở thành khủng khiếp. Đau không nằm, không ngồi được". 

Không còn biết làm thế nào. Chung quanh là mênh mông biển nước. "Tôi nghĩ, chỉ có một đường sống duy nhất là về với anh em bộ đội". Nghĩa là về đảo Trường Sa Lớn. Nhưng đấy lại là lúc nước xuống, thuyền không thể cập vào hải đăng. Không nói ra, nhưng trong lòng rất sợ: Liệu có muộn quá không?

Anh Nguyễn Công Chính cùng vợ (chị Huỳnh Lê Như Ý) và cán bộ Bệnh viện Quân y 175. Từ trái qua: Đại tá, TSCK II Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc Nội Bệnh viện 175; trưởng kíp can thiệp tái thông động mạch vành cấp cứu bác sĩ Hồ Thị Lê, Khoa Tim mạch (A2); Thiếu tá, BS Lê Thanh Liêm, Khoa A2, trợ lý kíp tái thông động mạch vành cấp cứu.

10h50 ngày 23-5: Tàu đánh cá đưa bệnh nhân Nguyễn Công Chính về Trung tâm Y tế Trường Sa Lớn. Tình trạng nguy ngập: đau thắt ngực sau xương ức, khó thở, chóng mặt. Trung tâm Y tế tiếp nhận điều trị và lập tức điện về Bệnh viện 175 xin hỗ trợ.

12h30: Hội chẩn qua hệ thống y tế từ xa (telemedicine). Đầu Bệnh viện 175 do Đại tá, TSCK II Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc Nội chủ trì. Chẩn đoán ban đầu: Nhồi máu cơ tim vùng trước rộng giai đoạn cấp, tiên lượng nặng. Hướng điều trị: bổ sung cấp cứu tại chỗ. Sẵn sàng xử lý biến chứng. Báo cáo cấp trên, xin lệnh Bộ Quốc phòng vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện 175 tái thông động mạch vành cấp cứu.

13h40: Bệnh viện 175 báo cáo tình hình lên Cục Quân y.

Đến đây là giai đoạn hành động khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả của các cơ quan quản lý, chỉ huy. Từ  Cục Quân y,  báo cáo được chuyển lên Cục Cứu hộ - Cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, đồng thời báo cáo lên Trực ban tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Trực ban tác chiến Tổng cục Hậu cần, hiệp đồng tác chiến với Quân y Quân chủng Hải quân, Bệnh viện 175 chuẩn bị sẵn sàng hành động

19h30: Trực ban tác chiến Bộ Tổng tham mưu truyền đạt lệnh thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu - đây quả là một "trận đánh hợp đồng binh chủng".

Binh đoàn 18 tổ chức bay trực thăng.

Bệnh viện 175 điều tổ cấp cứu hàng không hỗ trợ cấp cứu, hộ tống bệnh nhân về Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện 175.

Chúng ta đã tổ chức cấp cứu hàng không nhiều lần nhưng đây là lần bay đêm đầu tiên, lại là bay đêm trên biển. Đấy là khó khăn rất lớn, có thể nói là nguy hiểm. Binh đoàn 18 đã điều động máy bay EC 225, số hiệu VN-8619 lên đường làm nhiệm vụ. Cơ trưởng là Thượng tá Lê Đức Long - Phó Giám đốc Công ty Trực thăng miền Nam.

20h20: Máy bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất

22h47: Máy bay hạ cánh ở đảo Trường Sa

2h26 ngày 24/5: Máy bay hạ cánh trở lại sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là 6 giờ hoạt động căng thẳng, cực kỳ chính xác của tổ lái và tổ cấp cứu hàng không. Trưởng tổ cấp cứu hàng không đêm nay là Đại úy, bác sĩ Diệp Hồng Kháng, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện 175. Hai thành viên khác của tổ là Trung úy, bác sĩ Nguyễn Đức Trọng và Trung úy, điều dưỡng Phạm Ngọc Thanh. 

Bệnh viện Quân y 175, Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 phối hợp cấp cứu đường không chuyển thương.

Đại úy Kháng nhận xét: "Vấn đề là thời gian. Phải tranh thủ từng phút một vì với ca bệnh này mỗi phút đều quý như vàng. Chúng tôi phải cảm ơn các anh bên tổ lái. Mọi sự về tốc độ phải trông vào các anh ấy cả và thời gian bay đêm như hôm nay là tuyệt vời. Còn tổ cấp cứu chúng tôi thì đã có kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ, cả máy móc, dụng cụ và thuốc bổ sung. Mọi tác nghiệp y tế đều chuẩn xác".

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, PGS. TS. Viện trưởng Bệnh viện 175, thức suốt đêm hôm ấy trong bệnh viện để theo dõi và chỉ đạo chiến dịch: "Gần 3h sáng, khi điện thoại từ sân bay báo cáo về chuyến bay và tình hình bệnh nhân, tôi đã an tâm hơn rất nhiều".

Bệnh nhân Nguyễn Công Chính thổ lộ: "Được quân y cấp cứu ở Trường Sa, khi xuống máy bay thấy lãnh đạo Công ty, Tổng Công ty đều đã có mặt, khi về tới Bệnh viện 175 lại thấy vợ đã chờ sẵn ở đó. Tất cả làm tôi tin tưởng và phấn chấn rất nhiều. Mặc dù vẫn rất đau...".

2h55: Bệnh nhân được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện 175. Thống nhất chẩn đoán, bệnh nhân ở tình trạng tiên lượng rất nặng, chỉ định can thiệp tái thông động mạch vành cấp cứu.

3h50: Tiến hành chụp và can thiệp động mạch vành.

Kíp can thiệp do Đại tá Trương Đình Cẩm phụ trách, hồi sức là Trung tá, bác sĩ Phùng Quang Việt, trợ lý là các Thiếu tá, bác sĩ Lê Thanh Liêm và Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Văn An. 

Bác sĩ Cẩm là một người mê văn từ nhỏ, học lớp năng khiếu văn trong trường phổ thông, sau khi đi bộ đội trở về mới theo học tại Học viện Quân y. Anh theo học can thiệp mạch từ năm 1998 và bắt đầu thực hành từ năm 2000. 

Còn bác sĩ Liêm tốt nghiệp Đại học Y dược TP HCM, sau khi thực tập 2 năm đã xin ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội. 

Anh Liêm tâm sự: "Tôi vừa làm việc ở Trường Sa 13 tháng, biết hải đăng Đá Lát và cũng biết điều kiện làm việc cũng như trình độ của các đồng đội ở đảo Trường Sa. Vì vậy tôi có tình cảm sâu đậm và có lòng tin tưởng rất cao".

5h20: Kết thúc thủ thuật. Bệnh nhân được đặt 2 stent thành công, hết đau ngực, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn. Tạm thời qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Cẩm nhớ lại một cách vui mừng: “Mọi việc đều tiến hành hết sức thuận lợi".

Từ 10h50 sáng 23-5 đến 5h20 sáng 24-5, chiến dịch kéo dài 18h30, với sự tham gia của nhiều cơ quan lãnh đạo, nhiều sở chỉ huy cao cấp, nhiều cơ quan phối hợp, nhiều binh chủng quân đội, với sự góp sức của nhiều sĩ quan, chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm và nỗ lực hết mình, với hệ thống trang thiết bị hiện đại và guồng máy hoạt động trơn tru, hiệu quả. 

Cuối cùng, bệnh nhân đã được cứu sống. Có thể nói đây là một chiến dịch đã thắng lợi một cách ngoạn mục. Bác sĩ Diệp Hồng Kháng tâm sự: "Có một sự thôi thúc rất mạnh mẽ: Tất cả vì Trường Sa!".

Năm 2010, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn cấp cứu bệnh nhân bị hội chứng áp lực ở Trường Sa. Sau đó bệnh nhân này được chuyển về Bệnh viện Quân y 175, được cấp cứu thành công và phục hồi sau 3 tháng.

Bao nhiêu năm để có một ngày?

Ngồi điểm lại suốt cả quá trình xây dựng Bệnh viện Quân y 175, điểm lại tên của từng lãnh đạo qua nhiều thế hệ, như Đại tá Đỗ Đình Luận, Đại tá Đỗ Hoài Nam, Đại tá Trần Minh Tư, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng Đạo, Thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc rồi Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn hôm nay, sau thấp thoáng mỗi khuôn mặt đều hiện lên rõ nét biển đảo Trường Sa. 

Những chuyến đi, những trăn trở, những lời dặn dò, những mong muốn và hy vọng.

Trong vô vàn nhiệm vụ Trường Sa, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên và người dân trên đảo luôn là nhiệm vụ quan trọng, luôn được giao cho quân y, luôn là vinh dự và trách nhiệm của Bệnh viện 175. 

Những ngày đầu tiên, khó khăn đủ điều, về trang bị, về cán bộ, về cự ly, về thông tin liên lạc. Vào lúc ấy, khó ai có thể hình dung nổi ca cấp cứu ngày 23-5-2018.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại: “Từ năm 2010, có một sự chuyển biến mang tính tổng lực. Giải quyết dần từng khâu: thông tin liên lạc, giao thông và tổ chức cán bộ. Địa dư thì vẫn xa nhưng công việc và con người trở nên gần gũi". 

Y học từ xa (Telemedicine) đã trở thành hoạt động thường xuyên, hết sức thiết thực và vô cùng hiệu quả. Từ ngày có Viettel, chất lượng được nâng lên một bước. Đến khi có VINASAT, lại thêm một bước nhảy vọt.

Gắn kết giữa biển đảo và đất liền hết sức chặt chẽ về mặt chuyên môn, thông tin tỷ mỷ, hình ảnh siêu âm, X-quang cũng trở nên sắc nét. Hội chẩn qua mạng đã thay đổi bản chất việc chăm sóc người bệnh: chẩn đoán chính xác, chỉ định điều trị thích hợp, lại kịp thời đánh giá và hiệu chỉnh các phác đồ điều trị. 

Nhờ y học từ xa mà có thể đưa ra quyết định chính xác: ai phải đưa về đất liền, ai có thể giữ lại điều trị trên đảo và khi điều trị trên đảo thì đất liền hỗ trợ thế nào". 

Thực tế đã chứng tỏ rằng, những kết luận như thế trong thời gian qua đều rất chính xác. Có trường hợp đại tá thì giữ lại, còn ngư dân thì gửi về, mà ai cũng hoan hỷ vì chỉ định đúng. 

Về kỹ thuật, các mạng chẩn đoán từ xa như vậy không phải là quá cao xa, nhưng trên thực tế, giữ cho nó hoạt động thường xuyên và mang lại hiệu quả thì lại đòi hỏi nỗ lực và khả năng về mặt tổ chức.

Ở Trường Sa có 2 em bé mang những cái tên đặc biệt: Nguyễn Ngọc Trường Xuân và Thái Bình Hải Thùy. Đây là kết quả cảm động của 2 ca mổ "bắt con" thực hiện trên đảo Trường Sa dưới sự hướng dẫn từ Bệnh viện 175 trên đất liền nhờ y học từ xa. 

Trường Xuân là mùa xuân Trường Sa, còn Ngọc là tên bác sĩ thực hiện ca mổ thứ nhất Nguyễn Hà Ngọc. Còn Hải Thùy mang ý nghĩ vùng biên thùy trên biển, ra đời nhờ bàn tay phẫu thuật của bác sĩ Thái Ngọc Bình. 

Bây giờ Nguyễn Hà Ngọc đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ. Những ngày công tác Trường Sa đã để lại cho anh một tài sản vô giá: bộ sưu tập cỡ 2.000 bức ảnh về quần đảo này, trong đó có cả một bộ ảnh chụp liên tục bông hoa bàng vuông, từ lúc hé nụ đến khi nở rực rõ. 

Cũng như vậy, Thái Ngọc Bình đã bảo vệ luận án thạc sĩ và nói tóm lại, ai đi công tác Trường Sa trở về, đều có những thành công xứng đáng trong sự nghiệp, kể cả bác sĩ Liêm, trợ lý ca can thiệp mạch vành của anh Nguyễn Công Chính mà ta vừa kể ở trên. 

Bây giờ kể lại chuyện này, PGS. Nguyễn Hồng Sơn vẫn luôn mỉm cười một cách hạnh phúc vì khi tiến hành ca mổ đó, anh ngồi ở đầu cầu phía Bệnh viện 175.

Trung tâm Y tế Trường Sa

Để tổ chức một tuyến y học từ xa như vậy, ta cần một đường truyền, do Viettel tổ chức và nhờ VINASAT mà nâng cao chất lượng nhưng cái quyết định là 2 đầu cầu: phía đất liền là Bệnh viện 175, còn trên đảo là Trung tâm Y tế huyện đảo Trường Sa, cũng là kết quả phấn đấu xây dựng của Bệnh viện 175.

Trung tâm Y tế Trường Sa khánh thành ngày 26-5-2017. Một chiến dịch quyên góp của Báo Tuổi trẻ đã đem về số tiền 25 tỷ để xây dựng cơ sở này. Tiền mua thiết bị thu về từ tiền bán các đĩa hát về Trường Sa, tiền thu được qua các đêm nhạc Xanh trong Trắng - đêm nhạc do Hội nhạc sĩ Việt Nam dành cho những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn - tổng cộng cũng hơn 3 tỷ đồng. 

Cộng thêm những khoản đầu tư của nhà nước, Trung tâm Y tế Trường Sa là một cơ sơ y tế vào loại hiện đại, nhất là mọi thiết bị đều hoạt động trên cơ sở số hóa để chuyển tải mọi thông tin và hình ảnh chẩn đoán từ đảo về đất liền. 

Nhờ thế, mà một ca chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp do tắc mạch vành trong ngày 23-5 đã được hội chẩn nhanh chóng và chính xác.

Quá trình đào tạo bác sĩ để đưa ra công tác ngoài đảo cũng đặc biệt. Sau khi ra trường, bác sĩ thường được đào tạo chuyên khoa, để làm việc được trong bệnh viện. 

Nhưng để được ra đảo, bác sĩ lại phải tái đào tạo theo hướng đa khoa hóa (nội tổng quát, ngoại tổng quát và hồi sức cấp cứu). Vì biên chế trên đảo có 3 bác sĩ: 1 bác sĩ nội, 1 bác sĩ ngoại, 1 bác sĩ gây mê hồi sức, trong đó bác sĩ ngoại là chỉ huy trưởng. 

Những ca mổ "bắt con" thì vẫn luôn phải cầu viện đất liền vì trên đảo khó khi nào có bác sĩ rành về sản khoa. Ngay cả 8-9 kỹ thuật viên - điều dưỡng cũng phải đào tạo đa năng. Bây giờ Bệnh viện 175 luôn có đủ 3 thê đội sẵn sàng ra đảo, bảo đảm quân số hoạt động trong bất cứ tình huống nào.

Chế độ phục vụ ngoài đảo của cán bộ không ngừng được cải thiện. Trước đây, một nhiệm kỳ đảo là 3 năm, sau rút xuống còn 2 năm và bây giờ là 1 năm. Điều kiện sống và làm việc ngoài đảo cũng được cải thiện đáng kể. 

Bây giờ, gọi một cuộc điện thoại là dễ dàng, thậm chí là điện thoại có hình, một chuyến ra đảo cũng đơn giản, mối quan hệ biển đảo, kể cả những vấn đề về tình cảm, tinh thần, đều gắn bó hơn trước rất nhiều, do vậy, đảm bảo quân số (cả về chất và lượng) cho Trung tâm Y tế Trường Sa không còn là vấn đề khó khăn. 

Trường Sa vẫn là xa về địa lý, nhưng đã gần hơn rất nhiều trong đời sống, trong gặp gỡ, và trong những công việc cụ thể. Bài hát Nơi đảo xa của Thế Song, viết những năm 1980, nhưng mãi sau này mới được phát nhiều và bây giờ đã trở nên thân thuộc.

Lại nhớ đến câu nói của Nguyễn Công Chính: "Chỉ có về với bên bộ đội mới có hy vọng được cứu sống". Đấy là hy vọng, đấy là lòng tin. Của bất cứ người dân nào. Người ta tin sức khỏe sẽ được đảm bảo, bệnh tật sẽ được chữa trị, từ đấy người ta an tâm sống và làm việc trên đảo. 

Rồi mọi hoạt động sẽ còn mở rộng, hoạt động y tế từ quân sự có thể chuyển qua dân sự, y tế Trường Sa đủ sức làm một chỗ dựa cho Trường Sa phát triển, không chỉ quốc phòng, kinh tế, mà có thể còn du lịch và những hoạt động văn hóa khác nữa.

Những ước vọng cho ngày mai

Viện trưởng Bệnh viện Quân y 175 đã đi Trường Sa 13 lần. Anh nhớ mãi chuyến công tác bằng đường thủy năm 2010, cùng với Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Hải quân Lê Văn Đạo (khi ấy Nguyễn Hồng Sơn là Phó Giám đốc Bệnh viện 175). 

Khi kiểm tra bệnh xá Trường Sa lớn, gặp 2 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp. Đấy là 2 người làm nghề lặn thuê dưới biển. Do cố lặn sâu và ở lâu dưới đáy, ngoi lên lại quá vội vàng nên áp lực giảm quá đột ngột, nitơ hóa khí tạo bong bóng và gây tắc mạch. 

Kết quả là một bệnh nhân bị hội chứng này, nhồi máu, phù não, phù phổi và suy hô hấp nặng. Nếu để lại trên đảo thì khả năng tử vong cao. Quân y và Hải quân thống nhất kế hoạch chuyển về đất liền. Tàu cá và tàu hải quân đều không được, cuối cùng là sử dụng máy bay trực thăng của Trung đoàn 917. 

Bệnh nhân sau đó được cứu sống và 3 tháng sau phục hồi. Bản thân thức trắng suốt đểm để giữ ổn định cho bệnh nhân, lại cùng tổ chức chuyến bay và vận chuyển trên máy bay, Nguyễn Hồng Sơn hiểu rõ mọi chi tiết của cấp cứu hàng không. Máy bay lúc đó bay bằng mắt thường.

Đến lần cấp cứu ngày 23-5, máy bay là của Binh đoàn 18, phục vụ cho dầu khí. Thiết bị đã hiện đại hơn, bay bằng radar. Chuyến bay đêm cấp cứu đầu tiên diễn ra cách lần bay trước là 18 năm. 

Thành công nhưng vẫn còn một điểm dấm dứt: Giá như sân bay nằm ngay trong khuôn viên Bệnh viện 175 thì tốt biết bao! Từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bệnh viện 175 vẫn là một quãng đường ô tô, không phải lúc nào cũng thông thoáng, tốn thời gian và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng. 

Theo thiết kế, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện 175 đang xây dựng sẽ có một sân bay trực thăng trên nóc. Khi ấy lại thêm một khát vọng được thực hiện.

Bệnh nhân Nguyễn Công Chính đã hoàn toàn bình phục và ra viện ngày 5-6-2018. Gặp anh và vợ (chị Huỳnh Lê Như Ý) đang hớn hở, tất tưởi chuẩn bị đồ đạc. Hỏi anh Chính kế hoạch sắp tới thế nào. "Thì cũng vậy thôi, xem bác sĩ dặn gì. Được nghỉ bao lâu. Rồi chờ Cục phân công công tác". Thế rồi sẽ đi đâu? "Cục này thì chỉ biển đảo không à!". 

Anh được về chắc hai cháu mừng lắm (Nguyễn Hoàng Vũ, 13 tuổi và Nguyễn Hoàng Long, hơn 4 tuổi). Chắc các cháu và chị phải nhớ anh rất nhiều. "Mình sống chết gì thì cũng là vì biển đảo, làm việc thì cũng biển đảo thôi. Xa cách, khó khăn thì tự động viên mình rồi tìm cách an ủi vợ con".

Chúng ta hiểu đời sống của công nhân đèn biển, nhất là trên các đảo chìm, như hải đăng Đá Lát. Tăng gia cải thiện chỉ có thể trồng rau chứ không thể chăn nuôi. Muốn có thịt tươi thì nói đất liền cung cấp mấy con gà con vịt, ra nuôi thêm ít ngày rồi cắt tiết. Tủ lạnh cũng không có vì sử dụng điện rất nghiêm ngặt. 

Anh Chính bảo: "Nếu xây được nhà trên mặt nước thì mới có thể nói đến chuyện gia súc. Cách chúng tôi 600m (cùng trên Đá Lát) có một đơn vị bộ đội xây được nhà nên nuôi đủ gà, vịt, heo, còn chó thì quá trời luôn". 

Tivi thì có, nhưng xem hạn chế, cũng tùy theo khi nào và có bao nhiêu điện. World Cup thì chắc chắn là khó khăn rồi. Mãi rồi mới dám hỏi, có buồn lắm không? "Lâu rồi cũng quen thôi. Vả lại công việc bận. Có 4 anh em với nhau, trực chế độ 24/24, vậy là mỗi người làm 1 ca kéo dài 6 giờ liên tục. Lúc nào cũng phải quan sát hàng hải, ngày thì thêm bảo dưỡng thiết bị, đêm thì lo quan sát tầm hiệu lực của ánh sáng. Không ai dám lơ là một chút nào". 

Thật ra, sống như thế thì gian nan, tù túng lắm chứ, nhưng anh Chính cứ từ tốn, nhẹ nhàng như không. Rồi anh lại thủng thẳng: "Bây giờ sự quan tâm đã hơn trước nhiều lắm rồi, từ tổng cục, từ cục xuống, từ các bên sang. Tụi tôi thế mà đi biển thoải mái, cá thì nhiều vô kể. Ăn thì chán nhưng không có thì cơm cũng lại không vô". 

Đấy, thế là khó khăn chứ còn gì nữa, nhưng công nhân đèn biển không kêu ca chăng, hay lỗi của mình là chưa đủ lòng tin để bạn bè nói hết?

Đã đến lúc chia tay. Bàn tay nắm chặt. Thôi, chúc anh khỏe mạnh, nhớ thuốc men và luyện tập đều. Cho gửi lời thăm hai cháu.

 Anh Nguyễn Công Chính, ngọn hải đăng của chúng tôi!

Vũ Công Lập
.
.