Ngày mai trong đám xuân xanh ấy...

Thứ Tư, 10/05/2017, 07:28
Ở chân đồi Ghềnh Ráng vẫn còn Dzũ Kha rũ bỏ hết những ước mơ, tham vọng của cả một thời tuổi trẻ để ngày đêm trao gửi một tình yêu vô tận, không vụ lợi và đầy tràn trong trái tim dành cho Hàn Mặc Tử và thơ của ông. 

"Nếu có một tình yêu nào đó theo tôi suốt cuộc đời, ám ảnh tôi trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ, theo tôi cả vào trong những giấc mơ, thì đó là tình yêu tôi dành cho Hàn Mặc Tử. Một con người tôi chưa hề gặp mặt nhưng cảm thấy thân quen, gần gũi như là mối duyên nợ từ tiền kiếp. Có lẽ số phận đã buộc tôi vào với người, để làm một chiếc cầu nối nhỏ đến với những người yêu thơ Hàn. Để đến chân đồi Ghềnh Ráng và chứng kiến nỗi đau tận cùng của thi nhân, để cùng sống lại một thời lãng mạn bay bổng và đầy giông bão của một tâm hồn thi nhân tật bệnh, đau yếu. Thơ của ông, đã cứu rỗi nhiều linh hồn, trong đó có tôi, một người đã nguyện cả đời sống trọn ở Ghềnh Ráng chăm chút cho phần mộ, phần hồn của thi nhân".

Nếu có dịp đến Quy Nhơn, dường như ai cũng sẽ tìm đến đồi thi nhân thăm mộ Hàn Mặc Tử, nơi đó sẽ có một chân trời khác của những vần thơ ẩn hiện trong tiếng sóng biển Quy Nhơn ộp oạp vỗ vào bờ. 

Nơi đó, mùa xuân này, sẽ có những khúc thơ đầy dư vị xuân: "Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý - Bóng xuân sang/ Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/  Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi/ Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây/ Thầm thì với ai ngồi dưới trúc/ Nghe ra ý vị và thơ ngây/ Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng/ "Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?".

Người đàn ông làm cho thơ Hàn Mặt Tử và ngôi mộ của ông cheo leo dưới chân đồi Ghềnh Ráng trở nên thân thiết, gần gũi với hầu hết người yêu thơ. Ngôi mộ của Hàn trở nên khang trang, sạch đẹp và đầy thơ mộng nằm trong khuôn viên khu du lịch Ghềnh Ráng. 

Nơi đó, có một vườn thơ Hàn Mặc Tử với những bài thơ, đoạn thơ được khắc trên đá, trên gỗ bởi bàn tay tài hoa của người đàn ông dành cả đời để chăm sóc phần mộ, phần hồn, làm kỷ niệm ngày sinh nhật, ngày giỗ cho Hàn Mặc Tử, đó không phải là ai khác, mà chính là Dzũ Kha, một số phận, một cuộc đời cũng chẳng kém gì Hàn Mặc Tử.

Dzũ Kha (Từ "Dzũ" là do phiên âm tên đệm "Vũ" theo giọng địa phương quê Bình Định), sinh năm 1960, tên thật là Trương Vũ Kha, người Phù Cát, Bình Định. Cha Dzũ Kha từng bị Mỹ - ngụy bắt tù đày (1962 - 1968). Nhà nghèo, một mình người mẹ phải bươn chải để nuôi hai chị em Dzũ Kha khôn lớn. 

Sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật TP HCM, Dzũ Kha về Quy Nhơn mở phòng tranh nghệ thuật tại Quy Hòa, nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử chữa trị bệnh phong và mất năm 1940. Dzũ Kha, cũng như rất nhiều người hâm mộ khác, ban đầu, yêu Hàn Mặc Tử bởi vì tài năng thi ca ấy như một mối duyên tiền định.

Dzũ Kha đã đến với Hàn Mặc Tử bởi rất nhiều câu chuyện còn để lại đầy thương tâm. Ông đã  dựng một cái lều ở trên núi Ghềnh Ráng để có thể trọn lòng chăm sóc mộ của Hàn Mặc Tử. Từ ngày nơi đây còn hoang sơ với rất nhiều cỏ dại và thưa người thăm viếng.

Thương Hàn Mặc Tử, lúc sống đã cô đơn, nay mất đi lại hoàn toàn cô lẻ, ngôi mộ không bóng người thân thăm viếng. Ông đã lo ngày sinh nhật và giỗ Hàn Mặc Tử hơn 20 năm nay. Đi gặp người thân, người yêu của Hàn Mặc Tử để tìm hiểu quá khứ của nhà thơ. 

Cùng tham gia làm Phòng Lưu niệm tại Quy Hòa (năm 1998) và Nhà Lưu niệm tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn (năm 2000) để phục vụ khách đến viếng thăm Hàn Mặc Tử.

Dzũ Kha chia sẻ, như một định mệnh có từ tiền kiếp, anh đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với Ghềnh Ráng - Nơi yên nghỉ của thi sĩ họ Hàn. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, anh đều có mặt tại đây để giới thiệu thơ Hàn, dùng bút lửa để chép thơ Hàn, trưng bày thơ Hàn như một nghệ sĩ lãng tử. Có người bảo rằng, anh giống như một đệ tử, một tín đồ trung thành của thơ Hàn. 

Có lẽ Dzũ Kha là người thuộc nhiều thơ Hàn Mặc Tử nhất Việt Nam. Và anh cũng là người thấu hiểu được niềm vui, nỗi buồn, đồng cảm được với tâm hồn của Hàn thi sĩ hơn ai hết. Thậm chí, anh còn đọc xuôi, đọc ngược, đọc giữa đọc ra thuộc làu làu hầu hết tất cả thơ của Hàn Mặc Tử.

Dzũ Kha và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhà nhân dịp ra mắt cuốn sách.

Ngoài ra, Dzũ Kha cũng đã góp phần lớn sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, thơ văn những người có liên quan đến nhà thơ, đặc biệt là các tư liệu về gia đình và tuổi ấu thơ của Hàn Mặc Tử từ người anh ruột Nguyễn Bá Tín.

Ông bỏ tiền túi đi khắp các tỉnh để xin ảnh, tư liệu và những bức thư, những bài thơ những người yêu Hàn Mặc Tử để có một cái nhìn trọn vẹn về cuộc đời ngắn ngủi, đầy đau khổ để làm nên những vần thơ "điên và thương tâm" của Hàn Mặc Tử...

Dzũ Kha chia sẻ những thông tin về Hàn Mặc Tử: "Vì cụ thân sinh Hàn Mặc Tử lúc đó làm chủ sự thương chánh, nên công tác nhiều nơi, chính vì thế mà ông phải theo gia đình đi nhiều nơi từ lúc nhỏ. Điểm cuối cùng neo đậu, đó là mảnh đất Quy Nhơn (Bình Định). Hàn Mặc Tử là người sớm có tài thơ xuất chúng, năm 1927, bài thơ đầu tiên "Vội vàng chi lắm" ra đời, họa lại bài thơ của nhà thơ Mộng Châu. 

Năm 1930, ông thôi học ở Trường trung học Pellerin, về Quy Nhơn và đoạt giải Nhất thơ trong cuộc thi thơ Thi Xã tổ chức. Năm 1931, ông nổi danh với bút hiệu Phong Trần và được cụ Phan Bội Châu chủ nhân Thi Xã Mộng du họa thơ và đề cao. Ông được Hội nhà Tây Du giới thiệu du học nước ngoài nhưng vì bọn mật thám biết Hàn Mặc Tử có liên lạc với cụ Phan Bội Châu nên đã gạch tên khỏi danh sách du học. Đến năm 1932, ông vào làm việc tại Sở Đạc điền Quy Nhơn. 

Tại đây, ông đã liên tiếp có nhiều bài thơ hay ra đời, đặc biệt là tập thơ "Gái quê" nổi tiếng… Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Hàn Mặc Tử khiến nhiều người thương và nể phục, khi ông vướng phải bệnh phong, vào chữa trị tại Bệnh viện phong Quy Hòa và mất không lâu sau đó, hưởng dương 28 tuổi. 

Sau này, người ta phát hiện ra rằng, không phải ông mất vì bệnh phong, mà là do bệnh kiết lị. Dù ra đi khi còn quá sớm nhưng những áng thơ ông để lại cho đời, đặc biệt là những bài thơ được in trong sách giáo khoa như "Mùa xuân chín", "Đây thôn Vĩ Dạ"… đã một lần nữa đưa tên tuổi Hàn Mặc Tử sống mãi trong lòng bạn đọc".

Điều mà rất nhiều người cảm động khi đến với Ghềnh Ráng để tìm hiểu về đời thơ Hàn Mặc Tử, đó là những câu chuyện tình yêu của Hàn Mặc Tử. Những câu chuyện tình yêu mà vì sự chia li, vì sự đớn đau không được yêu tình yêu trọn vẹn, mà ông đã sáng tác được những bài thơ như dứt ruột gan mình. 

Người yêu đầu tiên trong cuộc đời Hàn Mặc Tử là Hoàng Thị Kim Cúc, người gốc Huế, sinh năm 1913, vì tính tình Hàn Mặc Tử hiền lành, nhút nhát nên chỉ dám bày tỏ qua thơ. 

Kim Cúc bị tai nạn giao thông tại TP HCM ngày 11-8-1988. Nằm Bệnh viện Chợ Rẫy 12 ngày đêm. Bà được đưa về Huế và mất vào ngày 3-2-1989. Có thể nói, đám tang của bà lớn nhất xứ Huế ngày đó, vì bà là Phó ban hướng dẫn Trung ương Gia đình phật tử Việt Nam. 

Năm 1935, Hàn Mặc Tửvào Sài Gòn làm báo, cộng tác trang thơ báo Công Luận và Tân Thời. Yêu người thứ hai là Mộng Cầm, người gốc Quảng Ngãi, sinh năm 1917, khi đó đang sống ở Phan Thiết. 

Những năm làm báo ở Sài Gòn, Hàn Mặc Tử thường ra Phan Thiết và đi chơi cùng Mộng Cầm ở Mũi Né. Bà cũng là người yêu gợi nhiều cảm hứng cho đời thơ Hàn Mặc Tử. 

Lều thi nhân ở chân đồi Ghềnh Ráng của Hàn Mặc Tử.

Ông viết bài thơ "Tối tân hôn" tặng Mộng Cầm đầy tha thiết: "Là sợi đường tơ dịu quá trăng/ Là bao nhiêu ngọc cũng chưa bằng/ Cả và thế giới như không có/ Một vẻ yêu là một vẻ tân/ Đã có khi nào cô ước mơ/ Rồi đây khai mạc cuộc đời thơ/ Bằng đêm hôm ấy êm như rót/ Lời mật vào tai ngọt sững sờ...". 

Mộng Cầm cũng là người đàn bà giúp Hàn Mặc Tử thăng hoa trong chặng đường thơ đầy đau đớn của mình. Cuối năm 1936, Hàn Mặc Tử thấy mình có bệnh nhưng chưa xác định là bệnh phong nên chia tay Mộng Cầm, trở về Quy Nhơn chữa trị. Mộng Cầm mất năm 2007 tại Bình Thuận.

Sau này nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác bài thơ "Hàn Mặc Tử" được nhiều người yêu thích trong đó có đoạn: "Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ giấu chân nơi nhà hoang/ Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi/ Tình đã lỡ, xin một câu hứa kiếp sau ta tròn đôi/ Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi...".

Năm 1937, Hàn Mặc Tử yêu Mai Đình (gốc Thanh Hóa, sinh năm 1919) người đã đọc tập thơ "Gái quê" và đem lòng yêu Hàn Mặc Tử. Năm 1939, trong lúc Hàn Mặc Tửbệnh tật, bà có ra Quy Nhơn thăm nuôi. 

Hàn Mặc Tử đã viết bài thơ "Hãy đón hồn tôi" tặng Mai Đình: "Dưới túp lều tranh, trên chõng tre/ Tứ bề cửa khép với phên che/ Kéo mền ủ kín toàn thân lại/ Để thả hồn bay, gửi mộng về".

Năm 1940, Hàn Mặc Tử mất và Mai Đình lại ra Quy Nhơn thăm mộ ông lần đầu vào năm 1941. Năm 1995, bà ra Quy Nhơn thăm mộ ông lần cuối cùng, ra tập thơ "Đôi hồn" họa các bài thơ Hàn Mặc Tử. Bà mất năm 1999 tại TP HCM, thọ 80 tuổi. 

Cùng thời gian này, Hàn Mặc Tử còn quen Ngọc Sương, sinh năm 1914 tại Quảng Ngãi, là dì ruột của Mộng Cầm và là dì ruột nhà thơ Bích Khê. Nhưng hai mối tình Mai Đình và Ngọc Sương không đi sâu vào lòng ông như tình yêu ông dành cho Mộng Cầm. Bà Ngọc Sương mất năm 2002 tại TP HCM, thọ 89 tuổi.

Vào cuối cuộc đời, bệnh tình Hàn Mặc Tử càng ngày càng nặng. Những người yêu chia xa, Hàn bị đau khổ về tinh thần và thể xác. Vì vậy mà nhà văn Trần Thanh Địch muốn an ủi bạn mình lúc đau khổ bằng cách giới thiệu cho Hàn Mặc Tử một người yêu thơ Hàn. Nàng tên Trần Thương Thương, sinh năm 1924, người Huế, cháu gọi Trần Thanh Địch bằng chú ruột. 

Những bức thư tình của Thương Thương gửi Hàn Mặc Tử hoàn toàn do Trần Thanh Địch tự phác họa ra. Hàn Mặc Tử cứ ngỡ mình đang có người yêu thực sự. Từ đó khoái cảm về mặt tinh thần mà sáng tác ra những vần thơ nổi tiếng. 

Trong bài thơ "Nỗi buồn vô duyên" tặng Thương Thương, Hàn Mặc Tử đã viết: "Sầu lên cho tới ngàn khơi/ Ai đâu ráo lệ, chưa lời nói ra/ Chiều nay tàn tạ hồn hoa/ Nhớ Thương Thương quá xót xa tâm bào/ Tiếng buồn đêm trộn tiêu tao/ Bóng em chờn chợn trong bao nhiêu màu/ Nghe ai xé lụa mà đau/ Gió than niềm gió biết đâu hẹn hò/ Đừng ai nói để thương cho/ Lỡ ra lạnh nhạt đền bù sao cam...".

Bây giờ thì tất cả đã trở thành thiên cổ, nhưng dường như hồn thơ của Hàn cùng những tình nhân vẫn còn sống mãi trong trái tim yêu của những người yêu thơ. Đặc biệt, ở chân đồi Ghềnh Ráng vẫn còn Dzũ Kha rũ bỏ hết những ước mơ, tham vọng của cả một thời tuổi trẻ để ngày đêm trao gửi một tình yêu vô tận, không vụ lợi và đầy tràn trong trái tim dành cho Hàn Mặc Tử và thơ của ông. 

Bây giờ, ông hằng ngày sống cùng người mẹ già đã ngoài 90 tuổi, cùng chăm sóc mẹ, yêu thương mẹ và mong muốn được làm việc trọn đời ở chân đồi Ghềnh Ráng, để được làm một người thuyết minh miễn phí toàn bộ cho du khách đến thăm mộ Hàn Mặc Tử, để được nối dài một tình yêu vô biên dành cho một người thơ đã đớn đau tận cùng trong tình yêu và cuộc sống...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.