Bài học về phản biện chính sách thời vua Tự Đức

Thứ Tư, 12/09/2018, 09:59
Trong khoảng 1.000 năm độc lập, người Việt chúng ta được cho là đã nhiều lần bỏ lỡ các cơ hội mang tính lịch sử có thể canh tân và thay đổi vận mệnh đất nước. 

Chính sách thu mình, đóng cửa đất nước thời vua Tự Đức do lo sợ sự ảnh hưởng từ Tây phương vào giữa thế kỉ 19 đã khiến một Đại Nam hùng mạnh thời vua Minh Mạng và vẫn còn tương đối có sức nặng trong khu vực dưới thời vua Thiệu Trị không còn giữ được vị thế chỉ sau vài thập kỷ.

Theo sử liệu, vua Tự Đức là người thông tuệ và rất am hiểu Nho giáo. Có thể do quá tôn sùng Nho giáo cộng với thể trạng ốm yếu nên vị vua này ngại thay đổi, không thích và cũng không dám mạo hiểm để cải cách thể chế, “đón chào” văn minh và kỹ nghệ Tây phương nhằm chấn hưng đất nước. 

Đây là mốc thời gian mang tính bước ngoặt khiến cho Việt Nam và Nhật Bản gặt hái hai số phận quá khác nhau ở thời hiện tại.

Nói như vậy không có nghĩa muốn đổ lỗi cho tiền nhân, bởi vì cũng chưa có gì đảm bảo là Việt Nam có thể đã hóa rồng nếu vua Tự Đức nghe theo lời tấu của Nguyễn Trường Tộ và mở cửa canh tân đất nước. Đơn giản bởi vì sự thay đổi cần đạt qua nhiều cấp độ khác nhau mới  có thể tạo ra những kết quả cụ thể và bền vững. 

Vua Tự Đức.

Các cấp độ này bao gồm: (1) nhận thức: hiểu ra vấn đề là cần thay đổi; (2) hành vi: quyết định hành động để thay đổi; (3) thể chế: khi đã tiến hành đổi mới, mô hình tổ chức nhà nước và hình thức quản trị lúc đó sẽ không còn phù hợp nữa. 

Việc chuyển đổi mô hình thể chế này không hề đơn giản vì chứa đựng rất nhiều rủi ro; và (4) đối tác, đồng minh: sự thay đổi thường kéo theo sự ủng hộ của nhóm thế lực này nhưng đồng thời cũng là mối đe dọa cho nhóm thế lực khác. Đây thực sự là thách thức cho những nước nhỏ như Việt Nam.

Được biết đến là một người có  kiến thức sâu rộng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và kể cả khoa học kỹ thuật thời bấy giờ, Nguyễn Trường Tộ, bằng lòng yêu nước lớn lao của một trí thức tiến bộ đã đem hết tâm huyết và công sức để thảo ra các kế hoạch giúp nước. 

Trong đó đáng chú ý là ba bản điều trần gồm "Tế cấp luận", "Giáo môn luận" và "Thiên hạ phân hợp đại thế luận" do ông soạn thảo và gửi cho triều đình vào năm 1863.

Có thể có rất nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan đằng sau thất bại của Nguyễn Trường Tộ trong việc “tư vấn” cho nhà vua canh tân đất nước. Vậy câu chuyện lịch sử này có thể giúp chúng ta rút ra bài học gì cho vấn đề phản biện chính sách?

Cụ thể và thực tế

 Thay vì kể cho nhà vua nghe về những chiếc đèn cháy ngược, những hình ảnh vốn nằm ngoài ý niệm của hầu hết người Việt thời đó, sẽ thuyết phục hơn nhiều nếu ông có thể mang về một mô hình có thật để nhà vua có thể tay sờ, mắt thấy. 

Các phản biện chính sách thời hiện đại nên chú ý đến vấn đề này trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn và vẫn còn một khoảng  trống năng lực không hề nhỏ giữa Việt Nam và các nước phát triển trong xây dựng, ban hành, và  thực thi chính sách.

Vua Tự Đức là người thông tuệ và rất am hiểu Nho giáo nhưng ngại thay đổi và không dám mạo hiểm để cải cách thể chế, đón chào văn minh và kỹ nghệ phương Tây nhằm chấn hưng đất nước.

Sự phù hợp

Với những người chọn “thà nghèo khó mà yên ổn” và thiếu khát vọng như vua Tự Đức, nếu ai đó muốn khuyến khích ngài đổi mới thì chỉ nên bắt đầu với những gợi ý nhỏ, đơn giản và dễ hiểu thì mới mong có cơ hội thành công. 

Rất có thể nhà vua hiểu hết những gì Nguyễn Trường Tộ nói và lợi ích của việc đổi mới, nhưng quy mô đề xuất là quá lớn với khả năng hiện tại cộng với rủi ro cao cho chế độ cai trị nên ngài đã cố tình phủ quyết? 

Có nghĩa là: phản biện và tư vấn chính sách chỉ thật sự được lắng nghe khi nó có tính khích lệ và khơi gợi khát vọng đổi thay, nhưng không làm dấy lên sự e ngại vì sợ quá sức hay nghi ngờ về tính khả thi của chính sách mới.

Bối cảnh

Chúng ta không được biết về các đề nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ đã đề cập nên bắt đầu từ đâu, hay thay đổi từ khâu nào, lĩnh vực nào. Có thể vì nó quá chung chung và không được thực tiễn hóa nên không đủ sức thuyết phục nhà vua đưa vào thực hiện. 

Ngày nay, một hạn chế không thể không thừa nhận của dân ta đó là làm kế hoạch hay tạo chính sách khá chung chung, thực thi khá hời hợt nhưng đánh giá và phê phán thì rất tiểu tiết.

Một góc chợ Huế xưa.

Tính bản sắc

Chúng ta hẳn đều biết sau khi đánh bại nhà Tây Sơn với sự giúp sức của một số thế lực Tây phương, vua Gia Long đã không hề áp dụng mô hình quản trị của người Tây, thay vào đó, ông được cho là đã bê nguyên mô hình và nguyên lý quản lý nhà nước của nhà Thanh (Trung Quốc) vào điều hành đất nước. 

Đến thời vua Tự Đức, mô hình này bên Trung Quốc đã tỏ ra rất lỗi thời và thực tế là nhà Thanh khi đó đang phải gồng mình lên để chống lại các can thiệp từ các nước phương Tây. Do Trung Quốc quá lớn nên mặc dù mô hình thể chế đã lạc hậu, triều đình nhà Thanh vẫn duy trì quyền lực thống trị trên phần lớn lãnh thổ. Là một người thông tuệ, chắc hẳn vua Tự Đức đã có thể nhìn ra vấn đề. 

Tuy nhiên, vì sợ mất quyền lực, lại hoàn toàn bị động trong việc tìm ra một mô hình quản trị phù hợp cho người Việt và cho nước Việt nên nhà vua đã nhắm mắt làm ngơ trước các đề xuất thay đổi với hy vọng mong manh là nhà Thanh còn đứng vững thì nhà Nguyễn chắc chưa sụp đổ.

Những gì mà Nguyễn Trường Tộ đã làm và các công trình mà ông để lại, cho thấy ông đã sớm nhận thức được bối cảnh và khuynh hướng vận động chung của thế giới thời bấy giờ. Đáng tiếc là những đề xuất cải cách hay các điều trần mà ông gửi tới triều đình đã không nhận được vua Tự Đức ưu tiên xem xét.

Cảnh trên bến dưới thuyền ở cảng Đà Nẵng.

Phải chăng vì ông quá cô đơn và thiếu đồng minh hỗ trợ để có thể thực hiện được sứ mệnh lớn lao này? Hay có phải những gì mà ông đề xuất là quá khác biệt và vượt quá những gì mà đa phần dân chúng thời đó có thể hiểu hoặc quan tâm tới? 

Chỉ biết rằng những gì mà ông tâm huyết theo đuổi để mong muốn canh tân đất nước đó đều phần nhiều là những nỗ lực của cá nhân ông và không có ai kế thừa hay theo đuổi tiếp sau khi ông ốm mất ở tuổi 41.

Tuy bối cảnh là không giống nhau, nhưng những gì xảy ra thời vua Tự Đức có thể là bài học cho con cháu mai sau. Là người Việt Nam, dù ở đâu, làm gì, chúng ta vẫn luôn có nhiều sứ mệnh chung cần chia sẻ. Vấn đề là nên làm gì nhằm thu hẹp sự khác biệt và thúc đẩy sự tương đồng để chung tay hành động vì một đất nước Việt Nam thịnh vượng.

Trần Văn Tuấn
.
.