Tại sao “toàn cầu hóa” và “chủ nghĩa dân tộc” cùng lên ngôi?

Thứ Năm, 12/07/2018, 10:05
World Cup 2018 - giải bóng đá lớn nhất hành tinh đang trở thành tấm gương phản chiếu 2 xu thế hoàn toàn đối lập của thế giới: chủ nghĩa dân tộc và toàn cầu hóa.


Bóng đá thời toàn cầu hóa

Chúng ta đang ở trong thời đại toàn cầu hóa. Chẳng có gì phải nghi ngờ điều đó. Bản thân môn thể thao vua cũng thể hiện xu hướng toàn cầu hóa rất rõ ràng. 

Trước khi Đội tuyển Đức phải nhận trận thua muối mặt trước Mexico ở trận đầu ra quân tại World Cup 2018 thì những nhà đương kim vô địch thế giới cũng đã bị chỉ trích bởi 1 vụ scandal khá hi hữu.

Bộ đôi tiền vệ trung tâm gốc Thổ Nhĩ Kỳ của tuyển Đức, Mesut Oezil và Guendogan bị các cổ động viên nhà tẩy chay rất dữ dội ngay trước thềm World Cup. Nguồn cơn của vụ việc là do những hình ảnh cũng như thông tin thể hiện sự gần gũi của Oezil và Guendogan với đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Erdogan - được công khai ra công chúng. 

Ông Erdogan vốn là nhân vật gây tranh cãi và không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người Đức. Sự xuất hiện của Oezil và Guedogan được cho là phục vụ chiến dịch tranh cử của ông này và đó là chuyện khiến người Đức không hài lòng.

Đáng nói hơn nữa, trên chiếc áo đấu Manchester City mà Guendogan tặng cho ông Erdogan còn có dòng chữ: “Dành sự tôn trọng cho vị tổng thống của tôi”.  

Một cầu thủ đang khoác áo Đội tuyển Đức, là công dân Đức lại gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là tổng thống của mình, rõ ràng là một sự tréo ngoe, khiến nhiều người hâm mộ Đức khó chấp nhận. 

Thế nên còn có những ý kiến yêu cầu loại Oezil và Guendogan ra khỏi thành phần Đội tuyển Đức dự World Cup. Bộ đôi này sau này đã phải gặp trực tiếp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier để giải trình trước khi lên đường đến Nga.

Hình ảnh thân thiết cùng chiếc áo đấu đặc biệt mà Oezil và Guendogan tặng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan.

Thực tế, đây cũng chẳng phải lần đầu tiên tuyển Đức gặp phải những rắc rối chẳng liên quan gì đến bóng đá kiểu như thế này.  Huyền thoại bóng đá Đức, hoàng đế Franz Beckenbauer từng rất gay gắt việc chỉ có rất ít cầu thủ đội nhà hát quốc ca khi nhạc bài Das Lied der Deutschen (Bài ca người Đức, do nhà soạn nhạc lừng danh Joseph Haydn phổ nhạc) được cử lên. 

“Các cầu thủ nên hát quốc ca, việc này sẽ giúp bạn có một thái độ khác hẳn. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn hát vang quốc ca trong mỗi trận đấu”. 

Beckenbauer bày tỏ sự không hài lòng. HLV Joachim Loew đã phải thanh minh cho các học trò: “Rất nhiều người sinh ra ở Đức nhưng tổ tiên, gia đình lại đến từ một quốc gia khác. Thật khó xử cho họ nếu hát quốc ca”. 

Đúng là trong thành phần Đội tuyển Đức trong những năm vừa qua có khá nhiều cầu thủ nhập cư, nó phản ánh đúng xu thế toàn cầu hóa. Ví dụ như Klose và Podolski có gia đình đến từ Ba Lan, Mesut Oezil, Guendogan đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Sami Khedira có gốc Tunisia, còn Jerome Boateng có bố là người Ghana...

Tương tự như tuyển Đức, nhiều đội tuyển quốc gia hiện nay cũng là sự phản ánh kết quả của hàng thập niên di cư làm xáo trộn cả quốc gia. 

Ví dụ như bốn phần năm đội tuyển châu Phi dự World Cup 2018 có những cầu thủ được sinh ra ở các nước Tây Âu như Pháp, Bỉ và Hà Lan, nơi họ được hưởng lợi từ các nguồn lực và quá trình đào tạo tốt hơn. 

Hơn 60% quân số Đội tuyển Morocco được sinh ra bên ngoài nước này và một số người còn giao tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Flemish hoặc tiếng Hà Lan dễ dàng hơn là tiếng Ảrập Ma-rốc. Ngay cả các đội tuyển châu Âu cũng thể hiện rất rõ sự thay đổi nhân khẩu học của các quốc gia mình. Chẳng hạn, gần một phần ba đội Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ được sinh ra ở nơi khác. 

Thống kê của Trung tâm nghiên cứu thể thao quốc tế (CIES), có tới 65% số cầu thủ có vinh dự được triệu tập dự World Cup năm nay đều đang thi đấu ở bên ngoài quê hương của họ. Những anh chàng này đến từ khắp nơi trên thế giới. 

Từ những giải đấu giàu có, nhiều sức ảnh hưởng tại Tây Âu như Ngoại hạng Anh, Bundesliga, La Liga, Serie A, Ligue 1 cho đến những nơi xa xôi ít phổ biến hơn như Mexico, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc các cầu thủ được lĩnh hội, tiếp thu các nền bóng đá khác nhau, còn các HLV đến từ khắp nơi trên thế giới đã làm thay đổi bộ mặt của bóng đá. Bản sắc của các đội tuyển là thứ gần như không còn tồn tại. Trong quá khứ, nói đến tuyển Đức phải là sự thực dụng, bản lĩnh. 

Nói đến Brazil là những vũ điệu Samba tấn công rực lửa. Nhưng hiện nay thì Brazil cũng có thể chơi thứ bóng đá toan tính, thực dụng đến tàn nhẫn. Còn người Đức thì sẵn sàng đá đẹp, tận hiến đến ủy mị.

Ở khía cạnh nào đó, chính sự giao thoa học hỏi dễ dàng giữa các nền bóng đá trong thời đại toàn cầu hóa đã giúp thu hẹp khoảng cách của các đội tuyển ở kì World Cup lần này.

Ngay cả các đội bóng rất nhỏ như Iceland, Panama... vẫn đủ sức mang đến khó khăn nhất định cho những đối thủ của mình. Nguyên nhân là do các đội bóng nhỏ có thể vẫn thua kém về lực lượng, nhưng họ giờ đây cũng đã không còn lép vế về cách tổ chức cũng như tiếp cận chiến thuật.

Khi cần, bất kì đội bóng nào cũng có thể dựng lên một hệ thống phòng ngự chắc chắn và khó chịu chứ không còn là đặc sản của riêng người Ý. Hệ quả là dù mới chỉ qua 1 lượt trận nhưng chưa bao giờ người ta thấy bất ngờ xảy ra nhiều như tại mùa hè nước Nga năm nay.

Toàn cầu hóa có thể là xu thế, đang giúp tạo nên một giải đấu thú vị. Nhưng xét cho cùng, vẻ đẹp của các kì World Cup vẫn phải gắn liền với chủ nghĩa dân tộc.

Khi cầu thủ ra sân vì lòng tự tôn dân tộc

“World Cup cho chúng ta một cơ hội hiếm hoi để có thể thấy cả một quốc gia trên sân cỏ. Trong khoảng thời gian này, các cầu thủ dường như thực sự là hy vọng của cả một đất nước”, giáo sư Laurent Dubois thuộc Đại học Duke, người sáng lập trang blog nổi tiếng “Yếu tố chính trị của bóng đá” nhận định. 

Quả thực, các trận đấu World Cup thể hiện rất rõ bản sắc riêng của từng dân tộc, từng quốc gia. Trên khán đài, người hâm mộ mang màu cờ sắc áo đặc trưng, cầm cờ tổ quốc, hô vang những khẩu hiệu ái quốc. Họ tự hào về đội bóng, tự hào về đất nước của mình. Tất cả tạo nên một bức tranh đậm màu chủ nghĩa dân tộc. 

Chỉ có lòng tự tôn dân tộc mới có thể tạo nên những thước phim vô giá như khoảnh khắc các chàng trai Panama hùng dũng hát khi quốc ca đất nước nhỏ bé này lần đầu tiên được vang lên ở một kì World Cup (trận gặp Bỉ). 

Những giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của đội trưởng Roman Torres. Bóng đá lúc này không chỉ còn là bóng đá mà nó trở thành bản hùng ca của cả một dân tộc, có đau thương, mất mát nhưng đầy tự hào.

Dù ở thời đại nào, World Cup vẫn tạo ra những giá trị lớn lao đến khó tin, vượt ra ngoài khuôn khổ thể thao. Tháng 6/1930, sau khi lên nắm quyền bằng một cuộc đảo chính, vua Caroll II đã chọn kì World Cup đầu tiên diễn ra sau đó chừng 1 tháng tại Uruguay là cơ hội để đưa ra lời chào với thế giới, thể hiện hình ảnh của 1 nước Romania mới dưới sự cai trị của mình. 

Bản hùng ca dân tộc của các cầu thủ Panama ở lần đầu tiên dự World Cup.

Ông đã làm mọi cách để Romania có thể có mặt ở giải đấu bên kia bờ đại dương. Ngày ấy, để có thể tham dự giải đấu tại Uruguay, các cầu thủ Romania sẽ phải trải qua một hành trình chừng 3 tháng cả đi lẫn về. Điều này gây xáo trộn rất lớn đến cuộc sống của họ và nhiều người e dè không muốn lên đường tới Uruguay. 

Đến mức, vua Caroll II đã phải ban hành  sắc lệnh hoàng gia quy định rằng những cầu thủ được chọn dự World Cup sẽ được đảm bảo vị trí lao động sau khi trở về, thậm chí thời gian họ tham gia World Cup vẫn phải được tính ngày công lao động.

World Cup ở thuở nghiệp dư, hồng hoang đã quan trọng đến vậy nên cũng dễ hiểu chiếc vé dự World Cup 2018 có hiệu ứng đặc biệt như thế nào. 

Panama là quốc gia nhỏ bé sát eo biển, đó là vùng đất của “thiên đường thuế”, khủng hoảng kinh tế, bạo lực và giết chóc (tháng 4-2017, Amílcar Henríquez - tuyển thủ có 85 lần khoác áo đội tuyển quốc gia đã bị bắn chết với 23 phát đạn). World Cup 2018 chẳng khác nào liều thuốc xoa dịu nỗi đau. 

Gabriel Gómez - cầu thủ giữ kỷ lục số lần khoác áo Đội tuyển Panama từng nói trong nước mắt: “Chúng ta phải lọt vào World Cup vì anh ấy”. Rốt cuộc, Panama đã lập được chiến công lịch sử ấy, sau khi đội nhà có vé đến Nga, Tổng thống Juan Carlos Varela thậm chí còn công bố một kỳ nghỉ lễ quốc gia để toàn dân có thể ăn mừng.

Nhưng chẳng cần phải là một trường hợp đặc thù như Panama, các đội bóng góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh có lẽ đều chiến đấu với tâm thế phía trước là đối thủ, còn sau lưng họ là cả dân tộc. Ngay ở đất nước có nhiều sự chia rẽ như Tây Ban Nha. 

Chiếc cúp vàng ở World Cup 2010 vẫn có thể tạo ra một bầu không khí thống nhất tạm thời giữa các khu vực vốn có những bản sắc rất riêng và đòi tự trị như Catalonia, Basques và Galicia.

Chính chủ nghĩa dân tộc khiến những người đàn ông gồng mình chiến đấu như những chiến binh vì tổ quốc, vì lòng tự tôn dân tộc tạo nên những giá trị thiêng liêng, trường tồn của World Cup. 

Về khía cạnh chuyên môn, chưa chắc World Cup đã vượt qua được Champions League hay Premier League... nhưng chắc chắn chẳng có giải đấu nào mà một đội bóng có thể đàng hoàng sử dụng khẩu hiệu chính thức: “Không chỉ là một đội bóng, mà là cả quốc gia” như Argentina đã dùng 8 năm về trước.

Tất Đức
.
.