Phần 2: Tham nhũng vật chất và tham nhũng tinh thần

Thứ Bảy, 13/05/2017, 12:48
Trong phần trước, sau khi nghiên cứu các quan điểm khác nhau về tham nhũng, chúng ta đã đi đến kết luận rằng có thể có một quan niệm tương đối rõ ràng và đầy đủ về hiện tượng tham nhũng dựa trên sự diễn giải định nghĩa tham nhũng của World Bank: "Tham nhũng là hành vi của một hay một nhóm người, sử dụng các quyền lực của cộng đồng, ở mọi quy mô, bất kể trong lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, hành chính hay đời sống tinh thần, để chiếm các giá trị vật chất và tinh thần nhiều hơn những gì họ xứng đáng được hưởng".

Với một định quan niệm về tham nhũng như vậy, chúng ta đã chỉ ra rằng ngoài tham nhũng phi pháp còn có cả tham nhũng hợp pháp. Hơn thế nữa, so với tham nhũng phi pháp, tham nhũng hợp pháp thậm chí còn phổ biến hơn và gây tác hại nặng nề hơn, mặc dù tham nhũng hợp pháp ít bị lên án. 

Lý do là nó hoặc được bảo trợ bởi nhiều thiết chế khác nhau như nhà nước, tôn giáo, ý thức hệ, hoặc ẩn náu dưới lớp vỏ văn hóa và truyền thống dân tộc, khiến nó được nhìn nhận như một cái gì đó tự nhiên hoặc đương nhiên.

Đối tượng tham nhũng cũng không phải chỉ là các giá trị vật chất mà cả các giá trị tinh thần. Điều này cũng không phải điều gì mới mẻ, tuy rằng ít khi người ta ý thức về nó, hoặc mới chỉ ý thức một cách phiến diện. 

Và tham nhũng tinh thần cũng không phải chỉ là "spiritual corruption" theo nghĩa của Nhà thờ. Nó rộng lớn hơn nhiều, thế tục hơn nhiều và cũng tinh vi hơn nhiều.

Tham nhũng tinh thần diễn ra thường xuyên và dễ nhận thấy trong lĩnh vực chính trị. Chẳng hạn, vào khoảng thời gian bản lề giữa hai thế kỷ XX và XXI, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu nói nhiều đến khái niệm "tham nhũng quyền lực", một khái niệm để mô tả hiện tượng các quan chức chính phủ lạm dụng công quyền để mở rộng hoặc duy trì quyền lực cá nhân trong bộ máy nhà nước. Thực ra cái mới ở đây chỉ thuần túy về mặt thái độ: lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thẳng về những căn bệnh trong bộ máy nhà nước của họ.

"Tham nhũng quyền lực" không phải là hiện tượng mới được phát hiện. Lịch sử nhân loại chẳng thiếu gì ví dụ về những bạo chúa mà cả sự chuyên quyền trọn đời của ông ta lẫn nỗi thống khổ của người dân đều hoàn toàn hợp pháp. Chúng ta cũng không thiếu ví dụ đây đó về sự cha truyền con nối hợp pháp.

Trong rất nhiều trường hợp, hiến pháp, hay hoạt động lập pháp nói chung, được vận dụng triệt để nhằm đảm bảo quyền lực của người cầm quyền. Hiện tượng sử dụng quyền lực công cộng dưới mọi hình thức, để thâu tóm và duy trì địa vị xã hội của mình và thân nhân mình bất chấp tài năng và nhân cách có phải là tham nhũng hay không?

Tham nhũng tinh thần cũng dễ nhận thấy ở lĩnh vực nghệ thuật. Chẳng hạn, chúng ta có thể coi là tham nhũng hành vi của một cá nhân lợi dụng những ưu thế xã hội để được hưởng lợi ích về vật chất hoặc tinh thần nhiều hơn những gì mà ông ta xứng đáng được hưởng nhờ tài năng và cống hiến thực của mình.

Những ưu thế này có được bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phổ biến nhất là dựa vào chính quyền. Vì thế, thời nào cũng có những nghệ sĩ phục vụ chính quyền và những nghệ sĩ độc lập. Xin lưu ý rằng, những nghệ sĩ phục vụ chính quyền không phải bao giờ cũng bất tài, và nghệ sĩ tự do không phải bao giờ cũng là những nghệ sĩ chân chính.

Hơn nữa, chính quyền cũng khác nhau, cũng không bất biến và sẽ chỉ trở thành phản tiến bộ khi nó không còn đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc sống. Nhưng đó là một đề tài khác. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói rằng hành vi tham nhũng chỉ xảy ra khi một hay một số cá nhân sử dụng những ưu thế xã hội như địa vị, uy tín... để cố tình đánh giá sai lầm hoặc đánh lạc hướng xã hội về những giá trị khác, nhằm nâng cao hoặc duy trì một cách bất hợp lý địa vị và uy tín của mình.

Việc lợi dụng ưu thế để truyền bá và duy trì quá lâu trong dân chúng những thước đo thẩm mỹ đã lỗi thời, việc tôn vinh những sản phẩm giả văn hóa, việc thóa mạ những tìm tòi nghệ thuật đích thực... nếu không phải vì ngu dốt, mà vì vụ lợi, thì đích thực là một thứ tham nhũng.

Nhưng tham nhũng trong đời sống trong lĩnh vực chính trị và nghệ thuật không thể sánh được với tham nhũng trong đời sống tư tưởng, thể hiện ở việc áp đặt các tín điều cho dân chúng. Điều này tôi đã có dịp bàn trong bài Giáo dục, trí thức và nửa chặng đường còn lại, ở đây chỉ xin nói thêm rằng trong toàn bộ lịch sử nhân loại, chưa bao giờ người dân thực sự có quyền tự do suy nghĩ.

Các nhà nước khác nhau trong lịch sử có khi hòa nhập, có khi tách khỏi các tôn giáo và hệ tư tưởng, nhưng bao giờ cũng sử dụng chúng như những công cụ để áp đặt những tín điều có lợi cho sự cai trị của mình: Khổng giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo đều từng được chọn, ở những thời điểm khác nhau, làm quốc giáo tại các nước Viễn Đông hay ở châu Âu; thời Chiến tranh lạnh, mâu thuẫn ý thức hệ đã chia đôi thế giới; còn đạo Hồi cực đoan thậm chí luôn hướng tới một thể chế, một nhà nước Hồi giáo rộng lớn.

Thế rồi, nhân danh các tín điều người ta tiến hành các cuộc Thập tự chinh, phát động chiến tranh và tổ chức khủng bố - những hiện tượng lặp đi lặp lại hàng ngàn lần trong lịch sử và vẫn còn đang tiếp tục lặp lại.

Tất nhiên, việc lựa chọn các tôn giáo hay các hệ tư tưởng để tin theo là một điều khá tự nhiên và không có gì là đáng trách. Điều đáng nói ở đây là cách thức người ta sử dụng để áp đặt chúng cho người dân.

Có thể nói, ban đầu, do những điểm tiến bộ nhất định của chúng, các tôn giáo hoặc hệ tư tưởng được lựa chọn như là công cụ lý luận hoặc tinh thần của một cộng đồng nào đó nhằm thiết lập một hình mẫu xã hội. Khi một hình mẫu được thiết lập xong, các tôn giáo hoặc hệ tư tưởng trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Các chính thể sẽ huy động toàn bộ các nguồn lực để củng cố vị trí độc tôn của nền tảng tinh thần ấy.

Một nền giáo dục rộng khắp được mở ra để củng cố vị trí độc tôn ấy trong đầu óc con người từ tuổi nhỏ. Một loạt các ưu đãi về vật chất và tinh thần được thiết lập để khuyến khích người dân tiếp nhận và thấm nhuần các tín điều. Một hệ thống các giá trị đạo đức và thẩm mỹ được hình thành dựa trên các tín điều ấy.

Sự áp đặt các tín điều thường có vai trò tích cực trong một thời gian nhất định, nhưng dần dần sẽ trở nên đóng kín, xơ cứng, làm nghèo và bóp méo đời sống tinh thần của nhân loại. Kết quả là các sự kiện và hiện tượng trong đời sống xã hội thường bị nhìn nhận phiến diện và đầy định kiến, có lợi cho những kẻ tham nhũng.

Các hiện tượng tham nhũng cũng bị nhìn nhận một cách phiến diện như thế: người ta chỉ lên án những hành vi tham nhũng bất hợp pháp mà không biết hoặc không đánh giá được mức độ trầm trọng và tính chất vô liêm sỉ - lớn hơn nhiều - của tham nhũng hợp pháp.

Trong xã hội nào cũng hình thành một tầng lớp trí thức đông đảo suy nghĩ trên nền tảng các tín điều. Họ, với tư cách là tầng lớp đặc tuyển của xã hội, đóng vai trò người truyền bá và cũng là chất xúc tác cho sự phổ biến và củng cố các tín điều trong đời sống xã hội.

Đến một lúc nào đó, các tín điều đó - trong khi ngày càng trở nên lạc hậu với đời sống - sẽ thấm sâu vào phần lớn dân chúng, biến các chính thể thành con tin của nó. Bây giờ, thay vì sử dụng các tôn giáo hay hệ tư tưởng làm công cụ cai trị, các chính thể trở thành công cụ của các tôn giáo và hệ tư tưởng để duy trì sự thống trị của nó trong đời sống tinh thần.

Thật ra thì không phải không có nhà chính trị nào nhận thức được điều đó. Nhưng họ thường bất lực, bởi lẽ chính thể của họ được xây dựng trên nền tảng những giáo điều đó, thứ nền tảng bây giờ được gìn giữ bởi chính các lực lượng xã hội, với hệ thống các giá trị đạo đức, thẩm mỹ, kinh tế... mà họ xây dựng nên.

Vậy là khi áp đặt các tín điều - ta hãy học cách Karl Marx nói về giai cấp tư sản - các chính thể đồng thời cũng xây dựng nhà tù cho chính nó. Nhà tù đó chỉ có thể bị phá vỡ bởi một hệ tư tưởng hay tôn giáo khác, được áp đặt bởi các cuộc cách mạng, bởi bạo lực hay những lý do lịch sử cụ thể khác.

(Còn nữa)

Ngô Tự Lập
.
.