Hồ Xuân Hương qua bản dịch của nhà thơ Pháp Jean Sary

Thứ Ba, 15/08/2017, 07:15
Trong bài Phụ nữ và những cuộc cách tân vĩ đại của văn chương thế giới, đã đăng trên ANTG, chúng tôi đã có dịp nói đến vai trò đặc biệt của phụ nữ trong lịch sử văn chương thế giới. 

Bất chấp thân phận thiệt thòi trong xã hội nam quyền kéo dài hàng ngàn năm, lý do chính khiến số phụ nữ viết văn rất ít ỏi so với nam giới, phụ nữ vẫn là những nhà cách tân. Chính họ là tác giả của hai sáng tạo có lẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử văn chương thế giới: thơ trữ tình và tiểu thuyết thế tục.

Nhà thơ trữ tình đầu tiên trong lịch sử thơ ca thế giới có lẽ là Sappho, nữ thi sĩ Hy Lạp, người sống vào khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ VI trước Công nguyên. Nếu như thơ của các thi sĩ nam đầy những tư tưởng cao siêu, những thần linh và anh hùng, thì trong thơ Sappho là nỗi khắc khoải, tiếng than thở lo âu của con người bình thường. Chủ đề trung tâm của bà là tình yêu.

Nhà tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại là Murasaki Shikibu, một phụ nữ Nhật Bản. Bộ Genji Monogatari, cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của nhân loại, được bà sáng tác vào khoảng từ năm 1004 đến năm 1012, nghĩa là trước Don Quixote của Tây Ban Nha và Hồng lâu mộng của Trung Quốc tới 6 thế kỷ. 

Genji Monogatari xoay quanh cuộc đời Hikaru Genji, con trai một tỳ thiếp của vua. Trong cuốn tiểu thuyết, cuộc sống cung đình, những mối quan hệ xã hội cũng như tình cảm riêng tư của các nhân vật đều được mô tả hết sức kỹ càng và tinh tế.

Có gì chung giữa họ, giữa sáng tạo của họ, Sappho, Murasaki? Có lẽ đó là thái độ trân trọng con người như nó hiện hữu trên thực tế - với cả hay lẫn dở, với mọi vui buồn, mọi cung bậc hạnh phúc, khổ đau. Tôi viết điều này khi nghĩ đến Hồ Xuân Hương và những bản dịch thơ bà do Jean Sary thực hiện.

Tranh màu nước của danh họa Bùi Xuân Phái khắc họa ý thơ của Hồ Xuân Hương.

Jean Sary không phải là người nước ngoài đầu tiên yêu thích thơ Hồ Xuân Hương. Nữ thi sĩ Việt Nam thế kỷ XVIII, với những bài thơ táo bạo đầy cách tân, kết hợp tài tình trí tuệ và nhục cảm, có khả năng chinh phục gần như bất kỳ ai từng đọc bà. 

Không nghi ngờ gì nữa, bà chúa thơ Nôm là một trong những nữ sĩ độc đáo nhất không chỉ của Việt Nam mà của cả châu Á và toàn thế giới. Những tài liệu của tôi cho thấy trong danh sách những người hâm mộ bà có những cái tên lừng lẫy như Rabindranath Tagore, người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương, Henri Lopes, nhà văn nổi tiếng, cựu Thủ tướng Congo.

Nhà thơ Hoa Kỳ John Balaban, đã dịch cả một tuyển tập thơ bà với nhan đề Spring Essence: The Poetry of Hô Xuân Huong. Tập thơ đã bán được khoảng hai chục ngàn cuốn tại Hoa Kỳ, một con số đáng ngạc nhiên với một tập thơ dịch. 

Trong số những người yêu thích Hồ Xuân Hương còn phải nhắc đến Maurice Durand, vị học giả lỗi lạc về văn hóa Việt Nam, tác giả cuốn sách dở dang L'oeuvre de la poétesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương (Sự nghiệp của nữ sĩ Việt Nam Hồ Xuân Hương). Cũng xin nói thêm, Jean Sary coi việc mình dịch thơ Hồ Xuân Hương là một cách tưởng nhớ Maurice Durand.

Tuy nhiên, dịch thơ Hồ Xuân Hương, nhất là dịch sang các thứ tiếng phương Tây, lại là một công việc đầy mạo hiểm. Khó khăn dễ nhìn thấy là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, trong khi một trong những nét độc đáo nhất của thơ Hồ Xuân Hương là nghệ thuật chơi chữ và ẩn dụ: mỗi từ của bà thường gợi đến một từ khác, sau mỗi sự vật của bà thường có một sự vật khác, gắn liền với thân thể và nhục cảm.

Thành thử, ẩn sau mỗi bài thơ của Hồ Xuân Hương là một bài thơ khác vừa rõ ràng vừa không thể nắm bắt. Làm sao để một người nước ngoài có thể hiểu được điều đó? Làm sao để dịch giả có thể chuyển chúng sang một thứ tiếng khác? Và làm sao một độc giả phương Tây có thể cảm nhận được chúng trong một ngôn ngữ khác và một môi trường văn hóa khác?

Nhưng còn có một vấn đề khác mang tính thời đại không kém phần khó khăn, liên quan đến những thay đổi trong đời sống xã hội phương Tây. Trong thế kỷ XX, thuốc tránh thai, lối sống hippie, cách mạng tình dục, và trong một chừng mực nào đó cả phong trào nữ quyền, dường như đã phá bỏ mọi rào cản, mọi cấm kỵ. 

Người ta dường như đã tận hưởng hết, phơi bày hết, khai thác hết, nếu như không nói là thái quá, mọi khía cạnh liên quan đến thân thể, đến nhục dục, đến mức rất nhiều chuyện khó nói đã trở thành chuyện thường ngày, rất nhiều từ tục tĩu đã trở thành từ cửa miệng, và rất nhiều hành vi "vượt rào" không còn khả năng gây sốc. Đây là đoạn mở đầu lời bài hát L'amour Avec Toi của Michel Polnareff (1966):

Il est des mots qu'on peut penser
Mais a pas dire en société
moi je me fou de la société
et de sa prétendue moralité
j'aimerais simplement faire l'amour avec toi.

(Có những từ mà người ta có thể nghĩ đến
Nhưng ngoài xã hội không thể nói ra
Xã hội thì anh thây kệ người ta
Thây kệ thói giả đò đạo đức
Anh muốn làm tình với em, đơn giản vậy thôi).

Trong một xã hội như vậy, khi ngay cả những bài thơ nhục dục đến mức phơi bày của Pierre Louÿs cũng đã trở nên quá "nhẹ cân", liệu những nhục cảm tinh tế và nghệ thuật biểu đạt xa xôi, l'art du détour, của Hồ Xuân Hương có thể gây xúc động cho người đọc?

Những bản dịch của Jean Sary in trong tạp chí Pháp IF (Marseille, số 25-2004) dường như đề xuất một câu trả lời khẳng định. Nhưng có thể thấy là anh đã phải làm rất nhiều để có được câu trả lời đó. Ngoài tình yêu đối với Hồ Xuân Hương, anh phải mất nhiều năm học tiếng Việt và học đến mức có khả năng thấm được âm nhạc, cảm được sự tinh tế trong cách diễn đạt của nó. Điều này thấy rõ trong phần chú giải.
Tiểu thuyết gia Murasaki Shikibu qua nét vẽ của Utagawa Hiroshige. Ảnh phải: Bìa cuốn “Spring Essence: The Poetry of Hô Xuân Huong” của Jonh Balaban.

Chẳng hạn, anh giải thích câu "Dao cầu/ thiếp/ biết/ trao/ ai nhỉ" (Coupe-racine/ je/ savoir/ transmettre/ qui hein?) như sau: "Ngoài ẩn dụ về chiếc dao cầu của ông lang mà ai cũng thấy, tác giả còn thêm vào một cách chơi chữ: nếu đổi dấu thanh của chữ thứ hai, ta sẽ có dao cấu, đọc như giao cấu". Điều này có thể gây bất ngờ, nhưng nếu lưu ý rằng quê Hồ Xuân Hương ở Nghệ An thì chúng ta sẽ thấy lý giải của Jean Sary rất chính xác.

Hay như khi anh viết về những "từ ấn tượng" (l'impressif): "Trong bài Hang Cắc Cớ, ta phải hiểu từ phập phòm như thế nào? Nhìn chung, nó mô tả tiếng sóng. Nhưng, đó cũng là tiếng gió quất vào cành thông. Chữ phập mô tả một cú đâm dứt khoát, tựa như tiếng mũi tên cắm gọn vào bia. 

Nhưng bạn nghe thấy hay nhìn thấy? Bạn nhìn thấy. Nó có vẻ nghiêng về thị giác. Còn chữ phòm lại nghiêng về thính giác. Nó không thể đứng riêng rẽ, mà đóng vai trò một hậu tố. Thanh huyền của nó dường như mô phỏng một tiếng thở dài. Của gió? Không, của cây thông ngất ngưởng trong gió bão".

Khi dịch Hồ Xuân Hương, thuận lợi quan trọng của Jean Sary là bản thân anh cũng là một nhà thơ, và hơn nữa, là một nhà thơ Pháp. Nhờ vậy, anh có thể tìm được cách biểu đạt tương đương trong tiếng Pháp mà không bị cầm tù bởi những hình ảnh và cách biểu đạt trong nguyên bản - điều gần như không thể tránh khỏi ở các bản dịch do người Việt thực hiện, dù có hay không có sự cộng tác của một đồng nghiệp Pháp. 

Trong rất nhiều trường hợp, Jean Sary đã tránh được lối nói "chắc như đinh đóng cột" đặc trưng cho các thứ tiếng tổng hợp châu Âu và tìm được hình thức biểu đạt đủ mập mờ, khá gần gũi với tiếng Việt - một ngôn ngữ phân tích, điều được Hồ Xuân Hương khai thác một cách tài tình.  

Chẳng hạn, hai câu:

Mỏng dày chừng ấy chành ba góc
Rộng hẹp đường nào cắm một cây
.

được anh dịch như sau:

Mince épais il s'ouvre son triangle impeccable
Large étroit quelque forme on enfonce un tenon.

Một ví dụ khác là hai câu:

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái này.

được anh dịch thành:

Peau rosée joues rouges encollées de kaki
Le Roi aime et la Cour vénère pour la chose.

Tuy nhiên, việc Jean Sary chọn hình thức thơ tự do - tự do đến mức gần với thơ văn xuôi - để dịch bài Quan Thị, theo tôi, không thật đắc địa. Vấn đề không phải là anh không biết rằng bài Quan Thị có hình thức thơ Đường. Và cũng không phải là anh không biết các đặc điểm của thơ Đường luật. Trái lại, anh còn dành hẳn một mục để giải thích các đặc điểm của nó. Vậy, chỉ có một lý giải là anh định tìm một lối biểu đạt khác.

Nhưng ở đây, anh đã quên rằng vẻ đẹp của thơ Hồ Xuân Hương còn ở sự tương phản giữa những niêm luật chặt chẽ của thơ Đường luật với sự phóng túng trong ý tưởng và khả năng dường như vô hạn của tác giả trong việc vượt thoát khỏi nhà tù hình thức.

Jean Sary đã sống nhiều năm ở Việt Nam, trong đó nhiều năm là giáo viên tiếng Pháp ở L'Espace. Trong chú giải cuối cùng kèm theo các bản dịch, anh viết nửa đùa nửa thật rằng trong tiếng Việt "dịch" vừa có nghĩa là "dịch thuật" vừa có nghĩa là "dịch bệnh", và hy vọng là những những bản "dịch" của anh sẽ không bị cầm tù trong vòng "kiểm dịch" mà có khả năng lây nhiễm đến nhiều người.

Dĩ nhiên, là người dịch, anh là bị mắc dịch đầu tiên. Tôi hy vọng rằng ở Jean Sary, tình yêu đối với Hồ Xuân Hương và thơ ca Việt Nam là một căn bệnh mãn tính.

Ngô Tự Lập
.
.