Những bộ mặt của tham nhũng
- Kinh tế trì trệ Cơ hội chống tham nhũng
- Mạnh tay chống tham nhũng
- Không để ‘trôi’ các vụ việc tham nhũng, lãng phí do báo chí phản ánh
I. Định nghĩa tham nhũng
Mặc dù "tham nhũng" là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều và tham nhũng là vấn đề đau đầu của mọi quốc gia, ở mọi thời đại, cho đến nay người ta vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho nó. Lý do là tham nhũng được tiếp cận từ nhiều quan điểm khác nhau, từ kinh tế, đạo đức, tôn giáo đến chính trị, xã hội và giai cấp, và các quan điểm này lại mang nặng dấu ấn lịch sử và cá nhân.
Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (UN Convention against Corruption), kết quả của nhiều nỗ lực đàm phán, không đưa ra một định nghĩa rõ ràng và đồng thuận, mà chỉ có một số điều khoản mô tả các loại tham nhũng khác nhau.
Theo World Bank, tham nhũng là sự "lạm dụng quyền lực công cộng nhằm lợi ích cá nhân" ("the abuse of public power for private benefit"). Đây là một định nghĩa khá "mở". Tuy nhiên, trên thực tế, định nghĩa này được diễn giải khá hẹp, thậm chí ngay chính trong các tài liệu của World Bank.
Theo cách diễn giải đó, nó không bao gồm hành vi tham nhũng trong các công ty tư nhân và cũng bỏ sót hành vi tham nhũng trong đó lợi ích lại được dành cho một bên thứ ba, có thể là cá nhân, tổ chức hay thậm chí là một quốc gia.
Hội đồng châu Âu (The Council of Europe), trong Công ước 1999, tại Điều 2, định nghĩa: "Tham nhũng là hành vi đòi hỏi, đề nghị, đưa hoặc nhận hối lộ hoặc một lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ hoặc lợi ích khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, làm sai lệch sự thực hiện đúng đắn của bất kỳ chức trách hoặc hành vi theo nghĩa vụ nào của người nhận hối lộ, lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ và lợi ích khác đó".
Định nghĩa này, theo tôi, lại có một nhược điểm khác. Trên thực tế, sự lạm dụng quyền lực công cộng nhằm mục đích cá nhân và làm sai lệch chức năng của các tổ chức, công cộng cũng như tư nhân, có thể diễn ra mà không hề có hành vi "đòi hỏi, đề nghị, đưa hoặc nhận hối lộ hoặc một lợi ích khác hoặc hứa hẹn hối lộ hoặc lợi ích khác".
Minh họa: Lê Phương. |
Quan niệm về tham nhũng của Hội đồng châu Âu thậm chí còn hẹp hơn quan niệm của các nhà làm luật Việt Nam.
Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chẳng hạn, ở các Điều 278-284, Mục A, Các tội về tham nhũng, liệt kê các tội: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác.
Trên thực tế, đôi khi tham nhũng được hiểu thuần túy theo khía cạnh pháp luật, như là hành vi kiếm lời trái phép. Tuy nhiên, trong một số thể chế, bản thân pháp luật đã không phải là sự thể hiện ý chí xã hội, mà chỉ là sản phẩm của một hay một nhóm người vì những mục đích khác nhau. Vì thế, bản thân luật có thể cũng đã là kết quả tham nhũng, không thể dùng làm tiêu chí để xác định tham nhũng được.
Để có một quan niệm đầy đủ về tham nhũng, cố gắng của một cá nhân hay một tổ chức là quá nhỏ bé. Tuy nhiên, sự so sánh, xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ và quan điểm khác nhau chắc chắn sẽ bổ ích và giúp đi đến một định nghĩa đầy đủ và chính xác.
Với suy nghĩ như thế, sau khi nghiên cứu các định nghĩa nêu trên, và nhiều định nghĩa khác nữa mà tôi không có điều kiện liệt kê hết, tôi thấy chúng ta có thể sử dụng định nghĩa của World Bank với điều kiện mở rộng cách hiểu các thuật ngữ như "lạm dụng", "quyền lực", "công cộng", "lợi ích" và "cá nhân".
1. "Quyền lực": bao gồm không chỉ quyền lực chính trị mà cả các quyền lực kinh tế, văn hóa, tôn giáo, công nghệ...
2. "Công cộng": không chỉ có nghĩa "thuộc về nhà nước" hay "thuộc về xã hội" mà ở mọi cộng đồng người với quy mô và hình thức khác nhau: từ các tập thể, các tổ chức xã hội, các công ty, đến các quốc gia...
3. "Lạm dụng": Mỗi cá nhân được cộng đồng giao một quyền lực nào đó đều có quyền và nghĩa vụ hành động, đồng thời được hưởng những lợi ích trong khuôn khổ nào đó. Sự lạm dụng có thể diễn ra trong hai trường hợp: hành động vượt ra ngoài khuôn khổ cho phép, hoặc thu lợi nhiều hơn mức được hưởng.
4. "Lợi ích": dưới mọi hình thức, về vật chất cũng như về tinh thần.
5. "Cá nhân": một hoặc một nhóm các cá nhân.
Những điểm trình bày trên đây cho phép chúng ta diễn giải định nghĩa tham nhũng của World Bank như sau: Tham nhũng là hành vi của một hay một nhóm người, sử dụng các quyền lực của cộng đồng, ở mọi quy mô, bất kể trong lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, hành chính hay đời sống tinh thần, để chiếm các giá trị vật chất và tinh thần nhiều hơn những gì họ xứng đáng được hưởng.
II. Tham nhũng hợp pháp và tham nhũng phi pháp
Với một định nghĩa quan niệm về tham nhũng như trên, chúng ta thấy rằng, trái với cách nghĩ thông thường, tham nhũng không phải khi nào cũng phi pháp.
Còn hơn thế nữa, so với tham nhũng phi pháp, hình thức tham nhũng hợp pháp thậm chí còn phổ biến hơn và gây tác hại nặng nề hơn. Nhưng tham nhũng hợp pháp ít bị lên án, bởi lẽ khi thì nó được bảo trợ bởi nhà nước, tôn giáo và ý thức hệ, khi thì nó ẩn náu dưới lớp vỏ văn hóa và truyền thống dân tộc, kết quả là nhiều khi nó được nhìn nhận nhưng một cái gì đó tự nhiên hoặc đương nhiên.
Nếu xem lại lịch sử văn minh nhân loại, ta sẽ thấy rằng sự hình thành xã hội loài người cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện các giai cấp và những quy định khác nhau có nhiệm vụ bảo vệ những ưu tiên về quyền lợi cho một nhóm người và ít nhiều làm tổn hại đến lợi ích của một nhóm người khác.
Chẳng hạn, nó đảm bảo cho chủ nô có quyền sống bằng lao động của nô lệ, đảm bảo cho địa chủ sống bằng lao động của nông dân, hoặc đảm bảo cho ông vua có quyền chiếm đoạt tất cả mọi tài sản quốc gia, được định đoạt cuộc sống của mọi thần dân, thậm chí coi vợ của tất cả những người đàn ông khác là vợ mình.
Trong một xã hội văn minh chúng ta thấy rằng tất cả những điều ấy thật vô lý, nhưng tất cả những đặc quyền đặc lợi đó đều là sự thật, đều đã tồn tại và ngay cả hôm nay vẫn chưa biến mất hoàn toàn trên trái đất. Vì lẽ gì mà những cá nhân đó được hưởng những đặc quyền đó?
Về bản chất, đó là sự sử dụng quyền lực công cộng để chiếm đoạt các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, sự chiếm đoạt mà nhờ có nhưng luật lệ thích hợp đã trở thành chính đáng!
Chế độ gia trưởng là sự tham nhũng hợp pháp trong gia đình, hình ảnh thu nhỏ của sự tham nhũng hợp pháp trong một quốc gia. Trong gia đình, người đàn ông giống như một ông vua. Ông ta có quyền sinh quyền sát đối với vợ, con và thậm chí cả với mẹ.
Ở rất nhiều nơi, thậm chí đến tận ngày nay, phụ nữ bị coi là nô lệ, là đồ trang sức hay tiêu khiển. Con cái đến tuổi lập gia đình được người ta đem mặc cả như những món hàng. Nhiều nước có tục chôn sống vợ theo chồng khi chồng chết.
Ở Nigeria, ngay trước thềm cuộc thi Hoa hậu thế giới 2002, hình phạt ném đá đến chết mà người ta áp dụng với những người đàn bà ngoại tình khiến cả thế giới phẫn nộ và cuối cùng ban tổ chức phải chuyển địa điểm đến London.
Như vậy, có thể nói, sự ra đời của pháp luật cũng là sự ra đời của một cơ chế bảo lãnh cho tham nhũng. Tất nhiên, pháp luật không chỉ có chức năng bảo trợ tham nhũng.
Để duy trì một xã hội, con người luôn cần có những thỏa thuận, những khế ước xã hội, để định hướng hành vi của các cá nhân. Pháp luật có thể là những thỏa thuận như thế. Tuy nhiên, vì pháp luật là ý chí của kẻ mạnh, nói như Socrates - hay nói cách khác, là ý chí của giai cấp thống trị, nói như Marx - nó luôn luôn dành ưu tiên cho việc bảo vệ hành vi chiếm đoạt của những kẻ nắm quyền lực.
Trong những xã hội, vốn luôn luôn bị nhào nặn lâu dài theo ý muốn của những kẻ nắm quyền lực, các khuynh hướng chính trị và kinh tế, các tiêu chuẩn đạo đức và thẩåm mỹ, và thậm chí cả các ham muốn tưởng chừng cá nhân như ham muốn tình dục cũng ít nhiều biểu hiện của các quan hệ xã hội, vì thế luật pháp không chỉ bảo trợ cho tham nhũng mà về thực chất, chính việc làm luật đã là hành vi tham nhũng.
Bên cạnh tham nhũng hợp pháp, bao giờ cũng có tham nhũng bất hợp pháp. Đó là hành vi của các cá nhân lợi dụng quyền lực của mình trong bộ máy nhà nước để thu lợi trái với quy định của pháp luật, nói cách khác, đó là những tội được liệt kê trong các bộ luật hình sự.
Những hành vi tham nhũng như thế luôn là đối tượng của sự chỉ trích, phê phán, hay thậm chí căm phẫn. Tuy vậy, nếu so sánh một các tỉnh táo, chúng ta sẽ thấy rằng trong lịch sử phát triển của nhân loại thực ra tham nhũng hợp pháp vượt xa tham nhũng bất hợp pháp về quy mô và tác hại.
Hành vi đòi hối lộ của của một viên quan đầu tỉnh dưới thời phong kiến, chẳng hạn, thực ra chỉ là con gà con vịt ông ta đòi người dân bổ sung thêm vào những nhà cửa ruộng vườn và vô số đặc quyền khác mà luật pháp quy định cho ông ta được hưởng.
Như vậy, trái với lập luận của Platon, rằng pháp luật ra đời là để chống lại các thói xấu của con người, trên thực tế, pháp luật ra đời chủ yếu là để bảo trợ tham nhũng, vốn có nguồn gốc là lòng tham, một thói xấu. Mặc dù sau hàng ngàn năm lịch sử phát triển, pháp luật đã có nhiều thay đổi về chất, cho đến tận ngày nay, vai trò bảo trợ tham nhũng của pháp luật vẫn còn tồn tại trong tất cả các hệ thống pháp luật của tất cả các quốc gia, tuy ở mức độ khác nhau.
Tham nhũng còn được sự bảo trợ của đạo đức. Sự bất bình đẳng nam nữ, mà tôi xin gọi là tham nhũng giới tính, chẳng hạn, là một thứ tham nhũng hợp pháp không chỉ từng được coi là phù hợp, còn được biến thành những nguyên lý đạo đức xã hội.
Sự đề cao Tam tòng tứ đức như là những tiêu chuẩn luân lý của phụ nữ ở các nước Viễn Đông theo Khổng giáo thực chất là đạo đức hóa sự thống trị của nam giới đối với nữ giới, điều này dựa trên việc lợi dụng những quyền lực của nam giới trong một xã hội phụ quyền mang tính văn hóa và lịch sử.
Tình trạng này tồn tại một cách phổ biến và lâu dài đến nỗi ở hầu hết các nước trên thế giới, cho đến đầu thế kỷ XX, việc phụ nữ không được tham gia phần lớn các hoạt động xã hội không khiến ai ngạc nhiên. Ngay cả ở Hoa Kỳ, phải đến năm 1919 quyền bầu cử của phụ nữ mới được quốc hội công nhận bằng việc thông qua Tu chính số 19 của Hiến pháp Liên bang.
Bà Lady Borton, một nhà văn Hoa Kỳ, trong một bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình Việt Nam, nhận xét rằng bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là rất tiến bộ so với bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ khi trong đoạn trích dẫn, Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch từ "All men" thành "Mọi người", bởi lẽ trong văn bản nổi tiếng của Jefferson, "All men" chỉ có nghĩa là "Tất cả đàn ông", mà thực ra cũng chỉ là đàn ông da trắng.
Tham nhũng còn được bảo trợ bởi tôn giáo và các hệ tư tưởng. Công việc của chúng ta không phải là lên án hay đơn thuần là nhắc lại những luật lệ nghiêm ngặt ở châu Á phong kiến, ở châu Âu trung cổ dưới bóng nhà thờ hay ở những quốc gia theo Hồi giáo cực đoan.
Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói rằng các tôn giáo, các ý thức hệ, trong khi rao giảng về việc tu thân tích thiện, đồng thời cũng thiết lập những quy tắc ràng buộc con người, bắt họ phải chấp nhận sự bất công, và hơn nữa, biến sự chấp nhận ấy thành tự giác, hay thậm chí là giá trị đạo đức.
Cần lưu ý rằng lịch sử từng chứng kiến nhiều trường hợp tôn giáo và ý thức hệ liên kết với quyền lực chính trị, hay thậm chí đồng nhất với quyền lực chính trị, trở thành một bộ máy toàn năng. Thực chất, bộ máy đó có nhiệm vụ hợp thức hóa những hành vi tham nhũng của những kẻ có quyền lực dưới hình thức của đủ loại đặc quyền đặc lợi.
(Còn tiếp)