Y Ban và những hệ lụy bất thường
Người lắm “tai tiếng” văn chương
Phải nói nhà văn Y Ban là một hiện tượng lạ về văn chương ở nước ta. Hanh thông ngay từ bước đầu vào nghiệp văn, với giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, vào năm 1989-1990. Ấn tượng về hai truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ và Người đàn bà có ma lực đã khẳng định một cái tên Y Ban, với giọng điệu mới lạ, thể hiện một hiện thực chát chúa của xã hội. Kế tiếp năm sau, Y Ban còn được trao giải B cuộc thi của Nhà xuất bản Hà Nội, cho tập truyện ngắn Người đàn bà có ma lực.
Ngay từ những năm đó, văn của Y Ban đã thể hiện một bút pháp sinh động, cuốn hút người đọc bằng những chi tiết độc đáo. Có nhà nghiên cứu khi đó nói, Y Ban sẽ là một nhà văn rất ấn tượng trong tương lai. Chẳng bao lâu, chị còn cho ra đời tập truyện ngắn Miếu hoang, và được nhận giải C của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Đến năm 1996, Y Ban được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Năm; một mạch thẳng tiến và thành danh chỉ 6 năm bước vào con đường văn chương, với một gương mặt khó quên.
Nhưng có lẽ giờ đây, nói đến Y Ban người đọc còn nhắc đến cuốn sách và truyện ngắn cùng tên I am đàn bà, xuất bản 2006. Tập truyện ngắn này là một bước tiến mới của Y Ban sau 16 năm cầm bút, nhưng lại xảy ra những hệ lụy oái oăm kèm theo. Riêng truyện ngắn I am đàn bà được trao Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2006-2007), nhưng ngay sau đó bị cho là phạm quy nên phải treo giải, với lý do đã in sách trước đó. Tất nhiên đây là một cú sốc với một tài năng đang được dư luận đánh giá cao. Ngỡ như Y Ban choáng váng khó đứng vững sau những vận hạn khó lường.
Nhưng không ngờ, cái được của Y Ban sau “tai họa” lại là sự kiếm tìm ráo riết của bạn đọc, họ lùng mua sách in lậu ở thị trường tự do. Y Ban và cái tên I am đàn bà nổi như cồn trên các diễn đàn văn học, cũng như thông tin trên các mạng xã hội. Với những cách thể hiện bạo dạn về tình dục trong tình yêu và hôn nhân gia đình, ẩn chứa những nỗi niềm về sự sống, truyện ngắn của Y Ban trở nên “hot”. Thời điểm này có nhà sách đã giao kèo độc quyền in tác phẩm của Y Ban. Lại một lần nữa cái tên Y Ban có sức thu hút các nhà xuất bản trên toàn quốc và được bạn đọc đón chờ.
Nhưng hệ lụy văn chương thật khó lường, 4 năm sau (2011) cái tên Y Ban lại được đem mổ xẻ khi xuất bản tập truyện ngắn mini Này hỏi thật thấy gì chưa đấy? Thấy gì là thấy gì? Có lẽ sách của Y Ban bị thu hồi do những trang viết quá mạnh dạn về tình dục và những chi tiết tự nhiên chủ nghĩa. Hẳn là như vậy chứ chẳng có chuyện “chính chị chính em” gì cả.
Ngỡ mọi chuyện “quá tam ba bận” đến thế thôi, ai ngờ lại thêm một sự cố nữa xảy ra. Đó là chuyện nhà văn Y Ban không nhận “bằng khen” của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013, trao cho tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2012). Y Ban gửi một bức thư ngỏ cho ông Chủ tịch Hội và các vị ủy viên Ban Chấp hành, bày tỏ những bức xúc trong lòng rồi từ chối không nhận bằng khen. Thậm chí Y Ban còn từ bỏ ghế Ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam ngay sau đó.
Năm 2014, Y Ban được mời chào, viết như “lên đồng” và cho phát hành liên tiếp ba cuốn: Tiểu thuyết ABCD; Tập truyện ngắn mini Sống ở đời biết khi nào ta khôn? và tập truyện ngắn Người đàn bà và những giấc mơ. Thừa thắng xốc tới vào đầu năm 2015, Nhà xuất bản Phụ nữ in luôn cho Y Ban tập truyện ngắn Cuối cùng thì đàn bà muốn gì? Đặc biệt cuốn này bán hết veo 2 nghìn bản ngay từ khi phát hành, sau đó đã được in nối bản. Y Ban đã phải ký mỏi tay vào những cuốn sách bán được, để tặng bạn đọc, trong các hội sách trong năm 2015.
Những nghi vấn không đâu
Người ta có đặt ra một câu hỏi, phải chăng Y Ban tìm cách gây liên tiếp các “chiêu trò” để tạo danh tiếng và gây sự ồn ào với mục đích bán sách. Vậy nên mới viết sách như “điên” vậy. Trong 25 năm mà viết tới 20 cuốn sách. Ấy là chưa nói có đến những cuốn sách được in nối bản hay tái bản. Nhưng chả phải, là bạn đồng nghiệp trong làng báo nhiều năm, tôi nhận biết Y Ban chính là hình ảnh đích thực trong văn chương chị. Bởi tôi thường được nghe Y Ban kể nhiều chuyện vặt thường ngày. Chân thực và hài hước. Đôi khi còn cay nghiệt và khổ đau. Đó là những chi tiết và sự kiện của chồng, con, mẹ và anh chị em, hay bạn bè, đồng nghiệp của chính Y Ban.
Những “hắn”, những “thị” hay “ả”, hoặc “y”... trong truyện ngắn hay tiểu thuyết đều từ đấy mà ra. Chúng được mã hóa, với những tính cách nhân vật trong câu chuyện được miêu tả, tiềm tàng năng lượng sống và khởi sắc về chi tiết. Chính vì điều đó mà truyện của Y Ban có sức hấp dẫn, và sách của chị bán được nhiều, chứ không cần trông chờ vào chiêu trò tạo dựng.
Tính bộc trực và đôi khi phản kháng nóng vội này đã từng làm Y Ban khá liểng xiểng trong đường đời. Nào chuyện anh, em trái tính, trái nết trong gia đình phải đối diện. Lại còn cả chuyện vận hạn ở cơ quan nữa chứ, cũng truân chuyên lắm. Chả thế có lần trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Y Ban đã từng tuyên bố, đôi lúc định tự tử khi khủng hoảng tinh thần.
Cuộc sống dày đặc sự cố vây quanh Y Ban đã tràn vào những trang văn là vì vậy. Đôi khi Y Ban tự nhủ tuổi Tân Sửu (1961) của mình, họa, phúc khó lường, đành chịu mà vượt lên. Nhiều chuyện “tiếu lâm” mà Y Ban thỉnh thoảng chém gió trên facebook, chính là tự đùa với chính mình, sau những ám ảnh nào đó vừa xảy ra. Những là hóm hỉnh, hài hước bên ngoài nhưng lại là ứa lệ bên trong. Những là tiếng cười rộn rã, xôn xao phía trước lại là tiếng lòng dữ dội bùng nổ phía sau. Tôi đã từng không ít lần thấy Y Ban khóc khi kể những uẩn khúc trong lòng. Kể cả những nỗi đoạn đường đời của những người bán hàng rong hay kẻ ăn mày, ăn xin.
Gặp những chuyện oan trái là đánh động đến trái tim của chị. Đó chính là Y Ban sau những lời bỗ bã ngoài quán cà phê. Tính nhân bản luôn luôn nổi bật trong các tác phẩm của Y Ban. Đó chính là chiều sâu của câu chuyện mà chị viết về nỗi đau, thân phận đàn bà. Chị muốn nhấn về cái xấu, cái ác, sự đổ vỡ để người đọc căm ghét nó và muốn sống chân thành với nhau, cùng gây dựng niềm tin yêu cuộc sống.
“Sex” ư? Đâu có gì lạ!
Không ít lần người ta bàn tán đến những tác phẩm của Y Ban có tính thời thượng, cố bám lấy những chuyện đậm chất “sexy”, chứ chả có gì ghê gớm. Có người còn ví đó chỉ là những tiết mục “đời cười” câu khách trên sân khấu, không chứa đựng ý tưởng sâu sắc của một vở chính kịch” mang tính thời đại. Thực ra mỗi nhà văn đều mang bản sắc riêng và có cách tiếp cận hiện thực của mình.
Đối thoại với những nhân danh chính kịch này, nhà văn không hề dao động mà còn nhấn mạnh, yếu tố “sex” là một nét văn hóa tự thân của đời sống con người, chan chứa nguồn mạch phát triển, sinh sôi. Nó ẩn hiện lấp lánh trong những chi tiết của câu chuyện như một đòi hỏi tự nhiên.
Sự cách tân khi ứng xử với tình dục là làm nổi bật tính văn hóa của nó, chứ không phải thóa mạ “sex” bởi những chi tiết lộ liễu. Tôi chợt nhớ có lần Y Ban bày tỏ, “sex” là chuyện không mới, nhưng cũng không bao giờ cũ, trong đời sống. Nhưng trong văn chương, “sex” luôn luôn được làm mới, với những số phận nhân vật mà tác giả phủ lên đó những ý nghĩa nhân bản, “làm sạch” tâm hồn con người.
Mới đây vào dịp đầu tháng 10-2015, nhà văn Y Ban đăng đàn trên truyền hình để bàn về tình dục cùng với một thạc sĩ tình dục học, trong Hội sách và di sản, tại Hoàng thành Thăng Long. Chị nhấn mạnh ý kiến được nêu ra: “Một khi tình dục được nhìn nhận đúng đắn thì đạo đức sẽ tự do vượt thoát khỏi sự tác động của dục vọng để thăng hoa”.
Và đó cũng chính là nỗi niềm được ẩn giấu trong mỗi chi tiết mà Y Ban viết ra trong mỗi câu chuyện. Chị có niềm tin tác phẩm của mình có sức sống lâu bền, bởi được nhiều độc giả đón nhận. Người đọc chia sẻ với những nỗi đau, hay sự phẫn nộ của tác giả thể hiện, qua những biến động trong cuộc sống, mà họ cần phải đối diện. Đó chính là những điều lắng đọng sâu xa trong tác phẩm của Y Ban, chứ không phải là những ồn ào qua những scandal nổi cộm. Phải chăng vì lẽ đó, mà bạn đọc càng ngày càng thích đọc truyện của Y Ban!?