Ông “tam đa” và mối thiên duyên kỳ ngộ

Thứ Ba, 08/03/2016, 10:05
Nhiều người gọi nhạc sĩ Hồng Đăng là ông “tam đa”: Đa tài, đa hội, và đa thê. Sự tài danh trong âm nhạc của ông thì khỏi phải nói, đã được chứng thực qua các tác phẩm trải trên dòng thời gian. 

Đa hội vì ông là thành viên của nhiều Hội: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nhật, và nhiều người còn hóm hỉnh trêu đùa ông là Chủ tịch number one của Hội bạn bè. Và vì số đào hoa chiếu mệnh nên ông là một trong số những nhạc sĩ đa thê nhất nước.

Nói nhạc sĩ Hồng Đăng đa thê thì liệu ông có chịu?  Thật ra, nhạc sĩ chưa bao giờ cùng lúc có mấy vợ mà duyên kiếp đẩy đưa khiến cho đường tình duyên của ông trúc trắc lận đận suốt bao năm ròng, hai lần lập gia đình vẫn chưa yên bề gia thất. Tình đến tình đi, như gió thoảng mây bay, đến khi gặp được người phụ nữ thứ ba, kĩ sư Lê Thúy thì định mệnh lúc đó an bài, và việc hôn nhân đại sự của ông lúc này mới thực sự hoan hỷ.

Nhạc sĩ là người tin vào số mệnh, duyên trời. Nhiều người được biết đến ngoài tài nghệ là một nhạc sĩ, ông còn là một thầy tử vi nổi tiếng. Tại sao ông lại là thầy tử vi bởi mọi chuyện cũng bắt đầu từ những câu chuyện đưa đẩy. 

Ông kể, trước đây ông có một cậu con trai rất đáng yêu, cậu bé mới có hai tuổi thì một lần ông đưa cậu bé đến nhà một cụ khoa bảng rất giỏi trong làng. Cụ  nhìn cậu bé rồi hỏi ông về ngày sinh tháng đẻ của đứa trẻ, sau khi nghe nhạc sĩ nói xong thì cụ trầm ngâm rồi nói: “Đứa bé này tất không được thọ”. 

Vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Phạm Nghĩa.

Chỉ ít lâu sau cậu bé con ông qua đời. Lúc này nỗi nhớ con giày vò lại nhớ đến lời phán truyền của cụ khoa bảng, người nhạc sĩ mới tự mầy mò nghiên cứu tử vi để tìm ra câu trả lời cho đời mình. Rồi những khúc mắc, những điều chưa lí giải trong cuộc sống dần dần được giải đáp. 

Và ngay khi nghiên cứu tử vi, nhạc sĩ cũng biết được cung phu thê, tức là đường chồng vợ hôn phối của mình sẽ trải nhiều cung bậc bão bùng mưa gió, qua những ngày ảm đạm mây mù, nhưng rồi thời gian bồi đắp, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu sáng hết tối tăm, và vườn hoa tình ái sẽ lại rực rỡ sắc hương.

Nữ kĩ sư Lê Thúy là một người phụ nữ nhân hậu; chị sở hữu làn da trắng và dáng người cao đến 1,65m nên khi bên cạnh nhạc sĩ, thì cao hơn người đàn ông của đời mình đến hơn nửa mái đầu. Về tuổi, nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936, tuổi Tuất; chị Lê Thúy sinh năm 1962, tuổi Dần. Định mệnh hay thiên duyên? Nữ kĩ sư học ngành kiến trúc, nhưng ngay từ nhỏ đã say mê âm nhạc, chị thuộc nhiều bài hát, hoàn cảnh xuất xứ ra đời của nhạc phẩm và cả tiểu sử của các nhạc sĩ cùng thời với nhạc sĩ Hồng Đăng. 

Chị say mê nền âm nhạc của thời kì tân nhạc Việt Nam vì vậy chị kính trọng và cảm phục những người có tài trong lĩnh vực âm nhạc. Lê Thúy lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Hồng Đăng vào một ngày đầy nắng, đó là nắng của sự chộn rộn, lòng vấn vương, tâm trạng xốn xang khó tả. 

Chị kể, ấn tượng gặp nhạc sĩ Hồng Đăng là một người hóm hỉnh, nói năng nhỏ nhẹ, hay có những câu đùa duyên dáng, đặc biệt ông rất hào hiệp với phụ nữ và hào phóng với bạn bè, nhiều lúc ông tiêu đi những đồng xu cuối cùng chỉ để bạn bè và mình cùng vui. Người nhạc sĩ đa tài trong âm nhạc nhưng ở ngoài xã hội thì cứ như một chàng kị sĩ ngơ ngác với cuộc đời, lắm lúc lại hồn nhiên, dễ thương như một đứa trẻ. Chị yêu và kính trọng ông cũng vì lẽ đó. 

Chênh nhau gần 30 tuổi, Lê Thúy lúc ấy mới là phụ nữ ngoài 30, còn nhạc sĩ Hồng Đăng đã gần 60 tuổi, nhưng tình yêu có lí lẽ riêng, họ “cảm nắng” và say nhau đến độ quên hết trời đất. Ngôi nhà chung của các Hội nghệ thuật ở nhà 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, đã quá quen với người phụ nữ lúc nào cũng luôn bên người đàn ông của đời mình, đưa đón ông. Nhạc sĩ Hồng Đăng ngồi sau người vợ trẻ bên chiếc xe cup 82 màu xanh cửu long rong ruổi khắp nơi bất kể nắng mưa suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Chị Thúy kể, nhạc sĩ Hồng Đăng lúc nào có tiền là biết ngay, ông rủ tất cả bạn bè đi ăn uống, trong túi xách bên người ông bao giờ cũng có hàng tá bút bi, bật lửa, khăn mùi soa, quyển sổ nhỏ để tặng bạn bè, những người mà ông tiếp xúc  yêu mến. Chính vì hết lòng với bạn bè nên bạn bè cũng hết lòng với ông. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn sống thỉnh thoảng lại gửi quà ra cho nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồng Đăng được ai tặng gì, biếu gì, tiền lương tiền thưởng, tiền nhuận bút tác phẩm cũng đem ra làm cuộc vui chung. Chính vì vậy mà tài sản đáng giá nhất của ông đến khi lấy nữ kĩ sư Lê Thúy là cây đàn piano đã cũ và quyển sổ tiết kiệm là 0 đồng. Chị để cho chồng vui chứ tuyệt đối chưa một lần lên tiếng cằn nhằn. 

Vì đức tính này của vợ mà nhạc sĩ Hồng Đăng bảo: “Mình được ở trong một đại dương toàn nước”. Tình yêu cùng vực nhau lên, hai người họ sống với nhau bằng niềm tin và tinh thần là chính, sự hưởng thụ của họ là đỉnh cao của tinh thần chứ không phải là vật chất. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn sống thỉnh thoảng gửi băng đĩa ra cho hai vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng. Vậy là hai vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng cùng uống trà, nghe nhạc, đàm luận chuyện âm nhạc thi ca. Nhạc sĩ Hồng Đăng có một người bạn thân là nhà văn Nguyễn Quang Sáng. 

Khi nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn sống, mỗi lần ông ra Hà Nội là họ lại cùng ngồi với nhau ở quán cafe trên phố Hồ Xuân Hương, nhà văn Ngô Thảo cũng đến. Cuộc trò chuyện từ hơn 8h sáng đến 11h trưa vẫn chưa kết thúc, họ cùng ăn trưa và đến gần 3h chiều mới giải tán. 

Nữ kĩ sư Lê Thúy ở những cuộc vui với các bạn của chồng chị đều có mặt, họ cứ ríu rít như đôi chim câu. Ai bảo tình yêu phân biệt tuổi tác, hãy gặp nhạc sĩ Hồng Đăng và Lê Thúy sẽ minh chứng ngay cho nhận định trên là hoàn toàn thiếu cơ sở và sai lầm.

Tình yêu là định luật húc, và khi cả hai va vào nhau sẽ tạo ra một luồng điện hoặc hơn nữa là một tiếng nổ, điều đó đúng với cặp đôi Hồng Đăng và Lê Thúy. Trong căn nhà ở phố Hồng Hà gần bờ sông Hồng lộng gió, nữ kĩ sư lưu giữ từng kỉ vật, sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng, chị cắt tất cả những bài báo viết về chồng mình đóng thành mấy quyển sổ to. 

Chị thuộc vanh vách tất cả những gì liên quan đến nhạc sĩ Hồng Đăng, như năm nào sáng tác bài hát gì? Có biến cố nào? Không chỉ thuộc tất cả các bài hát của chồng chị còn thuộc cả bài hát của những người bạn học của chồng, những nhạc sĩ khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mà sau này đã trở thành thế hệ vàng của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, hay những người có đóng góp lớn với nền âm nhạc Việt: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Cát, Vĩnh Long,  Trương Đình Quang, Hồng Thao, Lê Quang Nghệ, Hồ Bông, Văn Tuyền, Phan Huy Liệu, Nguyễn Văn Tí…

Cũng vì từng ngày được cận kề bên chồng nên chị thêm am hiểu về cuộc đời và tác phẩm của những tên tuổi lớn trong nền âm nhạc như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Duy, Hoàng Vân, Văn Kí, Tân Huyền… Chị bảo có những điều không tiền bạc nào có thể mua nổi, có một điều khiến cho chị trăn trở là vấn đề giới thiệu tác phẩm âm nhạc của chồng đến với mọi người. 

Còn nhớ, cách đây hơn chục năm nhạc sĩ Hồng Đăng tổ chức một đêm nhạc riêng ở Nhà hát Lớn Hà Nội mà gom góp mãi đến mấy năm sau cả hai vợ chồng mới trả được hết nợ. 

Cuộc sống của hai vợ chồng nhạc sĩ tài hoa lương thiện không khấm khá gì mấy nhưng vẫn ung dung và điềm nhiên. Bên bàn trà, hương thơm dịu nhẹ là đĩa mứt được làm từ vỏ quả bưởi và vỏ quả quít do chị tự tay chế biến. Thơm và ngon đến kì lạ. Chị khéo léo chăm chút bữa ăn, giấc ngủ cho chồng, chị cười bảo chăm chồng mà cứ như chăm trẻ con. Hai vợ chồng có cậu con trai đã tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh, giờ chỉ là hai ông bà chăm nhau. 

Chả hiểu bí quyết gì mà nữ kĩ sư Lê Thúy vẫn cứ trẻ mãi thế, đi bên nhạc sĩ Hồng Đăng, nhiều người không biết bảo chị là con gái của nhạc sĩ. Điều đó cũng không làm cho nhạc sĩ phật ý, mà chị thì cũng đã quá quen rồi, chỉ nở một nụ cười là xong.

Nhạc sĩ Hồng Đăng khắc tinh với năm Mão, không xảy ra chuyện nọ thì chuyện kia, toàn chuyện “Cháy nhà chết người” cả nên chị bảo trong 12 năm con giáp, sợ nhất là năm Mão. Chị chỉ mong cho năm đấy qua mau. Hai vợ chồng cùng nhau lên thác xuống ghềnh, trải qua bao hoạn nạn, như từ ngày nhạc sĩ bị ngã xe máy hơn một năm trời phải nằm một chỗ, người vợ hiền chăm sóc ân tình chu đáo cho đến bây giờ sức khỏe đã hoàn toàn bình phục, hai vợ chồng lại nắm chặt tay nhau vượt qua bao đèo dốc và lại tưng bừng bước đi. 

Cuộc đời chưa từng có cuộc chia li mà là con đường dài hun hút cùng đi về một hướng. Nơi đó có trái tim ấm áp, nhân hậu lan tỏa.

Mỹ Trân
.
.