Đường chiều một ánh nắng rơi

Thứ Bảy, 24/10/2015, 17:05
Trong ánh chiều nhập nhoạng, người đàn bà lưng trĩu nặng thời gian, ngóng đôi mắt trũng sâu, nhiều hoài niệm về phía cổng đình Nhơn Hòa. Đã hơn hai mươi năm nay, chiều nào bà cũng ngồi ngó xa xăm vậy. Hỏi bà đang đợi điều gì? Bà móm mém cười, nụ cười của ngày nắng sắp tắt…

1. Đình Nhơn Hòa nằm ở phía khu vực quận 1, mé chân cầu Ông Lãnh, xưa vốn là nơi trên bến dưới thuyền cực kỳ đông đúc, nhộn nhịp, người dân quen gọi bằng cái tên dân dã: chợ Cầu Muối. Từ ngày đường bến Hàm Tử mở rộng, thêm sự tiện dụng từ các khu chợ cóc, siêu thị, cảnh buôn bán tấp nập xưa kia dần lùi vào quá vãng dẫu chợ còn đó; người buôn kẻ bán vì thương nghề mà níu giữ cuộc mưu sinh ngày càng nhọc nhằn. 

Hai mươi năm gắn bó với mái đình này cũng là hai mươi năm nghệ sĩ Hồng Sáp chứng kiến biết bao thay đổi, bao người lại qua trên con đường mỗi ngày bà đều đặn mua đá châm trà vào hai chiếc bình to cộ đặt bên vỉa hè. Khách vãng lai, từ người bán vé số, thu gom ve chai, chạy xe ba gác, xe ôm cho đến buôn thúng bán bưng đều có thể tạt qua, thong dong uống ly trà đá mát ruột, vơi cái mỏi đôi bàn chân. 

Sài Gòn tự bao giờ đã tổng hòa vào nó những điều lạ lùng, thậm chí trái ngược, rất khó để lý giải. Nhộn nhịp, hào hoa đó, lọc lừa, dối trá đó, bận rộn mưu sinh đó mà cũng ấm áp, sẻ chia đó. Như vòng tay yêu thương, đùm bọc từ người quen đến không quen, từ người nhớ mặt biết tên đến người chỉ gặp qua một lần dành cho bà suốt mấy mươi năm nay.

Mái đình này, sân khấu này đã chứng kiến bao buồn vui, những tràng pháo tay giòn giã, tiếng cười nói huyên náo, nhộn nhịp, bao lần nghẹn ngào, nước mắt chảy ngược vào trong của cô đào Hồng Sáp. Đã chứng kiến những mùa phai nhan sắc, thời gian về đậu trên mái tóc bạc phơ, lòa xòa, trí nhớ lợt màu. Hình như, khi quên bớt những đớn đau, người ta đâm ngơ ngơ ngẩn ngẩn với cuộc đời, cứ thế mà sống, chẳng gì có thể tổn thương được nữa. Có lẽ vậy nên, bước qua tuổi 78, khác với nhiều nghệ sĩ lớn tuổi tôi từng gặp, bà  đi đứng có phần nhanh nhẹn, miệng lúc nào cũng móm mém cười. Tuy nhiên, cái dáng nhỏ thó không giấu được sự tất tả, gương mặt không xua được nỗi khắc khổ.

Một ngày của bà bắt đầu lúc mặt trời vừa ló rạng. Sau vun vén món gì lưng bụng cho anh con trai và đứa cháu, bà rời căn phòng trọ tồi tàn ở quận 7, không có gì đáng giá ngoài mớ nồi niêu vắt trên vách. Đặt gọn bình trà đá tại vỉa hè hai bên, bà bắt đầu lau dọn bàn thờ Tổ được đặt ở tầng 1 của đình. 

Mấy mươi năm làm công việc ấy nhưng chưa bao giờ bà lơi là, qua quýt. Mắt bà hắt lên thứ ánh sáng tin cẩn, thiêng liêng, lạ lùng, chỉ những ai từng nếm trải thăng trầm của bục gỗ, màn nhung mới cảm nhận hết được. Bà bảo, đời ba má, đời bà và bây giờ là cậu con trai thứ theo nghề đánh trống đều nhờ ơn Tổ nghiệp. 

Dù danh vọng của bà chưa khi nào rực rỡ như những người đồng nghiệp cùng thời nhưng bà sống được và nuôi mấy mặt con lần hồi qua ngày cũng nhờ lời ca tiếng hát. Ngày câu xề xuống nghe nằng nặng nơi cổ họng, làn hơi đứt quãng theo hàm răng trên trơi trọi, Hồng Sáp được nghệ sĩ Kim Phượng giao “săn sóc” trang phục biểu diễn. Này mũ áo quân vương, này xiêm y bà hoàng, này quần áo quân lính,… tất cả qua tay bà đều sạch sẽ, thẳng thớm, tinh tươm. 

Lâu lâu theo đoàn, bà len lén vén rèm trong cánh gà, nhìn những vóc dáng khỏe mạnh, da phấn mặt hoa múa một điệu gươm, ca một câu vọng cổ mà hồi tưởng bóng hình của chính bà cách đây mấy mươi năm. Ngó ánh mắt say mê, chăm chú của khán giả, mắt bà tự dưng ươn ướt. Nén tiếng thở dài, bà buông rèm, trở vào gấp mớ trang phục nghệ sĩ thay ra từ hồi diễn trước, khe khẽ ngân một câu hát chỉ mình bà nghe rõ. Có lẽ, lúc ấy bà đang mê mải đâu đó trong giấc mơ của những ngày xa lắc lơ…

2. Theo lời kể của Hồng Sáp, bà sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm bà lên 10, ba má theo gánh Huỳnh Long vào Sài Gòn đi diễn rồi định cư luôn. Hồng Sáp từ nhỏ xinh xẻo, mặt mày tươi tắn. Ba của bà muốn con theo tân nhạc, tận dụng sắc vóc, khốn nỗi bà lại trót mê cải lương. Cản không được, ông chiều con nhưng rèn rất nghiêm. Có hôm dợt đờn, Hồng Sáp vô trật câu sáu, ông giận quá, cầm luôn cây đờn bổ thẳng xuống đầu đứa con gái còn non nớt. Đau vậy mà Hồng Sáp vẫn không từ bỏ. 

Như khởi nghiệp của nhiều cô đào, 14 tuổi, Hồng Sáp bước lên sân khấu bằng những vai đào con. Mừng mừng tủi tủi chưa được bao lâu thì má của bà qua đời sau khi sinh người em gái của bà. Mấy cha con dắt díu, trôi dạt hết gánh này sang gánh khác. Trong những lần chuyển bến, hát đình, giấc mơ trở thành đào chánh nghi ngút lòng cô đào đang thời hương sắc. 

Không biết, trời run rủi hay Tổ nghiệp chọn, Hồng Sáp bén duyên với vai đào độc, đào lẳng và bắt đầu nổi danh trong hàng loạt vở diễn như: Tấm Cám, Lá chắn biên thùy, Tình sử A Nàng, Sấm dậy hận lòng thơ, Hai dòng sữa mẹ,… Bà đóng đạt đến độ, khán giả nhác bóng, nghe thấy tiếng, nỗi căm ghét bừng lên trong ánh mắt, thậm chí khán giả rủa thầm sau lưng. Độc nhất là vai mụ dì ghẻ trong Tấm Cám, bà bị khán giả chỉ thẳng mặt ngoài chợ: “Bà dì ghẻ đó, ác như quỷ!”.  Năm ấy Hồng Sáp đã gần 30, độ tuổi bắt đầu phai của một cô đào và tình riêng thì đượm nỗi bi ai, cùng quẫn.

Hồng Sáp nên duyên với một nghệ sĩ đờn violon khi ở gánh Phước Thành lúc bà 24 tuổi. Kiểu, cảm mến tiếng đờn, câu hát của nhau mà nguyện gắn bó. Kiểu, lẻ loi phận người mà gật đầu cho bớt cảnh đơn côi chứ tương lai chống chếnh, có mấy đôi theo nghiệp mà bền duyên vững phận. Chồng của bà lao mình vào rượu chè, say bài bạc hơn mê vợ con, nhiều lần hằn học, thậm chí thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với bà. Mấy lần, ngó tay chân bà bầm tím, đồng nghiệp hỏi thăm, bà cúi gằm mặt, lí nhí đáp: “Ờ, tại hổng cẩn thận nên va vô cây phơi đồ”. 

Đòn liên miên, giấu hoài sao được. Có hôm, ông vừa mắng vừa đánh bà trước mặt bao người. Ngó đời mình sao thê lương như câu vọng cổ bi giữa ánh chiều hiu hắt trong sân đình, bà buông tay. Lúc ấy, bà cũng cạn nước mắt. Vậy đó rồi bà ở vậy, cho đến ngày hay tin ông mất thì tất tả dắt con về lo tang. Ma chay chu đáo, không có đất cho chồng nằm lại, bà mang tro cốt của ông gởi vào chùa nghệ sĩ.

Sau khi chia tay chồng, cảnh nhà nheo nhóc, 7 đứa con nối tiếp nhau đang tuổi ăn không cho bà nghĩ suy, đắn đo nhiều. Chỉ cần có vai, chỉ cần được đứng trên sân khấu là bà mãn nguyện. Đi đâu bà cũng bồng bế con theo. Hết màn, chuyển cảnh, nhảy xuống sân khấu là tất tả bồng con cho bú. Con nút được chừng hai chập, bà dứt ra lên sân khấu diễn tiếp! 

Đường xa vạn dặm, một thân một mình đã bơ phờ, nay thêm con, bà như vắt cạn sức theo ngày. Người cứ thế héo hon, queo quắt. Thương tình cảnh mấy mẹ con, bà chủ gánh có cái sạp ở chợ Cầu Muối cho bà vay vốn, mượn luôn mặt bằng bán bắp cải kiếm thêm, tiền lời Hồng Sáp giữ nuôi con, tiền vốn hoàn lại cho bà. Khán giả quen mặt, ghé chợ thấy cô đào nổi danh ngồi bán bắp cải ngộ quá, chỉ chỉ trỏ trỏ, Hồng Sáp mặt đỏ lựng lên, cúi đầu thiệt thấp.

Nghệ sĩ Hồng Sáp trong một cảnh quay MV.

Thuở cha sinh mẹ đẻ, Hồng Sáp chỉ bầu bạn với sân khấu, phấn son, chỉ biết bám víu vào lời ca tiếng hát mưu sinh, nay ra buôn bán, tay chân cứ lóng nga lóng ngóng. Nghệ sĩ Thanh Bạch – người bạn cùng gánh – đỡ thêm bà ít tiền đặng lo cho con mà vẫn thiếu trước hụt sau. 

Được đâu ba bốn tháng, Hồng Sáp thôi bán buôn, thuê người trông con đặng yên tâm lên sân khấu. Bà đâu ngờ, bi kịch cũng theo đó mà ập xuống. 4 người con của bà lần lượt qua đời, tức tưởi vì bệnh lúc còn thơ ấu. Đau nhất là sự ra đi của hai người con khi bà còn mải mê với lớp diễn trên sân khấu. Màn khép, Hồng Sáp chạy vội ra sân sau, tay con đã lạnh ngắt. Bà ngước mắt nhìn trời đêm đen đặc như phận số. Có nỗi đau nào bằng khi nhìn những đứa con lần lượt ra đi trong tay mình mà đành bất lực? Từ dạo ấy, mỗi lần thôi diễn, Hồng Sáp hay ra ngồi ở mé sân.

Thời gian bôi xóa, nhiều chuyện Hồng Sáp thôi không muốn khơi. Vì bà là một người mẹ và bà còn 3 đứa con phải trông nom, lo lắng. Số phận chưa chịu buông tha mà nhấn chìm bà thêm một lần nữa. Trong số hai người con trai còn lại, cậu con trai út lấy vợ sanh cho bà thằng cháu nội mặt mày sáng láng. Niềm vui chưa vãn thì hai vợ chồng cậu con út nối nhau bỏ lại mẹ già, con dại. 

Một lần nữa, bà gạt nước mắt, dang đôi tay gầy guộc chăm thằng cháu mới tròn tuổi rưỡi. Chớp mắt cái thằng nhỏ đã 18 tuổi. Học hành dang dở năm lớp 6, không nghề ngỗng trong tay, mưu sinh bằng cách nhặt banh ở sân quần. Ngày nào lượm được 2 tiếng thì có sáu chục ngàn, ngày mưa thì ngồi nghe bụng réo. Cô con gái theo chồng về miệt xa lắc lơ. Lâu lâu về thăm mẹ trong dáng hình lam lũ. Người con trai còn lại của bà, năm nay đã năm mươi mấy, buồn cảnh nghèo nên đi về chăn đơn gối chiếc. Ai đó hỏi cắt cớ: “Bộ trước giờ hổng thương ai hả mậy?”. Anh gãi gãi đầu: “Má tui, tui lo còn hổng xong, thương chi khổ người ta”.

3. Hồng Sáp giờ già rồi. Mấy hôm không ngồi trông ra sân đình thì ngóng tiếng chuông điện thoại. Quay MV, quay phim, vai tí teo bà cũng chẳng chối từ. Có hôm đi xa quá, túi trống rỗng, bà mượn đỡ tiền đón xe ra phim trường, diễn xong lãnh cátsê thì hoàn trả. Diễn viên, có đứa thương bà già, có đứa nhìn nửa con mắt. Bà tặc lưỡi, hơi đâu mà buồn! Tiền đi diễn, bà chắt chiu để dành, phụ tiền nhà mỗi tháng hai triệu với anh con trai. Rủi xui, trong một lần té ngã trên phim trường, sức khỏe bà bây giờ trồi sụt thấy rõ.

Hồng Sáp nói, nhiều nhà báo tới gặp hay hỏi bà, nguyện vọng điều gì? Lâu trước, nhờ báo viết, bà và con, cháu được cứu xét cho nhập khẩu diện KT3. Rồi bà được cấp cho cái thẻ bảo hiểm. Với bà, vậy là đủ. Giờ chỉ mong, thằng cháu có cái nghề nào đó lận lưng. Đặng đời nó khác đời bà, khác đời ba, đời chú của nó.

Hồng Sáp ngó ra khoảng sân vắng lặng, nắng chiều ngang trời rồi.

Hoàng Hoài Hương
.
.