Dương Thụ: “Lắng nghe mùa xuân về”

Chủ Nhật, 24/01/2016, 16:56
Ít ai thấy Dương Thụ cổ cồn, ca vát chỉnh tề. Nhưng với âm nhạc thì ông kỹ đến từng chi tiết và không bao giờ chịu “ngồi yên với cái cũ”...


Một lần, trong chương trình đón giao thừa của Đài Truyền hình Việt Nam, khi 2 ca sĩ đang song ca bài Lắng nghe mùa xuân về (Dương Thụ), Nguyễn Cường nói với tôi, “đây là bài về mùa xuân mà anh thích nhất”:

“Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường
Mùa hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng
Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn
Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang…”.

Tiếng vỗ tay vang dậy khi bài hát kết thúc. Dư âm của bài hát khiến tôi nghĩ đến Dương Thụ, một người đa tài, người để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa nghệ thuật. 

Tôi cũng không thể nào quên được lần nghe Nguyên Thảo hát đầu tiên: “Tiếng mưa rơi ngoài hiên, gió mưa như lạnh thêm/ Có con chim họa mi hót trong mưa buồn lắm/ Nỗi nhớ anh ngày mưa, nỗi nhớ anh thật sâu đậm…”. (Họa mi hót trong mưa)

Từng note được Nguyên Thảo “tính toán rất kỹ” để kỹ thuật không làm hỏng cảm xúc, một cảm xúc diễm lệ. Trước đó, nhiều người còn chưa biết đến Nguyên Thảo. Sau này, khi theo dõi nhiều hơn tôi thấy Nguyên Thảo xứng đáng là một cái tên được nhắc tới ở hàng đầu các nữ danh ca hiện nay. Cho đến nay, người ta thấy Nguyên Thảo là một nghệ sĩ có bản lĩnh, cô không lên gân, đánh bóng, câu like, tạo xì-căng-đan; cô lặng lẽ, nghiêm cẩn làm nghề, phải chăng bản lĩnh đó được hình thành, ảnh hưởng từ mẫu thầy Dương Thụ?

Nhưng cũng không ít người bảo Dương Thụ kiêu ngạo. Ông không mấy khi tỏ ra dễ dãi, xởi lởi, xuề xòa; mà ngược lại, ông cẩn trọng khi phát ngôn, cẩn trọng trong giao tiếp, khác với các người làm nghệ thuật, họ mở rộng quan hệ để PR, đánh bóng bản thân, Dương Thụ hình như không cần, không lưu tâm đến điều đó. Ít ra là ở vẻ bên ngoài. Điều đó tạo ra một ngần ngại. 

Nhưng với những người như: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (tác giả của những tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn nổi tiếng), như nhà văn Châu Diên (với 72 chiếc cối đá)… thì Dương Thụ là một điển hình của thanh tao, lịch duyệt, tài năng, phong cách đậm chất người Hà Nội. Hay như các đồng nghiệp cỡ Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến… rất trọng nể Dương Thụ. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đặt ông vào bộ “tứ quái âm nhạc”.

Ngược với vẻ bên ngoài như vậy, nhạc Dương Thụ tinh tế, sâu lắng, level cao nhưng cũng rất gần gũi với người nghe, có gì đó cảm giác như ngây thơ, chân chất và phảng phất những da diết triết lý nho nhỏ về cuộc đời, về con người. 

Nhạc của Dương Thụ lọc chắt được cái tinh hoa của cổ điển hàn lâm, của dân gian Việt và sự tươi mới của nhạc nhẹ. Ca từ đẹp, gợi cảm, giàu cảm xúc, trẻ trung nhưng cũng đầy chất nhà nghề. Ông từng làm những điều mà một thời chẳng mấy ai quan tâm: viết nhạc một mô-típ, nhạc theo hệ thống ba âm, điệu thức lưỡng tính. Bài nào ông cũng chuyển điệu, vùng vẫy cố thoát ra khỏi vòng hòa thanh T-S-D (vòng hòa thanh cổ điển) để tìm ra cái cho riêng mình. Cực đoan và cô độc nhưng giàu sáng tạo và sự cuốn hút.

Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Hình như trong sự nghiệp ca hát của mình, những ca sĩ như: Hồng Nhung, Thanh Lam, Trần Thu Hà, Bằng Kiều, Nguyên Thảo… đều đã chọn âm nhạc của ông, để “khoe giọng”. Ngược lại Dương Thụ coi Mỹ Linh và Khánh Linh thuộc về “gia đình âm nhạc” của ông (một người ông phát hiện từ cuộc thi nhạc nhẹ toàn quốc năm 1993 tại Đà Nẵng, một người từ cuộc thi Sao Mai của VTV năm 2005. Cả hai cuộc ông đều làm giám khảo). Ông bảo: Với những ca sĩ ông đã quyết định cộng tác, ông không bỏ ai bao giờ. Những Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Nguyên Thảo, Khánh Linh… khi làm chương trình hay viết một cái gì mới đấy là cái tên đầu tiên ông nghĩ đến.

Không chỉ là tác giả những bài hát nổi tiếng, thi thoảng ông viết tản văn đầy chất Hà Nội. Tự thiết kế nhà ở cho mình, thiết kế nhà cho Hồng Nhung. Ngôi nhà được nhiều người nhắc đến với không gian xanh mướt tọa lạc ở đoạn cuối con đường Phạm Thế Hiển nối dài, quận 8, TP HCM. Hay như với ngôi nhà của Hồng Nhung ông đã tạo ra một căn nhà rất thoáng và có tính mở như kiểu nhà của người Việt xưa, để con người có thể đến gần hơn với thiên nhiên. Theo đó, từ vị trí bất kỳ nào của những ngôi nhà được ông thiết kế, chủ hay khách của nó cũng thấy được những không gian thanh bình, giàu tính thiên nhiên: trời mây, cây, nước…  

Và nhất là những sáng kiến tạo chương trình, đồng thời làm đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật không chỉ cho show nhạc của mình mà cho nhiều chương trình nghệ thuật có giá trị khác. Khởi đầu là “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, cho đến những “Điều còn mãi”, đến các “Cửa sổ âm nhạc” số 1, số 2 và số 3... Những chương trình Dương Thụ chỉ đạo nghệ thuật nhận được sự tán dương nồng nhiệt của giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc khó tính.

Sinh năm 1943, nhưng trông Dương Thụ khá trẻ so với những người cùng độ tuổi. Đi xe phân khối lớn, giày thể thao, quần bò áo phông, không ngầu như Trần Tiến, cũng không ngang tàng như Nguyễn Cường, một cái gì đó rất Dương Thụ. Ít ai thấy Dương Thụ cổ cồn, ca vát chỉnh tề. Nhưng với âm nhạc thì ông kỹ đến từng chi tiết và không bao giờ chịu “ngồi yên với cái cũ”, yêu cái đẹp của cũ (cổ điển) không có nghĩa là cứ mãi một bề, ông luôn muốn mới, đến mức, có người muốn kiện vì tức. Chat với Mozart, ông viết lời Việt cho Mỹ Linh là một ví dụ.

Thời sinh viên (khoa Văn), Dương Thụ cũng đi lao động chẳng khác khổ sai như Phó Đức Phương, một anh kéo xe than, một anh đi chăn lợn, để thực hiện ước mơ âm nhạc. Mặc dù trong mọi thời đại, bao giờ cũng phải vượt được những thử thách khác thường mới được gọi là tài năng, nhưng thời sinh viên của Dương Thụ thì cuộc sống bộn bề khó khăn, những con cái nhà tư sản có cái khó của tư sản, người lao động bình dân có cái khó của lao động bình dân, những người “thành phần địa chủ” như Dương Thụ thì không chỉ thiếu đói như mọi người mà còn nhiều “đoạn trường” phải vượt.  

Nghe đâu ông thuộc gia tộc họ Dương danh giá có hai cụ cố đỗ tiến sĩ triều Nguyễn là Dương Khuê và Dương Lâm. Dương Thụ cũng là cháu họ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Tiến sĩ, Giáo sư Dương Thiệu Tống. Sáng tác đầu tay được biết tới là Nhớ làng xưa, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1962. (Ngày đó, được Đài phát sóng bài hát là một ghi nhận lớn).

Năm 1972 ông đỗ vào Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội cùng đợt với Nguyễn Cường, Trần Tiến, điểm cao. Sau đó, năm 1977 ông chuyển vào miền Nam, từng làm Giảng viên khoa Lí luận, ĐH Mỹ thuật TP HCM. Từ 1982, mặc dầu Dương Thụ đã toàn tâm toàn sức với âm nhạc, coi âm nhạc là hơi thở, là cuộc sống của mình, nhưng người ta vẫn đọc được những tản văn của ông trên Lao động Cuối tuần hay trong tập Cà phê mưa.

Chương trình “Con đường âm nhạc số 2” mang tên Im lặng đã được làm để vinh danh ông. Còn Dương Thụ thì tự mình làm cho mình những chương trình: Cửa sổ âm nhạc No 1. Những chuyện kể của tôi No 2. Những ước mơ của tôi và mới đây (13.12.2015) No3. Bài hát ru mùa đông gây ấn tượng đặc biệt cho những người thưởng thức âm nhạc khá khó tính. 

Cửa sổ âm nhạc có lẽ là nơi bộc lộ rõ nhất chân dung âm nhạc của Dương Thụ, cũng như tính cách của ông: không ồn ào khoa trương, không chiêu trò câu khách... và đặc biệt là một danh sách các ca sĩ mới được chọn như: Hà Linh, Nhật Thủy, Vũ Thắng Lợi, Trần Nguyễn Minh Đức. Danh sách đó cho thấy ở tuổi 73, Dương Thụ vẫn không ngừng muốn làm mới, không ngừng nghĩ về phía trước, vừa để âm nhạc được sống động hơn vừa để tạo ra cơ hội mới cho những người trẻ. Ông coi những người trẻ đó cũng là bạn của mình. Ông quan niệm, bạn là người hiểu mình. Và người hiểu ông nhất là nhạc sĩ Nguyễn Cường, ông bảo ông may mắn có được một người bạn, đồng nghiệp như Nguyễn Cường, và những người bạn trẻ khác hiểu nhạc của ông.

Sống trong Nam nhưng ông luôn nhớ về Hà Nội, ông có một resort nhỏ, tự thiết kế ở gần chùa Phật Tích, Bắc Ninh rất thơ mộng. Người ta thường gặp Dương Thụ ở miền Bắc, ở Hà Nội, những con phố, nét sinh hoạt bình dị phố phường, hay gió mùa đông bắc, vỉa hè chè chén, tiếng rao, tà áo, chiều mưa… đọng lại với Dương Thụ nhiều hơn trong những tản văn của ông.

Dương Thụ viết khá kỹ, sáng tác của ông khúc chiết, trữ tình, có phong cách riêng độc đáo, mang hơi thở của âm nhạc hiện đại, phảng phất âm hưởng dân tộc. Nhiều bài của ông đã khắc sâu trong lòng người yêu nhạc, như: Tiếng sóng, Vẫn hát lời tình yêu, Cầm tay mùa hè, Đánh thức tầm xuân, Họa mi hót trong mưa, Em đi qua tôi, Hát về anh, Hơi thở mùa xuân, Mặt trời dịu êm, Ru em bằng tiếng sóng… Không thường xuyên mở show diễn bán vé, nhưng ông luôn ở top 100, dẫn đầu những tác giả có tiền bản quyền ở Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.  

Dương Thụ từng tâm sự: “Tôi đủ tuổi để biết mình muốn gì, có thể làm được gì. Lúc còn trẻ thì có thể chạy theo những giấc mơ, nhưng bây giờ tôi chỉ làm những cái có thể. Tôi làm nghề nhạc để kiếm sống và để sáng tạo, nhưng tôi còn có con người xã hội. Con người ấy của tôi làm văn hóa là thích hợp nhất. Sống không chỉ có làm ăn. Người tử tế cần làm một cái gì đó không chỉ cho mình. Năm nay đã 73 tuổi nhưng tôi chưa cảm thấy mệt mỏi. Có được nhờ tính người, nhờ sức khỏe và nhờ sự hiểu về cuộc sống”. Mới đây ông đưa những tác phẩm mới của mình, lần đầu trình diễn trên sân khấu như: Biển mặn, Mây trưa đã ngủ, Xa xăm, Bài hát buồn, Gửi mùa đông trong kho tác phẩm còn tiềm tàng chưa phổ biến của ông.    

Ông cũng đã nói: Ca sĩ không chỉ nổi tiếng mà còn phải là tiếng hát của thời đại mình đang sống, có đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc (trong lĩnh vực thanh nhạc) và có ảnh hưởng lớn tới đồng nghiệp. Nghệ sĩ luôn là biểu tượng, là giọng điệu của một thời đại. Bây giờ, nổi tiếng thì nhiều nhưng liệu có ai được như thế?

Mấy năm gần đây người ta còn nhớ đến Dương Thụ với chuỗi Cà phê thứ Bảy, lập ra bởi sáng kiến của ông, với rất nhiều sự kiện văn hóa thú vị, mang hơi thở thời đại, trong đó thể hiện mong ước của ông về một “Việt Nam tinh hoa”. Ông cho rằng, một nhạc sĩ cũng là một công dân, một con người xã hội, ông làm nghệ thuật và làm văn hóa vì mỗi nghệ sĩ là một phần ở trong đó. “Đất nước này là của mình, mình không thể là một kẻ ngoại cuộc” - ông nói thêm.

Trần Thị Trường
.
.