NSƯT Trung Anh

…Dù chỉ còn một nhịp đập trong tim

Thứ Năm, 11/12/2014, 16:58
Dáng người gầy, khuôn mặt khắc khổ, da ngăm đen, nhìn anh cứ như thể cuộc đời ấy đầy sóng gió, bầm dập. Vậy là, ngay từ ngày bước những bước đi đầu tiên vào nghiệp diễn, cả sân khấu lẫn điện ảnh, anh đã được đo ni đóng giày vào vai thân phận. Khuôn mặt ấy lúc hân hoan sung sướng cũng chẳng thấy tươi tỉnh hơn mấy nỗi. Ngay kể cả khi cười, đằng sau ánh mắt ấy là cả một khoảng lặng, mênh mông, hun hút, đến khó hiểu. Người diễn viên ấy đã hơn 30 năm quăng quật trên sàn diễn của nhà hát thủ đô mang tên Anh cả đỏ - Nhà hát kịch Việt Nam. Và, khán giả truyền hình của cả nước đều thuộc mặt, biết tên - diễn viên NSƯT Trung Anh.

Là diễn viên nhưng anh không vồn vã, kiểu cách, chào nói cười đùa tươi tỉnh như số đông đồng nghiệp. Anh thuộc tuýp người khó gần và ít giao tiếp. Anh không mang vẻ đẹp tài tử điện ảnh hay là một diễn viên hào hoa, lịch thiệp. Nét đẹp của anh là vẻ dung dị, có những ẩn ức đượm buồn của một người ba chìm bảy nổi lênh đênh sống đời sóng gió. Không ít người thấy anh trên truyền hình trông khắc khổ. Và họ tò mò về đời sống riêng tư của anh…

Trung Anh lập gia đình khá muộn. 37 tuổi anh mới lấy vợ. Vợ anh là một cô gái kém anh đến 10 tuổi và nhà họ ở chung trên một con phố. Cô gái để ý anh đã lâu, có bộ phim nào anh đóng cô đều xem hết, thậm chí có bài báo nào viết về anh, cô đều lưu giữ. Qua những lần chào hỏi, rồi nói chuyện, dần dà tìm hiểu và chỉ sau một năm thì họ tổ chức đám cưới. Anh cảm kích trước người con gái có tình yêu chân thành và giản dị. Thật ra, anh cũng chả lạ gì cái hào quang bóng bẩy của diễn viên. Danh vọng ư? Tiếng tăm ư? Tất cả chỉ là phù phiếm. Anh cũng chả ham danh vọng. Nó hão huyền, mơ hồ. Tính anh nghệ sĩ, thẳng tính, thích thì làm. Ngày xưa đã có lần anh giữ chức quản lý nhỏ - Trưởng đoàn kịch Ngụ ngôn của Nhà hát kịch TƯ. Nhưng rồi thấy không hợp, một vài ý kiến bất đồng với ban giám đốc cũ, anh thẳng thừng từ bỏ luôn chức vụ để chuyên tâm làm diễn viên bình thường. Vậy là trong tử vi của anh đường công danh thăng giáng thất thường. Nhưng anh lại được cung phu thê. Trong nghề, nhất là với những người làm nghệ thuật, lại là diễn viên, đời sống hôn nhân bấp bênh, mong manh như một sợi chỉ, dễ đứt bất cứ lúc nào, nhưng, cho đến giờ cuộc sống hôn nhân của anh vẫn phẳng lặng, viên mãn. Mái ấm đó có cậu con trai đang học lớp 11 và cô con gái nhỏ đang học cấp 2, có người vợ hiểu công việc của chồng và gánh vác lo toan mọi chuyện trong gia đình, để mỗi khi trở về sau những đêm diễn ở nhà hát hay sau những chuyến đi dài theo đoàn làm phim anh cảm thấy bình yên.

Hơn 30 năm gắn bó cả sân khấu và điện ảnh, lận lưng số vốn các vai diễn kha khá, đồng nghiệp nhiều người lên chức, thăng hàm, là nghệ sĩ nhân dân, anh vẫn cứ là một Trung Anh thuở nào, không chức danh, địa vị. Với anh, chức tước, danh hiệu là chuyện nhỏ. Cái anh cần, anh vui là chuyện khác, đó là vai diễn sân khấu hoặc điện ảnh anh say sưa, tâm đắc. Anh yêu nghề và cũng sống chết vì nó. Anh biết nghiệp của anh là nghiệp diễn, nó va vào anh như một định mệnh và anh hoàn toàn đón nhận như một món quà mà thượng đế đã hào phóng ban tặng. Tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát kịch Trung ương, anh cùng với những người bạn diễn như Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, Trọng Trinh lên đường nhập ngũ. Khoác trên mình màu xanh áo lính, họ là những người lính ở chiến trường. Sau này từ quân ngũ trở về với nhà hát, anh làm diễn viên kịch hoặc đi làm phim. Đồng cát sê èo uột ấy đã khiến anh tù túng. Rồi có một cơ hội đổi đời mở ra trước mắt anh, đó là một suất đi xuất khẩu lao động sang CHLB Đức. Nhưng rồi, nặng nợ với nghề, anh đã từ chối cơ hội ấy. Thế rồi, anh xuất hiện với độ đậm đặc hơn, hàng loạt các vai diễn lớn nhỏ trên truyền hình. Nhưng hầu như tất cả là một mô típ  nhân vật thân phận, khốn khổ, đau đời. Lắm lúc, anh cũng muốn giải phóng khỏi bản thân để biến mình thành một con người khác, tính cách khác, cuộc sống khác. Nhưng, dường như, sự quẫy đạp trong anh chưa đủ lớn, hoặc các đạo diễn vẫn chọn giải pháp an toàn khi lựa chọn anh vào vai thân phận, tồi tội, thương thương… Thật ra, tất cả đều có sự khởi đầu và căn nguyên của nó. Khuôn mặt đó, phải chăng đã được định đoạt cho những vai diễn ấy.

Anh sinh ra ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tuổi thơ anh chứng kiến cảnh mưa bom, đạn trút của những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ký ức khi xưa dội về, nó nằm ẩn sâu trong một phần tâm hồn anh. Có những kí ức vui, và những kí ức buồn. Với Trung Anh, kí ức buồn, niềm đau thương, tràn lan như đợt sóng ngầm âm ỉ lan tỏa và không dễ gì nguôi được. Cuộc đời anh gắn liền với lịch sử dân tộc. Anh là nhân chứng của tội ác chiến tranh. Cuộc chiến ấy đã cướp đi hàng triệu sinh mạng, trong đó có những người thân thiết, ruột rà của anh. Đó là vào một đêm năm 1968,  khi đó cậu bé Trung Anh mới 7 tuổi, Mỹ ném bom xối xả xuống sân nhà ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Lúc này, cậu bé Trung Anh núp dưới hầm nên may mắn sống sót, khi máy bay Mỹ rút đi, trên mặt đất ngay trước hiên nhà, mẹ, dì, và chị ruột trúng bom mất ngay tại chỗ. Cậu bé cùng lúc phải chứng kiến sự ra đi của mấy người thân. Những ngày ảm đạm kéo dài… Thời chiến, sự liên lạc cũng thật là khó khăn, không ai có thể kịp báo tin cho bố và hai anh trai ở ngoài thủ đô.

Sau khi cùng mọi người đưa mẹ, dì, chị ruột chôn cất, sau đó ít ngày cậu bé cùng với đoàn người đi bộ ra Hà Nội, để đoàn tụ với bố và hai người anh. Con đường từ quê nhà ra thủ đô dài hơn 400 cây số. Thời chiến, đường đi vô cùng khó nhọc. Những hố bom, bãi mìn dọc ngang trên đường. Con đường dài đầy những hiểm nguy rình rập. Dòng sông La chở mọi người qua sông, cảnh lật thuyền, í ới gọi nhau, tiếng khóc nấc nghẹn ngào và vô số cung bậc đau thương của năm tháng chiến tranh tàn khốc vẫn nằm trong phần ký ức cho đến giờ của người diễn viên ấy. Chẳng vậy, tâm hồn ấy được nuôi dưỡng bởi một đoạn đời đau thương. Sự mất mát quá lớn ấy đã găm vào trí óc của trẻ thơ, khiến cho anh mang một khuôn mặt đầy ẩn ức. Sau này làm diễn viên, vào những vai thân phận, không cần phải cường điệu, lên gân lên cốt, chỉ cần gương mặt ấy xuất hiện là đã thấy số phận nhân vật giông gió, gập ghềnh.

Anh không phải là người quảng giao, thích đàn đúm nhưng lại là người trọng chất lượng, không trọng số lượng. Anh ít bạn nhưng đã chơi là phải thân, phải hiểu, phải sống thật. Cuộc đời này hay diễn quá! Người ta diễn với nhau ở mọi lúc, mọi nơi. Diễn để đạt mục đích hoặc giả, diễn cũng chả để làm gì. Chỉ vì, đơn giản, họ là những người thích đeo mặt nạ. Vốn nhạy cảm, anh nhìn là biết liền. Chán ngấy với những “vai diễn” muôn hình vạn trạng, kiểu cách xã giao ở ngoài đời, người ta đeo mặt nạ, còn anh muốn sống thật, chỉ có sống thật anh mới thấy chính là mình. Bạn bè anh chỉ là một nhóm rất nhỏ, rất ít nhưng khi ngồi với nhau họ không cần phải khách sáo, màu mè mà có thể vô tư, thoải mái, tự nhiên nhất có thể. Đó là những câu chuyện vui, buồn, chẳng nề hà, giấu diếm. Lúc ấy, Trung Anh lại trở nên hoạt bát, vô tư đến lạ, anh có thể nói nhiều hơn rất nhiều; thậm chí những lúc cao trào người ta ngạc nhiên về sự sâu sắc, lém lỉnh của anh.

Với nghiệp diễn, anh đã trót đa mang. Nghề diễn với nhiều người chỉ là một nghề, còn với anh thì nghề còn là một nghiệp. Ngay cả khi, xoay xở trong mớ cát sê bèo bọt cho một đêm diễn hay vài tập phim nhưng, dường như, anh chưa từng có ý định bỏ nghề. Càng gắn bó lại càng đam mê, chưa bao giờ lịm tắt. Nó như ánh sáng soi rọi cuộc đời anh, để buồn vui sướng khổ, trằn trọc, thao thức, nhức nhối triền miên với những nhân vật mà anh lựa chọn. Con đường nghệ thuật, nghề diễn viên, nhiều đồng nghiệp cùng lứa tuổi muốn oải, muốn bỏ, còn anh như đeo trên vai cây thập tự của thánh đường sân khấu, trong lòng bàn tay nắm chắc ngôi sao lấp lánh của điện ảnh. Con đường dù có dài, có xa, trên núi cao hoặc vực thẳm, nơi núi tuyết, hoặc chảo lửa, hay sa mạc khô hạn thì anh vẫn cứ mãi đi, đi cho đến khi kiệt cùng sức lực, cho đến khi dù chỉ còn một nhịp đập trong tim.

Mỹ Trân
.
.