Đoàn Thị Lam Luyến: Người đàn bà suốt đời “dại yêu”

Thứ Bảy, 05/12/2015, 10:09
Tôi thích một số bài thơ của Đoàn Thị Lam Luyến, đặc biệt là bài Chồng chị chồng em và bài Chiến tranh. Nếu nói ngắn gọn thì hai bài đó đã “miêu tả” thật nhất chân dung của chính tác giả, nhà thơ họ Đoàn, nhường nhịn đến điều, giành giật đến nơi, rất quyết liệt, mà cũng rất nhân hậu…

Tôi vào nghề bằng những truyện ngắn lẻ tẻ ký bút danh, chỉ đến khi viết một tiểu thuyết mỏng dựa trên câu chuyện đẫm nước mắt của một kẻ tử tù còn rất trẻ có tựa đề Lời cuối cho em, tôi mới chính thức đề tên mình. Tiểu thuyết mượn tên một tác phẩm âm nhạc mà Ngọc Tân hay hát trong các lần biểu diễn được khán giả hoan hô nhiệt liệt. Viết xong, tôi đưa cho họa sĩ Vũ Ngọc. Anh đọc một lèo, rồi giới thiệu với Nhà xuất bản Thanh Niên, nơi anh làm việc, anh bảo tôi nên đem đến đó. Nhà văn Cao Tiến Lê, cầm bản thảo viết tay trên giấy năm hào hai của tôi bảo, ba ngày nữa quay lại. Đoàn Thị Lam Luyến (ĐTLL) là họa sĩ, biên tập viên mỹ thuật ở đó, nhưng lúc ấy chị đang theo học Trường Viết văn Nguyễn Du.

Trước đó, tôi không biết gì nhiều về ĐTLL. Tôi nghe nói, cuộc đời riêng nhà thơ họ Đoàn có nhiều trắc trở. Người chồng đầu cho chị một đứa con trai, cậu sống với mẹ và rất yêu mẹ. Cuộc sống vốn đầy gian khó, nhưng vì tính thích cưu mang, thích đầu tư cho những câu chuyện cuộc đời, cho những số phận mà chị tò mò, nên cuộc đời chị khá thăng trầm. Thăng trầm bởi nhận gia công từ những tờ vé xổ số, nhỏ nhất, đến việc  in những cuốn tiểu thuyết có tầm vóc đang làm nghiêng ngả giới phê bình vì tính chất đổi mới của nó (Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng); Từ việc mua thuốc lá cuốn của Nhà máy thuốc lá Thăng Long, gửi lên tận Sơn La, để bà mẹ trên đó bán đến việc chạy hợp đồng xuất bản, bán sách...

*

Nhà văn Cao Tiến Lê bảo tôi: “Nếu để Nhà xuất bản đưa vào kế hoạch thì phải chờ lâu, nếu đưa ĐTLL nhận đỡ đầu thì rất nhanh. Còn đang phân vân, thì Cao Tiến Lê mời ĐTLL đến gặp tôi ở Nhà xuất bản. Gặp, tôi có thiện cảm ngay với thi sĩ họ Đoàn, nhất là chị nói, chị sẽ chuyển tiền ngay một nửa, in một vạn, nếu bản thảo đọc thấy ưng. Cao Tiến Lê đề nghị chị chuyển tiền qua Nhà xuất bản, rồi tôi qua lấy. Và ngay hôm sau, Nhà xuất bản gọi tôi đến nhận tiền, có phiếu thu phiếu chi.

Khi có sách, tôi vẫn còn ngây ngô lắm, điều mà sau này tôi rất ân hận, tôi cầm ngay 50 cuốn tiêu chuẩn của tác giả về mà không ghi tặng sách cho ĐTLL, người đã giúp tôi in cuốn sách đầu tay. Từ đấy, tôi thân với ĐTLL. Nhưng không chỉ tôi, ĐTLL thân với rất nhiều người. Chị thường bày tỏ sự thương cảm. Cẩn thận trong lời nói, rất ít khi buông lời nhận xét về ai, ngay cả khi có va chạm... Chỉ trong thơ, chị mới giãi bày, những nỗi niềm, những chi tiết, sự kiện chị gặp chỉ là cái cớ của cảm xúc để nỗi giãi bày được đặt ở tầm khái quát đời sống nhân tình thế thái…

Ngồi vui là đọc thơ, có thể đọc thơ suốt đêm. Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc đọc thơ, người nghe gửi đề nghị cho ban tổ chức rặt đòi nghe thơ Luyến. Một thời gian dài nhà Luyến là điểm đến của bạn văn chương nghệ thuật. Nhà lúc nào cũng có các loại rượu, rượu quê thôi, ngâm chuối hột, ngâm mơ, ngâm gì gì đó, rất ngon, thường đem đãi bè bạn. Bữa ăn nào cũng cầu kỳ, chu đáo từ món ăn đến chiếc khăn lau tay, đến chỗ ngồi, đến bình hoa…

Hồi đó, tôi thường gặp anh L.B, chồng cũ của một nhà văn, chị kết nghĩa của Luyến, từng ở cùng nhà với nhau lúc hoạn nạn. Nhìn anh, tôi thấy chân dung một người đàn ông nghiêm cẩn, bảnh bao, tóc chải gọn gàng, khác hẳn với các nghệ sĩ thường tóc tai bù rối, dài ngoằng, mọi sự buông quăng bỏ vãi, chỉ chỉn chu trong tác phẩm. Chồng Lam Luyến khác, anh chu đáo, chịu khó, ngăn nắp...

Chúng tôi đến chơi bỏ guốc dép ngoài cửa, tất cả đã bước vào nhà, hai bên chào hỏi xong, khách ngồi xuống ghế, thì anh quay ra xếp từng đôi vào với nhau, để ngăn nắp ở bậc tam cấp. Trong khi vợ ngồi tiếp khách có rượu hoặc trà thì chồng đi thu vén nhà cửa, sắp xếp các cuốn sách hay ở dưới bếp sửa soạn cơm nước. Cả một nhà sách, kín nhiều phòng. Rồi những lần tôi gặp ở CLB Thống Nhất, tôi thấy anh lầm lũi như cái bóng đằng sau vợ, làm mọi việc chẳng nề hà, kể cả việc khuân những chồng sách lên xe…

Thế rồi, chẳng hiểu sao, họ lại không sống với nhau nữa. Thật là không có một kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho đời sống hôn nhân của các cặp vợ chồng văn nghệ sĩ. Có người bảo: nếu cả hai đều chất nghệ, dễ thông cảm, dễ sống cùng. Cũng không phải. Nếu một người là nghệ sĩ, một người là nhà khoa học, hay đại gia, sẽ có sự bù đắp. Cũng không phải. Người nghệ sĩ, người chân chất, đảm việc nhà để nâng cánh cho người kia sáng tạo. Cũng không phải. Có lẽ phải nhất, nghệ sĩ nên sống một mình, không kết hôn, vì bản chất nghệ sĩ là… cô đơn, là một mình một kiểu, là không thể sẻ chia với một cá nhân khác trong khi có thể sẻ chia với cả thế giới.

Maiakovsky đã bảo: “Vấp phải cuộc đời thực, chiếc thuyền tình vỡ tan” là thế. Người nghệ sĩ thường sống một cuộc sống khác. Cho nên việc người đàn bà “Dại yêu”, ĐTLL có hết lòng yêu người, yêu đời thì tình yêu vẫn ở ngoài vòng tay chị. Lỗi chia tay khó mà nói là của người nào.

*

Luyến là người vui đấy mà buồn đấy, cười đấy mà khóc đấy, thông minh, tỉnh trí đấy mà… mê muội đấy. Cuộc đời Luyến có thể nói là rất đủ đầy nhưng vẫn thiếu tất cả. Sinh ra trong một gia đình nề nếp, cả mấy chị em gái người nào cũng xinh đẹp, đảm đang. Bà mẹ Luyến hồi trẻ hẳn là một giai nhân, năm nay đã gần 90 tuổi, đẹp lão và trí tuệ vẫn đáng nể.

Khi chưa học Trường Viết văn Nguyễn Du, và cũng chưa xuất bản được tập thơ nào, từ Sơn La, tên của ĐTLL đã vang trong giới văn nghệ, bởi một số bài thơ xuất hiện lẻ tẻ. Nhưng khi đoạt giải Thơ báo Văn nghệ với bài Chồng chị chồng em thì nổi như cồn. Bài thơ theo thể lục bát, một thể thơ có sẵn sẽ vô cùng nhàm chán nếu không giỏi dụng chữ và không có nội dung sâu sắc. Có lẽ, bài thơ Trường Viết văn Nguyễn Du chinh phục nhiều người ở tính nhân văn sâu sắc trong cảnh “người đến sau” của một cuộc hôn nhân:

Xưa thì chị nay thì em
Phải duyên chồng vợ nối thêm tơ hồng
Được lúa, lúa đã gặt bông
Được cải cải đã chặt ngồng muối dưa
Mặn mà cũng khác ngày xưa
Bâng khuâng như chửa bao giờ bén duyên

Gần được ấm, xa được êm
Biết, thì ruộng hóa cũng nên mùa màng.

Đã từ hai mảnh tay không
Kể chi mẹ ghẻ con chung chồng người?

Hôm vừa rồi, có một bà, tuổi đã gần 70 tìm gặp tôi trong buổi giao lưu, nhờ tôi tìm và giúp chị mua những tập thơ đã xuất bản của ĐTLL. Bà nói bà là người Hà Nội gốc, vợ một ca sĩ tên tuổi một thời và từng là một giám đốc thành đạt nhưng bất hạnh. Bà thấy thơ của ĐTLL chia sẻ hoàn toàn với cuộc đời bà, an ủi bà. Bà nói: “Thơ của cô ấy chạm được đến tâm hồn, nhất là với thế giới phụ nữ, chân thật mà vẫn tinh tế, nói về nỗi đau đớn mà vẫn nhân hậu, có thể chết đắng trong lòng mà vẫn đứng lên”.

Trong thơ của Luyến ta thấy chân dung những người đàn bà dù có thông minh giỏi giang đến mấy thì vẫn yếu mềm, dù có chanh chua đến mấy thì vẫn khờ dại và suốt đời khát tình cảm, muốn được yêu, muốn được nương tựa:

Thôi đừng nhìn em lâu
Mà làm em chóng mặt
Đừng đứng trước em lâu
Mà làm em choáng mắt.

Anh dịu dàng như đất
Thân yêu tự bao đời
Em - hạt mầm chất chứa
Khao khát được sinh sôi

                        (Mong anh)

Tinh tế dịu dàng nhưng cũng vô cùng mãnh liệt, ào ạt, cuồn cuộn:

Em như vạt cháy rừng quanh năm đòi cứu hỏa
Như ngọn lũ sông Hồng chỉ chực vỡ đê.

                      (Gọi Thúy Kiều)

Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia
Giống như người đàn bà kia đoạt anh từ tay người đàn bà khác
Bỗng chốc anh trở thành tư bản
Trong tay những kẻ chỉ yêu tiền!
Ghen như sôi và giận như điên
Người đàn bà với trái chín trên tay vừa bị rơi xuống đất
Ghen như sôi và yêu như điên
Người đàn bà với ước mơ đang thành sự thật
Anh dễ thương như cây và hiền lành như đất
Trong tay những kẻ chẳng yêu vườn!
Em đã đón anh về
Nhưng chắc gì giữ anh được lâu hơn
Rồi sẽ có một người đàn bà khác
Anh vốn yếu mềm và biếng nhác
Miếng mồi của chiến tranh man rợ diệu kỳ
Em sửng sốt nghĩ đến một ngày anh lại bỏ ra đi…

                        (Chiến tranh)

Hoặc trong một bài khác:

… Bên biển ta muốn khóc
Bên biển ta muốn cười
Ta muốn làm lại hết
Dẫu tóc ta bạc rồi!...

Vâng. Bây giờ chị đang ở độ tuổi của người tóc bạc. Nhưng nhờ luyện tập nên sức làm việc và dung nhan vẫn như người trẻ. Vẫn tính cách chăm chỉ, không sợ khổ, sợ khó, không đi một lối mòn, chị đã nguyện làm một “con lươn chẳng quản lấm đầu”, dấn thân vào một việc mà ở Việt Nam chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chị đứng ra vận động thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam, xây dựng bộ máy… Vấn đề còn gặp nhiều khó khăn, lộ trình đi đến hiệu quả còn dở dang thì chuyển giao sang người khác điều hành. 

Sau đó lại vận động và thành lập Hiệp hội Quyền sao chép, Hiệp hội Tác giả phi hư cấu. Lao tâm khổ tứ, thậm chí thua thiệt mà hiệu quả vẫn còn ở phía trước. Chị tự tổng kết rằng, “mười năm tôi nấu một nồi cơm bản quyền mà không chín”. Lý do, đâu có phải chị không đủ tài, đủ quyết tâm, nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu, chuyện thực thi bản quyền ở ta còn gian nan lắm…  

Khó khăn là thế, nhưng ĐTLL không thôi hy vọng vào cuộc đời, không nản chí, chị tin vào bản thân và để nuôi niềm tin ấy, chị đã trở thành một người tu luyện kiên trì. Tu và luyện, và buông bỏ dần những đam mê đâu phải là chuyện dễ dàng?

Trần Thị Trường
.
.