Diễn viên hài Trường Giang: Chân quê nhảy múa thị thành
1. Đa phần, ngoài đời các nghệ sĩ hài thường ít nói và trầm tư chứ không huyên thuyên, dí dỏm như trên sân khấu. Trường Giang lại là một “ca” đặc biệt. Sân khấu thế nào bước ra ngoài đời thế ấy. Đúng ra phải nói ngược lại, anh mang tính cách, quan sát và trải nghiệm của bản thân vào vai diễn. Có lẽ vậy nên vai nào của Trường Giang cũng rất thật, rất đời. Và khán giả càng thương, càng quý anh hơn.
Nếu ai đó ngỏ ý mời Trường Giang đi ăn và giao quyền chọn địa điểm cho anh, chắc chắn nơi anh trực chỉ là một quán cơm bình dân nào đó trên vỉa hè. Và “thực đơn” của anh sẽ là cá kho tộ hoặc món mắm kho. Không phải Trường Giang tiếc tiền mà vì “chỗ đó mới là chỗ hợp với mình. Nấu chả khác mấy ở nhà. Cũng nước mắm, bột ngọt, muối là xong. Vô mấy chỗ quán cao cửa rộng chi, toàn pa-tê, bơ,… mùi lạ hoắc. Nói chung mấy chỗ có vẻ sang sang là thấy không hợp với mình rồi. Nhiều khi việc này, việc kia, kén lên chọn xuống tội nghiệp người ta. Chớ cho tui chọn, tui ra vỉa hè ngồi liền!”.
Tưởng tượng, bà chủ quán hỏi: “Nay có cơm 15, 20 và 30 ngàn, chú ăn nhiêu?”. Trường Giang sẽ hào phóng trả lời: “Cho 20 ngàn đi bà chủ! Bữa nay tui có tiền!” rồi ung dung kéo cái ghế nhựa con, rót một ly trà đá, đợi cơm. Đời sống tươi đẹp và thi vị biết chừng nào! Chỉ sợ, bây giờ Trường Giang nổi tiếng quá mà ngồi vỉa hè, khán giả nhận ra bu lại xin chụp hình, chữ ký, tội nghiệp bà chủ quán không bán được cơm. Hỏi Trường Giang, giờ nổi tiếng rồi, có cảm thấy thoải mái như hồi xưa?
Trường Giang cười: “Có gì đâu, cũng vậy hà! Giờ được khán giả nhận ra sướng thí mồ. Nghề nào tui hổng biết chớ khán giả gặp diễn viên hài thấy thương lắm nhen. Gì thì gì cười trước cái đã rồi tính chớ hổng có chỉ trỏ này nọ”.
Nhìn dáng vẻ thư sinh của Trường Giang, nếu không mở lòng, có lẽ chẳng ai hình dung tuổi thơ anh khốn khó. Năm anh vừa lên 3, cảnh nhà đang sung túc thì mẹ của anh đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông, để lại 6 đứa con thơ dại.
Sau Trường Giang còn một người em vừa tròn thôi nôi. Của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi, kể cả cái xe đa-su mẹ anh tích cóp được. Ký ức tuổi thơ Trường Giang trống huơ trống hoác bàn tay mẹ. Thay vào đó là nỗi nhọc nhằn hằn sâu thành những vết nhăn xám xịt trên gương mặt ba, là những chuyến đi vội vã ba anh dắt díu bầy con thơ hết từ Nam ra Trung rồi lại trở vào Nam, mượn đầu này một ít, vay đầu kia một tẹo, coi ở đâu có thể đắp đổi nuôi tụi nhỏ qua ngày được.
Thằng nhỏ đen thui, gầy đét như que củi mà cả nhà với mấy đứa nhỏ trong xóm quen gọi là Tí, ngoài giờ đi học đã biết xách cái bao xin người ta mót mủ, lượm củi khô trong rừng cao su. “Trong nhà thiếu trước hụt sau, nhưng tình thương thì không thiếu. Nhiều khi anh nghĩ, ông trời công bằng lắm. Không cho ai cái gì toàn vẹn mà cũng không lấy đi của ai hết bao giờ. Hồi đó mà sống đầy đủ, biết đâu giờ mình trở thành đại gia rồi ha. Mà không chừng lại sinh hư, nghiện hút tùm lum…”.
2. Nhà nghèo, phải chạy ăn từng bữa, ước mơ cũng trở nên xa xỉ. “Anh thấy con nít hay ước mơ làm thầy giáo, cô giáo, bác sĩ, kỹ sư,… còn hỏi anh, anh hổng biết ước cái gì hết trơn. Cứ sống ngày trôi qua ngày, ráng kiếm cái ăn thôi hà. Cho nên học xong phổ thông, tiêu chí tiên quyết để chọn trường học tiếp là: không phải đóng học phí”.
Năm đầu, Trường Giang thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Rớt! Anh rời quê lên Sài Gòn kiếm sống. Nhờ cái tính nhanh nhẹn, nói câu nào nghe mắc cười câu đó, bạn bè làm chung xúi anh thi vô trường Sân khấu. Mải bươn chải đủ thứ nghề, từ phục vụ, phát tờ rơi, bán nước suối,… để trang trải cuộc sống, ít lâu sau Trường Giang bị đuổi học. Hoang mang, chán nản, nước mắt Trường Giang bạt theo gió trên con đường khuya cọc cạch chiếc xe đạp cà tàng. Không biết điều gì thôi thúc, hai năm sau, Trường Giang bạo gan thi lại vô Trường Sân khấu. Lần này, anh đậu khoa Đạo diễn.
Học đâu được một năm, cảnh cũ tái diễn. Trường Giang tâm sự: “Đỉnh cao của nghèo đói không phải thời lượm mót mủ cao su, hay đi nhặt củi khô bán kiếm tiền lúc nhỏ mà chính là giai đoạn ở phố, ngày ba bữa mỳ gói, ăn suốt một tháng trời, thấy gói mỳ mặt mày xanh lè xanh lét. Nhiều khi không có chỗ ngủ, phải xin trọ ké nhà bạn đứa này ít hôm, đứa kia ít bữa”.
Nói đến đây Trường Giang lặng lâu lắm, rồi tiếp: “Về nhà cũng được. Nhà nghèo song không đến nỗi đói. Nhưng bản lĩnh thằng đàn ông không cho phép mình như vậy. Mình khổ thì một mình mình chịu thôi, đừng bắt gia đình phải lo cho mình nữa”.
Một người ý thức được điều đó, tôi tin cực kỳ yêu gia đình. Trong một câu chuyện khác, Trường Giang có nói với tôi vầy: “Anh ghét chơi với mấy đứa bất hiếu lắm. Về nhà nó chơi, chỉ cần nhìn đương lúc có tiền, nó cư xử với ba mẹ là biết liền hà. Đến ba mẹ nó mà còn coi không ra gì thì mình có là gì đâu. Anh nghĩ, biết rồi thì thôi tốt nhất đừng chơi. Vậy cho khỏe”.
Trường Giang sống trọn tình, trọn nghĩa, có trước có sau. Ngồi với nhiều phóng viên, chưa khi nào anh thôi không nhắc đến cố nghệ sĩ Hữu Lộc và danh hài Hoài Linh, bằng thái độ kính trọng rất mực. Đơn giản vì, không có anh Lộc, anh Linh, đã không có Trường Giang hôm nay.
Giữa lúc tuyệt vọng khi bị đuổi khỏi trường lần thứ 2, từ một lần đúp vai quần chúng cho bạn, Trường Giang được nghệ sĩ Hữu Lộc “kêu” về sân khấu “Nụ cười mới” cho chạy ra chạy vô. Nhờ duyên dáng và chịu thương chịu khó, Trường Giang dần được giao thêm những vai có một, hai câu thoại. “Anh không buồn đâu. Mình phải biết mình là ai chớ. Không có mình trời vẫn sáng, hoa vẫn nở mà. Chừng nào không có mình mà bầu trời xám xịt thì lúc đó người ta tự biết đánh giá năng lực của mình. Với lại chạy ra chạy vô, được thấy anh Hoài Linh, vui lắm”. Dần dần, Trường Giang được nghệ sĩ Hữu Lộc chú ý và dẫn theo các đêm diễn. “Anh Lộc xông xáo và nhiệt huyết lắm. Có lần, anh Lộc nói với tụi anh: “Anh tới đây thôi đó!”.
Nghĩa là sự nghiệp diễn xuất của ảnh tới đây là đủ rồi. Thời đó anh Lộc nổi tiếng lắm em, cả trong nước và hải ngoại luôn. Có ai như ảnh, làm giám đốc mà phải tự tay treo băng-rôn. Đi diễn không màng danh tiếng, miễn sao cho tụi trẻ như anh được diễn thôi. Tiền cat-sê mỗi show vậy chừng hai trăm ngàn hà em, mà tới 5 anh em, sao chia? Vậy mà không hiểu sao tụi anh diễn hăng say vô cùng. Bước ra nghe khán giả vỗ tay rần rần, sướng rơn người”.
Nghệ sĩ hài Trường Giang trong một cảnh diễn. |
Cái duyên của Trường Giang được nghệ sĩ Hoài Linh để ý. Bước ngoặt với Trường Giang là vai “Mười Khó” trong vở Khó. Rồi cũng nhờ nghệ sĩ Hoài Linh “điểm chỉ”, Trường Giang được ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tin tưởng đặt hàng kịch bản cho một tiểu phẩm trong chương trình “Người miền Trung”.
Và, nếu không phải là dân Tam Kỳ - Quảng Nam chính gốc thì Trường Giang đã không thể thể hiện cái giọng miền Trung đúng chuẩn đến thế. Giữa một rừng sao, thằng diễn viên cùi bắp lạ huơ lạ hoắc đóng vai ông già khó tính mà duyên vô cùng khiến khán giả tò mò muốn biết “thằng đó là ai?”. Cũng từ thời điểm đó về sau, bộ ba Hoài Linh - Chí Tài - Trường Giang thi nhau “oanh tạc” các tụ điểm hài ở miền Nam.
3. “Nghề này sướng nhất là lúc khán giả vỗ tay trên sân khấu thôi. Còn lại đều buồn hết. Hồi chưa nổi tiếng thì buồn thân phận. Lúc khán giả nhớ mặt biết tên rồi thì buồn cách con người đối xử với nhau. Nhiều người nói nghề này bạc bẽo. Nhưng anh không nghĩ vậy đâu. Mình bước ra hàng triệu khán giả thương, thù lao một đêm diễn nhiều khi bằng cả tuần người ta làm thì bạc là bạc chỗ nào?
Như anh nói hồi nãy đó, ông Trời cho mình tỏa sáng trên sân khấu, những tràng pháo tay thì ổng buộc mình phải buồn để bù trừ. Ngày trước, mỗi lần buồn, anh không chia sẻ được với ai hết. Giờ anh Hoài Linh là người hiểu anh nhất, trên sân khấu và cả ngoài đời luôn. Anh vui, buồn chuyện gì, anh nhìn là biết hà…”.
Trường Giang đóng nhiều vai, trẻ có, già có nhưng khán giả đặc biệt khoái anh đóng vai ông già có cái quần lưng cao xệ đáy. Một lần, ra Nha Trang, diễn xong cả đoàn kéo đi ăn cháo. Bà chủ quán nhìn Trường Giang la lên: “Trường Giang, đó giờ chị thích em lắm, giờ hết thích rồi!”. Trường Giang nghe hết hồn, hỏi: “Sao vậy chị?”. “Em phải đóng già, kéo cái quần cao cao lên nữa!” - bà chủ quán bảo thế!
Hỏi Trường Giang sợ gì nhất? Anh hồi đáp: “Anh sợ mình bị ù lì lắm nên lúc nào cũng phải kiếm cái này cái kia làm. Dĩ nhiên, cũng có những cái nằm ngoài dự tính của mình. Nhưng anh quan niệm, không bước lên sân khấu thì thôi. Còn đã bước ra thì phải diễn bằng cái lửa ngày xưa mà khán giả yêu mến mình. Cái này, anh Chí Tài dạy anh. “Em đừng nghĩ tối đó có 300 khán giả xem, nếu em diễn dở chỉ có 300 người đó biết. Còn có 600 người trong gia đình, rồi bạn bè của họ nữa. Một đồn mười, mười đồn trăm”.
“Hồi xưa đi học, muốn coi kịch, coi phim, tiền đâu mà coi. Anh đang ấp ủ làm show hài miễn phí cho các bạn sinh viên ở 3 thành phố lớn trong năm sau. Đâu phải hô làm miễn phí thì sơ sài, qua quýt được. Mà muốn vậy thì phải vận động thêm nhiều nguồn. Anh đang ráng dữ lắm. Hy vọng mọi chuyện sẽ ổn”. Hoàn cảnh sống tạo nên tính cách con người. Trường Giang, bằng sự nỗ lực và bản lĩnh đã thành danh lẫn thành nhân. Và vẫn vẹn nguyên cái chất hồn hậu, dân dã trong mình giữa chốn phồn hoa đô hội - như những người thầy của anh.