Diễn viên Việt Trinh: Giai nhân chớp mắt
1. Câu nói bâng quơ của Việt Trinh đưa tôi về những ngày tuổi nhỏ xa lắc lơ. Má tôi thường chép miệng y vậy mỗi khi lau di ảnh của dì Tư tôi, mắt rơm rớm nước. Phận hồng nhan, sao tránh được nỗi truân chuyên? Tôi hỏi Việt Trinh rằng, giai nhân như chị, lại tài năng, nổi tiếng, từng trải và thấm biết bao sóng gió của cuộc đời, chị có tin vào điều đó không?
Chị cười nhẹ như gió tháng chạp đầu ngày: “Là do ông bà mình quan sát, đúc kết vậy thôi em. Chớ chị nghĩ, mọi việc đều do mình hết. Sở dĩ, chị có những chuyện không hay xảy ra ngoài ý muốn cũng là do chị tạo ra. Mình háo thắng, hành động không đúng thì kết quả không tốt là tất yếu. Chị tin, mọi thứ đều do một phần nhân quả của tiền kiếp, phần còn lại là do hiện kiếp. Đừng đổ thừa do hồng nhan, do người khác mình mới như vậy. Chị thấy có những hồng nhan rất hạnh phúc, như chị Diễm My, chị Thủy Tiên nè”.
“Tất cả những mối tình chị có đều đẹp. Chỉ là có duyên mà không có nợ thôi. Có yêu thương mới đến được với nhau chứ, phải không em? Sau khi chia tay, mỗi người mỗi ngả, tụi chị lại trở thành bạn của nhau, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Chị không có mối tình nào mà chia tay thì đâm thù nhau, ghét nhau, hận nhau cả. Em biết tại sao không? Vì chị luôn nhìn mọi chuyện thật đơn giản.
Suy nghĩ sao tôi bỏ anh, sao anh bỏ tôi đều do cái tôi của mình quá lớn. Lỡ như, có sự cố gì đó, chị đâu muốn người ta áy náy khi làm chị buồn và ngược lại. Mọi việc chỉ là, thuận duyên thì đến với nhau, hết duyên thì xa nhau. Điều ấy đâu phải riêng mình, trong xã hội này, trên thế giới này, có biết bao chuyện tình như vậy.
Ngay cả khi tình yêu xuất phát từ hai phía, cũng phải để cho người ta cảm thấy tự do. Mình phải làm chủ cuộc sống của mình. Đến vui buồn mà mình hoặc người ta phải lệ thuộc vào nhau thì thật ích kỷ. Anh em, bạn bè và nhiều mối quan hệ khác nữa cũng vậy. Hãy cứ đơn giản và chấp nhận. Cuộc đời, vốn dĩ vô thường. Chị tin vậy” – người đàn bà đẹp mở lòng về quan niệm tình yêu.
Ái tình là thứ khó đoán định và giày vò tâm can con người ta đến vô cùng tận. Ngay cả những ai từng thú nhận “chưa một lần thất tình”, tôi tin ít nhất cũng đã nếm trải một lần xé nát tâm can. Nhưng, phải chi, ai cũng thông suốt được như Việt Trinh, có lẽ đã tránh được vô vàn bi kịch do một cơn nóng giận, một lần lầm lỗi, phá nát cuộc đời của nhiều cá nhân khác…
Đời người, thói thường, sau biến cố sẽ ít nhiều thay đổi. Hoặc là tốt hơn lên, nâng niu, yêu thương những gì đang có; hoặc theo chiều hướng đi xuống, tệ hơn là tự hủy hoại bản thân. Việt Trinh, sau biến cố đời mình, chuyển biến theo hướng thứ nhất.
Vỡ lẽ nhiều điều, sống chậm lại, mở lòng và vị tha hơn. Từ quan niệm sống cho đến cách nhìn nhận, đối nhân xử thế. Cũng có lẽ, Việt Trinh đã và đang bước vào độ tuổi chín chắn. Lắng đọng, chiêm nghiệm và hành động tích cực thay vì vướng bận ảo mộng, loay hoay trong phù phiếm, lợi danh và lẽ thiệt hơn. Tôi không muốn khơi lại nỗi đau, những đổ vỡ, mất mát và cả sự tuyệt vọng nên chỉ ướm gợi chuyện xưa của chị. Không vì tò mò mà để xác tín một vài thông tin. Vì Việt Trinh là diễn viên theo tôi vào giấc ngủ thuở chân trần, tóc khét ở quê. Trên những tờ lịch tường, trên cả cuốn tập học sinh lem nhem mực tím. Có câu chuyện về người nổi tiếng nào không ít nhiều bị thêu dệt thị phi. Huống hồ, Việt Trinh là một giai nhân. Có giai nhân nào bước ra không kẻ đón người đưa, không làm đắm đuối bao con mắt của những gã si tình, gây bao nỗi muộn phiền cho những trái tim đơn phương?
Việt Trinh khước từ: “Chuyện, chị quên lâu lắm rồi!”. Quá khứ, lỗi lầm, chị muốn khép lại. Không phải chị buồn, chị ngại nhắc mà tại “nó đã xong rồi, nhiều người biết rồi, có gì mới mẻ đâu”.
Chị tiếp lời: “Chị chia sẻ những điều không đúng, chưa tốt để các bạn trẻ nhìn tấm gương của chị mà tránh được những háo thắng, nông nổi nhất thời. Đi qua nhiều chuyện rồi, mình nhìn cuộc sống khác nhiều lắm em. Chỉ là, lâu lâu, chị lại thấy một vài tờ báo hay bới móc nói lại, chị tự hỏi, sao người ta nhắc chi hoài chuyện đó vậy? Chị không buồn đâu. Chị chỉ ước, phải chi mình gặp được người viết đó ha, chị sẽ hỏi, chẳng lẽ đời sống của bạn chưa từng phạm phải sai lầm và cảm thấy hối lỗi về điều gì sao? Trong khi hiện tại, tôi đang sống tốt, đang rất vui vẻ và cố gắng chuộc lại những lỗi lầm ấy” .
2. Phàm đã là người, làm sao có thể tránh được những giây phút trống trải, những khát khao, tủi phận? Đằng này, Việt Trinh lại là một phụ nữ thừa nhạy cảm. Chị nương vào giáo lý nhà Phật và những chuyến công tác xã hội. An yên và buông bỏ. Chị nói với tôi nhiều lắm, những đổi thay của chị hơn 10 năm nay. Thoạt nghe, có vẻ lý thuyết, giáo điều. Song, kỳ thực nó xuất phát từ trải nghiệm và đúc rút của chị. Tôi kể hầu bạn đọc vài chuyện, biết đâu, bạn đọc thấy nó hữu ích cho cá nhân mình.
“Ngày trước, nhìn những người phụ nữ khác có đôi có cặp, chị tủi thân và ao ước mình được vậy lắm. Từ khi theo đạo, nghe lời Phật dạy, chị hiểu rằng, cuộc đời mỗi người là một số phận được an bài. Chị học được từ chị Châu Thổ 3 chữ “C”: “Cởi mở, chân thành và chấp nhận”. Đừng ngóng về quá khứ, hồi đó mình được người này thương, người kia thương. Cũng đừng băn khoăn về tương lai. Thay vào đó, cứ sống hết mình ở hiện tại. Cũng có đôi lúc chị mệt mỏi lắm chứ! Đời sống bây giờ chi phí cao quá, trong khi có một mình chị bươn chải trong ngoài. Con mỗi ngày mỗi lớn, có những lo lắng, khó khăn khác nhau. Nhưng rồi chị vượt qua hết. Em biết vì sao không? Vì thương con. Và vì từ khi chị làm công tác xã hội, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khổ tới mức mình không thể nào ngờ được. Chị thấy mình còn sung sướng quá chừng. Có thể, chị không may mắn có một bờ vai, nhưng chị có đứa con kháu khỉnh, có những đồng nghiệp, bằng hữu rất thương mình, có công việc tốt. Còn mong gì hơn? Cứ ước hoài, ước hoài, chẳng phải mình tham lam quá sao?”.
Tôi hỏi, có phải vậy nên những bộ phim Việt Trinh đạo diễn thường ẩn nhiệm màu sắc của luật nhân quả, nói khác đi là cho và nhận, gieo và gặt? Chị cười, thẳng thắn: “Người có công lớn nhất trong loạt phim đó là chị Châu Thổ. Chị biết ơn sâu sắc chị ấy đã tin tưởng và giao cho chị làm Trở về 1".
Chị còn nhắc nhớ những cái tên mà nếu thiếu vắng, đã không có Việt Trinh vang danh, trở thành biểu tượng cái đẹp của một thời. Đó là những thầy cô từng dìu dắt chị, là phó đạo diễn Hồng Khắc Đào – người phát hiện ra khả năng của chị lúc còn ở trường sân khấu và kêu chị đóng vai quần chúng, là đạo diễn Trần Cảnh Đôn – người đã tin tưởng giao cho chị vai nữ chánh đầu tay trong Ngọc trong đá để chị tỏa sáng, là đạo diễn Lê Cung Bắc – người đã hâm nóng và ghi dấu tên chị với Người đẹp Tây Đô ngay lúc tưởng chừng như cái tên Việt Trinh đã phai mờ theo dòng phim thị trường.
“Em cũng biết rồi đó, tính chất nghề diễn nhiều thị phi lắm. Một nói mười, mười đồn trăm. Ví như trước đây người ta nói Việt Trinh hai lúa, ăn mặc quê mùa, sến sẩm. Suốt một thời gian, chị cố gắng mặc đồ hiệu, sắm bóp hiệu, giày hiệu để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Mỗi lần có event này kia, chị lo sốt vó luôn. Mặc cái đầm nào, đeo cái gì, xách cái ví nào hợp với cái đầm đó. Rồi chị vỡ lẽ, ồ tại sao mình phải làm nô lệ cho những món hàng này? Phải sống theo những đánh giá, vui buồn theo khen chê của người khác. Mình lớn rồi, đâu phải con nít mà màu mè vậy. Điều quan trọng ở đây là mình làm chủ được cảm xúc của bản thân. Phục sức phải hợp với độ tuổi và túi tiền của mình. Miễn đừng luộm thuộm, làm xấu hoặc ảnh hưởng đến buổi event đó là được. Như bữa nay chị hẹn em mà chị phải đóng một bộ váy vô ngồi nói chuyện với em rồi xíu nữa lên xe thay ra chạy về quê, hái trái cây, làm vườn, chị thấy chị sống dối với bản thân mình quá!” – chị tiếp lời.
“Chị quên nói với em, bây giờ chị hiếm khi nhận lời những phim mô-tip cũ lắm dù chị có những lời mời nên cuộc sống của chị vừa đủ thôi. Một cái đầm dạ hội mắc nhất của chị bây giờ không quá 15 triệu. Còn quần áo hằng ngày, cái nào hợp là chị mặc hà. Hơn nữa, bây giờ chị có con rồi. Làm gì cũng phải biết nghĩ để vun vén cho tương lai của con”.
Con trai của Việt Trinh, cậu bé vô cùng nhạy cảm vừa tròn 5 tuổi và được chị giữ một khoảng cách nhất định với truyền thông. Mỗi khi có ống kính phóng viên chĩa về phía Thiện Nhân, Việt Trinh đều nhã nhặn “năn nỉ” đừng chụp. Chị muốn giữ cho con những vẹn tròn nhất của tuổi thơ. Như chị ngày xưa. Dù cơ cực nhưng lúc nào cũng được sống trong yêu thương đầy ắp và tiếng cười. Như mẹ chị ngày còn sống. Dẫu dở dang duyên nợ với ba chị, vẫn tảo tần một nắng hai sương chở che bầy con nheo nhóc, đang tuổi ăn tuổi lớn, không một lời oán trách. Nhắc về mẹ, mắt chị rơm rớm nước…
Ngoài kia, gió xao xác cuối mùa. Có đứa con nào, nghĩ mình lớn mà xa được vòng tay mẹ đâu…