Diễn viên Lương Thế Thành: Khí chất đàn ông

Thứ Tư, 17/12/2014, 15:07
Giữa lưng chừng tất bật của đời sống, bủa vây của công việc, Lương Thế Thành dành cho tôi một cuộc gặp lúc xế trưa, nơi góc quán quen của anh. Quán cũ kỹ, nâu trầm, vô danh trên con đường mà có ngày tôi qua lại mấy lượt. Chợt có ý nghĩ, dường như Thành cũng muốn náu mình như quán, khỏi những nhộn nhịp thường nhật.

1. Do đặc thù nghề nghiệp, tôi tiếp xúc với không ít người nổi tiếng. Có những cuộc gặp, đơn thuần là công việc; song cũng có những cuộc gặp trở thành chốn thân tình. Dẫu, tôi chưa bao giờ coi việc kết bạn với người nổi tiếng là một điều tự hào như nhiều ngộ nhận. Một ngày bâng quơ, đồng nghiệp và cũng là bạn thân của tôi hỏi, trong vô vàn cuộc gặp tiếp nối ấy, tôi ấn tượng với nhân vật nào nhất? Thật khó để trả lời. Nhất là khi người ta không còn ở độ tuổi khẳng định mọi thứ chắc nịch theo hướng một chiều. Song chắc chắn một điều, những nhân vật không hoa hòe, bóng bẩy luôn khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Bởi, khi nổi tiếng, người ta thường tự cho mình cái quyền sáng tạo một câu chuyện đan kết ít nhiều sự thật pha chấm phá màu mè để hình ảnh tăng phần lung linh.

Lương Thế Thành, là một trong số rất ít diễn viên trò chuyện với tôi về nghề và cuộc sống bằng sự lo toan tất bật ở lần gặp đầu tiên. Thẳng thắn. Chân thành. Dù đã 11 năm kinh trải làng giải trí. Như nước con sông Tiền sông Hậu có bao nhiêu vét chảy hết vào kênh, vào rạch tưới mát ruộng đồng. “Tối hôm qua nghe đoàn phim xếp lịch, anh nhắn tin cho em liền. Tính anh rất rõ ràng. Nếu không gặp được anh sẽ từ chối ngay. Còn cái gì anh đã hứa, anh sẽ làm. Tại mấy bữa rồi ngày nào cũng quay liên tục tới khuya hết em. Nhiều khi căng thẳng tới mức, anh muốn quăng cái điện thoại qua một bên đi đâu đó vài ngày. Rồi lại nghĩ đến trách nhiệm với công việc, với gia đình, mình lại phải cố. Giả sử anh nghỉ 3 ngày thôi, cả êkip lại phải chờ mình. Mai mốt ai dám mời mình nữa. À, anh quên nói với em, giờ diễn viên toàn đi một lượt hai phim không hà!”.

Hỏi Thành sao không làm một phim thư thư thôi. “Tiền là một phần. Anh thì sao cũng được. Nhưng như anh nói đó, anh là lao động chính trong nhà. Phải trang trải cho gia đình, lo cho thằng cháu nữa. Chăm sóc những mối quan hệ quanh mình. Ngừng lại thì những khoản đó lấy đâu bù vô? Cũng phải tính tới chuyện để dành một ít, sau này có gia đình riêng, vợ con chứ. Phần nữa là vì tốc độ và vòng quay công việc. Hồi xưa, anh làm một phim truyền hình 45 tập quay 3 năm mới xong. Bây giờ 30 tập mà 2 tháng là xong. Phim truyền hình phát triển với mức độ chóng mặt, diễn viên có nhiều cơ hội hơn. Song cũng vì vậy mà ít trau chuốt cho vai diễn hơn. Cái gì cũng cần có thời gian hết, phải không em? Khi anh nói với đạo diễn rằng, anh muốn chầm chậm lại để nghiên cứu nhân vật kỹ hơn. Nhưng đâu phải đạo diễn muốn là được. Phải làm cho kịp tiến độ của nhà sản xuất, của nhà đài quy định. Thành ra, trong cái vòng tất bật đó, mình phải quay theo. Anh cày như con trâu luôn. Quanh năm không có ngày nào nghỉ cả…”.

Tình thiệt là trước khi gặp, tôi hơi băn khoăn khi nghe nhiều đồng nghiệp mách, Thành cực kỳ ít nói. May là hôm ấy Thành sẵn sàng mở lòng. Thì chuyện trò nào chẳng xoay quanh chuyện nghề, chuyện đời, chuyện gia đình. Cái lõi trong câu chuyện với Thành nằm ở hai từ “may mắn”.


2. Lương Thế Thành có may mắn không? Câu trả lời là vừa có vừa không. Không may mắn, Thành đã không có cuộc hội ngộ đầy bất ngờ với phim ảnh, để dấn thân và nỗ lực. “Anh nói thiệt, anh không biết phim ảnh là gì luôn. Nghe tụi bạn xúi, anh khoái khoái vì được khen nên anh thi thôi. Hồi đầu anh nộp đơn, ba mẹ anh không có ủng hộ. Ba mẹ sợ nghề lắm thị phi. Năm đó anh hai mươi, hăm mốt tuổi, tự dưng anh thoáng nghĩ đến chuyện sau này mình vô nghề, vướng phải chuyện không hay thì sao ta? Và anh đã tìm ra giải pháp. Hoặc là lên tiếng, hoặc là im lặng. Nếu lên tiếng, thị phi sẽ lan rộng. Còn nếu im lặng thị phi sẽ ngừng lại tại đó và lắng xuống. Sau này vô nghề, đụng chuyện rồi, anh mới thấy hình dung của anh ngày đó đơn giản và non trẻ quá chừng. Có điều, anh đã áp dụng cách thứ hai mà anh nghĩ. Mình càng cố nói, người ta càng soi mói. Thôi thì, tốt nhất nên chứng minh bằng công việc, bằng nỗ lực, bằng cách cư xử với những người mình tiếp xúc. Đâu có ai đi đặt chuyện mình hoài vậy được, em ha!”.

Tất nhiên, đi kèm với may mắn còn là thái độ quyết liệt và sự cố gắng chưa khi nào ngừng nghỉ của anh. Thành tiếng trong veo, nụ cười rộng hết cỡ, gương mặt cân đối cực kỳ bắt khung hình. Ngoại hình quá lý tưởng để trở thành một diễn viên như bạn bè Thành vẫn bảo. Đằng sau cái vẻ ngoài hiền lành, gương mặt thư sinh ấy là tính cách quyết liệt của một người biết mình muốn gì và cần gì. Nếu không quyết liệt, Thành đã chẳng dám bỏ trường thể dục thể thao, giấu ba mẹ thi vô sân khấu. Nếu không quyết liệt, Thành cũng đã chẳng dám buông tay việc học hành ở trường nắm lấy cơ hội tỏa sáng.

“Lúc phim Miền đất phúc có lời mời, anh suy nghĩ dữ lắm. Đó thực sự là một cơ hội quá lớn và dài hơi so với những phim anh từng đóng. Đi phim đồng nghĩa với việc anh chấp nhận bỏ học. Vì thời gian quay tới 3 năm, trong đó những cảnh của anh hết một năm rưỡi rồi. Ba mẹ, thầy anh sẽ buồn và lo. Còn từ chối thì sau này ra trường, liệu cơ hội có còn mỉm cười với anh nữa không?”. Thời điểm đó, Thành vừa bước sang năm thứ 2 ở trường sân khấu. Trước vai Phúc trong Miền đất phúc, Thành đã góp mặt trong vài vai diễn từ phụ đến chính và được giải “Diễn viên điện ảnh và truyền hình triển vọng” của năm 2004.

“Dù đã chuẩn bị tâm lý sẵn là bị đuổi học nhưng khi cầm giấy thôi học trên tay, anh vẫn hoang mang dữ lắm. Anh tới xin thầy hiệu trưởng, cố vớt vát hy vọng. Tại anh nghỉ học lâu quá mà, thầy có muốn cũng không giúp được. Người anh sợ làm buồn lòng nhất là thầy chủ nhiệm của anh. Thầy lúc nào cũng thương anh hết mực. Mấy lần đi phim trước, anh đều nói với thầy. Nhưng lần đó anh giấu. Anh nhớ hoài cái cảnh khi anh cầm tờ quyết định trên tay tới xin lỗi thầy. Thầy vỗ vai ủi an anh: “Không sao đâu con! Nghề này nó vậy. Nhiều khi thầy dạy con không bằng nghề dạy con. Nếu con muốn học, con cứ đến, thầy vẫn dạy con như trước. Chỉ là con không được thi lên lớp, không có bằng như các bạn…”. Vậy là anh lăn vô nghề, học diễn xuất bằng kinh nghiệm. May mắn là, anh được tin tưởng giao những vai chính”.

Diễn viên Lương Thế Thành trong một cảnh quay.

Ở phim truyền hình, Lương Thế Thành may mắn bao nhiêu thì ở phim nhựa, anh lận đận bấy nhiêu. Rất nhiều dự án điện ảnh lớn nhỏ, đạo diễn tên tuổi mời cộng tác, Thành đều lỡ nhịp. Có phim anh đã nhận vai, ứng trước thù lao rồi vẫn không đóng được vì… kẹt phim truyền hình. Phim đóng được thì vai mờ nhạt không nhiều đất diễn, bị hàng loạt phim khác cạnh tranh, đè bẹp dí. “Số phận” của diễn viên dĩ nhiên cũng “bẹp” theo phim. Cuộc chơi phim ảnh vốn một mất một còn trước tình hình khán giả khó đoán như hiện nay.

3. Một điều, có lẽ, ít người biết, thời gian Hương ga đang rầm rộ chiếu ngoài rạp thì nỗi buồn, sự nuối tiếc của Lương Thế Thành một lần nữa nổi sóng. Bởi, Thành được đạo diễn Cường Ngô mời vào một vai khá quan trọng trong phim. Thế nhưng khi phim khởi quay thì cũng là lúc Thành vướng dự án sitcom 200 tập đã ký trước đó. “Anh đã cố xếp và trao đổi với đạo diễn để không trùng lịch mà cuối cùng vẫn vướng. Vì anh ký loạt sitcom trước nên đành bỏ Hương ga… Từ chối anh Cường Ngô mà anh ngại vô cùng. Đau nhất là vừa trả lời anh Cường xong thì hay tin loạt sitcom bị vỡ… Anh có gọi lại cho anh Cường thì biết lúc đó, ảnh đã chọn được người rồi…”.

Nguyên chặng đường mười mấy năm của Lương Thế Thành toàn bén duyên hụt với phim nhựa. Sở dĩ, tôi nhấn mạnh phim nhựa bởi nói cho cùng, nền điện ảnh của một nước được đánh giá phát triển hay không đều căn cứ vào phim nhựa; và, cũng chỉ ở đó, người làm nghề, trong đó có diễn viên mới thỏa sức vẫy vùng hết đam mê và thể nghiệm bản thân. Trọn vẹn. Rõ ràng nhất.

“Nhiều lúc ngồi ngẫm lại, anh nuối tiếc nhiều chứ. Anh chỉ ước, giá như mình may mắn hơn một chút nữa… Anh không dám trách phim truyền hình vì đó là nồi cơm của mình. Nhờ đó khán giả mới biết tới mình. Cũng có lúc anh nghĩ, hay là anh ngưng phim truyền hình khoảng nửa năm. Tuy nhiên, đó còn là vấn đề kinh tế, gia đình, cuộc sống hằng ngày nữa em. Anh không dám mạo hiểm. Mình ngưng phim truyền hình nửa năm để chờ phim nhựa, nhưng có chắc sẽ có phim mời mình không? Trong khi có rất nhiều diễn viên trẻ hơn mình, ngoại hình cũng hơn mình. Mọi thứ cứ quay vòng vòng vậy đó. Thôi thì, cứ chờ một cơ hội đi. Mình làm nghề lâu dài mà”.

Thành, tôi nghĩ đã hạnh ngộ may mắn. Chỉ là, Thành có đủ can đảm, đủ “điên” để liều một lần không thôi. Thế nhưng, đời sống, như nhiều người vẫn bảo, như Thành từng nói: “Mình anh thì sao cũng được”.

Biết là làm sao được. Đôi khi mệt mỏi quá, tôi cũng tự nhủ vậy. Rồi lại tự hỏi rằng, nếu có  mình mình thì đời sống liệu có còn ý nghĩa? Người lo toan, sống vì người khác bao giờ cũng chịu thiệt thòi. Như con thiên nga thứ 11 còn giữ lại một bên cánh trong truyện cổ Andersen. Thôi thì cứ miệt mài với nghề và đợi chờ một cơ hội. Giữa những vòng tròn cuộn xoáy. Miễn là, đừng đánh đổi, đừng thỏa hiệp với những thứ đi ngược lại giá trị cơ bản của một con người. Cứ đi, rồi sẽ thành đường.

Hoàng Hoài Hương
.
.