Diễn viên Kiều Linh: Giữa lưng chừng nhộn nhịp

Thứ Năm, 31/12/2015, 03:02
Hẻm nhỏ Sài Gòn, nhộn nhịp sự sống của những bàn tay lam lũ, những đôi chân chai gót quá nửa. Kiều Linh ngồi đó, tiếng khàn khàn đôi khi đứt quãng bởi tiếng xe nẹt pô tành tạch, đôi khi pha lẫn tiếng muỗng lanh canh khuấy café. 


Dư vị ngọt đắng của những âm thanh thường nhật, tưởng cũ mòn mà hóa ra vẫn lạ lẫm và gây nhớ nhung. Đời, vui buồn trộn lẫn, còn cuộc sống có khi nào chịu dừng lại đâu? Có chăng, một ai đó cùng mình đứng lại…

1. Tháng 12, phương Nam được vài hôm se sắt gió mùa. Thứ gió hanh hao gợi nhớ vô vàn xưa cũ, không đầu không cuối tự lúc nào đã trở thành một phần của máu thịt, của hơi thở. Nghe cái lạnh rân rân da giữa trời chang chang nắng, Kiều Linh thấy lẫm chẫm những dấu chân bé xíu, theo mẹ ra vườn, hái đọt bí, đọt rau lang, trái bầu da xanh mởn. 

Xứ Bảo Lộc, con người chan hòa đất trời, thiên nhiên, đời sống chẳng mấy khi khá khẩm mà an nhiên. 4 người em nối tiếp Kiều Linh quây quần bên mâm cơm rau nhiều hơn thịt. Đôi má đỏ bừng vì lạnh. Những ngày tháng 12 này, trời trở lạnh nhiều, rau bén thời tiết đơm đọt hồn nhiên như trẻ con chóng lớn, ba mẹ Linh tờ mờ sớm lò dò gom mớ rau hái vội từ vườn cho kịp phiên chợ sớm. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo chìm hút giữa màn sương dày đặc, vậy mà Linh cứ dõi mắt trông. Đôi chân trần tím tái trên đất lạnh lật đật trở vào khi nghe tiếng em khóc. 

Chiều nắng đi ngủ sớm, mấy chị em đùn nhau trên chiếc võng mắc giữa nhà, lặng nghe tiếng gió thông thốc qua mái tranh. Nỗi sợ mơ hồ của tuổi thơ giữa mênh mông quạnh vắng mà không đứa nào dám hé môi. Tiếng con chim lạc đàn kêu thất thanh khiến lũ trẻ rúc chặt vào nhau. Chúng dỏng tai mong chờ tiếng xe tành tạch quen thuộc của ba, tiếng gọi của mẹ, để được xúm xít bên nồi cơm bốc khói thơm lừng, mắt đứa nào cũng hau háu cháy cơm ròn rụm, quệt miếng kho quẹt còn sót lại ở đáy nồi. Nỗi nhớ ấy hằn sâu, Kiều Linh giờ hễ vô nhà hàng thể nào cũng gọi kho quẹt, cháy cơm, rau luộc. Tiệc tùng với bè bạn, về nhà lục tục xuống bếp chiên miếng cơm, con cá khô ăn ngon lành.

18 tuổi, Kiều Linh và các em đang tuổi ăn tuổi lớn theo mẹ xuống Sài Gòn. Đi như trốn chạy, đi để rời xa những đau buồn, dang dở của mẹ với ba. Đi tìm một khởi đầu mới mà con đường trước mặt mù sương như con đường chị vẫn ngóng mắt theo tiếng xe tành tạch của ba. Từ số vốn dành dụm, chắt bóp bao năm, mẹ của Linh thuê một kiot, ban ngày bán giày dép, ban đêm làm chỗ ngủ và chỗ sinh hoạt cơm nước. Chỗ chỉ vừa đủ cho 6 con người nằm thẳng đuột, không dám trở mình, co chân, sợ hàng hóa rớt trúng. Đêm, lỡ có nhu cầu vệ sinh phải cắn răng chịu do toilet nhờ hàng xóm. Thương mẹ gieo neo, Kiều Linh xin chân phục vụ, đi bỏ café, làm nhân viên siêu thị,…

Dư được chút vốn, Linh gom mở cửa hàng điện thoại di động. Nghề nào cũng không nề hà, miễn tử tế và có thêm chút tiền đỡ đần mẹ. Và dư chút đỉnh để vun vén cho ước mơ “lúc nào đó mình đi học mà vẫn có ít tiền để xoay”. Cuộc sống va chạm sớm đã dạy cho Linh nhiều bài học cư xử, tính cách lanh lẹ và lòng kiên trì hơn người. Đêm, chị tranh thủ học tiếng Anh tại chức, mong kiếm được một nghề ổn định để mẹ đỡ lo.

Không biết trời xui đất khiến hay Kiều Linh được tổ chọn, dư được chút tiền, Kiều Linh mua vé đi xem kịch. Cái cảm giác choáng ngợp, mê say theo từng động tác, lời thoại, biểu cảm của diễn viên khiến Kiều Linh lâng lâng như kẻ dạo bước trên mây. Càng xem càng “nghiện”, chẳng những không dứt ra được mà còn muốn xem nhiều hơn.

Một bữa, ăn gan hùm, Kiều Linh đánh liều nhảy lên sân khấu, gặp đạo diễn Lê Hải, xin cho đi diễn! Bụng bảo dạ, chắc đạo diễn hứa chơi chơi cho con nhỏ mê ánh đèn sân khấu sắp điên vui chứ có qua trường lớp nào đâu mà diễn, Kiều Linh líu ríu chân nọ giẫm chân kia, vừa thấp thỏm hy vọng vừa thấy “sợ” độ liều của bản thân. 

Vò đầu bứt tai, trong giấc ngủ trằn trọc, Kiều Linh mơ thấy mình đứng trên sàn diễn, vai gì không rõ, chỉ biết lúc thức dậy bời bời tâm trạng. Đương lúc nghĩ mình là một kẻ mơ mộng, Kiều Linh nhận được điện thoại của Lê Hải, cho vai quần chúng chạy qua chạy lại. Kiều Linh rưng rưng nước mắt, mừng như bắt được vàng, vui mừng lo lắng đan xen lẫn lộn, ruột rối tung, chẳng biết đâu mà lần.

Diễn viên Kiều Linh.

2. Kiều Linh nói, nếu mà có đi lại, cuộc đời của chị vẫn vậy. Vì gia đình chị thuở ấy khó quá, mẹ chị gieo neo một nách 5 con, làm sao mà khác được, làm sao đến với nghệ thuật sớm được. Làm sao được vào trường lớp đàng hoàng như bạn bè lứa tuổi hoa mộng. 

Nói với Kiều Linh, biết đâu vậy lại hay. Người ta trưởng thành đâu chỉ nhờ trường lớp. Chị cười, cái giọng khàn khàn, lanh lảnh đặc trưng từng khiến bạn diễn “điêu đứng” sao mà ngọt, mà thương vô cùng! Một Kiều Linh gần gụi và rất đời, như câu chuyện của chị, như những vai diễn chân chất của chị trên sân khấu và phim ảnh.

Từ cái duyên với Lê Hải, Kiều Linh gặp được Mai Sơn - bạn diễn, người thầy đồng thời là ông xã của chị hiện tại. Mê sân khấu và cải lương, ao ước trở thành diễn viên chuyên nghiệp, nhưng sau khi được Mai Sơn phân tích những bất lợi về ngoại hình, Kiều Linh chuyển sang tấu hài. Thoát khỏi vài cái bóng đi trước, chị tự làm xấu gương mặt xinh đẹp bằng cách chấm nốt ruồi, để tóc tai ngố tàu, mặc quần áo sặc sỡ, phát huy hết cỡ cái giọng khàn khàn, lanh lảnh đặc trưng.

Kiều Linh bắt đầu được khán giả biết mặt nhớ tên với những vai tưng tửng, đanh đá, lắm lời trên sân khấu. Vai diễn đầu tiên của chị là vai cô y tá trong vở Bác sĩ dỏm, vào ngày 10-11-2003. “Tung một miếng hài, khán giả cười, sướng lắm!” - Kiều Linh nói.

Tự nhận không có máu hài nhưng chỉ cần Kiều Linh bước lên sân khấu, diễn một điệu bộ chống tay ngang hông, khán giả đã cười rần rần. Gặp Kiều Linh ngoài đời, nhiều khán giả té ngửa, hỏi đẹp vậy mà không đóng thử đào đẹp? 

“Trời cho tui cái mặt coi cũng được nhưng mà cái dáng lên đồ nhìn gớm lắm. Hơn nữa, tui ấn tượng với chất hài miền Tây Nam Bộ, với những cô đào chân chất. Mà chân chất thì diện đẹp nó đâu có ăn nhập. Tui nói cái này thiệt bụng, mỗi lần cho tui đóng vai đẹp, tui không có khoái. Mà khoác bộ áo bà ba vô nó sướng rơn, như được là chính mình vậy đó. Tui nghĩ quan trọng không phải là mình đẹp hay xấu mà trước hết phải làm đẹp vai diễn của mình” - Kiều Linh tỉnh rụi. 

Vậy nên, có lần được giao vai chánh cho vở kịch dài ở rạp Công Nhân, Kiều Linh một mực chối từ, nhận về vai phụ, rồi đắp thêm mảng miếng cho có hồn. Nghệ thuật thêm đẹp chính nhờ những tìm tòi như thế.

Như nhiều nghệ sĩ khác, từ sàn kịch, Kiều Linh bén duyên phim ảnh. Dù chỉ là những vai phụ nhưng chị luôn biết cách tạo dấu ấn. Một cô Mận osin điệu đà  với hàng chục bộ đồ sặc sỡ không đụng hàng trong Cuộc gọi lúc 0 giờ đến một ôsin mê phim Hàn, lúc nào cũng tơ tưởng các tài tử trong phim trong Duyên nợ miền Tây, bà cô ế chồng trong Lối sống sai lầm, người đàn bà lắm chuyện trong Thằng trớt quớt... vai nào cũng đáo để, cũng duyên vô cùng.

Kiều Linh trong vở “Dòng đời”. Ảnh: Kim Long.

3. Mười mấy năm theo nghề, hoạt động đều đặn, cần mẫn song có những lúc Kiều Linh như mất hút. Kiều Linh thẳng thắn nhìn nhận là do chị chưa cố gắng hết sức. “Ví như sức mình 7 thì mình làm mới có 5 thôi. Như năm mới vô nghề (2005-NV), chị để dành được 19 triệu ra album Kiếm tiền ăn tết chơi. Thời điểm đó cần tới 30 triệu lận, chị cũng ráng mượn thêm, làm cho kỳ được. Album ra được tiếng vang liền, khán giả biết nhiều lắm. Nhưng mà thành công rồi ngủ quên, tới lúc khán giả quên luôn cái album kia mới phát hành cái khác. Kiểu, người ta quên mình rồi mới vực dậy. Chị bị rất nhiều giai đoạn trong cuộc đời như vậy. Giả như lúc đó ráng chút, từng bước, từng bước thì đã khác. Chị giận mình là vì vậy”.

Rồi đương lúc lấy lại đà để chạy thì biến cố ập xuống với vợ chồng chị. Mang thai được 4 tháng rưỡi, chị sảy bé do u xơ, tưởng không cứu được cả mẹ lẫn con. Nỗi buồn chưa qua, 2 tháng sau chị lại chiến đấu mổ khối u. “Sau biến cố đó, chị thấy mình phải sống chậm lại. Em biết đó, làm nghệ thuật mà có tư tưởng vậy khó tiến xa lắm. Bởi nó như một cuộc đua, nếu dừng lại là mình đang thụt lùi. 

Hồi mới vô nghề, chị cũng tham vọng lắm, muốn được cái này cái kia, nhưng sau biến cố thì... Chị vẫn yêu nghề, vẫn muốn làm nghề, cống hiến hết sức mỗi khi xuất hiện để khán giả đừng chê “Kiều Linh sao dở quá!”. Còn tham vọng vượt bậc để trở thành ngôi sao này kia như xưa không còn nữa. Nó có một sự đánh đổi đó. Nhưng mà thật ra, chị thấy mình được nhiều hơn. Chị có thời gian gần gia đình, chăm chút cho bản thân hơn, đi du lịch nhiều hơn. Cuộc đời này ngắn ngủi quá…”.

Kiều Linh nói, may mắn nhất đời chị, đến giờ phút này là có được người bạn đời biết cảm thông và chia sẻ, dù anh hiếm khi thể hiện bằng ngôn từ. Bất cứ điều gì xảy ra với chị, anh cũng im lặng. Ngay cả một câu động viên đơn giản, kiểu “Em đừng buồn nữa!” anh cũng không. Tuy nhiên, nếu quan sát và hiểu anh, mới thấy anh thương chị vô ngần. Lúc biến cố xảy ra với chị, đi đâu về, anh thường vô phòng trước, trải lại cái ga giường cho phẳng phiu, để con gấu bông chị thường hay ôm ngủ. Rồi anh mua những món ăn chị thích để sẵn, ngủ dậy là thấy liền. “Lúc nào cũng có một người quan tâm, chăm sóc và chia sẻ, mình cảm thấy bớt sợ những sóng gió bên ngoài. Ra đời có chuyện gì về nhà cũng thấy rất là an toàn, bởi lúc nào cũng có một vòng tay chở che” - Kiều Linh rưng rưng xúc động.

Những ngày này, Kiều Linh đang tất bật cho một cuộc thi trên truyền hình. Đến xem buổi quay hình, dễ bắt gặp Mai Sơn lăng xăng, chăm chút hết chuyện này đến chuyện kia cho chị vững vàng nhất bước ra sân khấu. Chị vừa xong vở, anh đã trao tay bình nước ấm pha sẵn…

Hoàng Hoài Hương
.
.