Dịch giả, họa sỹ Trịnh Lữ: Tàn thu vẫn chưa thấy về

Thứ Hai, 20/04/2015, 14:59
Sống hơn nửa đời người bề bộn, bây giờ ông chỉ thích lang thang ngoài thiên nhiên bốn mùa và rơi đi những riêng tư tuyệt đối cũng như rung cảm giản dị của mình. Rồi ông đội mũ tai bèo, gom hết bảng màu, giá vẽ, cùng với chiếc ghế gấp, cây dù rồi xách xe đạp lang thang. Và hình như, “tàn thu vẫn chưa thấy về”…

Ông từng ngồi đó, ví mình giống như một cụm cây nhỏ, xung quanh có bạn bè, hàng xóm của nó. Ông nghe hơi thở của cụm cây ấy phả nhẹ lãng đãng cùng đất trời rồi tan đi trong những hạt sương sớm. Sống hơn nửa đời người bề bộn, bây giờ ông chỉ thích lang thang ngoài thiên nhiên bốn mùa và rơi đi những riêng tư tuyệt đối cũng như rung cảm giản dị của mình. Rồi ông đội mũ tai bèo, gom hết bảng màu, giá vẽ, cùng với chiếc ghế gấp, cây dù rồi xách xe đạp lang thang. Và hình như, “tàn thu vẫn chưa thấy về”…

Lâu rồi chúng ta không thấy Trịnh Lữ dịch sách kể từ sau những cuốn gần đây nhất là Cuộc đời của Pi, Rừng Na Uy, Đại gia Gasby, Chuyện con nhân mã ở trong vườn… Cũng không thấy ông xuất hiện trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật thủ đô. Nhiều người nghĩ tuổi già đến, chắc ông đã “về hưu” và đang đi du lịch đâu đó hoặc sang Mỹ sống với con cái.

Rồi bất ngờ, Trịnh Lữ tổ chức triển lãm “Đi vẽ phong cảnh Mỹ” tại phố cổ với 67 bức tranh vẽ cảnh thiên nhiên vùng Milwaukee, bên bờ hồ Michigan, tiểu bang Wisconsin, Mỹ. Nhiều người đã quen gọi ông với tư cách dịch giả mới giật mình chẳng hiểu ông dan díu với cuộc chơi sắc màu từ bao giờ.

Có thể trong máu mủ ruột rà, ông chịu ảnh hưởng từ hai cụ thân sinh của mình - vốn là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Có thể ngay từ nhỏ, không khí gia đình đã nhen nhóm trong Trịnh Lữ của thuở thiếu thời những mường tượng về đường nét, hình khối, màu sắc để rồi khi lớn lên, ông cũng bị hội họa ám ảnh. Và trong những ngày ở Đại học Cornell (Mỹ), mặc dù sắp làm luận án tốt nghiệp cao học đến nơi nhưng Trịnh Lữ vẫn cắp giá vẽ Julian Paris với một cái dù che nắng to tướng đi vẽ. Đến nỗi nhìn lại, đôi lúc ông cũng chẳng biết vì sao mình có thể tốt nghiệp được với cái tính lang thang vẽ vời đó.

67 bức tranh tại triển lãm “Đi vẽ phong cảnh Mỹ” được vẽ suốt 100 ngày đạp xe lang thang ngắm cảnh thiên nhiên Mỹ, trong những ngày ông sống cùng gia đình người con trai của mình ở đây. Suốt 10 ngày diễn ra triển lãm, mặc dù trời mưa nhưng hôm nào cũng đông người đến xem, thậm chí ngày cuối cùng vẫn có người mang hoa đến chúc mừng.

Tất cả các bức tranh được vẽ theo lối trực họa, trải dài từ mùa thu đến mùa đông. Đó là lối vẽ bồng bột, tự nhiên, trực tiếp vào cảnh vật, sự việc trước mắt mình, vẽ tại chỗ và xong rồi mới về.

Ông bảo ông muốn vẽ theo lối trực họa để xem thử nó dẫn dắt mình đi đến đâu, đến biên độ và sự gợi mở nào. Và song song với cái tò mò muốn khám phá chính mình đó, dường như ông cũng lấy cớ để nhẩn nha, tạo cho mình một hương vị tự do thong dong. Thong dong giữa đất trời, hít hà, hưởng thụ những thớ mùi mộc mạc mà đất đá, gỗ cây, hoa cỏ, nắng gió thiên nhiên mang lại. Và trong những lần lang bạt ấy, không ít lần ông đi đến tối xẩm mới quay về, cũng không ít lần đi giữa đường gặp mưa như trút, tất cả hòa trong một sắc màu trắng xóa, lây phây rồi một lúc sau trời ửng nắng, vòm trời xanh đến tê dại.

Trong nhật ký đi vẽ, ông nói rằng những ngày không xách xe đạp đi vẽ là những ngày lạ lùng. Mấy ngày đó, ông như kẻ đứng giữa ngã ba đường. Ngày nào không vẽ là thấy nhớ và tiếc. Cái cảm giác thèm đứng trước thiên nhiên, nhìn ngắm những vận động từ trong tĩnh mịch của thiên nhiên ấy nó đầy lên gần như là một nhu cầu, một thói quen và tưởng vọng. Cũng chính thiên nhiên giao hòa đó đã cho ông một bảng màu nhã nhặn, kín đáo và gần với bản thân mình nhất.

Ông bảo có những lúc, nếu ngắm nhìn thiên nhiên với tâm thế mình cũng là một cái cây trong đó, mình cũng là một phần trong giàn đồng ca đầy sắc màu, ánh sáng ấy thì ta mới thấy rằng mọi nồng nàn ấm lạnh vẫn chan chứa dưới vẻ nhẹ nhàng ấy chứ chẳng phải vô tình. Thiên nhiên, như người tình bao bọc và ôm lấy tất thảy mọi cội rễ ở đời. 

Hơn nửa thế kỷ sống bề bộn với đầy đủ lo toan, ồn ã của đời chung đời riêng lẫn lộn, lúc này, ông chỉ thích ra ngoài thiên nhiên, lắng nghe trầm tư của lá, sự nảy mầm từ hoa, thậm chí chỉ là một ánh chiều tà sắp rụng về một hoàng hôn tĩnh lặng. Ông bảo ông thích thế vì có thể chia sẻ những riêng tư, sự thinh lặng vĩnh hằng của mình. Rồi ông lưu lại tất thảy khoảnh khắc cũng như rung động ấy thành màu sắc, thành dáng hình, thành đường nét hội họa. Để rồi những khoảnh khắc phôi phai ngay sau đó mà chính ông, người vẫn đang ở lưng ngày long rong cảm thấy chưng hửng và đầy tiếc nuối.

Dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ.

Trịnh Lữ mệnh Thổ. Nghe nói những ai sinh ra thuộc mệnh này thì sớm muộn gì tình yêu với đất cũng nảy nở. Ở ông, sự nảy nở ấy diễn ra rất tự nhiên; từ cách chọn đề tài cảnh vật, từ lối vẽ trực họa không cầu kỳ, cả cách ông dùng chất liệu vẽ từ đất đá của vùng đất đó mài ra, không dùng dung môi pha sẵn. Cùng với một tâm hồn rung cảm, lắng nghe thiên nhiên từ những tàn phai và sinh sôi vi tế, vận động; đất và trời, con người và thiên nhiên đã hòa điệu với nhau trong một bản nhạc tình. Và còn gì đẹp hơn ở cuộc đời này những bản nhạc tình ban sơ?

Xem tranh của Trịnh Lữ thấy mùa thu không quá buồn bã và mùa đông không quá u ám. Những con đường mòn cũng không vướng bận bởi hình hài hiu quạnh. Và buổi chiều tà cũng không ngập vào bóng tối của những hình dung, tưởng tượng. Thiên nhiên trong tranh ông là nhân vật chính. Người vẽ nó lại giao hòa và lắng nghe bằng hết thảy giác quan. Vì thế mà tranh đầy sắc màu, ánh sáng và vận động sáng tối. Ông bảo trong tĩnh có động. Không có động làm sao có tĩnh. Và sở dĩ có tĩnh ấy là bởi có động rồi. Tất cả hòa vào, biến mất rồi lồ lộ ra cùng thiên nhiên như một trò chơi đuổi bắt thú vị.

Cái cách Trịnh Lữ đặt tên cho các bức tranh của mình cũng quá đỗi thi vị. Xem tranh, cứ như đang nghe nhạc và đọc thơ. “Người đã sang đông, kẻ còn thu muộn”, “Tàn thu vẫn chưa thấy về”, “Thu tàn, khô lạnh mà say đắm”, “Cùng nhau một buổi chiều ẩm ướt”, “Biết là hè sắp hết”… Kể ra một số cái tựa ở đây cũng đủ cho ta thấy một Trịnh Lữ tài hoa và thi vị như thế nào. Khi hỏi về những cái tên tranh mặc áo thơ này, ông nói với tôi giữa cái vô thức và cố tình khi mình đặt tên ấy, chỉ nghĩ một điều đơn giản, đó là đặt để làm sao xứng đáng nhất với tình yêu của mình. Và tình yêu ấy, hẳn say đắm lắm thì những sắc màu mới tuôn chảy như một bài thơ.

Tôi nhắc ông về những dự định. Ông cười, mọi sự tùy duyên. Trịnh Lữ không dự định cho mình nhiều kế hoạch cho những ngày sắp tới. Gần 70 tuổi, có cần thứ gì cụ thể trên đời sau khi đã sống, đã dấn thân và đã đam mê đủ đầy. Tôi cũng nhắc ông về dịch thuật. Ông bảo biết đâu được, nếu vô tình gặp một tác phẩm nào đó hay, đẹp và có ích đối với văn hóa đọc, ông sẽ dịch và sẽ giới thiệu như ông từng làm.

Ông không có một kế hoạch nào cụ thể. Tuy nhiên, lại có một mong muốn nhỏ, đó là cuối năm nay sẽ quay về, đi vẽ phong cảnh Hà Nội - quê hương, nơi ông đã sinh ra, lớn lên và nảy nở tình yêu với cuộc đời. Đồng thời, tiếp tục viết những câu chuyện của mình, những chuyện đi và vẽ. Ông bảo con người ta viết được gì - ngoài những câu chuyện của chính mình?

Kể đến đây, tôi lại nhớ tản văn Tôi yêu tiếng nước tôi đăng trên ấn phẩm Tết của Báo Phụ nữ TP HCM và những dòng tản mạn của Trịnh Lữ viết mười mấy năm trước, khi đang còn học và làm việc tại Mỹ - kể về người bạn tên Kỳ - Tiến sĩ Kinh tế Harvard, suốt mấy chục năm “ở trọ” xứ người, không muốn bắt rễ ở đây, không mua nhà sắm sửa đồ đạc gì, chỉ miên man nhớ về đất mẹ Việt Nam da vàng, nghĩ về Hà Nội. Sau buổi ngồi ăn tôm vỉ nướng với nhau, ngày hôm sau người bạn này chết. Hôm đưa tang, đứng trước linh cữu anh, ông cảm thấy mình vừa nhớ lại một điều gì đó rất quan trọng. Và hai tháng sau, ông quyết định chấm dứt cuộc đời lang bạt và trở về Hà Nội.

Tôi không hỏi vì sao ông quay lại Mỹ sau khi đã về Việt Nam. Chắc hẳn có lí do gì đó thuộc về cá nhân mà ông chưa thu xếp xong nên vài tháng ông vẫn đi đi về về một lần. Lần gặp ông gần đây nhất, ông đang chuẩn bị sắp xếp đồ đạc để đi. Và trong căn phòng làm việc nằm trên phố Quán Thánh của ông, những bức tranh trực họa vẫn đang treo lên và trở thành một phần của cuộc đời, một phần của Hà Nội. Một thời gian nữa, ông sẽ về và đi cho hết phận lang thang.

Còn lúc này, chắc ông đang đi đến một nơi nào đó cách tôi nửa vòng trái đất, đắm chìm vào cảnh sắc thiên nhiên. Tàn thu vẫn chưa thấy về!...

Đậu Dung
.
.