Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Lặng lẽ kiêu hãnh buồn

Thứ Bảy, 18/07/2015, 10:09
Đôi khi tôi cảm giác Nguyễn Hoàng Điệp như một lữ hành cô độc. Và trong chị, luôn ẩn ngầm nỗi buồn kiêu hãnh của một người đàn bà dám đi tận cùng con đường của mình.

Nguyễn Hoàng Điệp đang ở trong một khoảng lặng khác của cuộc sống, khi thành công của Đập cánh giữa không trung đã cuốn chị bằng những chuyến đi. Điệp không phải là người ưa dịch chuyển. Chị sợ cảm giác của những chuyến đi, nó lấy hết năng lượng và sức lực của một người chỉ đắm đuối với việc làm phim như chị. Điệp thèm những khoảng tĩnh lặng, một mình để viết lách và bắt đầu cho ý tưởng mới của mình. 

Chị không phải là người của đám đông. Chị càng không phải là người chạy theo những trào lưu, hay xu thời. Điệp lặng lẽ, cô độc đi con đường của mình. Đó là cách chị đến trong đời sống này. Bắt chị khoác một chiếc áo nhiều màu, diễn trên thảm đỏ, không phải là chị. Điệp luôn lóng ngóng trước những thứ đó. Nơi chị thuộc về, là những thứ giản dị, đời thường, thậm chí mộc mạc. Là góc nhỏ bình yên của chị. Là cảm giác tự do tuyệt đối, thoát khỏi những bổn phận, những ràng buộc, những cuộc chạy đua với thời gian, để giữ cho mình sự thuần khiết tối đa, để trọn vẹn với nghệ thuật.

Chị nhớ lại quãng thời gian 5 năm chờ đợi khi Đập cánh giữa không trung chưa tìm thấy lối đi. Lúc đó, chị hoang mang, tuyệt vọng. Nhưng chị thích cảm giác thanh khiết một cách tuyệt đối ấy hơn là sự ồn ào bây giờ chị đang phải đối diện.

“Giờ mình bị lệ thuộc vào quá nhiều thứ mà Đập cánh giữa không trung chỉ là một điều thôi. Tôi không bị áp lực rằng Đập cánh giữa không trung đã đến Viene và bây giờ tôi phải làm một phim thành công hơn. Nhưng tôi bị một áp lực khác. Liệu tôi có đủ thời gian để dành cho một dự án phim nữa hay không, trong khi có quá nhiều lời mời. Tôi bị mắc kẹt, một năm mình sẽ làm vài dự án để kiếm tiền, hay bỏ ra 3 năm để làm phim của mình mà không có một đồng thu nhập nào, để đảm bảo dự án mình làm ra sẽ thuần khiết. Tôi vẫn nói với chồng, có lẽ tôi đi bán than, bán hoa, bán cà. Chứ bây giờ tôi nhảy vào làm phim tháng này qua tháng khác, tôi không biết làm thế nào để giữ được khoảng cách đủ tốt, đủ an toàn, đủ đẹp đẽ, trọn vẹn cho phim thứ 2. Và tôi thấy mình loay hoay”.

Cái cảm giác loay hoay của một người luôn tâm niệm rằng làm nghệ thuật phải giữ cho mình sự thuần khiết tối đa. Sau Đập cánh giữa không trung, chị gần như thành người trắng tay, khi chị dốc toàn bộ tiền từ công ty quảng cáo vào phim và không mong sẽ có hồi đáp. Nhưng chị vẫn phải sống, phải mưu sinh. Lựa chọn nào cho con đường phía trước, khi tôi biết, chị sẽ không bao giờ thỏa hiệp. 5 năm cho một phim và có thế phải rất lâu nữa cho phim thứ 2. Phim ảnh, với Điệp là một sự cầu toàn đến tuyệt đối, thậm chí đôi khi cực đoan.

Tôi cứ bị ám ảm bởi nỗi buồn, sự hoang mang, bế tắc khi xem Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp. Một cảm giác ngạt thở, u uất. Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt u sầu của Điệp, dù chị luôn nói rằng, đời chị nhạt lắm, chẳng có gì đáng nói. Vì sao phim chị buồn đến vậy. Chị không lý giải được điều đó, bởi cơ bản, chị nhìn cuộc đời buồn, những tổn thương, những mất mát, những tan rữa, đang đến trong đời sống này. Hỏi Nguyễn Hoàng Điệp, có bao giờ chị cảm thấy mỏi mệt, cô đơn trên con đường của mình. Chị cười, với điện ảnh chị chưa bao giờ mỏi mệt. Bởi đó là thứ duy nhất chị muốn được tắm trong nó, sống trọn vẹn với nó.

Điệp là phụ nữ, những bổn phận đàn bà đã là gánh nặng quá tải với chị. Điệp không muốn mang vác thêm một gánh nặng nào về bổn phận, trách nhiệm. “Về cơ bản, cuộc đời càng giản đơn càng tốt, đời tôi mà như cô Huyền trong phim thì có lẽ tôi không làm được gì. Tôi muốn mình là nước lọc, tinh khiết để thẩm thẩu và có thể pha được nhiều loại nước khác nhau”.

Chị kể, khi ra nước ngoài giao lưu, nhiều người đã tò mò hỏi rằng, chắc đời chị giông bão lắm, hoặc chị bị les, hoặc chị ly hôn. Đời sống riêng phải trắc trở, muộn phiền, mới làm nên bộ phim ám ảnh đến thế. Nhưng đời chị nhạt, giản đơn đến độ không thể giản đơn hơn được nữa. Yêu và cưới một mối tình 10 năm. Sinh liên tục 2 cậu con trai, giờ đã biết chí chóe với mẹ. Điệp có một gia đình bình yên. Nói về bản thân ư, chị chẳng có đam mê gì đến độ. Âm nhạc ngó nghiêng một tí, hội họa một tí, thời trang một tí, tất cả chỉ như cuộc dạo chơi mà thôi. Bởi thứ chị muốn trọn vẹn, đắm đuối với nó là điện ảnh và chỉ điện ảnh mà thôi. Ai đó từng quan niệm đời sống thật giông bão, thật khúc khuỷu, mới có thể làm nghệ thuật hay được. Điều đó không đúng với Điệp. 

Chị đi ngược lại hoàn toàn những quan niệm, với chị, cuộc đời càng đơn giản, chị mới thẩm thấu được sự phức tạp của đời sống và đưa nó vào phim ảnh. Những ẩn ức, không đến từ cuộc đời riêng của chị. Những nỗi buồn, sự bế tắc không đến từ gia đình chị. Nhưng tôi biết, chị đã cảm cuộc đời này bằng trái tim nghệ sĩ, đa cảm, đa đoan, dễ tổn thương trong đời sống thị thành nhiều xô đạp. Thế nên, những ý tưởng tiêu cực đến với chị sớm hơn. Ngay cả khi nhìn ngắm một bông hoa, chị đã nghĩ đến ngày mai, nó sẽ tan rữa, sẽ lụi tàn, khi chị nhìn thấy tuổi trẻ của một ai đó, chị nghĩ ngay đến việc, rồi họ nâng mũi, sẽ sửa mặt, rồi thì họ sẽ không còn thuần khiết như thế... Những nỗi buồn, những dự cảm, những bất an, luôn đến trong chị một cách tự nhiên như thế. Đó là cách cảm nhận cuộc sống của Điệp, với những nỗi u uẩn, bế tắc trong đời sống thị thành.

“Đập cánh giữa không trung” đã giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.

Nguyễn Hoàng Điệp đang ấp ủ một Câu chuyện buồn nhất thế gian. Nó không phải là sự tiếp nối của Đập cánh giữa không trung, mà giản đơn, đó là cách nghĩ, cách cảm nhận cuộc sống của Nguyễn Hoàng Điệp ở giai đoạn này, khi chị đã là mẹ của hai cậu nhóc. Câu chuyện buồn nhất thế gian kể về một nhân vật nữ ở độ tuổi lớn hơn, qua giai đoạn phải đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành. Nó không còn là một người mẹ và đứa con vô hình trong bụng nữa, mà người mẹ trong giờ phút sinh tử với những đứa con bên cạnh, và hành trình của những đứa con đi tìm câu trả lời tôi là ai. Hành trình đó sẽ gian nan. Nhưng chị đã nhẫn nại chờ đợi 5 năm để có một Đập cánh giữa không trung đủ sức lay động, thì con đường phía trước dù chật vật sẽ không còn là trở ngại đối với chị. 

Có lẽ, trở ngại lớn nhất là chị làm sao giữ được sự thuần khiết tối đa cho những thước phim của mình, khi cuộc sống có quá nhiều những va đập, những lựa chọn. Nhưng tôi tin, Nguyễn Hoàng Điệp, bằng linh giác của một người đàn bà sinh ra để làm phim, bằng cả sự quyết liệt, dấn thân của chị, chị sẽ đi tận cùng con đường của mình.

Đã có lúc Nguyễn Hoàng Điệp thấy mỏi mệt, chị tự ví mình như con bò gầy gò không đủ sức kéo một cỗ máy. Việc của chị và những nhà làm phim độc lập là làm phim, chứ không phải chịu trách nhiệm về sự thành công của phim ở thị trường này hay thị trường khác. Vì thế, chị đang giúp đỡ những đạo diễn trẻ với những dự án làm phim độc lập. Sắp tới sẽ là phim của Di. Lớp sóng sau sẽ chèn ngay vào lớp sóng trước. Năm nay là năm sẽ thay đổi, sẽ khởi sắc, sẽ có tác giả, tác phẩm.

“Nếu tôi đủ giàu và quyền lực trong tay, tôi sẽ không bỏ qua cơ hội đang có 10 đạo diễn và 10 kịch bản. Nhưng những nhà đầu tư họ không đầu tư vào dòng phim này vì nó sẽ không sinh tiền được ngay lập tức. Những giá trị không được quy đổi bằng tiền sang tiền”.

Chị không thỏa hiệp. Chị quan niệm: Phim tốt là phim tốt, bất kể là phim nghệ thuật hay phim thị trường. Các nhà làm phim không phải lo lắng gì đến việc mình phải kéo tụt mình xuống để làm vừa lòng văn hóa thị dân. Họ mà cứ giữ cái bài làm phim rẻ tiền, là họ nghĩ sai và coi thường thị trường, may mắn nếu họ có sẽ không kéo dài. “Tôi không giỏi phim thị trường, nhưng tôi biết chắc chắn rằng tôi không thể làm một phim tồi được. Chuyện làm phim nghệ thuật hay thương mại không quyết định bạn làm phim tốt hay phim tồi”, Vũ Hoàng Điệp chia sẻ.

Điệp yêu gia đình và những đứa con. Chị luôn cảm ơn người đàn ông đã biết chờ đợi chị trở về sau những chuyến đi dài. Cảm ơn sự bình yên mà cuộc sống đã mang lại cho chị. Đôi lúc, tự thấy đời tẻ nhạt, chị muốn quẫy đạp, phá tung, nhưng rồi Điệp lại trở về trong gia đình nhỏ của mình. Cái cảm giác ấm êm trong tổ kén, khiến chị bình yên để năng lượng đi tiếp con đường chị đã chọn. Dù con đường đó, phía trước, còn rất nhiều khúc khuỷu.

Việt Nguyễn
.
.