Đại tá an ninh Nguyễn Tài: Chờ tin thắng trận trong nhà tù địch

Chủ Nhật, 22/02/2015, 06:13
Trong ký ức của nhiều nhân chứng lịch sử, hình ảnh của Sài Gòn mùa xuân năm 1975 là những cánh quân giải phóng hùng dũng tiến vào chiếm đóng sào huyệt địch từ khắp các cửa ngõ thành phố giữa rợp trời cờ hoa chào đón của nhân dân; là cuộc di tản trong tan tác, tuyệt vọng của ngụy quyền Sài Gòn giờ phút cáo chung.

Với Đại tá an ninh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài, Sài Gòn những ngày xuân lịch sử ấy chỉ gói gọn trong căn phòng biệt giam không có ánh nắng mặt trời tại sào huyệt địch ở số 3 Bạch Đằng. Tính đến ngày hôm đó, ông đã có 4 năm 4 tháng 10 ngày bị địch bắt giam, tra tấn.

Năm 1964, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị Bộ Công an Nguyễn Tài xung phong vào Nam chiến đấu. Thời điểm đó, ông là  cán bộ miền Bắc có chức vụ cao nhất trong lực lượng Công an đi vào chiến trường miền Nam, trở thành Trưởng ban An ninh T4 (tiền thân của Công an TP Hồ Chí Minh ngày nay), hoạt động với bí danh Tư Trọng. Sau ngày ông đi, Bác Hồ đã gửi một bức điện vào chiến trường miền Nam với nội dung: “Chú Nguyễn Tài là tài sản quý của Đảng, mọi người phải bảo vệ chú ấy”.

Nhưng cuối năm 1970 thì ông bị địch bắt. Ngay khi phát hiện ra ông chính là Tư Trọng, địch đã dùng mọi thủ đoạn để khuất phục ông. Có thời điểm, chúng đã dùng 20 triệu USD cùng một cuộc sống vương giả ở nước ngoài để dụ dỗ nếu như ông chịu khai báo các bí mật mà ông nắm giữ. Nhưng mọi sự tra tấn của địch đều không khuất phục được ông quay lưng lại với dân tộc mình.

Suốt 4 năm bị giam giữ, chưa một lần xác nhận thân phận của mình, nhưng Mỹ -  ngụy vẫn coi ông là “một tên tù Cộng sản đặc biệt quan trọng và quý giá”. Kể cả sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ - ngụy vẫn từ chối đưa Nguyễn Tài vào danh sách trao trả tù binh.

Vợ chồng Đại tá Nguyễn Tài chụp ảnh cùng 4 người con trước ngày ông lên đường đi B.

Bị biệt giam, nhưng khi bắt đầu bước vào mùa xuân năm 1975, Nguyễn Tài vẫn cảm nhận được sự rối loạn trong hàng ngũ địch. Kể từ sau Tết, ông thường thấy lính gác trong nhà tù địch thì thụt to nhỏ với nhau. Đến tháng Tư, sự hoảng loạn hiện rõ trên gương mặt chúng. Vẫn canh giữ ông cẩn mật, nhưng có tên lính đã tiết lộ cho ông tình hình chiến sự bên ngoài. Hắn bóng gió: “Ngày tự do của ông có lẽ không phải đợi hàng năm nữa đâu, mà chỉ tính bằng ngày thôi”.

Dù bị giam trong cảnh mất điện, mất nước suốt mấy ngày cuối, nhưng tiếng súng, tiếng hỏa tiễn từ ngoài vọng vào vẫn khiến Nguyễn Tài phấn chấn, hạnh phúc đến run rẩy, khi cảm nhận được giờ thống nhất đã điểm, giây phút ông được tự do, đoàn tụ với gia đình đã cận kề. Những ngày đó ông không hề hay biết, mình suýt nữa đã bị Mỹ - ngụy thủ tiêu và chỉ may mắn thoát chết trong gang tấc.

Trong cuốn hồi ký của điệp viên CIA Frank Snepp – người từng hỏi cung Nguyễn Tài, có đoạn viết: “Ngay trước khi xe tăng Bắc Việt Nam tràn vào Sài Gòn, một quan chức cao cấp của CIA đã gợi ý với nhà chức trách Sài Gòn tiện nhất là để Nguyễn Tài biến mất. Bởi vì Tài là một tay khủng bố có kinh nghiệm, nên khó có thể mong đợi y là một kẻ chiến thắng rộng lượng. Người Nam Việt Nam dự định đưa ông ta lên một chiếc trực thăng ném xuống biển Đông. Đến lúc đó Tài chưa khi nào xác nhận một cách đầy đủ mình là ai cả”.

Nhưng trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong cảnh nháo nhác như bầy ong vỡ tổ mạnh ai nấy chạy, Ngụy quyền Sài Gòn đã không kịp thực hiện kế hoạch này.

Sau khi được một tiểu đoàn của ta giải phóng khỏi khu biệt giam số 3 Bạch Đằng, Đại tá Tư Trọng tìm được đường về nhà vợ chồng ông Ba Trương – một cơ sở cách mạng của ông trước khi bị bắt. Cả gia đình ông bà Ba Trương đều xúc động đến lặng người khi thấy ông còn sống. Đêm hôm đó trời mưa to, tất cả đã nhường cho ông chỗ duy nhất khô ráo trong căn nhà dột nát. Vợ chồng ông Ba Trương còn cầm súng canh gác cho ông ngủ. Nhưng vì quá cảm động, đêm đó Nguyễn Tài không ngủ. Ông thức đêm, cùng trò chuyện với gia đình Ba Trương, cùng chia sẻ với họ khoảng nền chật hẹp khô ráo duy nhất trong ngôi nhà nghèo nhưng ấm áp tình nghĩa.

Ngày hôm sau, ngay khi biết tin Đại tá Tư Trọng còn sống, ông Sáu Dân đã cho người đón ông về trụ sở Ban An ninh T4. Cấp dưới nghe tin ông còn sống, nô nức kéo nhau đến thăm. Gặp lại thủ trưởng, không ai cầm được nước mắt. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từ miền Bắc bay vào, việc đầu tiên là đến gặp ông, chỉ vì muốn tận mắt thấy Nguyễn Tài còn sống.

Sau này Nguyễn Tài mới biết, giây phút căng thẳng nhất với cha mẹ và vợ con ông, không phải là những năm tháng chiến tranh dài dằng dặc mất tin ông, mà chính là ngày thống nhất. Ở Hà Nội, tại cơ quan Hội Nhà văn, khi nghe tin chiến thắng, nhà văn Nguyên Hồng hai tay đấm vào cửa đùng đùng vì quá đỗi hân hoan, nước mắt rơi lã chã. Nhưng cha của Đại tá Nguyễn Tài - nhà văn Nguyễn Công Hoan chỉ ngồi im lặng.

Ở Matxcơva, khi những du học sinh Việt Nam ôm lấy nhau òa khóc giữa thời khắc lịch sử, thì Nguyễn Trường Thống Nhất - người con trai cả của Đại tá Nguyễn Tài lặng lẽ trở về phòng kí túc xá, nằm quay mặt vào tường và khóc suốt ngày hôm đó. Nửa tháng sau, Nguyễn Trường Thống Nhất nhận được thư của ông nội gửi từ Việt Nam. Đọc xong lá thư đó, anh lại nằm quay mặt vào tường khóc suốt một ngày. Lá thư đó báo tin cha anh còn sống!

Với nhiều người Việt Nam, 30-4 là ngày thống nhất. Nhưng với gia đình Đại tá Nguyễn Tài, ngày họ nhận được tin ông còn sống, mới là “ngày thống nhất” thực sự…

Thực hiện: Ngô Kinh Luân – Nguyên Thảo
.
.