Anh hùng LLVTND, Trung tướng Châu Văn Mẫn: Chưa bao giờ nguôi quên

Thứ Sáu, 07/08/2015, 20:34
Ông vẫn luôn đi về giữa những miền đất nước, nơi đâu cũng canh cánh trong ông những nỗi niềm: Nơi chôn rau cắt rốn, có nơi là những chặng đường phấn đấu, có nơi là những hy sinh gian khổ của cuộc đời người lính...

Dù đi đâu về đâu, nhưng những ngày tháng 7 lịch sử, trong tâm trí ông, người cựu tù thương binh Châu Văn Mẫn luôn canh cánh một nỗi niềm: Trở về nơi những đồng đội của ông đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc để thắp nén hương tưởng nhớ, trở về để gặp lại những ký ức không bao giờ nguôi quên trong suốt chặng đường đã sống, đã cống hiến của mình, đó là mảnh đất Côn Đảo anh hùng.

Trung tướng Châu Văn Mẫn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bà nội ông là cụ Nguyễn Thị Bồn - Mẹ Việt Nam anh hùng. Ba người chú của ông là Châu Văn Học, Châu Văn Nhi, Châu Văn Là và anh ruột ông là Châu Văn Minh là liệt sĩ; cha ông là Châu Văn Xinh tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương trong kháng chiến chống Mỹ được tặng danh hiệu “Gia đình cách mạng vẻ vang”.

Dưới vỏ bọc công nhân đồn điền cà phê, đồng chí Châu Văn Mẫn đã thu thập được nhiều tin tức tình hình địch trong các địa bàn đặc biệt quan trọng ở chiến trường Tây Nguyên, thực hiện tốt nhiệm vụ, tuyên truyền giáo dục cách mạng cho nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt và cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát, trấn áp bọn tề điệp trong vùng địch, nắm danh sách những tên thám báo, chỉ điểm ác ôn có nhiều nợ máu với cách mạng để kịp thời có biện pháp xử lý, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương ngày càng phát triển.

Tháng 1/1970, trong một lần gặp gỡ cơ sở bí mật tại vùng địch kiểm soát, đồng chí Châu Văn Mẫn bị địch bắt, bị giam giữ tại nhà tù Buôn Mê Thuột. Tuy không thu được chứng cứ chứng minh quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí, song biết đây là đầu mối, mắt xích quan trọng, địch tiến hành thẩm vấn, áp dụng nhiều biện pháp từ nhục hình tra tấn dã man (đánh đập, gí điện, nhấn nước...) đến mua chuộc, dụ dỗ moi thông tin từ đồng chí.

Nhưng bất chấp âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, đồng chí vẫn kiên trung giữ vững khí tiết cách mạng, kiên quyết không khai báo, bảo vệ bí mật của tổ chức, bảo vệ đồng chí, đồng đội. Địch đã chuyển đồng chí Châu Văn Mẫn cùng một số tù nhân (phần đông là người dân tộc thiểu số) từ Buôn Mê Thuột đến trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo), nơi được coi là “địa ngục trần gian” của chế độ lao tù Mỹ - Ngụy.

Với người tù chính trị nói chung, người chiến sĩ cách mạng Châu Văn Mẫn nói riêng, đây cũng là giai đoạn thử thách ác liệt, giai đoạn đấu tranh cách mạng mới trong “trường học lớn của người Cộng sản”. Ông bị giam ở phòng giam số 13 thuộc khu A Trại 6 (Trại 6A). Sau đó, địch thanh lọc ông cùng 800 tù nhân ở các trại đưa về tập trung giam giữ tại khu B trại 6 (Trại 6B) để thực hiện âm mưu mở lớp thí điểm tâm lý chiến Côn Sơn. Từ cuối năm 1971 đến 1974, đồng chí Châu Văn Mẫn bị địch giam giữ tại Phòng giam số 9 của Trại 6B.

Trong điều kiện bị giam cầm khắc nghiệt. Song bất chấp khó khăn, gian khổ, đồng chí Châu Văn Mẫn vẫn kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng, gương mẫu, nòng cốt, tích cực tham gia các mặt công tác, các phong trào đấu tranh; ra sức học tập, từng bước nâng cao nhận thức chính trị, tích lũy kiến thức văn hóa, rèn luyện bản lĩnh của người cán bộ cách mạng. 

Đồng chí được phân công giao nhiệm vụ biên chép các tài liệu, kế hoạch đấu tranh, báo cáo sơ kết, tổng kết các cuộc đấu tranh chống địch phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy; tham gia biên tập các tờ tập san (nội san) Rèn luyện, Vươn lên của Phòng, của Trại và của Ban Thanh niên; sao chép các bản tin đọc chậm của Đài Phát thanh giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam... phục vụ công tác tin tức, thời sự, giáo dục, tuyên truyền cho anh em tù chính trị.

Được đồng chí Nguyễn Vui (tên thật là Nguyễn Xuân Viên, Ủy viên thường trực Đảng bộ Lưu Chí Hiếu) phân công nhiệm vụ mỗi ngày chép 3 bản tin (1 bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, một bản tin của Đài Phát thanh giải phóng, một bản tin của Đài BBC), mỗi bản tin nhân bản lên 10 lần, trong hơn một năm trời (1972), đồng chí Châu Văn Mẫn mỗi ngày, một mình từ sáng cho đến tối ngồi chép tin.

Để tối tối, tất cả các tù nhân chính trị trong nhà tù 6B Côn Đảo từng phòng quây quần bên nhau để nghe tin tức thời sự… Tuy sức khỏe suy kiệt vì thiếu chất, bị bệnh phù thũng, bệnh phổi hành hạ, Châu Văn Mẫn vẫn miệt mài ghi chép các bản tin, tài liệu để phục vụ cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh.

Với đồng chí Châu Văn Mẫn, ý chí chiến đấu, niềm tin “tất thắng” còn thể hiện rất rõ qua những dòng thư được cân nhắc cẩn thận từng ý, từng lời gửi về cho gia đình. Đồng chí Châu Văn Mẫn đã đổi tên hai người em của mình từ Châu Văn Rạng thành Châu Văn Thắng, Châu Thị Xuân thành Châu Thị Mỹ Xuân với hàm ý khẳng định lập trường “thắng Mỹ” và gia đình cũng thuận theo cách gọi này. 

Trong thư gửi về gia đình, thư nào cũng kèm theo lời nhắn gửi “thăm các chú, các anh”, “chúc mọi người mạnh khỏe, gặt hái nhiều kết quả”. “Các chú, các anh” là đồng chí, đồng đội ở bên ngoài. “Gặt hái được nhiều kết quả” cũng có nghĩa là giành thắng lợi. Khi có điều kiện, đồng chí Châu Văn Mẫn xin gia đình tiếp tế tiền, sách học để tập trung phục vụ học tập, công tác, chiến đấu, mỗi lần được tiếp tế đều đóng góp phần lớn cho Ban đại diện của Trại để điều phối theo yêu cầu chung.

Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, giải phóng Côn Đảo (30-4-1975) cũng là ngày chấm dứt chế độ lao tù khắc nghiệt nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, mặc dù xa cách quê hương, gia đình đã lâu và trải qua 5 năm bị giam cầm dưới chế độ lao tù khốc liệt, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, nhưng đáp lời kêu gọi của tổ chức Đảng, đồng chí Châu Văn Mẫn đã cùng 156 tù chính trị Côn Đảo tình nguyện ở lại Côn Đảo phục vụ nhiệm vụ cách mạng.

Trung tướng Châu Văn Mẫn bên các em học sinh Trường Tiểu học Trần Phú vừa được tặng máy vi tính.

7 năm trời, đồng chí liên tục công tác tại Côn Đảo và ở vị trí công tác nào đồng chí cũng đều thể hiện ý chí, quyết tâm cao; vừa nỗ lực phấn đấu công tác tốt, vừa tiếp tục học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn…

Từ năm 1982 đến năm 1990, đồng chí công tác tại Công an Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và từ năm 1991 đến cuối năm 2000 chuyển công tác về Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng chí Châu Văn Mẫn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, chiến đấu; không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ; ở vị trí nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Đồng chí từng là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí được tín nhiệm bầu là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Quốc hội khóa X (1995 - 2000). Từ cuối năm 2000, đồng chí Châu Văn Mẫn được điều động về Bộ giữ chức Phó Tổng Cục trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; trong 10 năm liên tục (2001 - 2011), đồng chí đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước thăng cấp bậc từ hàm Đại tá lên Thiếu tướng, Trung tướng, có trình độ nghiệp vụ Thạc sĩ, Tiến sĩ Luật học. 

Nghỉ hưu năm 2011 tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng chí tiếp tục có những đóng góp xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời góp phần xây dựng quê hương Bình Sa, Thăng Bình, Quảng Nam... Đồng chí Châu Văn Mẫn đã đứng ra vận động các doanh nghiệp xây dựng trường học, nhà văn hóa, bia tưởng niệm ở Côn Đảo và Bình Sa, Nhà tình nghĩa, tình thương ở hai nơi với số tiền trên 8 tỷ đồng. 

Với những thành tích đóng góp to lớn của đồng chí, ngày 17/10/2011, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định phong tặng đồng chí Châu Văn Mẫn danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời ký kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trung tướng Châu Văn Mẫn được Nhà nước cho nghỉ chế độ từ năm 2012, nhưng dường như ngày nào Trung tướng cũng bận bịu với công tác xã hội. Với cương vĩ là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng ngày, ông đều đi vận động các hội viên tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, chung sức xây dựng nông thôn mới, tham gia các hoạt động tại các địa phương, quyên góp giúp đỡ hội viên nghèo, khó khăn và gặp hoạn nạn…

Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ đã tập hợp được hơn 500 hội viên tham gia sinh hoạt và đã tổ chức được nhiều cuộc nghe báo cáo tình hình thời sự trong nước, quốc tế, tình hình an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, tổ chức các hoạt động thăm lại chiến trường xưa tại chiến khu D, An ninh Trung ương cục miền Nam, Nha Công an Trung ương...

Điểm nhấn quan trọng, đó là vào ngày 26/6/2015 vừa qua, Câu lạc bộ hưu trí đã được Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định kiện toàn và tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015-2018. Đại hội đã bầu 15 hội viên vào Ban chủ nhiệm, Trung tướng Châu Văn Mẫn được đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Ngay sau đại hội, Câu lạc bộ đã đi vào hoạt động với nhiều việc làm, hoạt động thiết thực, hiệu quả và đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Cùng với đẩy mạnh các hoạt động công tác Hội, Trung tướng Châu Văn Mẫn còn phối hợp chặt chẽ với Báo Công an Nhân Dân tuyên truyền, vận động các Doanh nghiệp và nhà hảo tâm giúp đỡ các địa phương xây dựng trường học, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương… trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Quảng Nam.

Và ngày nay, dù trên đầu đã hai thứ tóc, những vết thương trở trời đau nhức bởi di chứng của chiến tranh, nhưng Trung tướng Châu Văn Mẫn luôn trở về nơi đã sinh ra mình lần thứ hai, nơi địa ngục trần gian, nơi nhiều người đồng đội đã ngã xuống… Nghĩa trang Hàng Dương những chiều hè bỏng rát tháng 7 đầy mặn mòi của những giọt nước mắt nghĩa tình. Và trong từng kỷ niệm ùa về, ông bước đi trên con đường thuở xưa như để nói với đồng đội mình rằng, những ký ức ấy, chưa bao giờ nguôi quên trong trái tim ông cũng như những người ở lại…

Thiên Kim
.
.