Phiên bản hoàn hảo

Thứ Hai, 23/02/2015, 13:54
Sơn Tùng M-TP, gương mặt gây tranh cãi nhiều nhất của năm 2014. Điều lạ là bất chấp chuyện này, những ca khúc mới của Sơn Tùng luôn đạt lượng người nghe trực tuyến, loat (load) khủng khiếp - vài triệu lượt. Ca khúc mới nhất của Sơn Tùng M-TP, Không phải dạng vừa đâu, nhanh chóng cán mốc 2 triệu lượt người nghe chỉ sau vài hôm. Bất cứ thứ gì liên quan đến cậu chàng ca sĩ sinh năm 1994 này đều khiến dư luận quan tâm.

1. Hơn hai năm trước, với Nắng ấm xa dần, Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua, Em đừng đi… Sơn Tùng M-TP đã biến những nam ca sĩ khác như, Ngô Kiến Huy, Noo- Phước Thịnh vào miền quá vãng. Giới trẻ, chỉ nhắc đến mỗi Sơn Tùng M-TP. Thời điểm này, Sơn Tùng M-TP là ca sĩ độc quyền của Văn Production.

Văn Production có đội hình nhạc sĩ cố vấn chuyên nghiệp cộng với những cá nhân làm truyền thông xuất sắc. Sơn Tùng M-TP, như cá gặp nước, như hổ thêm cánh, như rồng gặp mây… tuyệt không còn đối thủ trong làng giải trí.

Có lần đi đá bóng với một nhạc sĩ trong Văn Production, nhạc sĩ này đang là sếp bên đấy. Ngồi uống nước sau khi kết thúc trận đấu, nhạc sĩ phải trả lời điện thoại liên tục vừa từ chối, vừa giải thích, vừa trấn an với bầu show vì lịch của Sơn Tùng M-TP đã kín đặc.

Những ca khúc của Sơn Tùng M-TP phần nhiều tôi không nghe được, nhưng vẫn thuộc một vài đoạn. Bởi người ta mở nhiều quá, với lại, vẫn phải nghe để biết.

Sơn Tùng M-TP đạt được những yếu tố thành công như cái thời mà đi đâu cũng bị ép nghe Ưng Hoàng Phúc hay Duy Mạnh vậy. Có dạo, nam ca sĩ Ngô Kiến Huy cũng suýt đạt được sự thành công này. Không may cho Ngô Kiến Huy, khi anh vướng vào câu chuyện chối bỏ trách nhiệm sau khi đã giúp cho em gái của nữ ca sĩ Thanh Thảo được làm mẹ. Nguyên nhân sâu xa thì vẫn là chuyện trở mặt thành thù giữa Thanh Thảo và bà bầu Thúy Vinh. Thúy Vinh muốn sở hữu gà son Ngô Kiến Huy, còn Thanh Thảo cũng muốn bắt lấy. Và khi người ta đang cãi nhau, thì bất cứ điểm yếu nào của đối phương đều sẽ được sử dụng một cách triệt để. Điểm yếu của Ngô Kiến Huy chính là, “Cái đêm hôm ấy không kiểm soát nổi bản thân”.

Điều lạ của Sơn Tùng M-TP, chính là lượng người hâm mộ lẫn người bài xích tỉ lệ thuận cùng nhau.

Người hâm mộ thì chặc lưỡi, “Làm gì cũng được, miễn sao hát hay, giai điệu vui và lời có ý nghĩa là đạt”.

Người bài xích thì cáu gắt, “Nghe gì cái ngữ ấy, toàn đạo nhạc”.

Sơn Tùng M-TP có đạo nhạc không? Chắc chắn là có.

Cơn mưa ngang qua có nhiều đoạn giống lời bài hát của nhóm Namolla Family (Hàn Quốc), Nắng ấm xa dần giống Monologue (As One), Cơn mưa ngang qua đạo Remember của Bang Yong Guk B.A.P, Em của ngày hôm qua đạo Every Night của Exid… Đáng chú ý là MV Em của ngày hôm qua còn có tạo hình, trang phục và cách quay MV giống với sản phẩm âm nhạc của nam ca sĩ G-Dragon (Hàn Quốc). Ca khúc Em đừng đi rất giống ca khúc Still của nhóm nhạc Flower (Nhật Bản).

Sơn Tùng M-TP có nói về vấn đề này như sau, “Có nhiều thông tin quy kết và cáo buộc tôi đã đạo nhạc nước ngoài trong những ca khúc của mình. Là người trong cuộc, tôi cũng rất buồn. Nhưng tôi cũng xin nói rõ là trong hai thành phần làm nên một ca khúc là giai điệu và phần beat nhạc. Xin khẳng định rằng phần giai điệu là do tôi sáng tác, phần beat nhạc do tôi lấy nguồn trên mạng. Cụ thể, trong bài Em đừng đi là thông tin không chính xác vì đơn giản đã là beat nhạc thì không thể có giai điệu trong đó. Tôi xin khẳng định rằng phần giai điệu là do tôi sáng tác dựa trên cảm hứng từ phần beat nhạc do tôi lấy trên mạng, tôi không sử dụng bất kỳ giai điệu nhạc ngoại nào để sáng tác ca khúc của mình. Việc tôi sử dụng và lấy cảm hứng từ beat nhạc ngoại cho một số sáng tác tôi thừa nhận bởi đó cũng là cách làm quen thuộc và xu hướng sáng tác hiện nay của nhiều nghệ sĩ trẻ”.

Em của ngày hôm qua tôi cũng sáng trên xu hướng này dùng nhạc beat trên mạng nhưng do chất lượng âm thanh không tốt nên tôi có nhờ người làm lại để có chất lượng âm thanh tốt hơn. Còn Cơn mưa ngang qua, beat nhạc trong bài đó đúng là tôi sử dụng beat nhạc trên mạng. Từ đó, tôi mới được ê kíp hiện nay nhận đầu tư, ký kết hợp đồng”.

Cách mà Sơn Tùng M-TP mượn beat để phát triển ca khúc lại là cách mà rất nhiều nhạc sĩ Việt Nam hiện tại thực hiện. Ngay cả nhạc sĩ Huy Tuấn, thầy của Sơn Tùng M-TP khi Sơn Tùng M-TP còn ở Văn Production, Huy Tuấn cũng sáng tác một bài hát đình đám theo cách này.

Trong một bài viết, tôi đã chỉ ra những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ trẻ Việt Nam sáng tác dựa vào phần beat của ca khúc nước ngoài Đường cong, ca khúc rất được yêu thích của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong với sự thể hiện của ca sĩ Thu Minh, có phần mở đầu cực giống ca khúc Money của Pink Floyd. Ca khúc My Apology của nhạc sĩ Dương Khắc Linh do ca sĩ Hồ Ngọc Hà trình bày tạo được tiếng vang rất tốt có nhiều điểm tương đồng về phần nhạc với ca khúc của siêu sao Lady Gaga, bài hát Poker Face. Vẫn là nhạc sĩ Dương Khắc Linh trong ca khúc Lạnh lùng như thế do hai ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Hà Anh Tuấn trình bày, lại có nét giống với ca khúc Wearing The Inside Out của Pink Floyd.

Năm 2008, Ra ngõ tụng kinh của nhạc sĩ Trần Tiến do ca sĩ Trần Thu Hà trình bày được ra mắt công chúng. Đến năm 2011, ca khúc  Princess of China của Coldplay và Rihanna, lại có phần nhạc mở đầu gần như là sao chép 100% từ Ra ngõ tụng kinh. Ngoài luồng dư luận cho rằng, Princess of China của Coldplay và Rihanna sao chép Ra ngõ tụng kinh của Trần Tiến, thì còn có luồng dư luận khác phỏng đoán, “Cả hai ca khúc đều sao chép phần nhạc này từ một tác phẩm khác, chẳng qua là chưa bị phát hiện ra”. Và giả thuyết này, được chấp nhận hơn cả”.

2. Sơn Tùng M-TP tham gia vào bộ phim ca nhạc Chàng trai năm ấy của ông bầu Quang Huy. Tất nhiên, Quang Huy bằng khả năng và kỹ nghệ của mình đã quyến rũ được Sơn Tùng M-TP bỏ Văn Production. Văn Production cáu lắm, ra văn bản yêu cầu Sơn Tùng M-TP cấm diễn. Các trang nhạc lặng lẽ gỡ bỏ những ca khúc của Sơn Tùng M-TP vì ngại rắc rối pháp lý. Hiện tại, thì Văn Production đã kiện Sơn Tùng M-TP ra tòa hẳn hoi.

Vừa rời Văn Productinon, thì ngay lập tức ca khúc Chắc ai đó sẽ về ca khúc chính của bộ phim có sự tham gia của Sơn Tùng M-TP Chàng trai năm ấy, vướng vào nghi án đạo nhạc. Lần này, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam chủ trì đòi lại công đạo, họp toàn các nhạc sĩ có uy tín và khẳng định Chắc ai đó sẽ về đạo nhạc. Chắc ai đó sẽ về bị phát hiện ra có giai điệu giống với ca khúc Because I miss you do Jung Yong Hwa trình diễn.

Từ cuộc họp này, Trung tâm Bảo vệ quyền  Âm nhạc Việt Nam chính thức có văn bản yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn đình chỉ việc lưu hành ca khúc trên. Thậm chí, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh còn viết tâm thư khuyên “Sơn Tùng hãy sáng tác thật cho mình, đừng mượn beat nữa”. Việc đình chỉ ca khúc này, có nguy cơ khiến bộ phim Chàng trai năm ấy không được cấp phép.

May mà nhờ bùa chú nào đó, Chàng trai năm ấy vẫn được ra rạp nhờ vào kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi đơn vị này cho rằng Chắc ai đó sẽ về đạo phần beat của bài Because I miss you, và nếu chỉnh lại phần beat này, ca khúc sẽ được cho lưu hành. Điều này đồng nghĩa, Chàng trai năm ấy được ra rạp.

Quyết định này hơi lạ, vì lần đầu tiên tôi chứng kiến một cơ quan văn hóa hành xử ngộ nghĩnh như vậy đối với một ca khúc, tức một tác phẩm sáng tác, có yếu tố trùng lập với một ca khúc của nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu khi mà ông bầu Quang Huy đã đổ ra rất nhiều tiền để thực hiện Chàng trai năm ấy, thì cớ làm sao lại để Chàng trai năm ấy phải thất bại như Bụi đời Chợ Lớn từng thất bại.

3. Beat, hiểu theo nghĩa tối giản nhất là phần đệm của những ca khúc đã cắt ra phần lời. Tác giả và nhà sản xuất có thể cho phép việc hát lại nguyên bản của bài hát này trên nền nhạc đó. Nhưng mọi hình thức “ngẫu hứng” khác trên nguyên bản nền tảng đó hoàn toàn bị coi là phạm pháp nếu như không thông qua một hợp đồng”.

Những tay chơi sáng tác, hát và chuyển lên các trang mạng internet thường sử dụng hay mua với giá rẻ để thỏa mãn sự sáng tạo của mình. Họ chơi cho vui là chính, hoàn toàn không nghĩ đến cát-sê hay lợi nhuận. Chính vì vậy, chẳng ai hơi đâu mà ngồi phán xem họ có đạo nhạc hay ăn cắp ý tưởng hay không. Đây cũng chính là môi trường âm nhạc đầu tiên của Sơn Tùng M-TP.

Để rồi khi trở thành ca sĩ thành danh, Sơn Tùng M-TP bê nguyên kiểu sáng tác này. Vậy là thành có chuyện.

Thật ra, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng một làng giải trí có những cá nhân như Sơn Tùng M-TP sẽ rất thú vị. Vì Sơn Tùng M-TP chính là phiên bản hoàn hảo của các nghệ sĩ biểu diễn trẻ Hàn Quốc.

Sơn Tùng M-TP không có gì là của riêng Sơn Tùng M-TP cả, từ phong thái biểu diễn, cách ăn vận, vẻ bề ngoài cho đến sáng tác. Sơn Tùng M-TP chỉ là cậu chàng thông minh và có thiên bẩm về khả năng bắt chước theo người khác.

Điều này cũng tương tự họa sĩ và họa sĩ chép tranh là sự đối lập rất khác biệt vậy. Thế nên, hãy để Sơn Tùng M-TP vào vị trí thích hợp, đừng tán tụng quá mức, đừng bài xích cuồng nhiệt.

Sẽ buồn tẻ biết mấy nếu như một nền giải trí chỉ toàn điều nghiêm túc.

Nguyệt Lãng
.
.