Nhà thơ Duy Thảo: Thành thật đến tận cùng

Thứ Ba, 24/02/2015, 15:21
Chân lý là trên hết, sự thật mới đáng được tôn thờ, đặt bút viết ra một chữ cũng vì sự thật, cân nhắc biên tập một bài báo cũng nhớ câu sự thật nằm lòng, nên ngay cả những người ruột thịt thân thiết nhất của nhà thơ Duy Thảo cũng có cơ dở khóc dở cười vì độ gàn trong ông đã thành “kinh điển”, không kiêng dè ngoại lệ với bất cứ điều gì.

Gầy gò, đôi mắt sáng nheo cười, gương mặt xương xương hằn dấu vết tháng năm ký ức, nhà thơ Duy Thảo lụi cụi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội thăm cháu con và khám bệnh. Bụng vẫn còn nhâm nhẩm đau. Thuốc chưa lấy xong, ở chưa ấm chỗ ông đã nằng nặc đòi về, mặc cho ai ai cũng xúm vào níu chân giữ tay chèo kéo.

Kiểu ông thế, đã muốn là làm đã quyết là theo bằng được, lý do thì bao giờ chả chính đáng, còn “bà ấy” đang chờ, còn công việc Trưởng văn phòng đại diện báo Dân trí khu vực Bắc miền Trung mà ông cai quản từ ngày hưu trí, hoặc đơn giản cái thanh âm cuộc sống ở quê nhà ông quá quen để rồi chưa kịp rời xa đã lại thấy bần thần thiếu vắng...

1. Thời gian khoảng năm 2004, 2005 gì không nhớ chính xác, Duy Thảo cũng từ Hà Tĩnh ngược Thủ đô dự lễ kết nạp hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam, một sự chậm trễ khó lý giải đối với tác giả đã thành danh từ giai đoạn chống Mỹ.

Vẫn cái dáng lòng khòng ánh nhìn rủ rỉ, ông ngồi nhậu với các nhà văn Ngô Thảo, Trần Quang Quý, Nguyễn Hoàng Sơn ôn chuyện xưa chuyện nay nhắc nhớ người này người khác, bần thần ngắm những vạt nắng mùa đông hiếm hoi nhảy nhót trên con phố Trần Hưng Đạo um tùm bóng cổ thụ. Giọng miền Trung nằng nặng căng tai mới rõ lời, thoáng nghe đã hình dung ông là người khảng khái có thừa và khi cần sẵn sàng đứng dậy khỏi bàn tiệc đang độ đông vui để bày tỏ thái độ.

Năm 1965, Duy Thảo trai 27 tuổi đương xoan, là lính trận địa pháo cao xạ đóng quân ở Xuân Mai phục bắn máy bay tầm thấp lẻn vào đánh Hà Nội. Buổi chiều cạn xuân chớm hè, chợt nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam tin Hà Tĩnh trận đầu thắng Mỹ, bắn rơi một lúc 12 máy bay địch, ông đã cảm xúc dâng trào, đêm đó liền một mạch hoàn thành bài thơ Mừng chiến thắng trời quê.

Bài thơ vượt trên cả dự liệu lạc quan của chính tác giả, có sức phổ biến ngoài sức tưởng tượng ở mảnh đất thắt eo nghèo khó, được nghệ sỹ Xuân Năm ngâm cho Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo cao cấp thời đó nghe, được bộ đội thuộc nằm lòng coi như một điểm tựa tinh thần cho những tháng ngày bom sôi đạn réo.

Bộ đội yêu thơ Duy Thảo, thuộc thơ Duy Thảo và học theo Duy Thảo kỳ cạch làm thơ đúng kiểu nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh bạn đồng hương với ông từng chứng kiến: “Tôi ham đi dọc Trường Sơn và hay dừng ở các binh trạm. Gặp khá đông anh em đồng hương. Những lứa anh em tuổi vừa mới lớn. Ở trường học các em thuộc Kiều, thuộc thơ Tố Hữu để trả bài cho thầy cô giáo. Ở chiến trường các em lấy thơ mình nuôi mình. Bài tập mẫu để các em học làm theo không phải là Chế Lan Viên, Việt Phương mà là Thanh Minh, Duy Thảo...

Mừng chiến thắng trời quê đã làm phận sự của một tấm card visit danh giá, mở toang cánh cửa đưa Duy Thảo bước vào đời sống văn nghệ nước nhà: Quê hương ơi!/ Chiều nay nghe náo nức/ Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng/ Hà Tĩnh quê ta trận đầu diệt Mỹ/ Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng. Những câu chữ thuần phác chân chất tưởng như câu ví câu giặm cất lên từ ngay cuộc sống lần hồi giản dị đã tác thành cá tính thơ của nhà thơ sinh ra ở làng Đông Thái, Tùng Ảnh, Đức Thọ, uống nước sông La, tắm mát dòng La ngay thuở vừa mới tượng hình.

Duy Thảo không khác gì mấy cách nhà thơ Hữu Thỉnh đã đọc vị khi viết lời tựa cho tập tuyển Đi dọc lối xanh xuất bản năm 2008: Chân thành và gan ruột. Thơ Duy Thảo là như thế. Anh không có những cách tân độc đáo về mặt hình thức. Cũng có thể là anh chủ định như thế, vì anh tin vào tâm hồn mình, tin vào sự ấm bền của những cảm xúc thơ được khởi phát từ những chấn động riêng khuất. Và nhà thơ trình diện trước chúng ta vẻ mặt khắc khổ và kỳ vị của đời sống, không cường điệu, không hoa mỹ, chân thành đến mức không cần che giấu cả những khiếm khuyết của mình”, ông lớn lên giữa làng quê bữa đói bữa no, chia sẻ cái nghèo và ngợi ca không mệt mỏi vẻ đẹp ân tình bền bỉ của nơi chôn rau cắt rốn...

Mê thơ từ nhỏ, làm thơ từ những ngày lấm lem tay bút tay sách tới trường, Duy Thảo cũng rời xa làng nghèo thoát li từ sớm. Vừa trực tiếp chiến đấu trong một trung đoàn pháo cao xạ vừa kiêm thêm chức phận trợ lí văn hóa thơ ca hò vè động viên tin thần chiến sỹ, Duy Thảo được cử sang Nga học chuyên ngành sĩ quan tên lửa. Về nước phiên vào quân chủng Phòng không - Không quân. Đồng đội đồng ngũ thời bấy giờ toàn những tên tuổi nhà văn nhà thơ sau này rất nổi tiếng, những Đỗ Chu, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân và nhà văn thành danh từ thời chống Pháp - Duy Khán.

Ngày ấy khổ nhưng tất nhiên vui, viết báo làm thơ đúng nghĩa đen sống và cống hiến, chẳng ai nghĩ cuộc đời mình sau này phải trái sẽ ngoặt sang những khúc quanh tốt xấu, hanh thông, may mắn, hay trần ai cực nhọc thế nào, chỉ biết hồn nhiên đúng kiểu: Cái thời tôi viết cho tôi/, Cỏ non thì biếc, khoảng trời thì xanh/ Đạn bom dội khúc quân hành/ Nào ai tính chuyện riêng mình ngày mai/ Bao mùa áo lính nhạt phai/ Ngày chung mâm pháo đêm dài chung chăn/ Bao quê chung hướng chung tầm/ Đau chung đồng đội ướt đầm máu tươi..., mà bây giờ có phút giây nào chạnh lòng hồi tưởng, không ai là không nhói đau ở một góc sâu tâm khảm vì nuối tiếc vấn vương...

Duy Thảo mỗi khi có dịp lại để kí ức mình ngược về khoảng thời gian đầy dấu ấn ấy và nhức nhối bồi hồi bất lực vì không cách chi kéo níu: Cái thời để nhớ thì xa/ Cái thời dễ nhớ biết là nhớ ai”...

Nhà thơ Duy Thảo và người vợ hiền luôn cận kề ông sớm hôm khuya tối.

2. Duy Thảo bộ đội tên lửa ra quân được Báo Tiền phong, Báo Phụ nữ lôi kéo mời mọc, nhưng nghe quê hương mời gọi ông quyết trở về nhà. Hỏi ông quyết định ngược dòng có phải là lí do khiến sau này nhiều lối đi trên đường đời không mấy được thuận lợi như những đồng nghiệp quyết “sống mãi với Thủ đô”. Ông chỉ hồn hậu cười xòa chẳng bận tâm không tính đếm: “Chuyện cuộc đời, biết thế nào mà nói. Tuy nhiên về quê cũng vui lắm chứ”.

Nặng tình quê nên tên con gái đầu lòng ông đặt Hà, đơn giản là Hà Tĩnh - Hà Nội. Đến cô tiếp theo ông quyết khai sinh  bằng chữ Phong dẫu vẫn biết “ở trong tôi không ai đặt tên con gái là Phong đâu”.

Xã Châu Phong quê ông và Tiền Phong quê vợ giờ dường như đều đã đổi thay địa danh hành chính, nhưng điều ấy không hề hấn gì trong nỗi nhớ của ông, thậm chí cả đời thơ ông “Chữ nào cũng sáng rõ cái nghĩa đen nghĩa bóng và gộp vào câu là cái tình rất sâu nặng với quê hương” như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh từng nói. Hành quân sang làng Hạ, Tiền Phong, Mê Linh, vùng trồng hoa Vĩnh Phúc nay đã phiên về Hà Nội, Duy Thảo tuổi 30 thừa chín chắn đủ từng trải gặp và cảm mến thiếu nữ vừa độ 18, mến rồi yêu rồi cưới. Rồi cô gái trẻ nghe tài tuyên huấn sao đó cũng đồng ý theo ông về quê đường xa cách trở, sinh con đẻ cái ăn đời ở kiếp tính đếm tháng năm cũng xêm xêm gần nửa thế kỷ ròng.

Ở quê, trước công tác bên tỉnh đoàn sau chuyển sang Báo Hà Tĩnh rồi nhập tỉnh thành Báo Nghệ Tĩnh. Khí chất đồ gàn ngang và bộc trực, trung thực đến tận cùng có thêm môi trường để kích thích tung hoành, ông từ thời bao cấp những năm 80 thế kỷ 20 đã xin bằng được ra một ấn phẩm phụ, tờ Nghệ Tĩnh chủ nhật khi mà ở Hà Nội những “đại gia” làng báo như Tiền Phong, Lao Động còn chưa động tĩnh gì. Nhà thơ Dương Kỳ Anh, Nguyễn Sỹ Đại về quê ghé thăm Duy Thảo trong căn phòng nhỏ xíu chất đầy sách dành cho thư ký tòa soạn tờ Nghệ Tĩnh chủ nhật đã xuýt xoa kinh ngạc: “Anh gan thật đấy, ngoài kia còn không dám làm mà anh dám làm”.

Sự “dám” nhiều lần đẩy ông vào tình thế bươu đầu mẻ trán, bao trận kinh thiên động địa vì đụng chạm người này, lật tẩy tiêu cực của người khác, những cá nhân vốn được bao bọc bởi muôn mối quan hệ dây mơ rễ má khó mà bóc tách nếu thiếu sự can đảm. Có khoảnh khắc để giữ quyền được đăng một bài báo mà phóng viên dụng công viết, ông đã “xô cửa xông vào” phòng Bí thư tỉnh ủy để chất vấn, làm cho ra nhẽ.

Chân lý là trên hết, sự thật mới đáng được tôn thờ, đặt bút viết ra một chữ cũng vì sự thật, cân nhắc biên tập một bài báo cũng nhớ câu sự thật nằm lòng, nên ngay cả những người ruột thịt thân thiết nhất của ông cũng có cơ dở khóc dở cười vì độ gàn trong ông đã thành “kinh điển”, không kiêng dè ngoại lệ với bất cứ điều gì.

Cuối năm 1998 về hưu, thôi chức quyền thôi địa vị ông nhẹ tênh cảm thán: Nhân tình còn điên đảo/ Thế thái vẫn xoay vần/ Uy quyền dày mưu lược/ Hết quan là hoàn dân. Hưu về thủ tục dẫu việc thì chưa nghỉ, nghiệp báo còn nặng đeo, ông nhận lời làm Trưởng văn phòng đại diện Báo Dân trí khu vực Bắc miền Trung, lại tiếp tục nặng nợ cùng bổn phận của người coi việc đấu tranh cho lẽ phải là chuyện đương nhiên tất yếu ở đời.

Sinh năm 1938, tuổi Mậu Dần, đã qua tuổi “cổ lai hi” từ lâu, ở Hà Tĩnh đương thời mấy người được như ông bà Duy Thảo. Cháu con đề huề bốn người con ba gái một trai đều thành đạt, đủ đầy danh phận, ông vẫn công việc đàng hoàng, vẫn cập nhật với đời sống đa phương tiện lên mạng hàng ngày, check mail nhoay nhoáy, bà luôn bên ông cận kề sớm hôm khuya tối.

Thanh thản, luôn hài lòng với những lựa chọn của mình, không bao giờ mảy may suy bì so đo tính đếm, bù đắp cho nhiều sự tưởng thưởng mà ông lẽ ra phải được hưởng nhận vì đã đương đầu chấp nhận phận số thiệt thòi, nhà thơ Duy Thảo đã có nguyên một quê hương, một gia đình, một cái nghiệp chữ nghĩa nặng mang để yên tâm làm chỗ dựa ở đời...

Ngô Hương Sen
.
.