Yêu thiên tài, đôi khi là tai họa

Thứ Bảy, 02/05/2009, 11:07
Chuyện tình say đắm và bi thảm của nhà tạc tượng thiên tài Francois - Auguste - René Rodin và người học trò xinh đẹp Camille Claudel.

Hồng nhan bạc mệnh, số phận của Camille Claudel thực sự cay đắng. Là một mỹ nhân "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh", có tài năng điêu khắc lớn, lại sớm được phát lộ, trong đời sống riêng tư, trong nhiều năm liền Camille lại buộc phải chia sẻ tình yêu của Auguste Rodin cùng một người phụ nữ khác, có ưu thế duy nhất là tới với ông sớm hơn cô.Còn trong nghệ thuật,  Camille cũng đã vĩnh viễn bị dìm ở vai trò một học trò nhỏ của Rodin, thậm chí lắm lúc mờ nhạt. Trong khi đó, các chuyên gia đều nhìn thấy rõ ràng bàn tay của cô trong rất nhiều tác phẩm của ông thầy kiêm tình nhân thiên tài.

Khi bắt đầu gặp Rodin để xin được học nghề, Camille không bao giờ hình dung được là cô đã nhanh chóng bị từ trường ma lực cuốn vào những cơn say sáng tạo đắm đuối, nóng động và oái oăm đắt giá đến thế. Yêu ông đến mê muội, cô chấp nhận từ bỏ niềm hạnh phúc làm vợ, làm mẹ của một cuộc sống gia đình bình thường. 15 năm sống bên cạnh Rodin trong vai trò người bạn đời không chính danh, Camille đã cùng ông làm nên biết bao tuyệt tác nghệ thuật.

Có những tác phẩm riêng của Camille, đặc biệt là các bức tượng cẩm thạch, được giới chuyên môn đánh giá còn tuyệt vời hơn của chính Rodin. "Tôi rất ít khi thể hiện sự tĩnh lặng hoàn toàn. Tôi luôn cố gắng diễn tả những cảm giác nội tâm bằng những chuyển động của cơ bắp... Không có sự sống, không có nghệ thuật" - đó là lời tâm sự của Rodin. Còn Camille đã cân bằng được chuyển động đó và thổi hồn cho nó...

Chỉ khi đã quá tuyệt vọng rồi, Camille mới rời bỏ được ông. Thế nhưng, xa Rodin rồi, cô lại bị mất luôn khả năng nhìn nhận cuộc sống xung quanh một cách hiện thực và hoá ra mất trí. Năm 49 tuổi, Camille phải vào nhà thương điên tá túc và qua đời sau đó 30 năm! 

Giời phú tài năng, giời bắt khổ

Camille sinh ngày 8/2/864 tại làng Villeneuve - sur - Fère ở  Champagne, một tỉnh nổi tiếng về nghề làm rượu. Gia tộc Claudel từ thế kỷ XVII vẫn được coi là danh giá: Các thế hệ trước Camille có nhiều chủ nhà máy và các công chức thành công. Cha của Camille có tiếng là một con người không tầm thường, có tính cách mạnh: Nóng nảy, uy quyền nhưng không ác.

Ông cụ đã không chỉ một lần đưa tay giúp đỡ cô con gái cả thoát khỏi những phút hiểm nguy trong cuộc đời... Camille còn có một em trai và một em gái nữa... Em trai của cô là Paul Claudel, về sau trở thành một nhà ngoại giao, một nhà soạn kịch và và một thi sĩ. Chính nhờ Paul nên cho tới hôm nay, hậu thế mới hay biết được chút ít về tuổi thơ và tuổi trẻ của Camille.

Theo lời Paul, ngay từ nhỏ Camille đã không chút gì hoài nghi về thiên tài của mình! Trong lời nói đầu catalog cho cuộc triển lãm các tác phẩm của chị gái năm 1951 (khi ấy, Camille đã qua đời), Paul Claudel viết: "Tôi tới giờ vẫn còn nhìn thấy rõ hình ảnh của chị, một thiếu nữ kiêu hãnh, trong đỉnh cao mặn mòi nhất của nhan sắc và thiên tài, tôi vẫn còn thấy ảnh hưởng, thường là khắc nghiệt, của chị đối với những năm tháng trẻ trung của tôi".

Paul Claudel cũng không giấu giếm rằng, thuở ấy trong gia đình thường xuyên bùng nổ những chuyện to tiếng. Bản tính náo loạn, Camille không thể nào thích ứng được với những "nền nếp con nhà" của mẹ mình... Theo dòng thời gian, người mẹ và cô em gái, cũng có tính ngoan hiền như mẹ, đã trở thành nỗi kinh hãi của Camille, vốn mang tâm hồn phóng khoáng đến mức không chịu chấp nhận những khuôn mẫu thông thường, đúng đắn nhưng lắm phần tẻ nhạt...

Khi đã ở trong nhà thương điên rồi, Camille hay buộc tội mẹ và em gái mình vì cho rằng họ đã làm cho cô quá đau đầu bởi những lời giáo huấn về đức hạnh của họ... Chỉ có người cha rộng lượng đã rất động viên Camille trong những bước đầu đi vào nghệ thuật điêu khắc, cũng như Paul trong những thử nghiệm thi ca đầu tiên. Mặc dù không được ai dạy bảo nhưng Camille đã say mê nặn tượng dựa trên những mẫu là người thân trong nhà...

Tới năm 15 tuổi, Camille đã được xung quanh nhìn nhận như một nhà điêu khắc thực thụ. Những tên tuổi có uy tín đương thời đã chấp nhận và đánh giá cao các tác phẩm của cô thiếu nữ tự học thành tài.

Đoạn trường ai có qua cầu...

Tháng 4/1881, người cha đưa cả gia đình lên Paris, trước hết để cho con cái mình có điều kiện học lên tốt hơn. Camille vào dự giờ ở Học viện Colarossi và cùng ba cô bạn người Anh thuê chung một phòng làm việc. Nhà điêu khắc Bucher đã kèm cặp các cô gái trẻ trong nghề. Cho tới trước cuộc gặp gỡ đầu tiên với Rodin, Camille vẫn sáng tác theo truyền thống của trường phái Florence cũ.

Năm 1881, cô làm tượng "Paul Claudel năm 13 tuổi". Cũng trong năm này, số phận đã đưa Camille tới cùng với Rodin - khi ấy, cô mới 17 tuổi, còn nhà điêu khắc lừng danh đang ở tuổi 41. Theo yêu cầu của người bạn Bucher (ông này chuẩn bị đi Italia nên muốn nhờ Rodin dạy dỗ hộ những cô học trò của mình), Rodin đã tới phòng làm việc của các cô gái.

Vừa nhìn thấy bức tượng "Paul Claudel năm 13 tuổi", Rodin đã có ấn tượng tốt về Camille và ông bắt đầu mời cô về làm trợ lý cho ông mỗi khi có những đơn đặt hàng lớn. Và Camille đã trở thành người học trò giỏi nhất của Rodin và cũng là nhà điêu khắc nữ đầu tiên thành công ở Paris - khi đó, người ta vẫn cho điêu khắc là nghề thuần tuý của nam giới. Rồi Rodin đề nghị Camille cùng cộng tác với tư cách đồng tác giả trong tác phẩm "Cửa địa ngục", Camille không chỉ là người mẫu mà còn là người tham gia nặn.

Nhà viết tiểu sử Camille, Anne Delbee, nhận xét về việc này: "Ông Rodin đã có một người mẫu mới, tuyệt mỹ như chính Eva, nhưng chỉ đối với riêng ông thôi. Không có gì chung với những người khác. Camille - chỉ để cho ông, chỉ cùng ông, cô là người mẫu mang lại giá trị cho nhà sáng tạo, cô là tác phẩm của ông".--PageBreak--

Cuộc tình của họ phát triển nhanh như giông tố. Cô thường ở lại trong xưởng làm việc của ông tới khuya - không chỉ vì cô say mê lao động mà còn vì chỉ về khuya mới được một mình với thiên tài. Camille đã phải lòng Rodin tự lúc nào mà chính cô cũng không hay. Khi tỉnh ra thì đã muộn, không còn đường thoái lui nữa...

Người đời không phải ai cũng hiểu cho Camille. Những kẻ ác tâm đồn rằng cô yêu Rodin không chỉ vì hữu tình và mến tài mà còn cầu lợi nữa. Một mối quan hệ như thế chắc chắn sẽ giúp cho một cô gái tỉnh lẻ có nhiều tham vọng nghệ thuật thăng tiến nhiều ở giữa Paris hoa lệ và đầy cạm bẫy.

Thế nhưng, phải nhìn thấy những công việc mà Rodin và Camille cùng làm nên trong thời gian họ yêu nhau thì mới thấu hiểu giá trị đích thực của tình yêu trong nghệ thuật. Camille đã làm Rodin thay đổi cả trong sáng tạo lẫn đời thường. Nữ thần cảm hứng trẻ trung xinh đẹp đã giúp cho Rodin tạc được những tác phẩm tuyệt diệu bất tử như "Danayda", "Nàng tiên cá", "Nụ hôn" - đấy là cả một chương mới trong nghệ thuật của thiên tài.

Với Camille, những ngày hương nồng lửa đượm với Rodin là quãng thời gian đẹp nhất trong đời cô. Với tư cách một nhà điêu khắc, cô đã tìm ra phong cách riêng và cô có cảm giác là, làm việc cạnh một thiên tài, cô có thêm điều kiện để hoàn thiện phong cách riêng đó.

Người cha, thương con gái, có lúc đã khuyên Camille rời khỏi xưởng làm việc của Rodin và độc lập sáng tạo. Bản thân Rodin lúc đó cũng bị day dứt giữa mối quan hệ với Camille và với người vợ không hôn thú sống với ông từ thời trẻ, lại đã có chung với ông một đứa con trai.

Phải nói một cách công bằng, khi bắt đầu yêu Rodin, Camille đã không hay biết về người đàn bà đó và khi hay biết thì cô đã không thể dứt tình được với Rodin. Một bi kịch thường thấy trong "hình tam giác muôn đời"! Mỗi khi Camille yêu cầu Rodin quyết định dứt khoát vì cô không thể chịu được cảnh "chồng chung, vợ chạ" thì Rodin, như thường thế, lại lảng tránh câu trả lời thẳng thắn: Camille quá hấp dẫn, còn người vợ không hôn thú kia thì quá tốt, lại rất sâu dày tình nghĩa!

Kết cục nghẹn ngào

Mọi sự cứ nhùng nhằng thế nhiều năm. Không rõ là giữa Rodin với Camille có chung người con nào không. Có nguồn tư liệu nói rằng họ có hai con và cả hai đều được gửi ra nước ngoài dạy dỗ. Rodin, một thiên tài điêu khắc, quá say mê nghệ thuật của mình nên đã không đủ quan tâm tới những người con, kể cả người con trai do người vợ không hôn thú đầu tiên sinh ra.

Trước năm 1888, Camille vẫn phải sống chung với cha mẹ nên thường xuyên phải nghe những lời khuyên bảo cắt đứt quan hệ với Rodin. Tới năm 1888, Rodin mua được một biệt thự sang trọng làm nơi sáng tạo và hai người bắt đầu công khai mối quan hệ với nhau. Họ cùng tham dự các hoạt động thượng lưu và nghệ thuật, cùng làm quen với nhiều danh nhân đương thời.

Tuy nhiên, trái tim Camille vẫn trĩu nặng vì Rodin luôn nhắc đi nhắc lại rằng, ông không thể dứt áo ra đi khỏi người vợ đầu tiên, mặc dù như ông nói không chỉ một lần, ông chỉ yêu mình cô thôi. Đã có lúc Camille viết cho Rodin: "Ông đừng lừa em thêm nữa!".

Mọi chuyện trở nên rối lẫn hơn vì người vợ đầu của Rodin, mặc dù luôn hãi tính khí của chồng, cũng không chịu nổi cảnh chung chạ như thế, đã đích thân đến xưởng làm việc của chồng để đánh ghen với cô gái kém mình tới hai mươi tuổi (người con trai đầu tiên của Rodin cũng hơn tuổi Camille).

Camille cảm thấy mình bị làm nhục quá độ và quay lại cấu chí Rodin. Bị dồn tới thế kẹt, Rodin cảm thấy mệt mỏi vì tự ông không thể quyết dứt áo ai cả. Thậm chí ông còn phải uống cả thuốc an thần. Ông yêu cả hai người, với mỗi người theo mỗi kiểu. Thế nên ông cứ luôn phải day dứt và "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông"...

Mặc dầu Rodin và Camille đã rời nhau, nhưng họ vẫn không quên được nhau và cũng không quay trở lại cùng nhau được nữa, có thể vì lòng tự ái, có thể vì cốc nước đã hắt đi khó lòng lấy lại...

Những day dứt đã khiến Camille lâm vào tình trạng mất trí và ngày 10/3/1913, tám ngày sau khi cha mất, Camille đã phải vào nhà thương điên... Rồi Rodin qua đời ngày 17/11/1917. Nhận được tin này, Camille đã khóc nức nở, dù không còn tỉnh trí nữa. Và không ai biết bà đã nghĩ những gì từ đó cho đến khi chính bà cũng từ giã cõi đời này vào ngày 19/10/1943

Huyền Anh
.
.