Yêu thi sĩ là tột cùng đau đớn

Thứ Bảy, 06/03/2010, 10:14
Nhà thơ Nga Boris Pasternak sinh ngày 10/2/1890. Ông là tác giả của tiểu thuyết "Bác sĩ Jivago" từng mang lại cho ông giải Nobel văn chương. Ông cũng là một trong những nhà thơ lớn rất đào hoa của nước Nga một thuở. Có điều, những người phụ nữ tận tụy nhất với ông thì đều phải trải qua những đắng cay tột độ.

Boris Pasternak làm quen với người vợ đầu tiên của mình, nữ họa sĩ 22 tuổi Evguenia Lurie khi thi sĩ đã ở tuổi tam thập. Mỹ nhân rất thanh lịch, giống như những người đẹp trong tranh của danh họa Italia Botticelli này thực ra lại là một phụ nữ rất tự lập và có chí hướng phấn đấu mạnh mẽ. Sau lễ cưới, đôi uyên ương đã dọn về một phòng nhỏ ở một căn hộ đông người, trước đây từng thuộc về quyền sở hữu của cha mẹ nhà thơ.

Cuộc sống chung giữa đôi trai tài gái vừa sắc vừa tài đã không mấy ngọt ngào với cả hai người. "Sự nhạy cảm thái quá của cả cha tôi lẫn mẹ tôi đã không cho họ bình thản chịu đựng những phiền thoái tất yếu của sinh hoạt gia đình" - con trai họ, Evgueni, về sau đã nhớ lại như vậy.

Thực là khó làm nên cảnh điền viên khi người vợ họa sĩ có tính khá xốc nổi và dễ bùng nổ, còn tâm trạng của nhà thơ lại hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ thành công của công việc mà lúc đó Pasternak đang mê mải theo đuổi. Thêm vào đó, cả hai đều là "người giời": nữ họa sĩ là một chuyên gia vẽ chân dung tài năng, rất cần được "thoát tục" khỏi những công việc nội trợ. Cực chẳng đã, thi sĩ phải gánh vác việc nhà là chủ yếu.

Trong những năm đó, Pasternak biết và thích làm những việc nội trợ, thậm chí rất khéo nấu nướng… Tuy nhiên, nhà thơ không thể không hiểu rằng, những công việc như thế đã "ăn" mất những khoảng thời gian sáng tạo quý báu của mình.

Trong những năm 20 của thế kỷ trước, Pasternak đã buộc phải làm vô số những việc không mấy quan trọng để kiếm kế sinh nhai. Hai vợ chồng nhà thơ thường xuyên phải xa cách nhau. Nữ họa sĩ hay đổ bệnh nên liên tục phải đi nghỉ dưỡng nơi xa. Họ rất nhớ nhau khi không ở bên nhau - những lá thư mà Pasternak viết cho vợ ở giai đoạn đó cực kỳ dịu dàng: "Em thấm đẫm trong anh mọi sự, em cháy trong anh thay máu và em vật vã ở trong anh…". Tuy vậy, khi ở gần nhau thì họ lại hay bị "khắc khẩu". Gần như lúc nào họ cũng mơ hồ hay rõ rệt nghĩ tới việc li hôn. Nữ họa sĩ ngày một mơ ước nhiều hơn tới một cảnh sống khá hơn bên người khác…

Và cơ hội như thế đã một lần tới với chị. Mùa hè năm 1926, Evguenia Lurie cùng con trai sang Đức và tại đó, chị đã gặp một ông chủ nhà băng đang làm ăn phát đạt. Cự phú tất nhiên là ngay lập tức bị hấp dẫn bởi người nữ họa sĩ trẻ tài năng. Và ông đã ngỏ lời cầu hôn chị.

Tuy nhiên, Evguenia Lurie đã từ chối lời cầu hôn đó vì khoảng thời gian ngắn ngủi ở gần ông chủ nhà băng lại khiến cho chị thấy rõ hơn những ưu thế của người chồng thi sĩ. Và chính tình huống đó đã lại giúp củng cố tình yêu và hôn nhân của gia đình Pasternak một cách kỳ diệu. Evguenia Lurie trở về nhà trong một tâm trạng như hối cải và từ chối mọi cố gắng tự khẳng định mình trong nghệ thuật. Chị muốn trở thành một người vợ tận tụy và cố gắng lo lắng cho chồng trong mọi nhẽ.

Tuy nhiên, khi ở gần nhau rồi thì hai người lại cảm thấy khó khăn như cũ. Các nguồn thu nhập không đủ để sống tùng tiệm. "Nhà chật chội quá, điều kiện làm việc rất tồi tệ" - Pasternak viết trong hồi ức.

Tháng 1/1929, Pasternak được làm quen với nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Henrich Neygauz. Và thi sĩ cũng được làm quen với vợ của bạn, Zinaida Nikolayevna. Nhớ lại một trong những cuộc gặp ban đầu với Pasternak, bà Zinaida về sau đã viết: "Tôi luôn luôn là một người thẳng thắn. Khi anh ấy hỏi tôi có thích thơ của anh ấy không, tôi trả lời rằng, nghe đọc thơ anh ấy tôi không hiểu mấy. Và anh Boris đã nói ngay rằng anh ấy sẵn sàng viết ĐƠN GIẢN hơn…".

"Yêu ai đấy là nặng mang thánh giá,
Nhưng tuyệt vời em quá với đơn sơ…"

Lời tán tụng có phần vỗ mặt này lại làm cho thiếu phụ Zinaida sung sướng mê tơi.

Khi tới chơi nhà nghệ sĩ dương cầm, Pasternak hay bắt gặp Zinaida Nikolayevna đang lo toan việc nội trợ - giặt đồ, rửa sàn nhà,  dọn dẹp bếp núc… Vốn luôn luôn coi việc người vợ đầu tiên của mình bận bịu với toan và mầu bên giá vẽ là phí thời gian, thi nhân cảm thấy khâm phục tài làm việc nhà khéo léo của Zinaida Nikolayevna… Và Pasternak đã không hề giấu giếm việc mình phải lòng vợ bạn. Nghệ sĩ dương cầm với tính tình phóng túng đã không "lấy đó làm điều" - bản thân ông cũng có vợ lẽ với một cô con gái ngoài giá thú cùng tuổi với cậu con út hợp pháp của ông. Nhưng đối với nữ họa sĩ Evguenia thì câu chuyện này như chớp nổ ngang đầu và chị coi đó là một tấn kịch bi thảm. Nhưng tới lúc đó thi sĩ đã không thể làm gì khác với lòng mình được. Thế là tan vỡ cuộc hôn nhân đầu tiên và bắt đầu cuộc hôn nhân thứ hai của nhà thơ sau này sẽ trở nên vĩ đại.--PageBreak--

Ở bên cạnh Zinaida Nikolayevna, Pasternak cảm thấy cực kỳ dễ chịu. Người vợ thứ hai hoàn toàn quên mình trong những lo toan cho chồng. Điều quan trọng nhất đối với chị là làm sao để Pasternak có thể làm việc được thoải mái nhất, không phải bận tâm tới bất cứ một điều gì khác ngoài văn học. Không ngẫu nhiên mà Pasternak khi ấy thường hay nhắc đi nhắc lại là, ở bên cạnh Zinaida Nikolayevna, nhà thơ cảm thấy mình được phù hộ độ trì…

Thời gian trôi đi. Pasternak thường xuyên đi khắp nơi trong nước, thử sức mình trong các thể loại khác nhau. Môi trường giao lưu của nhà thơ ngày một mở rộng. Trong khi đó, Zinaida Nikolayevna lại không hề thay đổi: bà ưa mặc những đồ quen thuộc, chải tóc kiểu cũ và không thích bầy ra những trò bất ngờ…

Và đến một thời điểm nào đó, nhà thơ cảm thấy mình, dù ở bên cạnh Zinaida Nikolayevna nhưng vẫn thiếu thốn một điều gì đó. Pasternak đang ấp ủ ý tưởng về một cuốn tiểu thuyết lớn nhưng mãi vẫn không bắt tay vào được để viết. Bước ngoặt quyết định đã tới với thi nhân nhờ một sự "bừng tỉnh mang dấu ấn cá nhân đầy mạnh mẽ và hạnh phúc".

Năm 1946, tại tòa soạn tạp chí Thế giới mới, Pastenak đã làm quen với Olga Ivinskaya, trưởng phòng các cây bút mới. Khi đó chị đang ở tuổi 33. Đằng sau lưng chị là một khoảng đời không dễ dàng và không dịu ngọt: vụ tự tử của người chồng đầu tiên, cái chết của người chồng thứ hai và hai đứa con mồ côi cha -  bé gái 7 tuổi từ cuộc hôn nhân đầu và bé trai 5 tuổi từ cuộc hôn nhân thứ hai. Cũng phải nói rằng, những đau đớn trần ai đã không ghi lại được dấu vết gì đối với ngoại hình của Olga. Chị là một thiếu phụ cực kỳ quyến rũ - dịu dàng, hấp dẫn, với đôi mắt to tròn và mái tóc vàng óng ả…

Trai tài, gái sắc, hai người lập tức phải lòng nhau ngay. Cuộc tình của họ tiến triển rất mau lẹ. Thế là xuất hiện bi kịch về "hình tam giác muôn đời": Olga Ivinskaya muốn "công khai hóa" quan hệ với nhà thơ, nhưng Pasternak lại không muốn phá bỏ gia đình đang có. Ông không muốn làm cho những người ruột thịt của mình đau đớn…

Cái kim trong bọc rồi cũng bị thòi ra. Rốt cuộc là bà Zinaida Nikolayevna cũng hay biết về cuộc tình ngoài luồng của chồng. Một lần, bà đã đích thân tới gặp Olga Ivinskaya và lạnh lùng yêu cầu chị chấm dứt quan hệ với chồng bà… Trong những rối lẫn tình cảm của đời mình, nhà thơ đã chọn cách hành xử của đà điểu rúc đầu vào cát và làm như không có chuyện gì xảy ra…

Đối với Olga Ivinskaya, tình yêu với Pasternak đã không chỉ mang lại những giây phút say đắm và ngọt ngào mà cả những đoạn trường mang tính xã hội. Thậm chí chị đã bị giam tới 5 năm và ở đó, mất đi bào thai đã có với thi nhân. Những vần thơ thao thiết mà Pasternak gửi cho chị vào nhà giam đã chỉ phần nào làm dịu đi những đau đớn trần ai…

Pasternak yêu Olga Ivinskaya bằng một tình yêu kỳ dị của một thi nhân trác tuyệt và đầy mâu thuẫn. Khi chị được trả lại tự do, Pasternak lại tránh không gặp chị vì ông sợ chị đã không còn giống như ông vẫn tưởng tượng trong cách trở. Nhưng rốt cuộc chị cũng có cách buộc ông phải gặp chị. Dù đã phải ở tù một thời gian không ngắn nhưng sức hấp dẫn của chị vẫn còn nguyên như cũ. Và tình cũ không rủ cũng về, ngọn lửa tình ái phiêu lưu lại bùng cháy mạnh mẽ như xưa. Olga Ivinskaya đã nhận về mình những lo toan cho việc xuất bản các tác phẩm của Pasternak và chuyển tới ở nơi gần với nhà của thi nhân hơn bằng cách thuê ngay một căn phòng trong làng ngoại ô Peredelkino. Pasternak gần như ở trong căn phòng đó cả đêm lẫn ngày. Ông thậm chí còn tìm ra cách để phần nào công khai hóa quan hệ với Olga Ivinskaya và nói với bà Zinaida Nikolayevna  rằng, ông từ nay trở đi sẽ sống ở nơi nào ông muốn. Tuy nhiên, Pasternak vẫn không li dị vợ và không phá bỏ gia đình đang có…

Ở thời điểm đó, tiểu thuyết "Bác sĩ Jivago" đã được viết xong. Năm 1956, cuốn sách này được in ra ở Italia. Và năm 1958, Pasternak được trao giải Nobel văn chương. Vì những lý do tế nhị, ông đã từ chối nhận nó. Một thời gian sau đó, ngày 30-5-1960, ông đã qua đời…

Ba người phụ nữ đã gắn bó với Pasternak đều phải chịu những tai ương. Bà Evguenia Lurie sau khi li dị với thi nhân đã mấy lần phải vào nhà thương điên. Cuối đời, bà bị mắc bệnh trầm cảm. Bà hay đọc đi đọc lại tiểu thuyết "Bác sĩ Jivago" và ngượng nghịu thú nhận rằng, bà có nhiều điểm chung với Lara, nhân vật nữ chính của sách…

Bà Zinaida Nikolayevna sau khi chồng mất đã gặp nhiều khó khăn vật chất vì của nả nhà thơ để lại chả có gì. Còn bà Olga Ivinskaya thì sau cái chết của Pastenak đã phải gánh hộ ông rất nhiều rắc rối liên quan tới tiểu thuyết "Bác sĩ Jivago". Bà sống rất thọ nhưng sau Pasternak, bà không hề yêu thêm một người đàn ông nào khác nữa, mặc dù trước khi gặp ông, như lời con gái bà kể, bà đã có cả tá những người đàn ông mến mộ

Huyền Anh
.
.