Thử phác thảo chân dung tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam:

Yếu đuối, mạnh mẽ hay là khéo?

Thứ Ba, 12/06/2012, 14:55
Có một chi tiết mà ông Phan Thanh Hùng có thể đã quên. Nhưng tôi thì nhớ, nhớ đến ám ảnh. Đó là hôm ĐTVN mở đại tiệc tại khách sạn 5 sao Sheraton chuẩn bị cho chiến dịch AFF Suzuki Cup 2010 trên sân nhà. Hôm ấy, không biết vì lý do gì mà ông Hùng đến muộn. Và khi đến nơi thì ông chạy ngay đến chỗ HLV trưởng ĐT Calisto, cúi rạp người xuống, gật đầu chào rồi cứ thế xoa xoa lưng ông “Tô”.

Nói thật, tôi – trong tư cách một con người (không phải tư cách một nhà báo) rất dị ứng với những hình ảnh xoa lưng như thế, vì nó cứ “hèn hèn” sao sao ấy. ở đời, có 3 kiểu người là đệ tử trung thành của cái màn “xoa lưng bất hủ” này: Một là những người xu nịnh, hai là người yếu đuối và ba là người đồng tính. Với Phan Thanh Hùng, khả năng thứ ba chắc chắn bị loại bỏ, bởi ông đã có một vợ, một con gái đầu lòng đang học đại học và một con trai thứ đang học THPT. Quan trọng hơn: Đời sống tình cảm của ông diễn ra bình thường như bao nhiều người đàn ông khác. Vậy thì ông là một người xu nịnh, hoặc một người yếu đuối chăng?

“Anh Hùng, trong cuộc sống cũng như trong công tác huấn luyện, anh có tự nhận mình là người xu nịnh, yếu đuối không?” – một buổi sáng, ở một quán Café gần sân Mỹ Đình tôi chẳng ngại ngần hỏi thẳng ông Hùng như thế. Để tạo tính thuyết phục cho câu hỏi, tôi cố tình đưa thêm hai dẫn chứng nữa. Một là, ngày còn dẫn SHB.Đà Nẵng, bị ông bầu Đỗ Quang Hiển cách chức bất thình lình, dù rất buồn nhưng ông vẫn không mảy may than phiền, phản ứng một câu. Hai là, ở CLB HN.T&T, có lần một cầu thủ hàng sao (giờ đã chuyển đi đội khác) đùa giỡn với ông bằng cách ném một quả bóng vào người ông, trước mặt cả một tập thể, ông cũng không nhắc nhở gì. Với một câu hỏi và hai dẫn chứng như thế, tôi đã nghĩ ông Hùng sẽ sốc, thậm chí sẽ lồng lên để giáng cả một “ma trận âm thanh” vào mặt người vừa hỏi.

Vậy mà không! ông Hùng đã bình tĩnh cất lên cái giọng nhè nhẹ, khàn khàn quen thuộc: “Về chuyện bị bầu Hiển cách chức, thực tâm tôi nghĩ rằng mình ra đi tốt hơn cho đội bóng, vậy nên sao phải phản ứng. Mà đâu phải cứ phản ứng mới là anh hùng chứ! Về chuyện thứ hai, tôi nghĩ cầu thủ gần gũi mình nên làm vậy, chứ không có ý không tôn trọng mình. Vậy nên sao phải làm to chuyện”. Thấy ông Hùng hóa giải câu hỏi chẳng khác gì  lời “khiêu chiến” của tôi một cách nhẹ nhàng, hợp lý, tôi buộc phải rút ra cái “vũ khí cuối cùng”: Hình ảnh ông cúi đầu chào rồi cứ thứ xoa xoa lưng HLV Calisto. Về chi tiết này ông Hùng giải đáp: “HLV Calisto về lý là đồng nghiệp của tôi. Nhưng nói thật là làm trợ lý cho ông ấy ở ĐTQG, tôi học được quá nhiều điều bổ ích, từ cả về công tác chuyên môn cho tới cách làm tâm lý cho cầu thủ. Vậy nên tôi đã sẵn sàng gọi ông ấy là thầy “Tô”. Một khi đã gọi, đã thừa nhận ông ấy là thầy thì việc cúi mình trước ông ấy sao gọi là hèn hạ?”.

Nói thật là nghe ông Hùng giải thích tới đây thì cái suy nghĩ có phần cực đoan của mình về một “Phan Thanh Hùng hèn hèn, yếu yếu” đã dần tan biến trong tôi. Và thế là tôi thử đặt ra một giả thiết khác: Một Phan Thanh Hùng mạnh mẽ - có lẽ nào như thế nhỉ? “Mạnh chứ, mạnh lắm, chỉ cần quan sát thầy chỉ đạo trận đấu là anh sẽ nhận ra điều đó thôi mà” – một cầu thủ HN.T&T trả lời tôi như thế.

Quả thực, trong mỗi trận đấu của HN.T&T, ông Hùng thường mặc áo phông xanh, mặc quần lửng đen, đi đôi giày thể thao màu trắng, đứng sát sạt đường piste đề hò hét, chỉ đạo trong từng pha bóng. ông hét nhiều tới mức cái giọng ông bây giờ luôn ở vào tình trạng khản đặc. Có lần tôi hỏi ông: “Vì sao anh hét nhiều như vậy?”. ông Hùng bảo thầy “Tô” (lại là thầy “Tô”) khi chỉ đạo trận đấu luôn hò hét dữ dội, và tôi thấy đấy là một cách hữu ích để truyền lửa cho các cầu thủ trên sân”. ông Hùng tự nhận là vì bị ảnh hưởng quá nặng bởi thầy “Tô” nên 2/3 thời gian trận đấu Việt Nam – Malaysia ở vòng bảng AFF Suzuki Cup năm 2008, khi thầy “Tô” phải nhận thẻ đỏ rời sân thì ông đã đứng ra chỉ đạo ĐT, và đã hò hét chẳng khác gì  thầy “Tô”. Tóm lại, hình ảnh một Phan Thanh Hùng hò hét có thể coi là một hình ảnh đáng kể chứng tỏ một phần mạnh mẽ nào đấy ở con người này.

HLV Falko Goetz và HLV Phan Thanh Hùng.

Sở dĩ tôi sử dụng cụm từ “một phần mạnh mẽ”, chứ không phải “týp người mạnh mẽ” là vì nếu chỉ căn cứ vào sự hò hét không thôi để kết luận ai đó thuộc týp người mạnh mẽ thì e là đại dở. Bởi đời này, tôi đã thấy nhiều người còn hò hét mạnh hơn ông Hùng, ăn sóng nói gió khủng khiếp hơn ông Hùng, nhưng thực chất đấy lại là những con người có một trái tim mềm mại và  một nội tâm yếu đuối.

Không hẳn là người mạnh mẽ, cũng không hẳn là người yếu đuối, xu nịnh như tôi đã có lúc lầm tưởng, vậy rốt cuộc ông Phan Thanh Hùng cần được nhận diện như thế nào cho đúng? Để trả lời câu hỏi này, tôi ngầm dò xét những phản ứng của ông Hùng với cựu HLV trưởng ĐT U.23 Việt Nam Falko Goetz tại SEA Games 26 vừa rồi. Trong suốt quá trình ĐT dự kỳ SEA Games này, không một nhà chuyên môn nào không nhận thấy Falko Goetz là thầy dở. Dở từ chuyên môn khi đã phá đi thứ bóng đá nhỏ nhuyễn mà thầy “Tô” dày công vun đắp để áp vào đó một thứ bóng đá chuyền dài, chuyền bổng xa lạ với tố chất cầu thủ Việt Nam. Dở tới cả phương diện tâm lý khi mà trong những trận đánh quyết định của ĐT, Falko Goetz luôn tỏ ra bấn loạn, tạo những ảnh hưởng tiêu cực cho các cầu thủ trên sân.

Buộc phải làm trợ lý cho một thầy dở như Falko Goetz, nếu là HLV Lê Thụy Hải – HLV ngang tàng, mạnh mẽ có tiếng thì chắc chắn ông Hải không ngại ngần đấu tranh dữ dội với ông Goetz. Mà chẳng phải đợi tới…cỡ Falko Goetz, ngay cả  khi lên Tuyển làm trợ lý cho Alfred Reidl trước đây, ông Hải cũng không ngại “bộp” lại Rield với tuyên bố: “Tôi lên đây để làm trợ lý, chứ không phải để đi bơm bóng”. Nhưng đứng trước Falko Goetz, ông Phan Thanh Hùng trong tư cách trợ lý số 1 của ĐT đã không phản ứng dữ dội như vậy. ông chỉ nhẹ nhàng góp ý với ông Goetz về việc nên thay đổi lối chơi, đến khi góp ý của mình không được lắng nghe ông cũng chỉ còn cách im lặng và im lặng.

Ngày mổ xẻ nguyên nhân thất bại của ĐT, khi được đề nghị nhận xét về Falko Goetz ông Hùng cũng đưa ra ba nhận xét rất nhẹ nhàng: “ông Goetz cần phải hiểu cầu thủ hơn” (thay vì nói ra sự thật: ông ấy chả hiểu gì hết), “ông Goetz cần phải tổ chức một đội hình ổn định hơn” (thay vì nói toạc: ông ấy đã xây dựng một đội hình bất định), và “ông ấy nên lắng nghe hơn” (thay vì bảo: ông ấy đã kém lại còn chuyên quyền, độc đoán). Khi đọc bản nhận xét của Phan Thanh Hùng, một quan chức VFF tủm tỉm nói nhỏ với tôi: “Thực chất thì anh Hùng đã “đánh” ông Goetz đấy chứ, nhưng “đánh” mà như không đánh”.

Cá nhân tôi thích một nhận xét như thế. Bởi dường như nhận xét ấy đã lột tả rất đúng tính cách Phan Thanh Hùng: Không yếu đuối, cũng không mạnh mẽ, mà lại nhẹ nhàng, khéo léo tới mức ngay cả khi “đánh” người khác cũng không bao giờ khiến người bị “đánh” có cảm giác tổn thương.

Mới đây, ông Hùng được chọn làm HLV ĐTVN dự AFF Suzuki Cup 2012. Và tôi nghĩ, một HLV mà ngay cả khi “đánh” người khác cũng không làm người bị “đánh” tổn thương sẽ phù hợp ở vị trí này hơn bất cứ HLV nào khác.

Bởi làm HLV trưởng ĐTVN nói riêng và làm “tướng” ở BĐVN nói chung mà chỉ GIỎI không thì chưa đủ. Phải KHÉO nữa. Khéo cả khi chiến thắng lẫn khi thất bại!

Thầy Toàn…

Hồi còn họp lớp 5 ở Trường Bồ Đề (Đà Nẵng) cậu học trò Phan Thanh Hùng thầm ngưỡng mộ người thầy tên là Toàn, một người mà trong ký ức của Phan Thanh Hùng thành đạt sau này thì: “Đấy là một người thương yêu học sinh, và là người có cách giảng, cách dạy cực kỳ lôi cuốn”. Cậu bé Phan Thanh Hùng cùng đám bạn nghĩ rằng một người như thầy Toàn phải là một người hạnh phúc lắm. Vậy mà không, khi đến thăm nhà thầy Toàn, cả lớp mới tá hỏa thầy có một cuộc sống cực kỳ éo le. Sau này lớn lên, Phan Thanh Hùng không ngừng trằn trọc với một câu hỏi: Một người sống khốn khó, éo le như thế tại sao khi lên lớp vẫn còn có thể giảng bài một cách sách mê, cuốn hút đến thế? Và hỏi rồi thì Phan Thanh Hùng tự trả lời: “Có lẽ vấn đề nằm ở việc làm chủ tâm lý. Người thành công là người phải biết làm chủ hoàn cảnh, làm chủ tâm lý mọi lúc mọi nơi”.

Chính từ những bài học xương máu rút ra từ thầy Toàn mà cầu thủ Phan Thanh Hùng ngày xưa và HLV Phan Thanh Hùng bây giờ luôn được nhìn nhận là người có khả năng giữ cân bằng tâm lý cực tốt, điều mà không phải tất cả những người theo nghề quần đùi áo số ở Việt Nam làm được!

Phan Đăng
.
.