Y Ban bây giờ không phải là một “con thiêu thân” nữa

Thứ Sáu, 03/10/2014, 09:00
Trong ký ức của tôi, Y Ban là một người đàn bà mạnh mẽ, thức thời, thậm chí “đầu gấu” bởi khẩu khí lúc nào cũng đầy ngang tàng và bất cần đời. Chị là một trong những nhà văn nữ chắc tay bút vì năm nào cũng có sách xuất bản, dù “trăm dâu đổ đầu tằm” đầy những lo toan cho công việc, cuộc sống, gia đình. Gặp Y Ban lần này, trong một buổi chiều muộn sau giờ tan sở, chị tự bóc tách về cuộc đời mình bằng một cuộc đối thoại cởi mở và bằng sự lý giải qua một cuốn sách vừa in ráo mực “ABCD”. Trong tôi bỗng dâng lên một cảm giác lạ lùng về sự đổi thay “chóng mặt” của một người đàn bà mang tên Y Ban trước sự mong manh của đời sống, về sự được mất ở đời, về những giấc mơ và sự ấm áp của tình mẫu tử…

- Thưa nhà văn Y Ban, cuốn sách mới ABCD là một sự “lột xác” của chị. Ở đây, người ta không thấy một Y Ban nanh nọc, cong cớn, một Y Ban đay đả thường mỉa mai cuộc đời bằng cái nhìn cay nghiệt như những cuốn sách trước đây. Mà người ta gặp một Y Ban đầy triết lý, chiêm nghiệm, thậm chí nhẹ nhàng, sâu lắng với những đoạn tả cảnh tả tình lãng mạn, tôi gặp một người mẹ mang tên Y Ban đầy những lo lắng cho cậu con trai bé nhỏ của mình trước những bất an của đời sống. Thậm chí, gặp cả những tiếng nấc nghẹn ngào của chị. Điều gì đã khiến chị có sự đổi thay nhiều đến vậy trong phong cách viết vốn dĩ đã là sở trường bấy lâu nay của chị?

- Tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng, tôi viết văn lạ lắm, có khi như không phải tôi viết, mà như là có một ai đó vẽ đường chỉ lối cho tôi, đọc cho tôi. Có những câu chuyện, có những cuốn sách đôi khi viết xong tôi vẫn không tin là do mình viết. Cuốn ABCD cũng tương tự. Một hôm tôi đang ngồi trong căn nhà ở ngoại ô của mình, một căn nhà có vườn rộng và nhiều cây cối, thì bỗng chốc có một con đom đóm bay vào mặt tôi, và bỗng dưng trong trí óc tôi hiện lên một khu vườn Linh lang đầy mộng ảo, tôi đã viết ra như một lẽ tự nhiên, chỉ là kể lại một câu chuyện mà mình đã lạc vào đó với đầy đủ những hỷ, nộ, ái, ố. Nhiều người cũng hỏi tôi tại sao lại đặt tên là ABCD mà không phải là một cái tên mĩ miều nào khác? Tôi muốn thông qua đây để nói về một triết lý sống rằng, ABCD vốn là một trật tự trong bảng chữ cái Alphabet, nhưng cuộc đời không phải thế, có khi nó đi từ A đến Z rồi mới quay lại B. Và tiểu thuyết của tôi là những câu chuyện về cuộc đời rời rạc, nó có những tuyến nhân vật và những chắp nối khá rời rạc mà nếu người đọc không tập trung thì đọc một lần không thể hiểu được. Đó không phải là cách chơi chữ cho rối mắt người đọc mà nếu như độc giả khéo sắp xếp thì sẽ biết được đó là những câu chuyện xung quanh cuộc sống gia đình của nhà Phũ, nhà Linh Lang, chuyện nhà Dỉn, nhà Thục, nhà Quyên... những thuyết nhân quả, luân hồi… Nhưng dù là câu chuyện nào thì tôi cũng muốn nói với độc giả về lòng yêu thương con người. Bởi vì, đã sống đến tuổi này, tôi ngộ ra rằng, công việc viết văn là tưởng tượng, là hư cấu, nhưng có những tưởng tượng trên đời cũng không tượng tượng ra nổi lòng dạ xấu xa, phản trắc của con người… Cũng bởi những va đập ở cuộc đời này, những cuộc “lên bờ xuống ruộng” đầy đau đớn, nên tôi nghiệm ra rằng, mình không cần cứ phải gồng mình lên tranh đấu với đời làm gì. Tôi ngày càng có xu hướng muốn “ở ẩn”, muốn im lặng nhiều hơn, không “điên tiết” lên nữa. Giờ đây, tất cả mọi việc, mọi tình cảm là làm vì con và sống cho con. Và tôi thấy yên tâm về điều tâm niệm này…

- Mỗi lần nhà văn Y Ban ra mắt sách thì có vẻ như một số câu chuyện có trong đời thực sẽ bắt đầu “lộ thiên”. Tôi có cảm giác nhiều người “lo ngay ngáy” khi Y Ban ra sách vì sợ “ả Ban” (chữ dùng của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên) lại cho mình lên “thớt”. Trong tiểu thuyết này, tôi thấy chị chủ yếu viết mọi câu chuyện để chỉ hướng đến cậu con trai và những tình cảm gia đình. Hình như chị bắt đầu “bán” đến chuyện gia đình mình?

- Nghĩ thế nào là quyền của độc giả. Tôi luôn luôn muốn làm mới mình, làm mới trang viết của mình. Ở tuổi này, tôi nghiệm ra rằng, có gia đình, có một người chồng và những đứa con là điều được nhất của mình. Dạo này tôi hay nằm mơ những giấc mơ kỳ lạ. Có hôm tôi nằm mơ thấy mình có bầu nhưng rồi không hiểu vì sao mình không sinh con được, tỉnh dậy toát cả mồ hôi nhưng lại giơ hai tay hét lên sung sướng vì đời thực mình có hai đứa con ngoan ngoãn, xinh đẹp. Trong tiểu thuyết này tôi lấy nhân vật người con trai làm tâm điểm và còn có một bài thơ dài mượn con để nói về thời cuộc, nói về cuộc đời. Bởi vì càng ngày chúng ta càng nhìn thấy nhiều chuyện khủng khiếp, chuyện con giết mẹ, con nghiện ngập, hư hỏng… là chuyện thường ngày trên mặt báo. Tôi cảm thấy hoang mang vì một xã hội đầy những bất trắc hiện nay và lo toan trước sự trưởng thành của con cái mình. Tiểu thuyết cũng là bắt nguồn từ cuộc đời. Cuốn sách này tôi không đi theo một trật tự tuyến tính nào cả, nhưng tôi nghĩ rằng, cho dù có trật tự hay không và dù có chuyện gì xảy ra thì mình vẫn phải trân trọng cuộc đời của mình.

- Chị có bao giờ lo sợ họa văn chương ám vào cuộc đời mình?

- Cuộc đời tôi đầy vất vả, đầy trúc trắc và hoàn toàn phải lao động miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa của mình. Nếu tôi an phận là một giáo viên ngành Y thì giờ đây tôi có lẽ là một bà phó giáo sư, tiến sĩ nào đó rồi, chỉ để lên lớp, giảng bài, luyện thi đại học. Có lẽ bây giờ tôi giàu có và an phận lắm rồi. Trong tử vi của tôi cũng nói vậy. Nhưng vì trời bắt tội mình, buộc mình phải đi theo một hướng khác là nghề viết lách. Mà chỉ chạy theo nó thôi tôi đã thấy quá khổ rồi. Viết văn là buộc nhà văn phải chạy theo những dữ liệu cuộc đời, đau trước nỗi đau chung và thường đau lâu hơn những người không viết văn, vì nhà văn phải sống đến hai, ba lần cùng một tình huống. Nhiều người đau gấp nhiều lần chúng ta nhưng khi vào văn chương dường như nhà văn đều thiếu vắcxin để chống chọi lại nó, vì thế ta đau đớn hơn rất nhiều. Một ông nhà văn nào đó đã viết: Ông trời ban cho chúng ta một ít chữ nghĩa nhưng bắt chúng ta trải qua bao nhiêu đau khổ để kể lại cho cuộc đời. Tôi chưa thấy có điều gì ứng vào mình từ họa văn chương, và cầu mong đừng có. Tôi hình dung cuộc sống hiện đại của một người đàn bà phải cần có ba thứ: con cái và gia đình, tiền bạc, danh vọng. Nếu số phận bắt tôi phải từ bỏ một trong ba thứ đó thì tôi sẽ từ bỏ danh vọng. Nếu bắt tôi phải từ bỏ hai thứ thì tôi sẽ bỏ cả tiền bạc. Nhưng dù sao tôi cũng cầu mong đừng mất đi cả ba thứ đó.

- Tôi nghe thiên hạ kể nhiều, đồn đại nhiều xung quanh cuộc sống gia đình của chị. Ví như chuyện chị và chồng suốt ngày chỉ “mày tao chí tớ”, yêu thì yêu đến cùng nhưng có lúc cũng “choảng” nhau nổ lửa. Hai người con của chị “phát biểu” thế nào trước cách sống của anh chị?

- Tôi có một ông chồng nghệ sĩ, suốt ngày cãi nhau nhưng không chia bỏ được nhau. Chúng tôi khắc khẩu, hai “thằng” hai cá tính, mỗi “thằng” một quan điểm, hai “nghệ” thành gừng. Nhà tôi có một câu mà con tôi hay nói: Bảo nhà mình không được ai mang lửa về nhà, nhưng thực ra lúc nào trong nhà cũng có lửa. Lửa đấy nhưng chóng ngún. Tôi là người cầm trịch trong gia đình, vốn đàn bà cầm trịch hơi lệch, kiểu gà mái gáy, thì nó cũng có sự lệch tông rồi. Thường thì đàn ông cầm trịch sẽ thuận hơn, nhưng chồng tôi nghệ sĩ hơn cả những nghệ sĩ. Nhà tôi không bao giờ cãi nhau vì kinh tế, kinh tế đối với chúng tôi là chuyện nhỏ, thậm chí, nếu tính ra thì chưa cãi nhau vì tiền bạc bao giờ. Chỉ cãi nhau vì những chuyện rất nhỏ nhặt, vặt vãnh nhưng không ai nhịn ai thành to, mỗi “thằng” đóng rầm cửa một cái, thế là giận nhau. Tôi thừa hiểu “chồng giận thì vợ bớt lời” nhưng nhà tôi không thế được, có lẽ đây là sự thiếu hụt của “bọn cá tính”. Thế nhưng trong nhà tôi không bao giờ thiếu tiếng cười. Chồng tôi nổi tiếng cả làng vì hồi mới về khu này, rỗi việc, lão nuôi con lợn rồi chiều chiều dắt lợn đi chơi, đóng cả hai cái thuyền cay-ắc để mang ra sông Hồng đi bơi. Chồng tôi thích rượu, tiên tửu đối với lão là nhất. Ngược lại với lão ấy, tôi không bao giờ say được, dù lão chồng hay dạy tôi uống rượu lắm và nhiều lần đi công tác miền núi uống rượu như uống nước, nhưng uống xong tức ngực, không thở được, vì cơ địa nó thế, nên từ bấy đến nay chỉ uống cho vui thôi. Tôi chưa bao giờ say, kể cả say tình. Còn chuyện xưng hô “mày tao” là một thói quen từ thời trẻ. Tôi không thích kiểu áp đặt của mọi người theo kiểu ngụy tạo. Nhiều cặp vợ chồng cứ nói rằng vì con cái mà sống với nhau, nhưng con cái chúng ta thông minh vô cùng, nó không cần sự giả dối ấy. Mẹ chồng tôi ngày xưa chửi chúng tôi là “quân nô đồ nô tĩ” khi thấy chúng tôi “mày tao chí tớ”, nhưng dần cũng quen đi. Con cái chúng tôi trưởng thành và được giáo dục bình thường, lớn khôn và ngoan ngoãn. Con gái tôi hiện đang học thạc sĩ kiến trúc tại Pháp, đầy cá tính và thông minh, con trai tôi đang học lớp 10. Và tôi biết rằng, chúng nó vui vì được sống dưới mái nhà này…

- Nói thật là tạo hóa rất không công bằng vì đã ban cho chị một giọng nói cực kỳ nhẹ nhàng và quyến rũ, ngược hẳn với tính cách đáo để, “hổ vồ” thường thấy của chị. Tuy nhiên, có lẽ mỗi tuổi một khác, biết đâu, từ bây giờ, chúng ta sẽ được gặp một Y Ban nhẹ nhàng như chính giọng nói của chị?

- Nhà báo Trần Hoàng Nhân lần đầu tiên gặp tôi ở Đại hội nhà văn đã nói rằng: “Giọng nói của chị trong trẻo, nhẹ nhàng thế mà sao mọi người cứ bảo chị ghê gớm”. Mới đây, tôi đi xăm hai con chim bé ở vai và một lần mặc chiếc áo “hở vai” để “khoe hàng” thì một cháu đi trên xe bus hỏi tôi: “Cháu nhìn cô đầy tri thức, phúc hậu thế sao trông cô xăm trổ như tay anh chị thế?”. Tôi phải nói một câu mà chưa chắc cháu nó đã hiểu: “Cuộc đời vốn dĩ như thế mà cháu, có khi trí thức thường lại núp bóng dưới tay anh chị, và ngược lại”. Y Ban vốn là một người đàn bà bặm trợn, băm bổ nhưng cũng là một người đàn bà nấu ăn rất ngon, thích hát nhạc sến, nhạc vàng, có thể ngồi hàng giờ xem phim Hàn Quốc, xem phim ma, thậm chí đan xen với phim hành động Mỹ. Bây giờ tôi ngoài công việc biên tập tổ chức số chủ nhật và đặc biệt hàng tháng tại Tòa soạn Báo Giáo dục thời đại thì về nhà nấu cơm cho chồng con. Thứ 7, chủ nhật thì rủ chồng con đi uống cà phê, chém gió. Nói thì nói vậy thôi, trẻ thì mình có thể làm mọi việc, nhưng giờ thì phải điều chỉnh, không được thô lỗ cục cằn nữa. Cuộc đời con người như một dòng sông, nó phải luôn chảy, dừng lại chỉ là một dòng sông chết. Tôi điều tiết bằng cách nói ít đi. Người ta từng nói, cần 3 năm để học nói nhưng cần cả đời để học im lặng. Ngày xưa bảo yên ổn từ ngôi nhà mình, nhưng tôi nghiệm ra không phải thế, họa từ nhà họa ra, họa từ miệng mà ra. Cuộc đời có những va vấp làm mình khôn ngoan ra. Y Ban bây giờ vẫn sống trung thực với chính mình nhưng không phải là một “con thiêu thân” Y Ban nữa.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thiên Kim
.
.