Phó Giáo sư – Tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái:

Xuống âm u sâu thẳm trái tim

Thứ Ba, 24/01/2017, 13:45
Nhiều người cứ ngỡ chị có "trái tim đá" nhưng dường như họ đã sai khi nghĩ vậy, bởi vì chỉ có ai thật gần hay cố gắng để đọc chị, để hiểu chị thấy một Minh Thái khác, khác lắm.

Chả ai còn lạ khuôn mặt ấy, sắc vóc ấy, cả ngữ điệu đôi khi hùng hồn và đanh thép ấy, nói thì như suối tuôn nước chảy, lắm khi "đập đầu đè lưỡi" người khác, đã từ lâu là gương mặt thân quen trên truyền hình hay những kì hội thảo, hoặc thành viên oai quyền trong ban giám khảo của nhiều cuộc thi nghệ thuật.

Nhiều người cứ ngỡ chị có "trái tim đá" nhưng dường như họ đã sai khi nghĩ vậy, bởi vì chỉ có ai thật gần hay cố gắng để đọc chị, để hiểu chị thấy một Minh Thái khác, khác lắm. Nước mắt còn dài hơn dòng sông, nỗi buồn còn rộng hơn biển cả, tâm hồn cô đơn băng tuyết che cả ánh trắng và sức nóng bung tỏa lấp cả mặt trời. Đã có một Nguyễn Thị Minh Thái như thế, chỉ để sống một đời và chết một lần.

Lần nào gặp, từ trước đây cho đến tận bây giờ, ở tuổi ngoài lục tuần, chị vẫn nồng nàn nữ tính, vẫn yêu kiều lộng lẫy váy áo, má thắm môi son. Hẳn, chị không phải là người đơn giản tuềnh toàng, mà trái lại, rất kĩ lưỡng. Người phụ nữ đẹp là người phụ nữ có quyền năng. Và nếu thời gian cướp đi vẻ đẹp thanh tân tươi trẻ thì quyền năng của nét đẹp ấy giờ đây sẽ là tri thức, phong thái, trí tuệ và một vẻ ngoài bắt mắt ưa nhìn.

Chị hiểu rõ điều ấy và đã tận dụng triệt để. Nhưng nếu là chỉ mang một vẻ bắt mắt ưa nhìn, thì rồi gương mặt ấy cũng sẽ lẫn vào dòng đời, với dòng người ngược xuôi, hối hả. Không, may thay, chị lại mang vẻ đẹp riêng, rất riêng, nếu không muốn nói là dị biệt.

Tôi đã ngồi với một số nhà văn nữ, họ cho rằng chị rất ghê, sự ghê của chị khiến cho người ta e dè, kiêng sợ và người yếu bóng vía thì khiếp nhược. Ui, đàn bà tuổi hổ, sinh vào giờ gì, mùa nào trong năm mà lại oai phong lẫm liệt là vậy? Nhưng làm đàn bà thì hãy như cây liễu chứ đừng như cây tùng, cây bách mà đời thì trắc trở truân chuyên. 

Minh Thái có tình cảm đặc biệt dành cho NSND Lê Khanh, thậm chí có nhiều bài báo viết cho riêng cho Khanh, và mỗi lần nhắc đến Lê Khanh thì người phụ nữ tuổi hổ Minh Thái đều có một sự ấm áp, yêu mến đủ đầy. 

Minh Thái tuổi hổ. Lê Khanh cũng tuổi hổ. Lê Khanh kém chị một giáp. Thường thì hai con hổ cái khó mà yêu nhau. Để lí giải vì lẽ gì mà một con hổ cái lớn lại yêu một con hổ cái con trên một sân chơi chung sân khấu? Tại sao "trái tim đá" kia lại mềm ra, tan chảy là một câu chuyện được mọi người truyền tụng nhau.

Câu chuyện cách đây đã vừa tròn 20 năm về trước. Năm 1996, khi ấy, tôi cũng đã chứng kiến sự việc, tuy không trọn vẹn. Lê Khanh mới ngoài 30 tuổi, là một solist chính của Nhà hát Tuổi Trẻ. Năm đó Nhà hát Tuổi Trẻ dựng vở Bến bờ xa lắc của nữ tác giả Lê Thu Hạnh, NSND Xuân Huyền đạo diễn.

Ông đã chọn ra một ê kíp diễn viên là gương mặt sáng giá nhất của nhà hát: Anh Tú, Đức Trung, Chí Trung, Lan Hương, Lê Khanh. Lê Khanh vào vai Thúy, nhân vật chính của vở kịch. Câu chuyện kịch kể về một người đàn bà hằng ngày chỉ biết có nội trợ, chăm lo cho chồng con, cuộc sống đơn điệu, nhàm chán cứ trôi qua trong mỗi ngày.

Rồi một hôm có một người đàn ông đến nói những câu ngọt ngào êm ái làm thức tỉnh trái tim yên ổn ngủ lâu ngày của chị. Chị cảm thấy dằn vặt, có tội với chồng nhưng tình yêu mãnh liệt với người đàn ông còn lớn hơn gấp bội. Người đàn bà cảm thấy như lần đầu tiên biết yêu và được yêu. Chính trong sự hân hoan cao độ tận cùng dâng hiến đó, người đàn ông đã hẹn người đàn bà trên một sân ga. Họ sẽ cùng nhau đi trên một chuyến tàu đến một nơi xa thật xa để đắp bồi thỏa thuê hạnh phúc.

Chao ôi! Hạnh phúc là thứ xa vời. Người đàn bà cả tin từ bỏ gia đình xách va-li đến sân ga ngóng đợi người đàn ông, nhưng anh ta đã không đến. Người đàn bà trở về gia đình và chết trong sự đau đớn của một trái tim ngây thơ, trong trắng bị tổn thương, bị phản bội, cả sám hối về tội lội. Người đàn bà đó đã chết như không thể sống.

Nhiều người quả quyết rằng khi trên sân khấu Lê Khanh vai Thúy đến sân ga để đợi người đàn ông mà mình say đắm tin yêu, nhưng anh ta đã không tới. Ở dưới hàng ghế khán giả, người ta nhìn thấy nữ tiến sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái lặng lẽ lau những giọt nước mắt; toàn thân chị run rẩy.

Hình như có một sự xung động nào quá lớn và không thể kiềm chế được nữa. À, phải chăng? Hay chăng? Có một mối liên hệ mật thiết giữa nhân vật người đàn bà bị phản bội tên Thúy và người đàn bà tên Thái? Người ta bảo Minh Thái chính là Thúy. Chính là người đàn bà của tận cùng đau khổ khi tận hiến cho tình yêu và đã bị bỏ rơi ngay giữa sân ga. Nhiều người đồn đoán vậy.

Và, sau này, chính chị cũng đã lên tiếng thừa nhận, kí ức đau buồn trong tập thơ Tị nạn chiều. Minh Thái đã yêu, đã say, đã mê tơi điên đảo, quay cuồng ngây ngất với người đàn ông đó. 

Chị bỏ tất cả lên TP HCM để đến với người đàn ông vào một buổi chiều. Nhưng rồi bóng chiều tắt nắng và người đàn ông kia đã không tới. Chỉ còn lại một mình bơ vơ nơi đất khách quê người. Ôi, đáng thương làm sao, một trái tim đàn bà, rất mực đàn bà, dại khờ ngây thơ tinh khiết trong tình yêu. Tự làm khổ mình. Tự làm đau mình. Tự hành hạ mình. Tự giết chính mình.

Cũng tất cả chỉ vì một chữ "yêu": "Em như cả trái đất bỗng biến thành sa mạc/ sa mạc mênh mông/ em khát cạn khát kiệt/ anh ở đâu? Ở đâu?/ Người yêu ơi/ sao không đến bên em/...". Hay: "Đơn côi đứng ở cuối đường/ chờ ngươi yêu không thấy đến/ đã thành thiếu phụ/ chao ơi/ anh đã vò nát em như chiếc lá...". Đó là những câu thơ được viết năm 1973.

Để rồi gần 20 năm sau, người đàn bà đa đoan và sầu khổ trong tình yêu này lại cứ thế mà tiếp tục thất vọng, rên xiết vì yêu. Năm 1992, chị đã viết: "Tôi không biết tôi là ai/ Giọt máu rơi trên cỏ?/ Đứa bé bị bỏ quên ngoài chợ? Hòn sỏi lẻ bên bờ biển hoang?/ Giọt lệ chát cuối ly rượu?/ Mảnh của chiếc cốc vỡ?/ Tôi chỉ còn nơi bấu víu là chiều/ Chỉ còn nơi tị nạn là chiều...".

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái trong một chương trình truyền hình.

Sao lại đắng cay mà chua chát đến thế! Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Đoàn Hương đã từng nhận định về người bạn của mình - tiến sĩ Nghệ thuật học Minh Thái: "Người đàn bà trong thơ Nguyễn Thị Minh Thái dường như còn đau đớn hơn người đàn bà trong thơ Xuân Quỳnh, vì người đàn bà thơ Xuân Quỳnh còn có nơi chốn để nương náu, để quay về, còn người đàn bà thơ của Minh Thái thì không. Không còn nơi về trong buổi chiều ấy. Đành đoạn tị nạn vào chiều". 

Sau này, chính chị cũng đã thốt lên: "Tôi không tị nạn vào chiều thì tị nạn vào đâu?". Cả trăm, cả nghìn, cả triệu người đàn ông trong trái đất này, đông đúc thế, ngột ngạt thế, chả nhẽ không tìm ra lấy một người để cho chị - một phụ nữ còn hơn cả phụ nữ mang trái tim mong manh run rẩy dễ vỡ tị nạn vào. Thương lắm thay!

Người đàn bà đẹp thì thường đa đoan, người đàn bà đẹp và tài thì sẽ ra sao? Số mệnh chăng. Nhiều người kể, ngày trẻ, chị đẹp lắm và cũng lúng liếng lắm. Hồi còn làm ở Tạp chí Sân khấu, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, chị nổi tiếng là người phụ nữ "sát giai” số 1. Nhiều đàn anh nghệ sĩ vai vế, tên tuổi tiếng tăm lẫy lừng chết mê chết mệt, say đắm, ngây ngất chị, nhưng chị kiêu lắm. 

À, mà hình như là cái số. Người yêu chị, chị lại không yêu. Người chị yêu, họ yêu ai, không rõ. Một cái vòng luẩn quẩn. Thế nên mới khổ. Mới ra thơ. "Tôi đã cố chia tay nỗi buồn/ bằng cách/ dỗ dành nó ngủ yên/ Rồi buông bỏ/ xuống âm u sâu thẳm trái tim/ như/ chiếc áo đầy hơi hám của chàng/ giấu thật sâu đáy tủ...". Có ai sung sướng đề huề no đủ mà ra thơ được đâu.

Năm nay năm Bính Thân, các cụ bảo: "Dần, Thân, Tị, Hợi tứ hành xung", chị cũng vấp phải vận xui rủi, ung thư trực tràng. Cái tin có thể làm quật ngã người bệnh, vậy mà người phụ nữ lúc nào cũng ầm ào dông bão chống lại bệnh tật, băng qua nó, để rồi sau một thời gian, người ta lại thấy chị thần thái hơn, ung dung hơn, như chưa từng có bệnh.

Chỉ có thể lí giải một năng lượng sống dồi dào cuồn cuộn chảy như núi lửa ngàn năm trùng điệp dâng trào bung tỏa trong cơ thể người phụ nữ ở tuổi lục tuần mới băng qua bệnh tật như thế. 

Trong lúc cơn đau thể xác hoành hành, đó là tháng 5, mùa hạ sen nở, sáng sớm chị đến đầm sen Tây Hồ ngắm những bông sen, cẩn thận tỉ mẩn hàng tháng trời học cách làm trà của gia đình nghệ nhân trà sen, để rồi tự tay thưởng cho mình và những người bạn tách trà sen thơm mát vị hương sen Tây Hồ. 

Khi ốm, thời gian nằm ở nhà dưỡng sức chị đã tạo cho mình một khu vườn xanh tươi mát. Đó là những chậu hoa giấy, giỏ hoa lan, khóm cây rau xanh mướt đu đưa đón nắng, gọi gió.

Ngôi nhà ấy, hàng chục năm nay không có bóng dáng đàn ông, hay là có đến rồi lại lặng lẽ ra đi? Nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn luôn tin rằng, đi cuối đường hầm là ánh sáng. Và, tôi nghĩ, chị cũng tin điều đó là có thật. Biết đâu. Chờ xem.

Trần Mỹ Hiền
.
.