Vượt lên dốc đứng

Thứ Ba, 04/12/2007, 23:00
Tôi tin, con người ai sinh ra trên đời cũng có một số phận. Hạnh phúc hay khổ đau, sung sướng hay tận khổ, thành đạt hay bất hạnh đều có một bàn tay vô hình... Và ông trời sẽ không cho ai tất cả hay lấy đi của ai đó tất cả. Mỗi người đã có một phận số, một chốn nhỏ nhoi trong vũ trụ này để sinh thành.

Thế nhưng với chị Đào Phương Thanh, người phụ nữ bị HIV/AIDS, trưởng nhóm Hoa Sữa, một nhóm tự lực của người có HIV rất nổi tiếng ở Hà Nội thì cuộc đời là một chuỗi ngày tháng dốc đứng trong số phận tàn khốc.

Chị là một người đàn bà đẹp. Ba mươi chín tuổi rồi vẫn làm cho người đối diện một cảm giác dịu lòng bởi vẻ đẹp đằm thắm, đa mang. Nhìn chị cảm giác mọi thứ thật bình an, cuộc sống có bao điều đáng sống.

Mà đúng vậy, chị đang tỏa sáng và cháy hết mình cho quãng thời gian còn lại của cuộc đời. Chị đang cấp tập sống, chạy đua với thời gian, dâng hiến cho đời lòng thiện tâm và tâm hồn chan chứa tình nhân ái của chị.

Ngõ Lương Sử B, phố Quốc Tử Giám, Hà Nội là nơi chị ở. Ngôi nhà nằm sâu hút trong tận cùng ngóc ngách của ngõ phố chật chội. Không ai có thể hình dung được, chính nơi này, trong ngôi nhà nhỏ vẫn còn lụp xụp kia, mỗi một thành viên đều được sinh ra trong dốc đứng của số phận.

Bố mẹ chị có bốn người con. Chị Đào Phương Thanh là con cả, kế là hai em gái và cuối cùng là một cậu con trai út. Mười tám tuổi, chị Thanh đã lên xe hoa theo chồng về Hải Phòng. Chồng chị là một thủy thủ tàu viễn dương. Hạnh phúc chưa kịp thấm vị ngọt trên môi, chị mang thai con gái đầu lòng, cháu chưa ra đời thì chồng chị bị tai nạn đắm tàu biệt xác ở ngoài khơi.

Người đàn bà góa chồng từ năm 19 tuổi, nặng nhọc sinh con một mình. Không có việc làm, chị sống cùng gia đình chồng và lo nội trợ. Di cư cùng gia đình nhà chồng vào Nam 9 năm, năm 1995 chị bứt ra khỏi gia đình chồng, bứt ra khỏi quá khứ khổ đau và ám ảnh với người chồng bạc mệnh, chị về lại Hải Phòng quê chồng với một công việc không giống ai: Lái xe cho sếp.

Hành nghề lái xe được 5 năm tại một công ty khá lớn ở Hải Phòng, năm 2000, nhận được tin em trai chị nghiện ma tuý nặng và có HIV, chị quyết định bỏ hết, ôm con trở về nhà chăm sóc cha mẹ và các em.

Hoàn cảnh gia đình của chị rất éo le. Mẹ chị bị tai biến mạch máu não nằm suốt 15 năm. Một cô em gái kề chị dở người đi lang thang rồi có chửa, rồi sinh ra hai đứa trẻ không biết cha là ai. Vứt lại hai đứa trẻ còn đỏ hỏn cho ông bà, em gái chị bỏ đi biệt tích không tìm được.

Trước những tai ương dồn dập của gia đình, bệnh của mẹ chị càng nặng hơn, bà nằm liệt giường rồi mê mê tỉnh tỉnh. Cha chị còng lưng trước những đòn đau của số phận, con trai út độc nhất có HIV, con gái lớn chồng mất sớm, con gái thứ điên dại, sinh đẻ rồi bỏ con lại đi biệt tích, ông suy nghĩ nhiều sinh trọng bệnh.

Căn bệnh ung thư gan tai ác. Trở về nhà trong một gia cảnh hết sức bấn loạn, bi đát, chị Thanh quyết định không đi đâu nữa. Cũng không ai ngờ, HIV rồi sẽ cột chặt vào cuộc đời chị như một ám ảnh của số phận. Bốn năm trời chị túc trực bên giường bệnh chăm cha mẹ, chăm em trai giai đoạn cuối của AIDS.

Rồi tai họa ập đến một cách không gì đau đớn hơn. Trong một lần rút kim truyền dịch cho em trai chị, khi đóng nắp kim tiêm, chị bị trượt tay, kim tiêm đâm qua găng vào ngón tay đeo nhẫn. Cả nhà chị hốt hoảng xúm vào nặn ra bao nhiêu máu ở đầu ngón tay cho chị.

Khủng hoảng tinh thần, chị đi xét nghiệm, kết quả lúc đó vẫn âm tính, không làm chị bớt hoang mang. 9 ngày sau khi cha chị qua đời, em trai chị cũng trút hơi thở cuối cùng trên tay chị. Chôn cất hai người thân xong chị lại đi xét nghiệm HIV, lần này đúng như những dự cảm về tai ương, chị có HIV.

Khủng hoảng và suy sụp, chị nằm bệt cả tháng trên giường, không bước ra khỏi nhà, sợ ánh sáng, sợ tiếng người, sợ những âm thanh của cuộc sống, những âm thanh trước đó nuôi sống chị thì giờ đây làm chị đau nhức nhối, làm cho chị kiệt sức.

Chỉ mấy tháng sau đó, mẹ chị cũng qua đời. Ba cái tang dồn dập đến trong một năm, một mình chị và cô em gái gồng sức lên để chịu đựng, để thu xếp. Chị gắng gượng trở dậy, không phải vì chị mà vì đứa con gái của chị, vì hai đứa cháu bơ vơ, vì còn một cô em gái cũng như chị đang sấp ngửa bươn chải để phụ giúp gia đình lần hồi qua cơn bĩ cực.

Nghĩ lại những tháng ngày sóng gió ấy, chị Thanh vẫn còn rùng mình. Số phận như một con dốc đứng phía dưới là vực thẳm và tất cả mọi thành viên trong gia đình chị đang bấu víu trong con dốc đứng ấy để sống, một chút mỏi tay thôi là rơi vào vực thẳm.

Không thể giấu mãi bệnh tật, 7 tháng sau khi phát hiện mình có HIV, chị Thanh quyết định bước ra ánh sáng, quyết định công khai mình là người có HIV. Và đây chính là hành trình để chị tự cứu lấy bản thân mình, cứu gia đình, cứu cả những người cùng cảnh ngộ.

Chính trong giai đoạn này, có nhiều người đã đến bên chị, giúp đỡ chị và dẫn chị bước qua bãi lầy của số phận. Chị đã không thể nào quên ơn với chị Quy, cán bộ Chữ thập đỏ quận Đống Đa, người đã giúp chị bước qua những mặc cảm bệnh tật, quay trở lại tham gia các tổ chức tình nguyện giúp đỡ và chăm sóc những người có HIV (trước đây vì em trai bị bệnh, chị Thanh đã làm tình nguyện viên).

Và còn một miền quê nữa, nơi đã dạy cho chị biết về tình yêu thương, sự chia ngọt sẻ bùi, nơi giúp chị nhận ra rằng con người ta hãy sống trong đời sống này bằng một tình yêu mặc dầu, một tình yêu không điều kiện, một tình yêu chỉ có dâng hiến và ban phát mà không bận tâm mình sẽ nhận lại được gì. Đó chính là những con người ở Hà Tĩnh.

Những ngày đầu khó khăn ấy, rất nhiều tổ chức biết đến và mời chị đến chia sẻ kiến thức. Tổ chức Policy và tổ chức Care đào tạo các kỹ năng thành lập nhóm, điều hành nhóm những người có HIV tự lực giúp nhau. Thời gian đó chị đi theo các tổ chức, đoàn thể tập huấn tuyên truyền các kiến thức và kỹ năng.

Hà Tĩnh là nơi để lại cho chị nhiều bài học về tấm lòng nhân ái. Chị kể rằng, sau mỗi khoá tập huấn giảng dạy, các học viên được bao nhiêu tiền bồi dưỡng của dự án đều quyên góp lại để chị mang về nuôi 3 đứa trẻ.

Sau này trở về Hà Nội rồi, chị Lan ở Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh vẫn quyên góp tiền gửi ra giúp chị. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Cầm những đồng tiền của những người dân ở một miền quê nghèo khó, lam lũ, đất cày lên sỏi đá, chị đã khóc rất nhiều. --PageBreak--

Chị qua được cơn hoạn nạn cũng từ những đồng tiền của những tấm lòng biển lớn ấy. Chị đã nghĩ rất nhiều về tình thương, lòng nhân ái mà con người có thể trao cho nhau một cách vô điều kiện ở mảnh đất còn quá vất vả cực khổ này.

Từ đó chị lao vào học tập, rèn luyện. Ngày 8/8/2004, chị thành lập nhóm Hoa Sữa, vận động những con người bất hạnh quần tụ về nương tựa bên nhau, cứu giúp nhau. Không có trụ sở, ngôi nhà cấp bốn bé nhỏ xập xệ của cả gia đình chị trở thành địa điểm cho những người có HIV trên địa bàn Hà Nội tìm đến sinh hoạt và chia sẻ.

Ban đầu nhóm chỉ có 6 người, gian nan và vất vả bởi không có kinh phí. Bây giờ con số đó đã trên 100 người. Nhóm Hoa Sữa làm được những việc rất thiết thực. Chị Thanh được mời vào làm việc ở tổ chức Smartwork với dự án "HIV/AIDS tại nơi làm việc” - một phần của chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (BSPS) được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Cuộc sống của chị Thanh đã ổn định hơn rất nhiều. Chị, con chị và các cháu của chị giờ đã có thể sống một cuộc sống bình an mà không phải lo đứt bữa cơm bữa cháo.

Có được chút tiền từ những hợp đồng ký kết với nước ngoài trong công việc đan len của tổ, quyên góp từ những người từ thiện, những tổ chức hảo tâm, từ người bố nuôi ở tận Canada, chị xây nên được căn phòng nhỏ nơi tầng 3 ngôi nhà của chị để làm trụ sở sinh hoạt của nhóm.

Ở đây mỗi tuần hai lần, những thành viên nòng cốt trong nhóm của chị họp lại bên nhau phân chia công việc. Một tuần tới 5 ngày nấu cháo từ thiện để mang vào phát ở Bệnh viện Đống Đa, ngày nào nhóm cũng phân chia nhau đi chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối tại bệnh viện và gia đình bệnh nhân.

Đặc biệt, chị Thanh là người xông xáo và đứng mũi chịu sào bước vào những nơi khó khăn nhất. Chị tự tay chăm sóc cho những bệnh nhân lở loét cả người mà đến người thân cũng không dám lại gần, tự tay khâm liệm cho những bệnh nhân vô gia cư, không người thân.

Hơn 100 thành viên Hoa Sữa trong năm 2007 đã mất 11 người. Tuần này, nhóm chị cũng vừa mất 2 thành viên, nhìn những anh em gắn bó bên nhau bao nhiêu lâu, đỡ đần nhau lúc đơn độc nhất dần dần rơi rụng hết vì căn bệnh nan y này, chị Thanh ứa nước mắt.

Điều mà chị và các thành viên trong nhóm Hoa Sữa của chị làm được, đấy là không sợ chết, coi cái chết là việc tự thân, việc sẽ phải xảy ra trong cuộc đời mình để mình thanh thản đón đợi nó vào cái ngày không thể cưỡng lại được. Vì thế mình còn sống trên đời ngày nào, còn có sức khỏe, bổn phận của mình phải mang lại niềm vui, yêu thương và chia sẻ nỗi đau cho những người cùng cảnh ngộ.

Quỹ thời gian sống càng ít ỏi, càng phải vội, càng phải làm thật nhiều việc tốt để mọi nỗi đau được vơi bớt. Nhóm của chị sau khi bị bệnh, hầu hết mọi người đều tìm đến một đức tin để cứu rỗi, để sám hối, để thanh lọc chính mình.

Đó là đức tin vào Chúa Trời. Một tuần, cả nhóm dành sáng chủ nhật để đi lễ nhà thờ ở Ngõ Trạm. Một tuần chỉ có lấy vài giờ đồng hồ rảnh rang không bận việc để đến quỳ trước tượng Chúa cầu xin phước lành. Chị Thanh tin một ngày nào đó, khi chị bỏ thế gian này, linh hồn chị và các bạn chị sẽ đến được nước Chúa.

Chỉ cần sống với niềm tin ấy chị đã thấy đáng sống lắm rồi. Và đến với Chúa, chị mới biết tình yêu mặc dầu đã có sẵn nguyên thủy trong con người chị. Chỉ tại chị không biết, không nhận ra, không khơi dậy nó như bây giờ.

Chiều muộn, tôi vội vã trở về trường đón con gái sau buổi trò chuyện với trưởng nhóm Hoa Sữa. Hà Nội đã lên đèn, hoàng hôn gió đã se vai. Tôi lại đón con muộn sau bao lần bận việc.

Nhìn gương mặt buồn thiu ngơ ngác của con trước cổng trường mà thắt lòng. Con gái tôi chỉ hỏi: "Mẹ ơi, sao trường mẹ học muộn thế?" (vì tôi cũng đang phải đến lớp như nó). Con gái tôi đã biết không khóc mỗi lần tôi đón muộn, và đã biết quên đi nỗi sợ bố mẹ quên đón.

Tôi kể cho con nghe về một người phụ nữ bỗng nhiên bị bất hạnh ập tới. Người phụ nữ ấy đã đối xử với nỗi bất hạnh của mình bằng cách tự băng bó vết thương, tự đứng lên dù trong tận khổ tìm cách để vượt qua. Và chị đã rất thành công khi đã đến với cuộc đời, đi qua mọi nỗi bất hạnh với tình yêu mặc dầu. Con gái tôi đã hỏi tình yêu mặc dầu là gì hả mẹ?

.
.