Vườn thi nhân thành phố Cảng có Thi Hoàng

Thứ Sáu, 17/03/2006, 08:51

Mỗi lần viết xong một tập thơ, Thi Hoàng đều ốm thập tử nhất sinh, có lẽ là do đã vắt hết sức cho tác phẩm.

Nhà thơ Thi Hoàng làm thơ và có thơ đăng báo Văn Nghệ từ thập niên 60. Anh bảo hình như là năm 1963 hay 1964 gì đó! Năm 1967, Thi Hoàng đang làm cán bộ kỹ thuật ngành Giao thông, theo tiếng gọi của đất nước, của quân đội anh lên đường nhập ngũ rồi vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Một thời gian sau anh bị thương phải chuyển ra Bắc điều trị. Vết thương lành, nhưng Thi Hoàng không còn đủ sức khỏe trở lại chiến trường. Anh được điều về làm công tác xuất bản ở Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng.

Năm 1976 Thi Hoàng chuyển về Hội Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng làm cán bộ biên tập Tạp chí Cửa Biển cho đến ngày nghỉ hưu, năm 2004.

Hải Phòng là một vùng đất rất lạ. Chỉ nói từ thập niên 20 của thế kỷ trước đến nay, cứ sau vài mươi năm đất này lại phát tích, lại sinh ra những con người tài năng, một trào lưu văn học nghệ thuật đặc sắc.

Đó là thi sĩ Thế Lữ - người đi tiên phong trong phong trào Thơ Mới. Và hàng loạt các tên tuổi văn chương, nhạc, họa khác như: Khái Hưng, Trần Tiêu (nhóm Tự lực văn đoàn); Nguyễn Huy Tưởng, Tchya (Đái Đức Tuấn), Lan Sơn, Lê Đại Thanh, Đặng Xuân Thiều, Hoàng Công Khanh, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Đoàn Chuẩn... Rồi đất này cũng là nơi ra đời của nhóm nhạc Đồng Vọng với nhiều nhạc sĩ tên tuổi: Hoàng Quí, Hoàng Phú, Canh Thân, Phạm Ngữ, Văn Cao... Những ca khúc của họ đến nay vẫn làm rung động lòng người.

Và trong vườn thi nhân đất Cảng, Thi Hoàng là một trong những người kế tục xứng đáng.

Năm 1971, Thi Hoàng có thơ in chung trong tập “Cửa sông” (NXB Tác phẩm mới) cùng với Nguyễn Tùng Linh, Thanh Tùng. Rồi đến năm 1976, Thi Hoàng ra tập thơ riêng có tên “Nhịp sóng” (Hội Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng). Mấy năm sau, Thi Hoàng cho in trường ca “Gọi nhau qua vách núi” (NXB Quân đội nhân dân).

Trường ca “Gọi nhau qua vách núi” xuất hiện trên thi đàn chẳng bao lâu thì cũng là lúc tên tuổi Thi Hoàng trở nên một hiện tượng và nhanh chóng được xác lập. Thực ra thơ và tên tuổi Thi Hoàng đã có trong bộ nhớ người yêu thơ Việt Nam từ khá lâu rồi nhưng phải đến “Gọi nhau qua vách núi”, thơ anh mới được công chúng đón nhận với một thái độ yêu quí nồng nhiệt và trân trọng như thế. Từ đấy người ta càng thêm nhớ, càng thêm thuộc những câu thơ của Thi Hoàng hơn:

Trời thì xanh như rút ruột mà xanh

Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc

Hay:

Một buổi chiều không biết cất vào đâu

Và nhiều, nhiều nữa những trường đoạn thơ, những bài thơ, những câu thơ ám ảnh, giàu chất nhân văn nhưng cũng rất quyết liệt, đầy bản ngã mà tình thi của nó luôn làm cho người ta say đắm ngẫm ngợi.

Trường ca “Gọi nhau qua vách núi” như là một sự khẳng định đẳng cấp và thương hiệu thơ Thi Hoàng. Với tập trường ca này, ngoài những dư ba của nó còn mang đến cho nhà thơ một sự tôn vinh. Tập trường ca “Gọi nhau qua vách núi” vừa xuất bản tháng 10/1995 thì ngay cuối năm này Thi Hoàng nhận liền một lúc hai giải thưởng văn chương: Một là giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm của thành phố Hải Phòng, một của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tưởng thi hứng của Thi Hoàng đã bị vắt kiệt cho tập trường ca “Gọi nhau qua vách núi”, ai ngờ chỉ hai năm sau anh lại cho xuất bản tiếp tập thơ “Đom đóm và sao”.

Thi Hoàng là một người chẳng mấy sức vóc gì mà khi làm việc cho thơ thì khiếp lắm. Khi anh đang viết là lúc anh vắt kiệt sức mình cho thơ, nhất là những trường ca dài hơi thì tiêu hao sức lực lắm. Vì thế nên mỗi lần viết xong mỗi tập sách, Thi Hoàng đều lăn ra ốm thập tử nhất sinh. Lần nào Thi Hoàng cũng phải vào bệnh viện nhờ cậy sự chăm sóc của bác sĩ cả. Việc này bạn bè và đồng nghiệp của anh đều biết và nghiệm ra đúng là vậy.

Ngay năm đầu thiên niên kỷ mới 2001, khi tập “Bóng ai gió tạt” đưa vào nhà in thì Thi Hoàng vẫn không “quên” ốm. Nhưng lần này may chỉ là qua loa. Anh điều trị tại gia đình ít ngày thì khỏe trở lại.--PageBreak--

Thi Hoàng ít nói và rất ngại phát biểu trước đám đông. Nhưng đôi khi ngồi tụ vạ cà phê với người hợp cạ hiểu anh thì anh cũng cởi mở và cũng hồn nhiên dốc bầu tâm sự móc hết ruột gan mình ra đấy.

Thi Hoàng là người có khiếu nói tự trào rất hóm hỉnh. Nhiều khi đọc thơ anh là những câu anh vẫn nói chuyện hàng ngày đấy thôi. Vậy mà vào thơ anh chẳng thấy chất khẩu ngữ đâu nữa. Nó được anh hóa giải và tinh luyện như có phép mầu của một phù thủy cao tay đến độ siêu đẳng rồi. Không còn nhận ra dấu vết gì nữa đâu. Thần tình thế đấy.

Cũng lại từ cái tập “Bóng ai gió tạt” kia, cái tập thơ Thi Hoàng tự vẽ lấy bìa nom chẳng mấy ấn tượng, nhưng rồi ai đọc nó thì rồi cũng sửng sốt luôn. Vì nó đáo để và tài hoa ghê lắm. Tôi rất đồng tình và chia sẻ với nhận xét và phân tích về tác phẩm “Bóng ai gió tạt” của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải trong bài viết của anh gửi cho Tạp chí Cửa Biển tháng 5/2005 trong đó có đoạn: “Ông (tức Thi Hoàng) là đại biểu xứng đáng của lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, có đóng góp quan trọng vào tiến trình đổi mới thơ hôm nay”.

Trong bài viết trên nhà thơ Nguyễn Hưng Hải còn trích dẫn rất nhiều thơ trong đó có đoạn Thi Hoàng viết: “Có thể mang nỗi buồn ra trang điểm buổi chiều/ khỏi lo sự già sự vô duyên rình rập/ thanh thản hòa hơi thở mình vào không khí sạch/ khỏi phải nhẩm lại tiền trong túi/ khỏi phải lo bị cảm... nhỡ rồi đây nhà có máy điều hòa”. Hay: “Hoa sen không định thơm thì mới thơm như thế/ Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ/ Mẹ quá xa rồi/ để ta thành con cái của làn hương”.

Tiếng vang của tác phẩm này khiến Báo Văn nghệ phải tổ chức một cuộc hội thảo “Bóng ai gió tạt”. Và, “Bóng ai gió tạt” cũng như “Gọi nhau qua vách núi”, năm 2001, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã trao giải A. Tiếp đến năm 2004 thành phố Hải Phòng lại thêm một giải thưởng cao nữa cho tác phẩm này.

Đã lâu nay tôi không gặp Thi Hoàng. Từ ngày nghỉ hưu anh ít đi làm hay đi chơi nhởi ở đâu đó. Anh thường ở nhà vì khi về hưu, khách khứa bạn bè lại đến thăm nhiều hơn. Cuối tháng 8 vừa rồi anh lên trụ sở Hội Văn học Hải Phòng có việc gì đó. Gặp tôi, anh cười mủm mỉm khoe: “Cái của tao có giấy phép với hợp đồng xuất bản rồi đấy. Bản thảo đang trong nhà in ra đến bông hai rồi. Đang đọc sửa lỗi máy tính”.

Tập sách này là một tập hợp thơ (một tập hợp chứ không phải là tuyển tập) trong đó có bản trường ca mới. Bản trường ca này đã trích in trên Báo Văn nghệ một chương hồi giữa năm 2004. Tên tập thơ ấy khá dài, đúng 27 chữ: “Theo đuổi tự nhiên và những bài liên quan hay là cộng sinh với những khoảng trống”

Võ Quốc Văn
.
.