Vua Lê Thái Tông: Thuận nhân tâm

Thứ Hai, 19/05/2014, 15:47

Vua Lê Thái Tông lên ngôi vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1433, sau khi Đức Thái Tổ Lê Lợi băng hà ở Lam Kinh. Khi ấy, nhà vua mới 11 tuổi nhưng đã dần dà cương quyết nắm lấy mọi quyền bính trong tay mình, “bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp di địch”, như lời sử gia Vũ Quỳnh khen trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”.

Vốn dồi dào thiên tư, lại từng được vua cha rất chăm lo cho việc giáo dục học vấn và tư cách, vua Lê Thái Tông luôn chủ trương nghe lời nói thẳng, thuận nhân tâm, để sửa việc mình và sửa việc đời cho hợp lòng trời và hợp lòng người. Nhờ thế, tuy ngồi trên ngai vàng chỉ có 9 năm, vua Lê Thái Tông đã làm được nhiều việc giúp đất nước đổi thay tốt đẹp. Tuy nhiên, cái chết bất đắc kỳ tử của ông trong Lệ Chi viên đã tạo nên một thảm án tàn khốc vào loại hàng đầu lịch sử Việt Nam, gieo nỗi oan khiên muôn kiếp cho dòng họ danh thần Nguyễn Trãi.

Hướng về kẻ sĩ

Hoàng tử Nguyên Long (tên huý của vua Lê Thái Tông) sinh ra khi Lê Lợi dấy cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn được 6 năm. Mặc dù không phải là con trưởng, mẹ chỉ là vợ lẽ của cha và đã mất ngay từ những ngày đầu gian lao chiến đấu, nhưng Hoàng tử Nguyên Long vẫn được vua cha chọn làm người kế vị nhờ những phẩm chất tốt đẹp sớm bộc lộ. Người con trưởng của Lê Lợi là Tư Tề vì đức hạnh kém cỏi và tính khí ngông cuồng đã bị giáng xuống làm Quận vương, rồi cuối cùng buộc phải sống kiếp thứ dân.

Lên ngôi, vua Lê Thái Tông đã không phụ lòng mong đợi của tiên đế, tự mình chủ động quyết định việc nước chứ không để cho bất cứ ai gây sức ép đối với mình. Và điều mà ông đặc biệt quan tâm, đặc biệt sốt sắng, là tìm kiếm người tài năng và ngay thẳng để cùng lo quốc gia đại sự. Noi gương vua cha, ngồi chưa ấm chỗ trên ngai vàng, ngay từ ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1434, vua Lê Thái Tông đã ra lệnh chỉ cho văn võ bá quan: “Đạo làm tôi cốt yếu ở hai điều. Trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân. Yêu vua phải hết lòng trung, yêu dân phải hết lòng thành, thế thôi. Tất cả các quan được trẫm tin dùng, nếu có ai không hết lòng trung thành, bỏ bê phận sự, thì nhà nước đã có luật pháp. Mới rồi, tìm người hiền để giúp việc trị nước, đã có lệnh cho mọi người tiến cử người mình biết. Nay đã lâu rồi mà chưa có ai theo lệnh tiến cử một người nào để đáp lại lòng trẫm là cớ làm sao?”.

Hơn một tuần sau đó, nhà vua đã ra tiếp lệnh chỉ cho quan lại phải lập ngay danh sách người của địa phương mình tới dự thi, ai đỗ thì được miễn lao dịch, bổ vào Quốc Tử Giám… Khoa thi đầu tiên được tổ chức ngày 4 tháng 2 năm 1434 đã lấy đỗ được hơn 1.000 người, chia làm ba bậc. Những người đỗ bậc một và hai thì được đưa về Quốc Tử Giám, những người đỗ bậc ba được cho về học tại nhà học của các địa phương. Tất cả những người này đều được miễn lao dịch… Tháng 8 cùng năm, nhà vua xuống chiếu định khoa thi chọn học trò, làm cái việc mà vua cha Lê Thái Tổ vì những lý do khách quan chưa kịp làm khi còn sống: “Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ sĩ phải lấy thi cử làm đầu. Nhà nước ta từ thuở xưa loạn lạc, người anh tài như lá mùa thu, bậc tuấn kiệt như sao buổi sớm. Thái Tổ ta buổi đầu dựng nước, mở mang nhà học, dùng cỗ Thái Lao (tức lễ lớn, có đủ ba giống vật là trâu, dê và lợn) để tế Khổng Tử, rất mực sùng Nho, trọng đạo. Nhưng vì nước mới dựng, nên chưa kịp đặt khoa thi. Trẫm nối theo chí hướng người xưa, lo được nhân tài để thỏa lòng mong đợi…”.

Quy định thi đã được đặt ra khi đó: Kể từ năm 1438, thi Hương ở các đạo; sau đó một năm, thi Hội ở sảnh đường tại kinh đô Thăng Long. Cứ thế từ đó, ba năm sẽ có một lần thi lớn, ai đỗ thì được ban danh hiệu Tiến sĩ xuất thân. Năm 1437, chưa làm được việc lớn thì làm việc chưa lớn, nhà vua đã tổ chức thi làm tính, ai có ham muốn và tri thức, dù là dân lao động hay là sinh đồ cũng đều được tham dự. Kỳ thi ấy đã lấy đỗ 690 người để bổ làm thuộc lại các nha môn. Tháng 3 năm 1442, nhà vua đã tổ chức thi Hội cho sĩ tử cả nước. Khoa ấy có 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, 7 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, 23 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân (trong số này có nhà sử học Ngô Sĩ Liên). Nhà vua - lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - đã sai soạn văn bia và cho dựng bia ghi tên các tiến sĩ.

Có lẽ chính sách khuyến khích dân trí như vậy đã khiến cho thời vua Lê Thái Tông cho mãi tới sau này vẫn được ca ngợi như một giai đoạn thịnh vượng của nền học vấn nước nhà. Danh sĩ Thân Nhân Trung (1418-1499) về sau đã vâng mệnh vua Lê Thánh Tông năm 1484 soạn bài văn bia về khoa thi năm 1442 rất hoành tráng. Văn bia có đoạn: “Đức Thái Tông Văn Hoàng Đế nối theo nghiệp lớn, mở rộng nếp xưa, xem xét văn hóa con người, thành công trong việc giáo hoá thiên hạ, lấy việc sùng Nho trọng đạo làm đầu, tìm tòi trân trọng hiền tài làm chước tốt. Ngài nghĩ rằng mở khoa thi kén chọn kẻ sĩ làm việc trước tiên trong phép trị nước. Tổ tiên cơ đồ, mở mang giáo hóa thịnh trị chính là việc này. Sửa sang và xây dựng chính trị, dạy dân những phong tục hay cũng là nhờ đó. Các bậc đế vương ngày xưa làm nên sự nghiệp thịnh trị, không ai không bắt đầu từ đây…”. Cũng trong văn bia trên đã vang lên một nhận định bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bổ dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên…”. Nhìn theo góc độ này, có thể xếp vị vua trẻ tuổi Lê Thái Tông vào đội ngũ những minh vương.

Chịu nghe lời trái tai

Không chỉ lo lắng tới việc tập hợp người tài dưới trướng, vua Lê Thái Tông còn rất nhiều lần tỏ ra là một quân vương hiểu rõ câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Khi ông trị vì, vai trò của các ngôn quan (những người có chức phận can gián vua) đã được coi trọng ở mức độ khá cao (tất nhiên, dưới chế độ quân chủ, ý vua luôn phải là… ý trời!). Tuổi trẻ, dĩ nhiên là ông vua đời thứ hai nhà Lê có lúc đã không tránh khỏi sự quyến rũ của những đam mê (đây cũng là điểm yếu căn bản của ông, đã dẫn tới cái chết sớm đầy nghi vấn). Thế nhưng, dẫu trước những lời can gián thẳng thắn của các ngôn quan, dù chẳng mấy vừa lòng nhưng cuối cùng thì ông cũng biết nén giận để nghe điều phải quấy. Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại chuyện: Năm 1435, ba viên ngôn quan là Phan Tiên Tước, Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ dâng sớ lên vua Lê Thái Tông và kể “tội” của ông:

Tiên đế dầm mưa dãi gió, mình mang giáp trụ, lao thân khổ trí, hơn mười năm trời mới dẹp yên thiên hạ. Bệ hạ thừa kế cơ nghiệp đã có sẵn rồi, nên lưu ý tới học thuật, năng tìm nhân tài để lo trị nước thành công.

Nay đại thần tiến cử Thiếu bảo hữu bật vào hầu giảng sách, bệ hạ đứng dậy bỏ đi không nghe, thế là một điều không nên. Tiên đế chọn người làm bảo mẫu, làm thày để vâng mệnh dạy bảo trong cung, bệ hạ khinh rẻ, mắng chửi mà không nghe, đó là hai điều không nên. Đến như thần phi, hiệu phi là bậc dì, vào cung răn dạy thì bệ hạ sai đóng cửa trước mà không cho vào, thế là ba điều không nên. Người quản lĩnh thị vệ thấy bệ hạ không đọc sách mà cầm cung bắn chim, có khi can ngăn thì bệ hạ không nghe, lại lấy cung bắn người ấy, thế là bốn điều không nên. Tiên đế lựa chọn con em công thần sai vào hầu bệ hạ đọc sách thì bệ hạ đều xa lánh họ mà nô đùa với bọn hầu hạ gần gũi ở trong cung, thế là năm điều không nên. Người làm vua phải tìm người tài giỏi biết nói thẳng, hết lời can ngăn và những người có công lao mà thưởng họ, nay bệ hạ lại vui đùa với bọn hoạn quan rồi thưởng cho chúng, thế là sáu điều không nên.

Thần chờ tội ở chức trách ăn nói, dám đâu không trình bày, xin bệ hạ trong khi coi chầu, hoặc tiếp xúc với các vị đại thần, hoặc nghe các quan tâu, phải ngay ngắn, trang nghiêm, lấy dung nghi cung kính của Thiên tử mà kính trọng bậc đại thần, úy lạo người có công, nghe lời nói thẳng, mở đường cho người nói thẳng để thấu hiểu tình hình bên dưới, thì lời khen “bậc đại hiếu biết nối chí kế nghiệp” không chỉ chuyên để khen Thành Vương, Thái Giáp mà thôi”.

Dĩ nhiên, ngồi ở ngôi Thiên tử, đọc những câu như thế không thể nào vui. Vua Lê Thái Tông thoạt đầu cũng bầm gan tím ruột khi nghe các ngôn quan nói chẻ hoe mọi điều như thế. Tuy nhiên, cái hay ở ông là ông đã biết nguôi đi cơn thịnh nộ khi nghe lời thêm, lời tấu của họ: “Ngu Thuấn là bậc thánh nhân mà Bá Ích còn lấy sự chơi bời lười biếng để khuyên răn. Đường Thái Tông là bậc vua hiền mà Ngụy Trưng vẫn đem 10 điều “thập tiệm” (10 điều lỗi lầm có thể thấm dần rồi mắc phải) mà phòng giữ. Bọn thần tủi nhục giữ chức ăn nói, chỉ sợ nhà vua có lỗi lầm, nên hết lòng ngu dại khuyên can. Bệ hạ nhận cho thì dẫu kẻ kiếm củi, làm nghề cũng được trổ hết khả năng mà thánh đức của bệ hạ càng thêm ngời sáng vậy”.

Ra thế, cái quan trọng ở đời, ngay cả đối với bậc quân vương, không phải là chuyện có mắc lầm lỗi hay thói hư tật xấu hay không, mà là ở chỗ, có đủ tỉnh táo và dũng khí để nghe ra lẽ phải và sửa mình hay không. Vua Lê Thái Tông đã cố gắng sửa mình để trọn đạo làm vua. Khi Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá và tâu: “Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”, thì nhà vua đã tỏ ý rất vui. Chính vua cũng đã từng răn dạy quan lại trong triều: “Từ nay về sau, coi quân, trị dân, hay làm việc gì cũng đều nên hết lòng công bằng, yêu thương quân dân, không được riêng tây…”.

Tiếc thay, một vị vua như thế cũng không thể mười phân vẹn mười. Không rõ những lời trách Lê Thái Tông trong sử cũ về chuyện tửu sắc đúng đến đâu nhưng những gì xảy ra giữa ông và bà Nguyễn Thị Lộ, vợ quan Hành khiển Nguyễn Trãi trong cái đêm định mệnh mùng 4 tháng 8 năm 1442 đã là nguyên nhân gây nên tấn bi kịch muôn đời đối với “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Thật đau lắm thay!

Lưu Hùng Văn
.
.