Vũ Thanh - nhạc sĩ bình dân và 2 bài hát hay về Hà Nội

Chủ Nhật, 22/01/2006, 07:48

Trong khi không ít nhạc sĩ sinh ra lớn lên, luôn gắn bó với Hà Nội mà vẫn chưa viết được bài hát nào về xứ sở ngàn năm văn hiến thì Vũ Thanh đã có hai bài đặc sắc: “Bài ca Hà Nội” và “Hà Nội mùa thu”.

Bài thứ nhất ra đời giữa những năm tháng đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom Hà Nội, cả thủ đô hừng hực khí thế chiến đấu và chiến thắng. Giữa không khí ấy, hàng loạt bài hát đã ra đời và “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh là một trong những nhạc phẩm có sức sống vượt thời gian: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân, nghe náo nức trong lòng, thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ...”.

Bài hát nghe cứ cuồn cuộn, trào dâng, vừa sôi sục, khẩn trương, lại vẫn có một vẻ thanh thản, đàng hoàng, quả là đã biểu hiện được rất đúng cái thần thái của đất Thăng Long văn hiến - xứ sở hào hoa bước vào cuộc chiến đấu quyết tử.

Người Hà Nội vốn dĩ luôn như vậy. Có thể rất vất vả, gian truân, có thể kề bên và sẵn sàng lao vào cái chết để giành chiến thắng bất cứ lúc nào, nhưng lại luôn nhẹ nhàng, ung dung, thanh thản. Hãy nghe kỹ truyền điệu từ bắt đầu rồi đổ về cái nốt nhạc ứng với tiếng “nức” trong đoạn mở đầu bài hát vừa dẫn ở trên, ta sẽ cảm nhận rõ điều đó.

Đặc biệt là ở đoạn 2: “Ơi cô gái! Súng bên vai sao vuông đầu mũ, em đi về đâu mà mắt em tươi sáng, em đi về đâu mà chân bước hiên ngang, những hôm miệt mài trên bãi tập, chiến công này hẳn có tay em...”. Ai đã từng sống những ngày tháng 1966, 1967 ở Hà Nội mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của bài hát xuất sắc này.

Khi mà giai điệu của bài hát trên còn âm ba trong lòng người nghe bởi những kỷ niệm về thủ đô anh hùng vẫn chưa lùi xa vào dĩ vãng thì năm 1981, người ta lại nghe được một bài đầy sức quyến rũ của Vũ Thanh về chính mảnh đất ấy. Đó là bài “Hà Nội mùa thu”.

Mùa thu Hà Nội trong bài hát này vừa cụ thể, lại vừa vĩnh hằng, vừa lịch sử lại vừa hiện tại và lấp lánh tương lai. Mùa thu ngày hôm nay trong cảm nhận của đôi lứa (dưới hình thức một bài tình ca) không còn khói lửa đạn bom của ngày hôm qua mà lắng dịu suy tư, thanh bình, bâng khuâng, xao xuyến: “Anh nghe chăng! Trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình. Hà Nội mùa thu ôi xao xuyến trong lòng ta. Như bâng khuâng nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình...”.

Cầu Thê Húc, một nét đẹp của Hà Nội.

“Hà Nội mùa thu” đích thực là bài tình ca hay ở sự chân thành, sâu sắc bởi không khí bài hát, giai điệu toát lên vị ngọt ngào, vẻ dìu dặt, mê say chỉ có trong tình yêu. Còn ai đó muốn chờ đợi cái cụ thể của tình yêu thì đây: “Em bên anh ta bước đi nghe lòng nghĩ suy gì...”. Chỉ có điều, lứa đôi này đã “nghĩ suy” những điều không vụn vặt, tầm thường riêng tư mà nghĩ đến những điều lớn lao hơn, liên quan đến nhiều người, đến cuộc đời mà từ đó mới có họ. Đó cũng chính là đặc điểm của những bài tình ca sang trọng, cái đẹp chỉ có ở trong kho tàng dân ca truyền thống và ca khúc cách mạng.

Không phải chỉ khi có “Bài ca Hà Nội”, Vũ Thanh mới được công chúng biết tới mà trước đó một năm - 1965 ông đã nổi tiếng với bài “Lời anh vọng đến ngàn năm” ca ngợi cái chết “hóa thành bất tử” của người thợ điện yêu nước Nguyễn Văn Trỗi.

Ngoài ra Vũ Thanh còn có nhiều bài hát hay khác được công chúng  yêu thích “Cá lội đồng xanh”, “Rừng chiều”, “Vũng Tàu biển hát”, “Đêm trăng Chư Prông”, “Cảm xúc trên đường Phnôm Pênh”, “Đỉnh gió Na Dương”… Vũ Thanh không phải là nhạc sĩ chuyên viết cho thiếu nhi. Nhưng ông đã có một bài để đời mà các “em” nhỏ hôm nay đã có chồng, có vợ đều thuộc lòng: “Em đi trong tươi xanh” (Em đi trong tươi xanh, chim hòa bình tung cánh, mênh mang một bầu trời, ánh cờ sao lấp lánh…).

Ngôn ngữ âm nhạc trong những bài hát của Vũ Thanh được tìm tòi công phu, giàu màu sắc và phong phú về bút pháp. Mỗi bài một vẻ riêng biệt, không lặp lại, nhất quán trong một phong cách: âm nhạc sang trọng, chải chuốt, giàu hình tượng, dễ thuộc, dễ hát nhưng không dễ dàng đơn giản. Khi cần dân ca thì rất dân ca (như “Cá lội đồng xanh”), khi mang đậm phong cách nhạc thính phòng như “Lời anh vọng đến ngàn năm”, “Bài ca Hà Nội”.--PageBreak--

Lúc cần sự trẻ trung thì sẽ pha hơi hướng nhạc nhẹ (extrade) như “Vũng Tàu biển hát”, “Rừng chiều” v.v… Từng là diễn viên hát rồi đi học sáng tác ở nhạc viện, Vũ Thanh xử lý ca khúc rất thuận tiện cho ca sĩ thể hiện tác phẩm của mình.

Vũ Thanh là một trường hợp có nhiều điểm khác với nhiều nhạc sĩ khác. Ông thuộc hàng nổi tiếng nhưng hầu như rất ít khi lên báo, lên truyền hình nếu không muốn nói là chưa bao giờ. Ai đó chỉ nhìn cái vẻ bên ngoài thì khó nghĩ ông là nhạc sĩ, lại sáng tác rất hay. Phong thái luôn xuề xòa, ăn mặc giản dị đến mức xuềnh xoàng, đầu tóc luôn “phát quang”, mùa rét có khi còn chụp chiếc mũ nồi hoặc mũ vải mềm kiểu của bộ đội. Dáng điệu lúc nào cũng tất bật kèm lối nói nhanh với tốc độ Allégretto.

Gần trọn cả đời ông làm cán bộ, rồi làm phó phòng biên tập âm nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam đến lúc về hưu. Công việc của ông là thường xuyên thẩm duyệt các chương trình âm nhạc phát sóng, trong đó có việc, ký cho thu thanh những sáng tác mới. Những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước người ta nghe nhạc chủ yếu ở Đài Phát thanh vì khi ấy chưa có nhiều chương trình ca nhạc trên truyền hình. Băng, đĩa nhạc cũng chưa có nhiều như ngày nay. Cũng vì vậy mà các nhạc sĩ lúc ấy thường hay gửi bài hát đến Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam với mong muốn được thu, phát trên làn sóng.

Là một phó ban có quyền chấp nhận hay từ chối nhưng Vũ Thanh không hề khủng khỉnh, tỏ vẻ lạnh lùng, “cửa quyền”. Ngược lại, ông luôn chân thành với mọi tác giả. Dùng bài hay không, ông nói rõ lý do.

Một nét riêng hiếm có nữa là Vũ Thanh chẳng bao giờ uống nổi một giọt rượu, bia. Vào bữa, dẫu có vui, long trọng, thân tình đến đâu, ông luôn xin phép được ăn cơm ngay. Trong khi mọi người còn nâng lên, đặt xuống, thì ông đã ăn vèo vèo vài ba lưng cơm trong vòng mươi phút rồi buông đũa, tìm chỗ có giường lăn ra “kềnh”! Ông hồn nhiên một cách rất “ngây thơ”, đáng yêu, đến mức ngay cả trẻ con cũng chỉ có thể đến thế.

Tôi có vài lần cùng ông đi sáng tác theo lời mời ở một số địa phương. Thường thì ở đâu cũng chiêu đãi rất thịnh soạn. Một lần mâm cơm có 6 người, trong nhiều món ăn, có 6 quả trứng vịt lộn. Ai cũng hiểu là mỗi người nên dùng một quả. Nhưng ông cứ tự nhiên dùng… 2. Nghĩa là sẽ có một người phải dùng món khác. Người ấy đương nhiên là tôi vì những lúc như thế tôi luôn ít tuổi nhất trong mâm. Đến phần “đét-xe” cũng vậy, có 6 quả quýt. Một mình ông lại hồn nhiên bóc… 2! Tất nhiên như đã nói, có rất nhiều món sơn hào hải vị khác ông lại chẳng một lần đụng đũa.

Người nhạc sĩ tài năng sống những năm tháng cuối đời khá tội nghiệp. Hết bệnh dạ dày đến bệnh gan hành hạ ông - mà như đã nói, ông chẳng bao giờ rượu bia để mắc hai bệnh trên. Một lần chảy máu dạ dày tưởng chết. Qua khỏi, rồi mấy năm sau ông qua đời bởi trọng bệnh khác. Ông về cõi vĩnh hằng khi vừa nghỉ hưu chưa được bao lâu, khi còn đầy ắp những dự định sáng tác.

Không thích xuất hiện, không bao giờ tự nói về mình, chẳng nghĩ tới việc chụp ảnh cho nên nếu bạn đọc bài viết này mà không được xem ảnh tác giả hoặc ảnh từ xa xưa rất mờ thì âu cũng là điều dễ hiểu

Kiều Thẩm
.
.