Võ Sa Hà: Người leo núi bằng thơ

Thứ Tư, 01/06/2016, 16:13
Mỗi lần nhớ đến Thái Nguyên, thành phố miền núi đầy chất thơ và quá nhiều kỷ niệm, tôi đều muốn trở lại, bởi những năm tháng của gia đình tôi ở đó, và bởi dòng chảy thơ ca cần phải nuôi dưỡng bằng đức tin, cần được nối mạch nguồn với những gì cao khiết. Thành phố ấy có một người thơ tử tế và đích thực - Võ Sa Hà.

 

Bàn chân của chú bé Võ mồ côi mẹ đã leo khắp quả núi Quảng Uyên, ra suối câu cá lấy thức ăn cho gia đình lúc lên 5. Bàn chân của thầy giáo Võ tuổi 57 là ông nội của 2 bé gái sinh đôi vẫn còn hồn nhiên để đùa vui cùng 2 con trai nhỏ. Bàn chân đã qua bao dặm đường vẫn chưa ngừng leo núi. Núi Sa Hà cao và đẹp nhất, đã chinh phục từ thiếu thời, nhưng ngọn núi của Võ Sa Hà say sưa không ngại bất cứ hiểm nguy, thách thức nào là "núi Thơ", còn xa tới đỉnh.

Võ Sa Hà đã tự lực ghê gớm, vượt hoàn cảnh để có vị trí đáng nể ở môi trường là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 cả nước với gần 30 trường đại học, cao đẳng. Anh có số điểm gấp đôi tiêu chuẩn phó giáo sư từ lâu, song không muốn làm. Anh chán ngán trò đua chen, học hàm, mua dễ dàng khiến nó rẻ đi, nhiều người muốn có nhằm lên lương, lên chức chứ đâu vì nghiên cứu. Danh vị mà tiến sĩ Võ phấn đấu, hao tâm tổn trí là thi sĩ.

Tư gia Võ thi sĩ ở mặt đường Lê Quý Đôn, phường Quang Trung,  chếch cổng sau Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Thái Nguyên, nơi anh là giảng viên từ năm 1980. 

Đầu phố nhà anh là Trung tâm Thực nghiệm Sư phạm 8 tầng đang xây, trụ sở Viện Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn miền núi thuộc Đại học Thái Nguyên mà anh là viện phó, sẽ nằm trong tòa nhà này. Phố nhỏ mang tên nhà bác học có chợ tạm phục vụ dân sinh và sinh viên (SV), lãng mạn nhờ những cây bằng lăng rợp tím mỗi hè do Võ thi sĩ trồng trước cửa.

TS. Ngô Gia Võ, giảng viên lâu năm làm bao thế hệ SV mê mệt khi bình giảng văn thơ, đặc biệt là văn học cổ trung đại, sở trường anh đã làm luận án tiến sĩ xuất sắc năm 2002. Thầy Võ thuộc nhiều thơ và cũng sẵn thơ hay của mình, tâm huyết truyền cho học trò tình yêu thi ca, nên khi tôi đến thăm và dự giờ giảng của anh mới thấy: Ở Thái Nguyên, chất thơ, thơ ca văn chương được tôn trọng và mến mộ. Hình như người miền núi lãng mạn sâu và giữ niềm tin lâu hơn người đồng bằng.

Nhà thơ Võ Sa Hà.

Anh cho rằng được ăn ngon, biết ăn ngon và có tài nấu ăn ngon là được trọn vẹn sinh thú đầu tiên và quan trọng nhất của kiếp người. Nhà anh toàn dùng thực phẩm sạch, đem về từ Cao Bằng, Hà Giang. Anh kinh sợ và căm phẫn những kẻ kinh doanh vì hám lợi nhuận cao mà hại đồng loại. 

Rượu ngô đặt nấu từ xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, Hà Giang, ủ bằng men lá với phương thức bí truyền ít nhất một năm mới được uống và bán, rất thơm và êm. 

Rượu ngô do người H'Mông nấu từ Quản Bạ ra tỉnh lị Hà Giang 50km, từ đó về Thái Nguyên 230km nữa, mỗi chuyến xe khách chở 20 can rượu. Rượu bán trung bình 3.000 lít/tháng, hiện nay cung không đủ cầu, bán cho khách hay uống tại nhà đều như nhau. 

Gian phòng lớn hơn 100m² phía sau nhà anh trước là nơi luyện thi đại học nay chật ních hai trăm chum rượu, mỗi chum 200/lít, còn có hầm chứa 24 chum dưới đất. Làm sao quên được Quảng Uyên, nơi bà cô mù dành sữa nuôi anh từ khi 17 ngày tuổi đã mất mẹ, nơi mẹ nằm từ 1959 đến 2012 mới đưa về Yên Phong, Bắc Ninh nằm bên bố trong khu mộ dòng họ. 

Năm 1973, bố anh trở về quê gốc thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, bên sông Cầu, nơi Lý Thường Kiệt đánh quân Tống, họ Ngô to nhất thôn. Mỗi lần lên Quảng Uyên, anh lại thấy buồn. Quảng Uyên nhiều núi. Hoa dã quỳ (còn gọi là cây lá đắng) nở rợp thuở nào đã ít dần. 

Nhà xây nhiều hơn, ô nhiễm môi trường, rừng bị chặt phá, cống rãnh không quy hoạch, mỗi lần mưa là ngập. Còn một số họ hàng ở đấy. Rồi hai chị gái của anh đều được cậu út xin chuyển về Thái Nguyên, ba chị em sống cùng một thành phố. Thành phố chở che và nuôi dưỡng họ, nên anh đã viết nhiều câu thơ hay cho Thái Nguyên.

Người vợ hiện nay của anh, nhan sắc xứng đáng hoa hậu quý bà Trường Sư phạm. Nếu lập danh sách, chắc chắn Võ Sa Hà thuộc top 20 nhà thơ đương đại Việt Nam có vợ đẹp. Chị Linh Chi phụ trách nữ công, là chuyên viên văn phòng bộ môn Giáo dục nghệ thuật cùng trường với chồng. Họ gặp nhau khi anh lên thành phố Hà Giang dạy cho lớp đại học tại chức mà chị là lớp phó. 

Cảm mến người thầy giảng hay, tình cảm, có tài, cả lớp mời thầy đi liên hoan và bữa cơm chia tay đó là nơi tình yêu bắt đầu. Hình như "tinh thần ẩm thực" từ đấy thành kết nối bền vững của anh chị. Nếu không làm giảng viên, chắc chắn Ngô Gia Võ sẽ là một võ sư hoặc đầu bếp tiếng tăm bởi anh nấu ăn ngon. 

Sở trường của anh là các món xào Cao Bằng. Anh hào hứng ăn ngon ở đâu là về nấu cho vợ con, thích sáng tạo món mới. Các quán ngon nhất của Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang anh đều biết hết. Tửu lượng của anh uống 200 chén (tương đương 5 lít) trong một bữa ăn kéo dài.

Đám cưới anh chị có nhà thơ Hữu Thỉnh lên, Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Ngọc Tư ào đến, bạn hữu các tỉnh đông vui "cháy cỗ", còn chú rể uống rượu từ sáng tới tối mà mọi việc vẫn đâu ra đấy. Anh giảng bài từ sáng tới tối, đêm lại đọc sách, làm thơ. Vẫn chưa bỏ thuốc lá sau ba lần "quyết tâm". 1m71/80kg, anh lại khỏe bởi đi bộ thường xuyên. 

Thời trẻ anh đã từng đeo ba lô 30kg cuốc bộ 50km, nay vẫn có thể đi một mạch 5km. Thỉnh thoảng anh vẫn đá bóng, vị trí hậu vệ thòng từ thời SV. Anh dậy từ 4h30 sáng để tập thiền 1 tiếng rồi viết, laptop Lenovo nóng từ sau bữa tối tới sáng sớm. Anh có 9 con nuôi, 1 trai 8 gái. 

Nhà thơ chia sẻ: "Giàu nghèo thế nào, đã làm người là phải lương thiện, sống tử tế. Trời cho đến đâu hưởng đến đấy, không tham những việc phiền muộn, lặt vặt, bỏ qua, cố gắng đứng ngoài mọi xung đột. Hãy cố gắng cười nhiều. Duy trì gia đình nhiều tiếng cười. Với các con trai, tôi chỉ mong chúng khỏe mạnh, biết nhân ái, học tập tốt, có nghề chân chính và nhất thiết phải biết bơi, võ giỏi. Nếu bây giờ có giặc, tuổi 60 tôi sẵn sàng xung phong ra trận".

Gia đình nhà thơ Võ Sa Hà.

Đồng cảm với chồng, chị Linh Chi coi việc sống thảo, thiện và nhân quả, hay giúp đỡ mọi người là đạo đức của người vợ, người mẹ trong giáo dục và để lại cho con. Mỗi ngày, họ dành một tiếng sau giờ làm việc buổi chiều, đi bộ trong sân trường, vừa là sống chậm vừa bảo vệ sức khỏe.

Nhà thơ từng đến hàng chục nước châu Á. Đến Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia, Singapore, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ... Anh rất chiều vợ con và hay cố gắng để cả nhà đi bên nhau. Họ thích du lịch theo cảm hứng, theo tinh thần sẵn sàng khoác ba lô lên đường. Vừa du xuân Yên Tử, lại đưa cậu út về quê nội dự hội khánh thành đình làng thôn Vọng Nguyệt. 

Nhà thơ thường trực khát khao đổi mới, lại áo the khăn xếp trọn một ngày ở Bắc Ninh. Sống tâm hồn thi sĩ nhưng anh vẫn xuất sắc vai người thầy, người chồng, người cha. 

Đợt tới, anh lại bận rộn đi dạy ở Phú Thọ, Thái Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng. Anh yêu Cao Bằng vô tận, dạy học ở thành phố tỉnh lị nhưng bao giờ anh cũng tìm cách chạy về Quảng Uyên, về núi Sa Hà.

Khi bận, vẫn để chị tự lái ô tô chở các con lên Hà Giang, căn giờ vợ đi được 50km là anh gọi điện bắt dừng nghỉ. Châu Anh học lớp 10, cao 1m68, xinh đẹp, rất ngoan và yêu quý bố Võ. Anh coi con riêng của vợ như con đẻ. Ngoài hai con trai kháu khỉnh của anh chị, nhà lại nuôi mấy đứa cháu ăn học, xưng hô bố-con. Các cháu được cha mẹ khuyến khích gần gũi thiên nhiên, nhà nuôi đôi mèo sinh đôi lại thêm cô chó và trên 20 con gà Đông Tảo, gà chọi. 

Năm 2011, Võ thi sĩ mua trang trại 6.000m² ở Tân Cương, cách nhà 11km. Trang trại kề bên rừng keo, có sông Công uốn lượn, để các cháu trồng cây, nuôi gà, thỉnh thoảng anh đưa cả nhà lên cho con thỏa thích với thiên nhiên. Anh muốn tiến tới lập công ty gia đình, chuyên rượu và đặc sản Cao Bằng, Hà Giang. Rượu là một thứ đồ uống đi cùng với văn minh và buồn vui của nhân loại. Không phải ai cũng được uống rượu ngon và bổ. 

Anh muốn nhà mình là một địa chỉ giúp mọi người được thưởng thức đồ ngon và rượu ngon. Rượu sẽ mang tên anh, một dấu ấn của ngọn núi theo suốt cuộc đời. Đấy cũng là sự góp vui với đời, một đạo hạnh: "Những gì vào bụng người ta thì mình phải thử trước. Ngon thì mới bán".

Cậu bé Võ người Kinh là thiểu số trong lớp toàn học sinh dân tộc. Anh hấp thụ tinh hoa của dân tộc Tày, Nùng: nói thạo, hát Then, hát Lượn ngọt ngào mà còn là khí chất hào sảng, nghĩa tình của dân miền núi, phong vị đại ngàn. Nhà thơ Võ Sa Hà là trường hợp hiếm của văn chương Việt Nam hiện đại đã đưa văn hóa Kinh nhập vào văn hóa Tày, tạo nên sự độc đáo và nâng tầm dân tộc. 

"Cao Bằng là nguồn cội cảm hứng và thế giới của cái đẹp trong đời thực và trong mơ. Tôi đã viết khoảng 300 bài thơ về Cao Bằng, không có vùng sáng tác ấy, tôi không còn là tôi nữa".

Một đời người thường có thể đóng nhiều vai. Võ chỉ nhận mình là kẻ leo núi miệt mài, dũng cảm. Người đàn ông cao lớn ấy thường bẽn lẽn, xấu hổ khi ai nói về mình. Không ít lần anh từ chối phóng viên muốn phỏng vấn, viết, quay phim. Thầy Võ đọc thơ nghìn lần trên giảng đường mà lại bối rối trước ống kính như chàng trai yêu lần đầu khi Truyền hình Quốc phòng làm phim chân dung anh. 

Mỗi lần nghe Võ Sa Hà đọc thơ, nói về thơ trong hơi thở ngắn của người viêm phế quản mãn tính, tôi cảm được hơi thơ dài như tiếng gọi vang qua bao ngọn núi đá hùng vĩ Cao Bằng quê tôi, nơi anh coi là quê hương thiêng liêng - miền sáng tác. 

Mỗi đêm, đọc và làm thơ, Võ Sa Hà vẫn giữ được mạch lửa, sự nguyên chất của tài năng sung sức đã làm nên những áng thơ về miền núi và Thái Nguyên khiến những nơi này được nâng tầm trong chiều kích hình ảnh - cảm xúc - ý tưởng.

Võ Sa Hà, một cách tự nhiên, đã lập được nhiều kỷ lục đời thường chính ở thiên lương và phẩm chất thi sỹ. Trong xã hội mà sự giả và rởm đang gia tăng đến độ như thể đó là chuyện cơm bữa ngày thường để rồi nhân quần vô cảm, thì những người như Võ thi sĩ sống bằng khí chất Cao Bằng thượng võ, quân tử đã giữ được mình bởi thơ, anh vẫn leo mãi, và sẽ leo mãi đến Thơ. 

Lên ngọn núi mà Cao Hành Kiện gọi là linh sơn, núi cao và khó leo nhất. Và đây cũng là hành trình huyền nhiệm, quyến rũ, kỳ ảo và đáng say mê nhất khi người ta có một tâm hồn dám sống chết cho nghệ thuật.

Thứ men để Võ Sa Hà sống mãnh liệt, đạp lên mỏm mỏm đá nhọn sắc, cây gai, rắn rết, thú dữ, vực sâu khi chinh phục ngọn núi, đấy là khí thiêng của thơ, của núi Cao Bằng, của những giấc mơ và ước mơ đẹp nhất. 

Đấy là ký ức thèm khát dồn bao năm tưởng tượng về mẹ khi ôm mẹ chỉ là bộ xương đặt vào tiểu sành mới. Đó là những đứa con giống cha, được anh trao truyền tình yêu thơ từ khi học nói. Dự định của anh là sẽ ra liền 2 tập thơ vào cuối năm nay, trong đó có tập 100 bài thơ ngũ ngôn người núi đá. Sau đó là cuốn phê bình tiểu luận.

Bằng thơ, Võ Sa Hà leo núi, núi đời và núi thơ suốt phận kiếp của mình, mở ra những thế giới mà không sợ, mà không hề nao núng về sự khắc nghiệt và hạn hẹp của đủ loại bóng đen, cái ác của thế gian này đáng sợ hơn thế giới bên kia.

Vi Thùy Linh
.
.