Vĩnh biệt Nguyễn Huy Thiệp:“Những ngọn gió Hua Tát” đã về trời...!
- Nói thêm về ông “vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp
- Tác giả “Tướng về hưu” – nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời
- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Lặng im trong cõi
Hậu thế sẽ còn đọc, còn giải mã những tác phẩm của ông theo nhiều cách khác nhau và toàn bộ quá trình ấy, chắc chắn một câu hỏi đầy khắc khoải sẽ vang lên: bao giờ nền văn học Việt Nam sẽ lại có một Nguyễn Huy Thiệp thứ hai, thứ ba và hơn thế nữa?
Giữa muôn trùng những tiếng kêu thương
Cuộc ra đi của Nguyễn Huy Thiệp sau thời gian dài bạo bệnh, xét theo nghĩa nào đó, là giải thoát cho ông khỏi sự đày ải cùm trói của khối nợ đời nghiệt ngã. Là được “nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh”. Thế nhưng, với một nhân vật như Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn được nhiều độc giả hâm mộ và không ít người rất lấy làm vinh dự nếu có quen biết hoặc có đôi ba lần được gặp gỡ thù tạc, thì cuộc ra đi ấy tất sẽ làm trào lên một làn sóng kêu thương, ca ngợi trên báo chí và trên mạng xã hội. Sự việc diễn ra đúng như vậy.
Bạn bè và độc giả yêu mến Nguyễn Huy Thiệp thể hiện nỗi buồn đau, thương xót ông, thương tiếc cho văn chương Việt Nam đã mất đi một tác giả lớn - có người nói lớn nhất sau năm 1975, có người nói lớn nhất trong nửa cuối thế kỷ XX, thậm chí có người hào phóng xếp ông là nhà văn lớn nhất thế kỷ XX - và lo ngại về một “khoảng trống không sao bù đắp được” cho văn đàn sau khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời.
Tôi không có gì để phản đối tình cảm nồng nhiệt thể hiện qua những tiếng kêu thương và những lời ca ngợi này. Thậm chí, rất có thể bản thân tôi sẽ bị cuốn theo, vì tôi cũng là người đọc và yêu mến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ lâu, nhất là những truyện ngắn. Nhưng, tôi muốn bình tĩnh ngồi xuống và nhìn lại một lượt về văn nghiệp Nguyễn Huy Thiệp, nhìn về vị thế và những tác động của văn nghiệp ấy trên văn đàn Việt Nam trong khoảng gần 40 năm nay, nghĩa là kể từ khi Nguyễn Huy Thiệp “trình chánh giữa làng văn”.
Tôi thấy gì? Tôi thấy rằng Nguyễn Huy Thiệp chỉ thực sự viết và thực sự viết được những tác phẩm có giá trị đóng đinh vào văn học sử Việt Nam trong khoảng mười năm đầu của nghiệp viết. Nghĩa là bắt đầu vào quãng 1987, 1988, khép lại vào quãng 1997, 1998 và tất cả đều là truyện ngắn. Những truyện ngắn đầu tiên của ông đăng trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam: “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Muối của rừng”, “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết” v.v... đã giống như những cú nổ lớn giữa văn giới, khiến cho người ta, cả người đọc lẫn các nhà văn và các nhà phê bình, thoạt tiên phải hoa mắt, chóng mặt, ù tai, rồi ngay sau đấy thì nhanh chóng phân đôi chiến tuyến để còn hăng hái lao vào tranh luận chí tử.
Trong lúc ấy thì Nguyễn Huy Thiệp vẫn viết: “Những bài học nông thôn”, “Huyền thoại phố phường”, “Con gái thủy thần”, “Những người thợ xẻ”, “Thương cả cho đời bạc” v.v... để lại tiếp tục đổ thêm dầu vào những cuộc tranh luận bừng bừng nộ khí. Trong khoảng mười năm ấy, một vài nhà xuất bản đã kịp gom một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp để in thành sách và phát hành trên thị trường. Nhưng, cú gom mang tính chất quyết định, theo tôi, là cú gom của Nhà sách Đông Tây do dịch giả trứ danh Đoàn Tử Huyến điều hành: Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có tên “Như những ngọn gió” mà ông Đoàn Tử Huyến làm năm 1999 - “tái bản có bổ sung” từ tập “Như những ngọn gió” của Nhà xuất bản Văn học in năm 1995 - gồm 30 truyện, hoàn toàn có thể xem như một tổng kết văn nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp.
Tôi khẳng định như vậy vì đó là những truyện ngắn xuất sắc nhất. Và sau đấy, cho đến tận bây giờ, dù chỗ này chỗ kia vẫn in các tập truyện ngắn mang tên này hay tên khác của Nguyễn Huy Thiệp, về cơ bản chúng vẫn không nằm ngoài số 30 truyện của tập “Như những ngọn gió” in năm 1999. Chúng chỉ đảo vị trí, đổi cách sắp xếp mà thôi. Sự thêm vào là rất không đáng kể. Vì đơn giản là Nguyễn Huy Thiệp đã không viết được thêm truyện nào đến tầm như 30 truyện ngắn nói trên nữa.
Nhưng, ngoài truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp còn làm thơ, viết kịch, viết tiểu thuyết. Có điều, tất cả những sản phẩm đó - trừ những “bài ca” mà ông hay đưa vào trong các truyện ngắn của mình - chỉ cho thấy rằng chúng là loại sản phẩm mà vì những lý do nào đấy, ông đã làm trái tay, thậm chí đã đẻ vội và bản thân ông cũng không có cách gì mang “uy vọng truyện ngắn” ra để bảo lãnh được cho chúng về mặt chất lượng. (Nhiều độc giả đã bày tỏ sự thất vọng lớn lao sau khi đọc các tiểu thuyết “Tiểu Long Nữ”, “Tuổi hai mươi yêu dấu”, hay “Gạ tình lấy điểm”. Họ bảo rằng các tiểu thuyết ấy không phải tác phẩm do nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà họ hằng yêu mến viết ra, rằng đó là một Nguyễn Huy Thiệp khác, một Thiệp... fake).
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ trên gốm (1997) Ảnh trong bài: Nguyễn Đình Toán. |
Tóm lại, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của thể loại truyện ngắn. Bằng truyện ngắn, chỉ trong khoảng mười năm - cứ tạm cho dài rộng hơn là đến hết thế kỷ XX - Nguyễn Huy Thiệp đã tự mình làm thành một tượng đài của văn chương Việt Nam đương đại, bất chấp những tranh luận dường như không hồi kết trong văn giới. Và sau đấy là... hết, là cả một khoảng trống. Nói như vậy để thấy, cái “khoảng trống không sao bù đắp được” cho văn đàn Việt Nam, cái khoảng trống mang tên Nguyễn Huy Thiệp mà dư luận đang kêu thương ấy, nếu có, thì không phải chờ đến bây giờ, khi nhà văn qua đời mới xuất lộ, mà nó đã há miệng từ hơn 20 năm trước, khi bút lực Nguyễn Huy Thiệp cơ hồ không còn chút sức rướn nào.
Dù sao đi nữa, nhìn lại, văn nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp vẫn là một văn nghiệp thành công, thậm chí đại thành công. Khó có thể tưởng tượng rằng chỉ thực sự viết trong khoảng mười năm, với khoảng gần 50 truyện ngắn cả thảy - truyện ngắn, chứ không phải tiểu thuyết - mà Nguyễn Huy Thiệp đã giữ vị thế một trong số rất ít nhà văn tạo ra bước ngoặt cho văn chương Việt Nam sau năm 1975.
Nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện đại, đương đại nói chung và là chuyên gia về văn chương Nguyễn Huy Thiệp nói riêng, đã bàn rất cụ thể về phương diện này. Lã Nguyên (La Khắc Hòa) chẳng hạn. Trong tiểu luận “Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn học Việt Nam sau 1975” - in trong sách “Phê bình ký hiệu học, đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ” (NXB Phụ nữ, 2018) - Lã Nguyên đã phân tích và chứng minh một cách thuyết phục, rằng phải đến các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, văn học Việt Nam mới diễn ra sự chuyển đổi ngôn ngữ không gian: Từ không gian nhà binh sang không gian sinh hoạt, từ không gian huyền thoại sang không gian truyện kể; và rằng sự chuyển đổi ấy đã đưa sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp tiến sát tới ngôn ngữ hậu hiện đại.
Cho thật dễ hiểu thì, xét về mặt hiệu quả tác động lên người đọc vào thời điểm mà chúng xuất hiện lần đầu tiên, những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp quả thật giống như những cú nổ lớn giữa văn giới, như tôi đã nói ở trên. Chúng khiến cho người ta phải choáng váng. Vì nói chung, kinh nghiệm đọc của phần đông độc giả Việt Nam lúc ấy không hề có sự chuẩn bị để tiếp nhận thứ văn chương rất đỗi mới mẻ và lạ lùng này. Nó mang tất cả mọi đối lập ở trong mình, trong hình hài tiếng Việt: Thánh thần và ma quỷ, cao cả và thô tục, tinh tuyền và sống sượng, an nhiên và cuồng loạn, lãng mạn trữ tình và trào tiếu giải thiêng...
Thứ văn chương ấy không đem lại cho người đọc sự yên tâm như họ vốn có và muốn có, bởi vì nó không khẳng định cái gì là chân lý. Ngược lại, nó đặt toàn bộ thế giới tinh thần của họ vào trong một tình trạng bấp bênh và đầy bất an trước sự sụp đổ có thể đến mà không báo trước của tất cả những giá trị tưởng như vô cùng vững chắc: Quyền lực, danh dự, tri thức, lẽ phải, tình yêu, tình thương, trách nhiệm v.v... Thứ văn chương ấy cùng lúc thực hiện nhiều tác động đến độc giả: Nó mổ xẻ, tra vấn, chọc tức, truy bức, kích thích, mời mọc, vẫy gọi... Có lẽ, vì thế nên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường được tiếp nhận ở hai đầu cực, hoặc là được yêu hoặc là bị ghét, chứ ít khi phải chịu cảnh hững hờ lờ lững để rồi nhanh chóng chìm xuống đáy ao quên lãng.
Có thể nói, nó luôn là thứ văn chương của sự bổ đôi dư luận. Nhìn ở phương diện này thì tôi buộc phải nghĩ đến một nghịch lý, mà cũng là thuận lý: Không phải lúc được công chúng tung hô khen ngợi nồng nhiệt, mà chính khi phải chịu đòn roi nghiệt ngã nhất từ những ngự sử văn chương thì mới là khi truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định được sự thành công của nó một cách thuyết phục nhất.
Nhưng, đó là câu chuyện của quãng thời gian từ 1987 đến 1997, 1998. Sau đấy, trong bầu sinh quyển của sự tiếp nhận văn chương nghệ thuật nói chung ngày một dân chủ và cởi mở hơn, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - nhất là 30 truyện ngắn xuất sắc trong tập “Như những ngọn gió” in năm 1999 - đã mặc nhiên được coi như một di sản đáng giá của văn chương Việt Nam thời kỳ đổi mới. Chúng liên tục được tái bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, qua các hội chợ sách và các liên hoan nhà văn quốc tế. Tuy nhiên, đó cũng là lúc bắt đầu thời điểm mà “khoảng trống mang tên Nguyễn Huy Thiệp” dần há miệng, như đã nói ở trên.
Điều đáng chú ý là từ năm 2000 đến đầu năm 2021, khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, ông ở vào độ tuổi 50-70, độ tuổi được coi là vàng mười với một người viết văn, cả về thể lực, cả về tinh thần, cả về sự tích lũy kinh nghiệm sống và kinh nghiệm sáng tác. Vậy thì điều gì đã xảy ra thế nhỉ?
Để thử góp phần trả lời câu hỏi này và cũng là để khép lại bài viết, tôi sẽ dẫn lại một đoạn mà nhà văn Thuận kể trên Facebook cá nhân của chị vào tối ngày 20-3-2021, vài giờ sau khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, về cuộc gặp giữa chị với Nguyễn Huy Thiệp, vào mùa thu năm 2017, tại Hà Nội: “Tôi cố hết sức để không bật ra nỗi thắc mắc bấy lâu: “Hồi này anh có viết gì không?”.
Nhưng, sự nhạy cảm của một nhà văn vẫn khiến anh nhận ra điều đó, rồi anh tự nói: “Bây giờ anh chỉ muốn làm một người chồng tốt, một người cha tốt, một người ông tốt”. Câu tâm sự này của anh khiến tôi ngỡ ngàng tột bậc, nó khắc sâu trong trí nhớ của tôi và vẫn hiện ra mỗi khi tôi nghĩ về anh. Vâng, anh Thiệp là nhà văn Việt mà tôi nghĩ về nhiều nhất. Với tất cả sự ngưỡng mộ và thương tiếc. Thương tiếc một tài năng lớn giữa những luẩn quẩn khó hiểu của đời thường, một “người bay không có chân trời” như Trần Dần năm nào từng khóc”.
“Những luẩn quẩn khó hiểu của đời thường” phải chăng là yếu tố can dự có sức nặng đến mức khiến đời viết, viết thực sự, của Nguyễn Huy Thiệp ngắn đến thế? Và, văn nghiệp của ông, xét về quy mô, cũng chỉ khiêm tốn đến thế?
Hoài Nam
Học giả quốc tế “đọc” ông như thế nào?
Trong tiếng Ý, học giả Claudio Magris đã từng viết “lời nói đầu” (prefazione) cho tập truyện của Nguyễn Huy Thiệp có tên “Tâm hồn Việt Nam” (Vietnam Soul) do Tran Tu Quan, Bianca Maria Mancini và Luca Tran dịch, NXB O Barra O ấn hành năm 2013. Trong tiếng Đức, giáo sư Gunter Giesenfeld đã viết “lời bạt” (Nachwort) rất công phu cho tập truyện “Tướng về hưu” (Der pensionierte General, 2009, gồm 11 truyện). Trong tiếng Anh, một cách dày dặn và phong phú hơn, có nhiều tiểu luận học thuật có ý nghĩa gợi mở, chỉ dẫn cách đọc tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp thực sự đáng lắng nghe, ngẫm nghĩ.
Khác với nhiều nhà nghiên cứu trong nước thường có khuynh hướng "bắt vít" văn bản hoặc quy chiếu vào tác giả, các nghiên cứu trên có xu hướng đẩy văn bản vào các vấn đề văn hóa, thiết chế xã hội và truyền thống văn học Việt Nam. Chẳng hạn, lí giải tại sao cái nhìn về lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp lại phát sinh nhiều tranh cãi, Peter Zinoman cho rằng có một thực tế là, trong phim ảnh, sân khấu, tiểu thuyết, bảo tàng, đài tưởng niệm hay sách giáo khoa, kể từ 1954, đều điển phạm hóa những nhân vật lịch sử theo tiêu chí “người hùng”, “cách mạng” hoặc “tội phạm”.
Trong khi đó, những mô tả nhân vật lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp thường xuyên trái ngược với đánh giá quan phương, vượt qua khuôn thước bất khả xâm phạm “danh tiếng tinh khiết” ở những người anh hùng, đồng thời vẽ lại chân dung những “tên thấp hèn bỉ ổi”. Đặc biệt hơn, ở truyện “Vàng lửa”, tác giả đã kết thúc một cách lấp lửng, khiến độc giả phải tự đưa ra dự tính. Chính hình thức viết tự ý thức này, theo P. Zinoman, “chất vấn sự tin cậy của nội dung" và khiến thói quen tin vào một “sự thật” lịch sử phải thay đổi.
Với một số nhà nghiên cứu quốc tế thì văn chương Nguyễn Huy Thiệp là tiếng nói đáng kể để có thể hiểu lại về vấn đề chủ nghĩa anh hùng, dân tộc, quốc gia trong các diễn ngôn ở Việt Nam. Theo Keith W. Taylor, trong suốt mấy chục năm, Việt Nam đã cố định trong tiếng Anh như là những gì đã giải thích xong và được biết trước, với những khái niệm về “làng quê truyền thống”, “dân tộc anh hùng”, “mệnh trời”, “nhà nước Khổng giáo”, hay “âm và dương”.
Nhưng, văn chương Nguyễn Huy Thiệp đã nhắc nhở họ, những độc giả Anh ngữ, phải rời xa các “hệ hình” cứng nhắc của sự hiểu đó. Chứng minh điều này, Keith Taylor lấy lời kể trong truyện “Chảy đi sông ơi”: “Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi” và cho rằng: Cái “vô nghĩa của cuộc sống” (emptiness of life) giữa thời buổi kim tiền không anh hùng, thiên thần, không cả những con trâu đen, là điều gì đó “khấy động”, tạo nên “rung cảm lay động” khi chuyển dịch sang tiếng Anh.
“Tiếng nói của Thiệp - Keith Taylor bình luận - kéo sự chú tâm của chúng ta vào nơi chốn của hi vọng và sợ hãi thực sự, nơi chốn mà những giấc mơ sụp đổ và tiếc nuối”. Vì thế, tuy các bản dịch truyện Nguyễn Huy Thiệp chưa hẳn đã thật trung thành, chuẩn xác nhưng độc giả Anh ngữ vẫn có thể “nghe thấy” nhiều thứ trong giọng điệu Nguyễn Huy Thiệp, là giọng nói của các giấc mơ và nỗi thất vọng, của bay lên và chìm xuống, của tìm kiếm bất thành, của những hi vọng tan rữa, những tiếc nuối...
Có một điểm nổi bật trong hình ảnh người kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp mà Keith Taylor rất nhấn mạnh là sự ngây thơ, bối rối hoặc thiếu tự tin: Người kể chuyện trong “Tướng về hưu” tự nhận mình “khá cổ hủ, bất trắc và thô vụng”; người kể chuyện trong bộ ba “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết” thì thừa nhận công việc viết văn là “nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa”; người kể chuyện trong truyện “Cún” thì “thú thực” không hiểu gì về “các vấn đề lí luận văn học ở ta”,...
Trạng thái của sự “ngây thơ”, của sự thiếu những trải nghiệm đó, trong hình dung của Keith Taylor, như một thế giới của đứa trẻ, hoàn toàn tách biệt với thế giới của người lớn, của bối cảnh xã hội nhiều vấn đề, sự kiện lớn lao vây quanh. Điều đó cũng khiến độc giả sẽ có thêm sức mạnh để “dám bộc lộ mình”, để “đọc bản thân” khi đứng trước các trạng thái của người kể chuyện.
Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp cùng các tiếng nói nổi bật trong cao trào Đổi mới văn học như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh,..., theo nhiều học giả, đã khiến cho các đặc trưng của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mờ nhạt dần.
Còn theo Peter Zinoman, trong tiểu luận “Declassifying Nguyen Huy Thiep” thì Nguyễn Huy Thiệp có giọng văn lạnh lùng, cảm giác cô đơn, tuyệt vọng về cõi hiện tồn bi quan, chẳng hạn trong “Vàng lửa”; trong “Chảy đi sông ơi”: “Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường. Tôi muốn gào lên chua xót”; trong “Những bài học nông thôn”: “Tôi nhận ra thế giới bao la vô cùng vô tận, bản thân tôi, sự sống và ngay cái chết đều là bé nhỏ và không có ý nghĩa gì”.
Thứ hai, Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra quyết liệt “chối từ việc xếp loại một cách máy móc hồ sơ tính cách các nhân vật của mình với thứ bậc đẳng cấp nào đó” như văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã từng. Theo P. Zinoman, “những người nông dân, thợ thầy, đám chài lưới” trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp “không đứng đắn cũng chẳng lao động hăng say gì”, “còn thói mua chuộc của đám giàu có chỉ gây ấn tượng rằng nó chẳng qua cũng lan tràn khắp nơi ngoài xã hội”.
Tương tự, những tóm lược đầy mỉa mai của Nguyễn Huy Thiệp về chuyện cưới hỏi, ma chay, tết nhất và những sự kiện đặc biệt do gia đình bày biện và diễn trong “Tướng về hưu” cho thấy “một nỗ lực để chiếm lĩnh và phê phán thứ văn hóa tân thời của tầng lớp trung lưu mới nổi” và về bản chất, nó hiện lên trong “các thứ tiện nghi lòe loẹt, vô vị, vô vọng, trong cõi tinh thần trống rỗng, hay thứ sách báo ướt át”. Vì thế, theo nhà nghiên cứu này, thay vì ca ngợi, Nguyễn Huy Thiệp thể hiện thái độ “ta thán tình trạng suy đồi toàn diện và sự trương phình chủ nghĩa vật chất của văn hóa đương thời”.
Mai Anh Tuấn
Một sự đọc không kết thúc
Trong hai mươi năm qua, những cách đọc Nguyễn Huy Thiệp đã dày lên theo sự bùng nổ của các lí thuyết nghiên cứu có tính chất hàn lâm, đồng thời, của các sinh hoạt phê bình thời vụ, trong một đích đến chung là rút ngắn khoảng cách về độ mở, sâu rộng và khó của nhiều vấn đề vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm ở tác phẩm của ông. Nhưng, dường như, cho đến nay, mục tiêu đó đang lâm vào tình thế khó xử, giữa một bên là các yêu cầu và thao tác tiếp cận một trường hợp cụ thể và một bên là những liên đới giữa Nguyễn Huy Thiệp với thế hệ nhà văn cùng thời, với lịch sử văn hóa văn chương trong quá khứ vốn đòi hỏi những cách giải mã toàn diện, chi tiết hơn.
Về cơ bản, có thể nhìn lại việc tiếp nhận Nguyễn Huy Thiệp từ các lí thuyết phê bình gây ra các hiệu ứng:
1/. Hiệu ứng khoái cảm văn bản tác phẩm với những phân tích về khả năng làm mới bút pháp của nhà văn trên nhiều phương diện thông qua tường minh thi pháp học: giọng điệu, kết cấu, tình huống, ngôn từ và lời văn nghệ thuật.
2/. Hiệu ứng tri thức về đời sống và con người với các cấu trúc phức tạp nhất của nó qua các phân tích của phê bình hiện sinh, phân tâm học, sinh thái học: tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, nếu không phải là trường hợp đầu tiên thì cũng gần như tiêu biểu nhất cho quá trình nhận thức lại, cắt nghĩa lại con người trong các môi trường sống (tự nhiên, xã hội) mà truyền thống văn học đã từng đề bận tâm đến nhưng chưa triệt để hoặc bị gián đoạn, để ngỏ.
3/. Hiệu ứng nghệ thuật tiền phong với các dấu hiệu pha trộn văn hóa bậc cao và văn hóa đại chúng, các kĩ thuật nhại, lắp ghép, trích dẫn, siêu hư cấu..., trong những phiêu lưu khám phá của phê bình liên văn bản, phê bình hậu hiện đại: một nhà văn tiếng Việt có thể chạm đến dòng mạch nghệ thuật văn chương hiện đại của thế giới. Những hiệu ứng trên đã góp phần làm thay đổi xu hướng nghiên cứu văn học ở Việt Nam hiện nay, từ chỗ chỉ tập trung vào tính tự trị của tác phẩm, dần chuyển sang tìm tòi khía cạnh văn bản, người đọc. Điều này ít ra đã báo hiệu cộng đồng khoa học chủ động hơn trong quyền lựa chọn hướng tiếp cận thay vì phải tuân theo lộ trình nghiên cứu có sẵn. Một lí thuyết mới mẻ và dễ thành thời thượng như hậu hiện đại cuối cùng đã trụ được trên chính nền tảng văn chương “phản ánh luận” có lẽ là thực tế gây ngạc nhiên, đặc biệt nó được ứng dụng ngay vào tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp để khẳng định bối cảnh lịch sử, xã hội giai đoạn qua đã đủ điều kiện nảy sinh cảm quan hậu hiện đại, thứ cảm quan từng bị chỉ trích vì cương lĩnh của nó.
Cho dù những kết quả từng có trong nghiên cứu Nguyễn Huy Thiệp là tương đối phong phú, thậm chí, nhiều độc giả đã hết nhu cầu nghe thêm một điều gì khác ngoài điều họ luôn chắc mẩm “Nguyễn Huy Thiệp là số 1”, tôi vẫn tin rằng, văn chương Nguyễn Huy Thiệp sẽ luôn thôi thúc, đòi hỏi và gợi mở nhiều cách diễn giải hơn nữa. Và vì thế, Nguyễn Huy Thiệp chính là kiểu tác giả không kết thúc. Và, không kết thúc mới tạo ra sự lớn lao của nhà văn.
Thiên Trúc