Viết tiếp về tướng Trần Thiện Khiêm của chế độ Sài Gòn cũ: Tham thì thâm

Thứ Ba, 01/07/2008, 09:30
Nhìn nhận một cách công bằng, sau cuộc đảo chính tháng 11/1963 và một loạt những sự cố diễn ra sau đó trên chính trường Sài Gòn, Trần Thiện Khiêm mặc dù đã bị hầu hết những chiến hữu cũ ngoảnh mặt xây lưng vì ghét cái thói tráo trở, lừa thầy phản bạn của ông ta nhưng vẫn duy trì được ít nhất là một mối quan hệ tốt: đó là với Nguyễn Văn Thiệu, anh bạn cố tri từ thuở đi lính cho Pháp cuối những năm 40.

Chính mối quan hệ xem ra là hữu hảo này đã giúp Tràn Thiện Khiêm thoát khỏi kiếp "đại sứ lưu đầy" ở Mỹ và Đài Loan mà tướng Nguyễn Khánh khi vượng chức đã đuổi ông ta đi cho khuất mắt và bớt hậu họa từ ngày 24/10/1964.

Sau khi giành được ghế Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia ngày 19/6/1965 và trở thành Tổng thống của cái gọi là "nền đệ nhị cộng hòa" ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu đã gọi Trần Thiện Khiêm về và xếp vào ghế Tổng trưởng Nội vụ từ tháng 5/1968 rồi đưa lên làm Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng từ tháng 9/1969, thay ông Trần Văn Hương.

Khi Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ bị cách chức Tổng trưởng Quốc phòng năm 1972, Trần Thiện Khiêm đã được kiêm luôn cả chức vụ rất béo bở này. Trong những ngày cuối tháng 4 đáng nhớ của năm 1975, cả Trần Thiện Khiêm lẫn Nguyễn Văn Thiệu đều phải bỏ đất nước mà đi trong nỗi đau ê chề vì thất bại ở cuối cuộc đời cung phụng ngoại bang để vinh thân phì gia. Cho tới hôm nay, trong các tư liệu viết về giai đoạn đó của chính quyền Sài Gòn, Trần Thiện Khiêm luôn được đề cập tới như một Thủ tướng tham nhũng vào hàng đệ nhất năm châu.

Gieo ác, ác báo

Năm 1963, Trần Thiện Khiêm là Tham mưu trưởng Liên quân của cái gọi là Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong cuộc đảo chính lật đổ và sát hại anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, Khiêm phải nói là có công đầu. Thế nhưng, ngay sau đó, ông ta đã bị "hạ tầng công tác" và phải xuống làm Tư lệnh Quân đoàn 3 và Quân khu 3, kiêm Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định thay cho tướng Tôn Thất Đính. Vì sao?

Chung quy chỉ vì tính phản trắc của ông ta nên những kẻ cầm quyền mới ở Sài Gòn khi đó đã cảm thấy để Khiêm ở gần thì hậu hoạ khôn lường. Vì có mưu đồ giết Ngô Đình Diệm nên Trần Thiện Khiêm đã không ra lệnh cho Nguyễn Văn Thiệu, lúc đó là đại tá sư trưởng, đưa quân đánh chiếm Dinh Gia Long theo đúng kế hoạch. Do đó Dinh Gia Long đã bị bỏ ngỏ suốt buổi chiều 1/11/1963 cho tới tối. Trong khi đó, Trần Thiện Khiêm lại phái ông Cao Xuân Vỹ lái xe Renault 2CV lẻn vào cổng sau Dinh Gia Long (cố tình bỏ ngỏ không có binh lính canh giữ) đón Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trốn vào nhà Mã Tuyên ở Chợ Lớn. 

Và tiếp theo là những sự việc khó hiểu, cũng theo kịch bản mà Trần Thiện Khiêm đã soạn sẵn, anh em Diệm - Nhu đã bị sát hại trong một bối cảnh hỗn quân hỗn quan mà cho tới hôm nay, vẫn rất khó xác định được những thủ phạm thực sự.    

Và sau đảo chính, tuy rằng Trần Thiện Khiêm mặc nhiên là có công lớn trong việc lật đổ cái gọi là "nền đệ nhất cộng hòa" ở Sài Gòn và được thăng Trung tướng, nhưng vẫn bị hai "chủ xị" là Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn quyết định cách chức Tham mưu trưởng Liên quân  và đưa xuống địa phương với lý do vì "nhu cầu công vụ". Và đó chính là khởi đầu của những long đong mà Trần Thiện Khiêm phải chịu, cho tới khi "ngôi sao" Nguyễn Văn Thiệu cuối cùng cũng nổi lên hẳn trên bầu trời chính trường Sài Gòn.

Tham thì thâm

Giai đoạn Sài Gòn nằm dưới quyền lũng đoạn của Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm bị đánh giá là "dơ bẩn nhất" trong lịch sử miền Nam trước năm 1975. Dù Nguyễn Văn Thiệu có sử dụng nhiều lời lẽ hoa mỹ đến đâu để tô vẽ cho mình và "nền đệ nhị cộng hòa" nhưng trong con mắt của đa số những người am tường tình hình miền Nam lúc đó, đội hình cốt cán của ông ta (bao gồm những người như Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, cố vấn an ninh Đặng Văn Quang, Tổng trưởng Kinh tế Phạm Văn Ngọc…) chủ yếu chỉ lo củng cố địa vị để làm tiền, mua quan bán chức, tham nhũng tràn lan và làm tay sai cho người Mỹ.

Trên sân khấu chính trị nhiều phần hắc ám như thế, Thủ tướng Khiêm là một nhân vật vào loại cộm cán vì vừa biết ăn tiền lại vừa biết bảo vệ mình thoát khỏi những đảo lộn triều chính. Người đương thời ở Sài Gòn đều lắc đầu trước sự thâm hiểm được bọc đường của Thủ tướng Khiêm vì nhìn bên ngoài, đó là "người ít nói, tính dễ dãi nhưng sâu sắc, cục tính nhưng tự chế được, hay ban ơn nghĩa cho bạn bè và thuộc hạ, thân tín…". Thế nhưng, không ai, không bao giờ, có thể tin tưởng một cách chắc chắn vào Khiêm một khi gió đã đổi chiều.

Nhiều người còn cho Khiêm thực chất chỉ là một anh lính khố đỏ từng cúc cung tận tụy cho thực dân Pháp, bất tài vô đức, đến thời "thực dân mới", không có ai hơn thì theo chủ thuyết sống lâu lên lão làng mới được đưa vào những vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền Sài Gòn thời "phò Mỹ". Ngay cả Tổng thống Thiệu, dù vẫn coi Khiêm là "bạn cố tri" nhưng thực chất thì cũng  không lúc nào hoàn toàn tin Khiêm mà luôn dè chừng. Một phần vì bản tính Nguyễn Văn Thiệu vốn "đa nghi Tào Tháo", mặt khác, quả thực Khiêm không từ việc gì là không làm để "tuần chay nào cũng có nước mắt".

Thêm vào đó, trong suốt những năm "cộng sinh" giữa hai nhân vật nhiều tham vọng như nhau này, luôn luôn dai dẳng truyền lan tin đồn rằng, Đại tướng Trần Thiện Khiêm được quân đội ủng hộ để trong một tình huống nào đó sẽ tìm mọi cách để lên thay thế Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, vì quân đội đang bị Tổng thống Thiệu đưa chính trị vào "cướp quyền" lãnh đạo của các cấp chỉ huy… Thực hư thế nào thì tới hôm nay vẫn không rõ nhưng quả thật là những tin đồn như thế không thể nào củng cố được mối đại đoàn kết ở thượng đỉnh chính trị "nền đệ nhị cộng hòa" ở Sài Gòn.

Là một con người lấy lợi làm trọng nên khi cái gọi là chính thể Sài Gòn lâm nguy trong mùa xuân năm 1975, Trần Thiện Khiêm với cương vị rất cao của mình cũng đã mau mắn thối lui để lo cho thân phận mình trước hết. Sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống vào ngày 21/4/1975 nhường Dinh Độc lập cho ông Trần Văn Hương, Trần Thiện Khiêm và Trung tướng Trần Văn Đôn 10h sáng 24/4/1975 đã môi giới cho cựu Đại tướng Dương Văn Minh đến gặp ông Hương tại tư dinh của Khiêm trong Bộ Tổng Tham mưu.

Tiếp đó, vào buổi trưa, tướng Đôn cũng đến nhà tướng Khiêm để tìm hiểu tình hình và tại đó đã gặp bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, cựu Phó Thủ tướng và Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Canh nông (trong nội các Nguyễn Bá Cẩn). Những người này cho rằng, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Hương và ông Dương Văn Minh đã thất bại vì ông Minh từ chối ghế "Thủ tướng toàn quyền".

Cực chẳng đã, tướng Khiêm đã đề nghị tướng Đôn nên nhận chức vụ Thủ tướng để thương thuyết. Tuy nhiên, mọi nỗ lực vớt vát của Trần Thiện Khiêm đã không mang lại kết quả gì trong bối cảnh cuộc chơi đã tàn nước như thế.

Ra đi tức tưởi

Trong những ngày cuối tháng 4/1975, Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu đã phải rời Sài Gòn trong một tình cảnh u buồn tới tủi nhục. Theo mô tả của Frank Snepp, cựu Trưởng phòng Phân tích chiến lược CIA ở Sai Gon (viết trong sách "Decent Interval" năm 1978), mọi sự diễn ra như sau:

"Khoảng 5h chiều 25/4/1975, Polgar (trùm CIA ở Sài Gòn) gọi tôi, Joe Kingsley, tướng Timmes và một nhân viên khác của sở đến văn phòng: "Các anh có thể tìm đường quanh Sài Gòn ban đêm?...". "Tốt". "Vì tôi muốn các anh giúp tôi đưa Thiệu và Thủ tướng Khiêm đi Đài Loan tối nay". Đại sứ Martin sau này thú nhận với tôi là ông đã tiếc vì đã nhờ Polgar Giám đốc CIA ở Việt Nam, thay vì nhờ cơ quan DAO và than phiền Polgar đã không làm được việc giao phó cho đúng. "Tôi đã yêu cầu ông ấy đánh máy hồ sơ cần thiết cho Thiệu và đem theo với ông ấy khi các anh vào Tân Sơn Nhất. Nhưng ông ấy không làm được. Ông ấy quên giấy. Ông ấy bảo là không tìm thấy bàn đánh máy chữ". Kết quả là Thiệu rời khỏi xứ trên máy bay Mỹ mà không có giấy tờ chấp thuận của Việt Nam hay phía Mỹ.

Timmes, hai nhân viên khác và tôi lấy ba chiếc Limousine từ nhà xe của cơ quan CIA khoảng 8h30' tối và lái xe đến Bộ Tư lệnh Quân đội miền Nam ngoài Tân Sơn Nhất nơi Khiêm cư ngụ…

Ngay sau 9h tối, Polgar đến nhà Khiêm với xe riêng và tài xế. Trong khi ông ta uống rượu với Khiêm và Timmes trong nhà, tất cả chúng tôi ra ngoài sân nghỉ chân….

Khi máy truyền tin tắt, một chiếc xe Mercedes màu xám chạy vào sân. Một người tầm thước tóc bạc chải ngược về sau, mặt bóng, mặc bộ vét màu xám tươm tất ủi thẳng nếp bước ra xe. Trong bóng mờ Nguyễn Văn Thiệu giống như người mẫu trong tạp chí G.Q (Gentleman's Quarterly) ấn bản Viễn Đông hơn là nhà cựu lãnh đạo quốc gia. Ông không thèm nhìn đến chúng tôi khi ông đi vội lên các bậc thềm cửa trước…".

Cũng theo lời kể của Frank Snepp, không lâu sau sự việc trên, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Polgar, Timmes và nhiều sĩ quan cao cấp của cái gọi là "nền đệ nhị cộng hòa" đã đi từ cửa hông chui nhanh vào các chiếc xe Limousine. Nguyễn Văn Thiệu vào ngồi băng sau, giữa Timmes và một người phụ tá người Việt… Đến hãng máy bay Air America, Frank Snepp thắng gấp khi thấy Polgar xuất hiện. Nguyễn Văn Thiệu và tất cả những người ngồi băng sau bị dội ra trước. Các chiếc xe sau cũng thắng gấp. Polgar dang tay chạy đến mở cửa xe cho Nguyễn Văn Thiệu đi ra khỏi xe.

Lúc đó, chiếc máy bay C-118 bốn động cơ của  không quân Mỹ đang đậu ở đằng xa. Nhiều lính thủy quân lục chiến Mỹ mặc thường phục, cận vệ của Đại sứ Martin đứng ở bên cạnh. Ông Đại sứ đợi ngay dưới chân cầu thang lên máy bay.

Khi Nguyễn Văn Thiệu lên máy bay rồi, Trần Thiện Khiêm và đoàn tùy tùng mới được lên theo. Sau này Martin nhớ lại cuộc đàm thoại sau cùng với ông Thiệu "Tôi chỉ chào từ giã ông ấy… Không có tính cách lịch sử gì cả. Chỉ từ giã thôi…". Trong màn kịch cuối cùng kết thúc một chính thể chỉ lấy phụng sự ngoại bang làm trọng, vị thế của Trần Thiện Khiêm còn mờ nhạt và tức tưởi hơn nhiều

Văn Thư
.
.