Nhà văn Thùy Dương:

Viết một cuốn sách như chạm vào một giấc mơ

Thứ Hai, 08/07/2013, 15:41
Chị đẹp, viên mãn, có danh vị trong nghề báo. Và dĩ nhiên là danh vị trong nghề văn nữa. Chị viết nhiều, và cuốn sách nào dự thi là y rằng có giải thưởng, mà giải cũng không hề xoàng. Nhìn chị ung dung tự tại, hạnh phúc và bình an trong đời sống riêng, trong sự nghiệp, trong tôi chợt hiện lên hai câu hỏi. Thứ nhất, chị viết văn để tìm kiếm điều gì hơn nữa? Thứ hai, sao văn chị lại day dứt thế - như thể đối lập với cuộc sống mà chị đang có… Không chỉ những cuốn sách đã in, mà ngay cả khi đọc cuốn mới nhất của chị, tiểu thuyết Chân trần tôi cũng vẫn tự hỏi lòng câu hỏi đó. Và tôi muốn gặp chị để giải đáp những băn khoăn của mình…

Chân trần ra mắt bạn đọc trong không khí của ngày Báo chí Việt Nam 21/6 có một điều gì đó rất phù hợp. Bởi, tác giả của nó không chỉ là nhà văn, mà còn là một nhà báo có thâm niên. Chị Thùy Dương đang là Phó Tổng biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Nhưng điều đáng nói hơn là nhân vật nữ chính  trong Chân trần là một nhà báo nữ. Tôi chắc là rất nhiều nhà báo nữ sẽ nhìn thấy mình trong tiểu thuyết mới này của Thùy Dương.

Nó cũng ít nhiều có bóng dáng của chính tác giả. Một người nữ làm truyền thông, với bộn bề vất vả để theo kịp tốc độ sống thời hiện đại. Những câu chuyện, đụng chạm trong cơ quan nơi chị làm việc giống như một xã hội thu nhỏ. Ở đó, với sức ép của truyền thông hiện đại, chính những người làm báo đang bị giằng co, mâu thuẫn giữa việc làm báo thị trường chạy theo thị hiếu độc giả, hay làm báo để theo đuổi những vấn đề thời cuộc, nâng đỡ, giúp ích thiết thực cho số đông công chúng.

Một nhà báo nữ day dứt chuyện đời, chuyện xã hội, sống trong sự ô nhiễm môi trường văn hóa, muốn mọi điều tốt lên bằng ngòi bút của mình, cũng là một nhà báo nữ sống trong một gia đình với nhiều bi kịch, mất mát. Chọn nhân vật là nhà báo nữ, qua lăng kính của một nhà báo nữ, đời sống hiện đại với tất cả những bộn bề, dở dang, tốt xấu hiện lên, nhà văn Thùy Dương làm ta không ngừng suy ngẫm về con đường mà ta đang chọn để đi qua, cho hết một kiếp người.

Cố nhiên, trong tiểu thuyết của chị còn nhiều nhân vật, với nhiều tầng bậc lớp lang, ý nghĩa, mà phần lớn là nhân vật nữ. Những người nữ trong văn Thùy Dương, không hiểu sao hay gánh vác, đảm nhiệm vai trò của người trụ cột, gìn giữ, sửa sang, phục dựng những gì đã qua, đã mất. Đôi khi Thùy Dương chỉ cho ta thấy, đàn bà chính là chốn neo đậu cuối cùng của đời sống, gắn kết cuộc sống để tránh những thảm họa, tránh một sự “tận thế” trong tâm hồn.

Chân trần - tên cuốn sách dường như đã cho ta thấy một tâm thế rũ bỏ, thành thật, một tâm thế trực diện của nhà văn trước ngòi bút, trước cuộc đời. Thùy Dương truy vấn một đời sống không son phấn, không màu mè, giả dối, tìm về những gì nguyên bản nhất trong con người mà nâng niu, ấp ủ, gọi tên, chia sẻ…

Trước Chân trần, bạn đọc nhắc tên Thùy Dương với nhiều tác phẩm như Ngụ cư, Thức giấc, Nhân gian… Mỗi cuốn sách đều có giải thưởng, có dư luận, dù không thực sự là tâm bão của dư luận, không nóng bỏng sục sôi ngay tại thời điểm tác phẩm ra đời hay thời điểm tác phẩm được giải, nhưng luôn có một sự lan tỏa âm thầm, ấm áp trong bạn đọc.

Bởi không thuộc tạng viết gây sốc, và nhìn vấn đề đời sống dù gay gắt đến đâu, vẫn ở trong một sự nhuần nhị nhất định, nên Thùy Dương có một kiểu độc giả riêng. Đó là những người đọc trầm tĩnh, bình thản, nhẩn nha, ưa suy ngẫm. Những người đau đáu vấn đề thời cuộc, lịch sử. Nói cách khác, văn của chị không dành cho những ai ưa tốc độ, đi nhanh, nói nhanh, ăn trưa trong quán fast food.

Bạn đọc trẻ để đọc chị thì phải biết sống chậm lại, biết nhìn quá khứ thấu đáo hơn. Dễ hiểu bởi trong tiểu thuyết của mình Thùy Dương hay gắn nhân vật trong một trường liên tưởng dài về thời gian lịch sử. Ví dụ ở Chân trần là câu chuyện của nhiều nhân vật, nhiều thế hệ trong một dòng họ.

Ngày hôm nay, nhiều nhà văn viết tiểu thuyết theo một ảnh hình, một lát cắt chụp nào đó. Một số tiểu thuyết hiện đại còn không có cả cốt truyện rõ ràng. Đôi khi nhà văn chỉ dụng ý mang đến cho người đọc một không gian, một tâm trạng, một tâm thế nào đó, hơn là kể một câu chuyện lớp lang, tầng bậc. Nhưng với Thùy Dương thì tiểu thuyết chắc chắn không phải là một lát cắt.

Những gì được xem như lát cắt, chị biến nó thành truyện ngắn. Còn tiểu thuyết với chị, nhất định phải có hệ thống nhân vật, có tuyến tính thời gian, lịch sử cụ thể. Tôi nghĩ đó là con đường phù hợp để đi lâu dài với thể loại này. Nhà văn Thùy Dương đã không chọn sai.

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi một người đã sung túc đến độ như chị thì việc cặm cụi, đều đặn viết, trung bình mỗi năm lại có sách mới in ra, là để tìm kiếm điều gì, tôi vấp ngay vào câu trả lời của Thùy Dương.  Chị bảo: “Viết mang lại cảm giác hạnh phúc, vì mình nói được điều mình tâm huyết, trăn trở, chiêm nghiệm. Mỗi cuốn sách ra đời giống như mình đã xây dựng được một vương quốc riêng, một đời sống riêng, hoặc là chạm tới những giấc mơ mà đời thường mình không chạm tới”.

Đó là điều cốt lõi chị có được, chứ không phải chuyện có bao nhiêu người đọc mình, có bao nhiêu tiền nhuận bút, hay việc các nhà phê bình thờ ơ hay mặn nồng với sách mình viết ra. “Mỗi cuốn sách có số phận của nó. Con đường văn chương vốn dài, tôi không sốt ruột cũng không kỳ vọng nhiều qúa. Tôi chỉ biết mình đến chặng này thì phải viết cái này, chặng kia thì phải viết cái kia. Không viết không chịu được, vì lòng mình nó đầy ứ lên”.

Phải rồi, chỉ những người cầm bút mới hiểu rõ nhất cái cảm giác “đầy ứ” khổ sở thế nào. Nó buộc người viết phải ngồi vào bàn, trút lên trang giấy, như một sự trả nợ, lại như một sự cứu chuộc. Với nhà văn Thùy Dương, thì đó là những ngày giam mình trong phòng, có thể có một bình hoa hồng tỏa hương, và cây bút sột soạt trên trang giấy trắng, để những nhân vật có hình hài.

Đến tận bây giờ, chị Thùy Dương vẫn viết tay. Chị không quen viết trên máy tính. Chị yêu những trang bản thảo thơm mùi mực với những dòng chữ sống động. Những trang bản thảo viết tay cho chị cảm giác rõ rệt như đời sống của nhân vật đang cựa quậy trên từng trang giấy.

Nhà văn Thùy Dương thuộc thế hệ giao thời. Chị có tuổi thơ gắn chút ít với chiến tranh, nhưng không quá nhiều, quá đậm. Thế nhưng rất lạ là trong tác phẩm của chị, so với các nhà văn nữ cùng thời, dấu ấn của chiến tranh rất mạnh.

Chị kể: “Tôi là người rất hay bị quá khứ ám ảnh. Đúng là khi tôi trưởng thành thì chiến tranh đã kết thúc, nhưng sao tôi hay nhớ về những ngày ấu thơ cùng cha mẹ đi sơ tán. Nhớ những buổi máy bay ném bom, mẹ tôi lùa chị em chúng tôi xuống hầm.

Cả tuổi thơ tôi chỉ mong khi nào hết chiến tranh, không còn tiếng máy bay để mình không phải trốn dưới hầm. Tôi nhớ làng quê mình thời đó, chỉ toàn đàn bà sống với nhau, vì đàn ông đã đi ra trận cả. Rồi những phận người sau chiến tranh, đầy trong gia đình dòng họ nhà mình, những cô, những dì… Bao nhiêu là mất mát, di chứng dai dẳng.

Và khi viết văn, cái phần ký ức ấy nó cứ trôi một cách tự nhiên vào tác phẩm, qua cuộc đời của nhiều nhân vật. Tiểu thuyết Nhân gian tôi bắt đầu ý tưởng từ một lần đi tàu về quê chồng, qua miền Trung một thời khói lửa, hun hút những nghĩa trang liệt sĩ mênh mông mộ chí. Và rồi các nhân vật tự đến, lĩnh hội số phận của mình, buộc tôi phải viết. Ngay cả khi viết xong rồi tôi vẫn tự hỏi, sao mình lại có thể duyên nợ nhiều với chiến tranh như thế”.

Thùy Dương - ngay từ cái tên đã gợi lên một sự bình an rồi. Trong nhóm 3 nhà văn nữ thân thiết cùng thế hệ: Y Ban - Võ Thị Xuân Hà và Thùy Dương, thì Thùy Dương có một đời sống êm ả nhất. Chị cũng thừa nhận như vậy. Đời chị mọi thứ cứ êm đềm mà tới, từ lúc đi học, rồi chọn nghề làm giáo viên, rồi dạt sang làm báo, rồi viết văn, lấy chồng, sinh con, làm sự nghiệp.

Cái gì cũng vừa đủ cho một sự an lành. Gần như chị không phải chịu sóng gió, bão táp nhiều như các nhà văn nữ bạn chị. Nhìn vào lịch sử văn học, ta thường cảm nhận các nhà văn thường chịu thử thách nhiều của số phận. Nhưng Thùy Dương ở ngoài điều đó. Chị bảo, chị luôn xem mình là một người đàn bà viết văn may mắn. Đời cho mình bình an thì mình nhận và cảm ơn đời.

“Song tôi nghĩ là sự bình an trong cuộc đời cũng khó cắt nghĩa lắm. Đồng ý là tôi có chồng làm chỗ dựa, con cái khôn lớn trưởng thành, công việc cơ quan thuận buồm xuôi gió. Nhưng nếu tôi có thể kể một câu chuyện để khiến cho ít nhất một ai đó phải day dứt, thở dài. Tôi có thể đặt ra một dấu hỏi nào đó cho bạn, khiến bạn không thôi tìm kiếm câu trả lời, bằng việc viết, thì tôi có day dứt không? Tôi muốn bạn trả lời giùm tôi câu hỏi đó”….

Vâng, đã có sẵn ngay ở câu hỏi của chị Thùy Dương một câu trả lời rồi. Không có một nỗi đau giả, một nỗi buồn giả nào có thể chạm vào, làm nhức buốt trái tim người đọc. Nhà văn, nếu chị được cuộc sống ưu ái không phải lo toan chuyện miếng cơm manh áo, thì còn gì tuyệt hơn. Nghĩa là chị có thể toàn tâm toàn ý cho văn chương, hay ít nhất không mang một động cơ gì trong việc viết, ngoài động cơ được chia sẻ, trút bỏ, hay thậm chí là truy vấn.

Chị được thỏa thuê trong những con chữ của mình. Trái tim nhạy cảm của chị có thể đập nhịp với đời sống, nhân quần xung quanh, thì những trở trăn, xúc cảm, thậm chí là nỗi đau luôn luôn có thật. Nó là chất liệu cần thiết, quan trọng cho việc sáng tạo một tác phẩm văn học.

Tôi thích ngắm nhìn một người đàn bà đẹp, viên mãn viết văn. Đó là một câu chuyện có hậu, đáng yêu trong đời sống  văn học vốn mặc định nhiều hao khuyết. Giống như chị Thùy Dương nói, chị không quan trọng hóa chuyện nhà văn đi thực tế. Những chuyến đi cơ học là rất tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nếu nhà văn biết đi thực tế bằng cách ngắm nhìn những đời sống, số phận xung quanh mình.

Như ai đó đã nói, không có cuộc đời nào là nhạt, là đáng bỏ đi cả. Mỗi người đều nhắc ta một câu chuyện gì đó của số phận, của đời người. Sống bình thản, ân cần, sẻ chia ngay với những gì thân thuộc, gần gũi quanh mình, có khi đã là quá đủ chất liệu cho việc viết….

Khi tôi đang trò chuyện với chị Thùy Dương về tiểu thuyết Chân trần vừa nóng hổi “ra lò” bởi sự đỡ đầu của Nhà xuất bản Trẻ, thì chị đã bắt đầu một cuốn sách mới. Những ý tưởng cứ đến, dồn đuổi chị, hối thúc chị ngồi vào bàn. Không cần đao to búa lớn, không cần phải trở nên thời thượng hơn trong cách viết, không cần phải nổi tiếng hơn trên truyền thông, chị xác định rõ ràng, hãy trình bày tự nhiên nhất những gì mình thu nhận từ đời sống. Sự giản dị, khiêm nhường vốn thường không hot, nhưng nó luôn có cơ hội neo đậu lâu dài nơi trái tim bạn đọc…

Bình Nguyên Trang
.
.