Vị tướng an ninh và "thương hiệu" ba cùng

Thứ Sáu, 24/10/2014, 16:30

Từ cách đây hàng chục năm ông đã nổi  tiếng với việc chèo lái con thuyền bết bát, sắp đắm của công an một địa phương đang “dính chàm” từ vụ án Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường trở thành đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc, với 8 năm liên tục được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông nổi tiếng là người của công việc, vị tướng cầm quân với kỷ luật sắt nhưng giàu lòng nhân ái. Đặc biệt, chủ trương “ba cùng” đã trở thành thương hiệu của Công an tỉnh Điện Biên nói chung và của ông nói riêng. Ông là thiếu tướng Đậu Quang Chín, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên…

Thiếu tướng Đậu Quang Chín ra Hà Nội và hẹn gặp tôi ở nhà con trai trên một con phố yên tĩnh rợp bóng xà cừ ở bán đảo Linh Đàm. Sau mấy chục năm lăn lộn nơi miền đất hiểm cực Tây, ông đưa vợ quay về quê hương - nơi có những câu hò câu hát ví dặm ngọt ngào, sâu lắng. Mặc dù đã về nghỉ hưu nhưng thi thoảng ông vẫn tham gia ý kiến tâm huyết cho Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên và Lai Châu về công tác an ninh trật tự và xây dựng lực lượng…

Thiếu tướng Đậu Quang Chín không phải là người Tây Bắc. Ông sinh ra lớn lên ở Nam Đàn, Nghệ An. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông có mặt ở nơi trọng điểm nhất của cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, đó là vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh với cương vị Phó trưởng Công an huyện. Năm 1978, khi biên giới phía Bắc bắt đầu phả hơi nóng, ông xung phong lên Lai Châu và được cử giữ cương vị Phó trưởng Công an huyện Tủa Chùa - một huyện vùng cao, nghèo khó và xa xôi bậc nhất của tỉnh Lai Châu hồi đó. Hơn 10 năm lăn lộn ở vùng đất này, ông đã để lại nhiều dấu ấn từ những việc làm vì dân. Tủa Chùa là huyện có đến gần 90% là bà con dân tộc Mông nhưng từ hồi ông công tác cho đến tận bây giờ người dân vẫn một lòng một dạ theo Đảng, kiên quyết không nghe theo luận điệu của kẻ xấu. Từ một vựa thuốc phiện lớn nhất nhì tỉnh (những năm 80 của thế kỷ trước), Tủa Chùa đã phấn đấu không còn loài cây độc…

Ông về nhận cương vị Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu năm 2000 khi Công an tỉnh Lai Châu (cũ) đang bị vụ án Xiêng Phênh – Vũ Xuân Trường càn quét tan hoang. Nhiều cán bộ chiến sĩ, trong đó có cả trưởng phó phòng bị bắt, bị kết án tử hình. Hồi tưởng về thời điểm buồn đó, mắt ông vẫn ngấn lệ. Ông tâm sự rằng trong cuộc đời binh nghiệp mấy chục năm ở Tây Bắc, điều ông đau đớn nhất chính là những lần phải chứng kiến đồng chí đồng đội của mình dính chàm, bị bắt vì không chiến thắng nổi cám dỗ của ma lực đồng tiền và ma tuý…

Chính vì vậy, nỗi niềm đau đáu và trở thành mục tiêu phấn đấu của ông khi ở cương vị Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ) là phải làm tốt công tác xây dựng lực lượng, xốc lại kỷ cương, sức chiến đấu của đơn vị. Thiếu tướng Đậu Quang Chín có những ý tưởng rất táo bạo về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Ông bảo, cán bộ vi phạm kỷ luật nhiều là do thiếu trình độ, ít tu dưỡng đạo đức tác phong và xa rời nhân dân. Chỉ có “3 cùng” với dân, thấm cái khó khăn, vất vả của dân thì mới phục vụ nhân dân được tốt hơn. Và chỉ có dựa vào nhân dân, đi về phía nhân dân thì mới huy động được sức mạnh để giành thắng lợi. Đảng uỷ - Ban giám đốc Công an tỉnh đã tổ chức nhiều “Hội nghị Diên Hồng” để họp bàn đề ra nhiều giải pháp đột phá. Một trong những “quyết sách” mang “tầm nhìn xa” của Đảng uỷ - Ban giám đốc chính là chủ trương tăng cường cán bộ xuống cơ sở, thực hiện ba cùng với nhân dân, xây dựng lực lượng Công an trong sạch vững mạnh…

Tầm nhìn và sự nhạy bén của ông bắt đầu từ tháng 2/2001, khi đó sự kiện phức tạp trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên bùng phát. Thiếu tướng Chín nhận định miền rừng núi Tây Nguyên có nhiều điểm tương đồng về an ninh trật tự. Chính vì vậy, ông đã cử ngay một số tổ công tác đặc biệt trực tiếp bay vào vùng đất Tây Nguyên để nắm bắt tình hình, nghiên cứu thực tế, tìm ra nguyên nhân. Ngay sau đó, Công an tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 22 về điều tra cơ bản, toàn diện để nắm chắc tình hình, và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương có các giải pháp cấp bách đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nổi bật là Chỉ thị số 09 của Tỉnh uỷ, Kế hoạch số 1.428 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về “Phòng ngừa ngăn chặn việc tuyên truyền luận điệu gây mất đoàn kết dân tộc trên địa bàn Lai Châu”…

Để triển khai thực hiện tốt chủ trương này, tránh hình thức, một yêu cầu tướng Chín đặt ra là cán bộ tăng cường xuống địa bàn phải nói được tiếng dân tộc. Ông bảo: “Không nói được tiếng, không nghe được bà con nói gì thì dân vận cũng bằng không nên tất cả cán bộ chiến sĩ đều lao vào học tiếng Mông, tiếng Thái”. Công an tỉnh và Công an các huyện phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức dạy tiếng dân tộc cấp tốc cho cán bộ chuẩn bị xuống địa bàn. Hồi đó Công an tỉnh Lai Châu đang phối hợp với Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức 2 lớp đại học tại chức tại Điện Biên Phủ. Thiếu tướng Đậu Quang Chín đã về Bộ Công an báo cáo và xin chủ trương cho học viên chuyển từ học ngoại ngữ tiếng Anh sang… học tiếng Mông.

Thiếu tướng Đậu Quang Chín trong lần xuống cơ sở làm công tác dân vận.

Sau những bước chuẩn bị ban đầu, tất cả các cán bộ chiến sĩ, kể cả Ban Giám đốc đến các trưởng phó phòng nghiệp vụ, trưởng phó công an thành phố, huyện thị... đều lần lượt tăng cường xuống cơ sở để cùng ăn - cùng ở và cùng làm với bà con. Trong 10 năm (2001-2010)  với hàng chục đợt ra quân (mỗi năm 2 đợt) đã có gần 15 ngàn lượt cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên có mặt ở trên 900 bản, thuộc 112 xã. Tại địa bàn được tăng cường, lực lượng Công an phối hợp với các ngành chức năng làm mới được hàng trăm phòng học, mở trên 100 lớp xoá mù chữ cho gần 2.500 người, khắc phục tình trạng “trắng” y tế ở 39 thôn bản, cùng bộ đội biên phòng dựng hơn 800 căn nhà cho những hộ nghèo. Đặc biệt, các đoàn công tác đã phát hiện và giúp đỡ trên 2.300 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng. Lực lượng Công an không chỉ giúp gần hơn 200 bản xoá tình trạng “trắng” đảng viên, mà còn giúp cho đảng bộ các xã được củng cố, hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn hơn. Chính vì “3 cùng” được quần chúng ủng hộ nên từ năm 2001 đến 2010, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an hơn 15.400 nguồn tin có giá trị về an ninh trật tự, giúp điều tra khám phá hàng ngàn vụ án.

Là người của công việc nên tuy ở cương vị Giám đốc và là đại biểu Quốc hội (khoá XII) nhưng chẳng mấy khi thấy ông ở trụ sở. Ông đi địa bàn liên miên, ông bảo rằng nếu không xuống cơ sở, không trực tiếp nghe và xác minh vụ việc thì công tác chỉ đạo đôi khi cũng chủ quan, duy ý chí. Hồi đó nhiều xã thuộc huyện Mường Nhé mới chia tách và thành lập chưa có đường ôtô nhưng tháng nào chẳng thấy Tướng Chín ở trong Mường Toong, lúc thì Nà Hỳ, Na Cô Sa hay Tằng Do, Vàng Lếch. Ông bị tiểu đường, ăn uống phải kiêng khem nhiều nên vợ ông – bà Ngô Thị Như lại lặn lội theo chồng để phục vụ bữa ăn và thuốc men cho chồng. Tôi vẫn nhớ mùa khô năm 2006, vùng đồng bào Mông ở bản Tằng Do và Vàng Lếch (Mường Nhé) bị mất mùa liên miên, cái đói đe doạ từng ngày, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng.

Thiếu tướng Chín đi kiểm tra địa bàn, ngay chiều tối hôm đó trong cuộc họp dân, ông đã chỉ đạo ngay lập tức Thượng tá Lương Thanh Lưu, khi đó là Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế và Thượng tá Nguyễn Hữu Bát, Phó trưởng phòng Bảo vệ An ninh kinh tế phụ trách tổ công tác phải lập tức nghiên cứu xây bể nước sinh hoạt cho dân, cứu đói dân và tìm cách hỗ trợ nhân dân sản xuất. Cũng chỉ một tuần sau, tổ công tác của Thượng tá Bát đã hoàn thành đường nước sinh hoạt, xây bể nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho hàng chục hộ dân. 160 hộ dân ở bản Vàng Lếch và Tằng Do được cán bộ công an quyên góp hỗ trợ 60 triệu đồng thử nghiệm trồng ngô lai, đậu tương. Kết quả là năng suất ngô tăng gấp 4 lần, đậu tương tăng 3 lần so với cách trồng truyền thống của đồng bào. Sau những gì lực lượng Công an làm giúp dân, bà con người Mông ở Mường Nhé đã trìu mến gọi bể nước ở Tằng Do là “bể nước 3 cùng”, giống ngô cho năng xuất cao được bà con gọi là “giống ngô ông Chín”…

Hơn 40 năm gắn bó với vùng cao Tây Bắc nên thiếu tướng Đậu Quang Chín nói giỏi tiếng Mông, tiếng Thái (2 dân tộc có số người đông nhất tỉnh Điện Biên). Ông được đánh giá là một bậc thầy, một chuyên gia về công tác dân vận. Nhiều bài báo đã từng viết về cái tài của ông trong cảm hoá, thu phục tội phạm, nổi bật là vụ đấu trí với Trần Hùng Sơn - một tội phạm kinh tế trong dự án phát triển kinh tế - xã hội Mường Tè, nhưng ít ai biết rằng ông đã nhiều lần trực tiếp vào tận “hang ổ” của nhóm cầm đầu tuyên truyền để cảm hoá, thu phục chúng.

Một trong những đối tượng mà Thiếu tướng Đậu Quang Chín cảm hoá thành công chính là Phàng A Dông (SN 1956) ở Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Cuối những năm 90, Phàng A Dông là đối tượng cầm đầu tích cực tuyên truyền luận điệu gây mất đoàn kết dân tộc. Đấu mãi nhưng Dông vẫn chứng nào tật đấy, cứ về địa phương là ngựa quen đường cũ, chứng nào tật nấy. Không cảm hoá được cái đầu của Dông thì tình hình còn phức tạp nên thiếu tướng Đậu Quang Chín quyết định trực tiếp xuống địa bàn.

Nhiều lần ông và thượng tá Đỗ Văn Ruẫn khi đó là Trưởng phòng Bảo vệ chính trị IV xuống gặp Dông. Ban đầu thì Dông tìm cách lánh mặt, nhưng sau thấy được sự chân tình của ông nên Dông đồng ý ngồi lại nói chuyện. Ông có nhiều cuộc nói chuyện cởi mở với Dông bằng tiếng Mông; phân tích điều hay lẽ phải theo đúng cái lý của người Mông. Mưa dầm thấm lâu, rồi thì Phàng A Dông cũng nhận ra sai lầm. Thiếu tướng Chín còn chỉ đạo cán bộ chiến sĩ tăng cường có những chính sách và sự hỗ trợ về vật chất tinh thần. Từ một người cầm đầu, Dông đã thay đổi. Điều đặc biệt là khi anh ta chuyển biến về nhận thức thì hàng chục hộ dân ở Tủa Sín Chải cũng dần nhận ra tâm địa hiểm sâu của bọn người xấu bụng, quay về với phong tục truyền thống của dân tộc…

Thiếu tướng Đậu Quang Chín đứng dậy mở rộng cánh cửa đón làn gió thu mát rượi từ hồ Linh Đàm. Trời thu Hà thành trở nên trong trẻo sau cơn mưa vội vàng đến rồi đi. “Đối với tôi, bài học lớn nhất trong mấy chục năm công tác ở Tây Bắc chính là bài học từ quần chúng. Nếu chúng ta biết dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân và kết hợp tốt với các yếu tố về nghiệp vụ thì chắc chắn sẽ thành công. Nếu cán bộ biết vì dân, thì dân mình dù còn gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng tấm lòng dân thì ở đâu cũng rộng và để ngỏ cửa đón cán bộ vào…” - Thiếu tướng Đậu Quang Chín đúc kết

Vũ Mạnh Hà
.
.