Vị tướng - Khi giai điệu gọi tên “một mình”

Thứ Tư, 27/11/2019, 09:21
24 tuổi làm phóng viên, sau này ông giữ cương vị Tổng Biên tập Báo An ninh thế giới rồi Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, nắm trong tay nhiều đầu báo uy tín, thương hiệu và ông cũng là người đặt viên gạch đầu tiên cho Truyền hình ANTV. Từ lâu, người ta đã thấy, dưới trướng ông, nhiều phụ tá có tài...


Hẳn ông rất biết cách dùng người, ai vào việc nấy. Nhiều người đồ đoán, để có được tập đoàn báo chí lớn mạnh suốt mấy chục năm, bắt đầu từ giữa thập niên 90, hẳn ông đã phải cao minh trong những thế sự của bàn cờ.

Không biết thực hư như nào nhưng, các bậc tiền bối, những tri thức thời bấy giờ mỗi khi nhắc đến ông, họ đều có chung một cảm xúc, chỉ một từ thôi để diễn tả trạng thái này: Trọng.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước tại buổi gặp mặt báo chí ra mắt chương trình “Hữu Ước & bài thơ Một mình”.

Mùa xuân năm 2008, trong một căn phòng của Tạp chí Sân khấu tại khu biệt thự 51 Trần Hưng Đạo (nơi xưa kia là khu nghỉ dưỡng của cựu hoàng Bảo Đại mỗi khi ra Hà Nội và nay là chỗ làm việc của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật) có bức tranh nhỏ, chú chuột vàng óng giữa xung quanh là những sắc màu được đóng khung trắng. Người ta chỉ thường thấy chuột màu xám, màu trắng, màu đen chứ chuột vàng thì chỉ do trí tưởng tưởng của người cầm cọ.

Chú chuột vàng không phải là đi, hay chạy mà như đang bay, ở phía dưới là màu xanh, không phải là cỏ cây, hoa lá mà là biển nước mênh mông và dữ dội của dầu sôi, lửa bỏng. Ở bên trái bức tranh ghi: “Mậu Tý Xuân, màu dầu - Hữu Ước”.

Thì ra, một phóng viên của tạp chí có quyển sách, thơ, nhạc, họa của Hữu Ước. Trong quyển sách có bức tranh chuột vàng, ông vẽ bằng màu dầu được chụp lại. Năm đấy cũng là năm Mậu Tý, phóng viên ấy rất thích bức tranh của ông, liền cắt bức tranh đã được in trong sách ra và đóng khung để ở bàn làm việc như hi vọng, chờ đón một năm mới may mắn.

Một ông cụ ngoài 70 tuổi, bước vào căn phòng, dáng người bé nhỏ, thần mắt sáng rực. Ông chính là nhà điêu khắc tài ba Lê Công Thành, người được mệnh danh là bậc thầy của điêu khắc Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được biết đến là nhà tiên tri số 1 mà trong giới nghệ thuật ít ai không biết đến ông về tài đoán điềm, đoán mệnh. Có lần, ngồi với một số anh tài trong làng báo, ông đã nhìn thẳng vào mặt một vị tổng biên tập nọ nói vài câu giữa xung quanh là dăm bảy người bạn.

Và, quả nhiên chỉ ít lâu sau, mọi chuyện xảy ra với người tổng biên tập này đúng như những gì ông đã dự báo. Ông có khả năng đoán vận mệnh của con người qua câu chữ họ viết. Có thể con chữ đấy chỉ qua một bài báo, một câu thơ.

Người ta đồn rằng lời của nhà tiên tri này là sấm truyền. Chẳng hiểu sao, ông dừng lại trước bức tranh Mậu Tý Xuân của nhà văn Hữu Ước, nhìn chăm chú như bị thôi miên, rồi đột nhiên nói rành rẽ: “Bạn cho mình bức tranh này đi”.

Thấy ông tha thiết quá, chủ nhân của bức tranh không nỡ chối từ. Ông có nói gì đó về nhà văn Hữu Ước nhưng chuyện mình dễ nhớ, chuyện người khác khó nhớ nên cho đến giờ không ai còn nhớ ông đã nói gì về vị Tướng đa tài nữa. Chỉ biết rằng, ông là bạn thân của nhà văn Ngô Thảo và nhà điêu khắc Lê Công Thành có một sự mong mỏi thiết tha là được diện kiến vị Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân - nhà văn Hữu Ước. Nhưng, chẳng hiểu sao, chắc chưa đủ duyên nên cho đến ngày ông mãi mãi ra đi, việc đấy vẫn chưa thực hiện được. Sau này, khi gặp gỡ những người bạn, mỗi khi nhắc đến Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nhà văn Ngô Thảo luôn miệng nói: “Tướng Ước có tài nhưng rất cô đơn”.

Căn phòng trên tầng 2 địa chỉ 100 Yết Kiêu, Hà Nội - “thủ phủ” của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, là “đại bản doanh” mà cánh văn nghệ sĩ vẫn thường xuyên lui tới thăm ông, rôm rả chuyện trò.  Hơn 20 năm trôi qua, biết bao nhiêu biến động, kẻ còn người mất. Những gương mặt ngày nào còn thân quen nói cười, nay đã đi về miền cực lạc. Trong số họ, cứ từng người, từng người một như quy luật của tạo hóa có sinh, có diệt, không đừng được và cũng không khác được.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước chuẩn bị làm đêm nhạc vào ngày 29 và 30 tháng 11 tại Nhà hát Âu Cơ số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Người ta bảo, làm chính trị phải có cái đầu lạnh. Chẳng biết ông lạnh hay nóng nhưng một người ôm giữ và trân trọng quá khứ, khắc ghi kỉ niệm như ông chắc hẳn không lạnh được. Chiếc xe máy cũ kĩ đã theo dấu chân ông từ những ngày đầu khởi nghiệp, ông vẫn giữ để nhớ về một thời xông xáo và đi lên từ bàn tay trắng. Trong căn phòng làm việc đó, ngổn ngang bút, toan, cùng những khung tranh, với những mảng màu sáng tối... và một lưu bút của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Bài thơ Họa sĩ được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết vào cuối tháng 5 năm 2007. Tức là sau mấy ngày kỉ niệm ngày sinh của nhà văn Hữu Ước 54 tuổi. “Tôi nhìn anh với cái tạp dề xanh/ Tay cầm bay miết trên tấm toan to rộng/ Tấm toan ấy hay là cuộc sống/ Ơi người họa sĩ của trần gian?...”.

Sau những câu thơ gan ruột chắt lọc từ đáy lòng tặng người bạn của mình, 6 tháng sau, vào một ngày mùa đông, nhà thơ qua đời vì căn bệnh ung thư. 12 năm bài thơ vẫn nằm trang trọng ở vị trí ấy. 12 năm nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ở một nơi nào đó thật xa, còn trong căn phòng tầng 2 này, 12 năm nhà văn Hữu Ước vẫn ngày đêm lặng lẽ cần mẫn “Tay cầm bay miết trên tấm toan to rộng”, ông đã vẽ khối lượng đồ sộ 200 bức tranh sơn dầu và màu dầu. 50 bức tranh được chọn ra từ tập tranh của ông trong những năm tháng qua sẽ được triển lãm trong chương trình Hữu Ước & bài thơ Một mình ngày 29 và 30 tháng 11 tới đây.

Trong căn phòng ăm ắp tranh ấy có một tủ kính nhỏ trưng bày những truyện, ký, tiểu thuyết, thi ca của ông... Trên mặt tủ có một khối san hô lớn, ông bảo  đó chính là vật lưu niệm mà người vợ của ông, nữ chiến sĩ công an Nguyễn Thị Lý mang từ Trường Sa về. Chiếc tủ kính kê sát bộ sa-lông, ngay chỗ ông ngồi. Như vô tình, hay hữu ý mà ông hằng ngày vẫn ngồi ở vị trí sa-lông này, rất gần với khối san hô trắng kia. Những kỉ niệm với bao buồn vui, những tình cảm dạt dào, cả ngọt ngào và đắng cay, những mặn mòi nước mắt, những giận dỗi hờn ghen... tất cả giờ đã xa, xa lắm, chỉ còn trong kí ức.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước có nhiều bạn bè, xung quanh ông cũng không ít bóng hồng nhưng ẩn trong ông là sự cô đơn đến tột cùng, sự yếu mềm run rẩy của cung bậc cảm xúc, của trái tim thi nhân và tha nhân. Ông, phải chăng chính nhờ sự cô đơn đến tột cùng đó đã khỏa lấp bằng những câu thơ như được chắt ra từ gan ruột: “Tôi bỗng thấy thương trái tim bé nhỏ/ Côi cút lạc loài/ Hạnh phúc đắng cay/ Trái tim quẫy đạp cuồng si/ Trong lồng ngực yếu gầy/ Và trái tim đau/ Để chắt ra từng giọt máu...”.

Và ông tìm đến hội hoạ cũng là để giải tỏa cõi lòng, để gào thét, vẫy vùng, trong thế giới hoang dại của màu sắc, thản nhiên tắm mình suy tưởng. Một mảng nữa cũng thật đặc biệt đó là âm nhạc. Ở địa hạt này, ông gây ấn tượng mạnh, nhiều ca khúc khi giai điệu vang lên khiến khán giả thổn thức. Vì sao vậy? Giai điệu âm nhạc của ông như chính con người ông lắng đọng và man mác buồn.

Ca sĩ Ngọc Anh, top 5 - Sao Mai điểm hẹn 2006 chia sẻ: “Tôi bị chinh phục bởi những cảm xúc dung dị, chân thực trong mỗi sáng tác của ông. Tôi rất thoải mái khi hát những ca khúc của anh Ước. Đó đều là những nhạc phẩm dễ gây cảm xúc cho người nghe, chạm tới được trái tim nhiều đối tượng người yêu nhạc”.

Nữ ca sĩ còn cho biết thêm, sắp tới đây, khi tham gia chương trình Hữu Ước & bài thơ Một mình cô vô cùng hào hứng để đứng trên sân khấu thể hiện ca khúc do vị Tướng tài hoa này sáng tác. Và, chắc hẳn, ca khúc ấy sẽ rất xúc động...

Một đêm văn nghệ đặc biệt

Đêm nhạc Hữu Ước & bài thơ Một mình sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 29 và 30 tháng 11 tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Đêm biểu diễn xuất hiện nhiều gương mặt ca sĩ trẻ, được mến mộ: Ngọc Anh, Vũ Thắng Lợi, Thụy Miên, Thu Thủy, Huyền Trang, Lương Huy, nhóm Con gái, nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa, MC Mỹ Vân...

Trong chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức 50 tác phẩm hội họa của ông được chọn ra từ 200 bức tranh mà ông đã vẽ trong suốt thời gian qua.

Thông qua chương trình, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước vẽ chân dung của đời mình xuất thân từ anh lính binh nhì, đi qua giông gió của đời người, một tình yêu đẹp trong đời thực bước vào thi ca, với những kỉ niệm và cuối cùng là một trái tim rớm máu nỗi cô đơn.
Mỹ Trân
.
.