“Vì sự hiện diện của chúng ta trên trái đất là rất ngắn…!”

Thứ Tư, 06/03/2019, 11:26
Cuộc đối thoại này được thực hiện ở những thời điểm khác nhau, đơn giản vì ông quá bận, và bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, vì ông  bảo mình đã rời Việt Nam từ 60 năm trước, nên không rành tiếng Việt. 

Bận thế, và rời Việt Nam lâu thế nhưng tấm lòng của vợ chồng nhà khoa học Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc với quê hương Việt Nam vẫn luôn nặng trĩu.

Họ đã tổ chức 14 cuộc "Gặp gỡ Việt Nam" để giúp giới khoa học Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với những nhà khoa học danh giá nhất thế giới. Và họ còn thành lập một trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn (Bình Định) với ước mơ sẽ biến nơi đây thành một địa phương khoa học có uy tín trên thế giới.

- Phóng viên: Thưa Giáo sư Trần Thanh Vân, khi đánh tên giáo sư trên wikipedia thì tôi nhận được thông tin rằng giáo sư chính là người đã phát hiện ra Proton không phải là "viên gạch cuối cùng" của vật chất, mà còn có những "viên gạch" khác nhỏ hơn. Sự thực có phải như vậy không ạ?

- Giáo sư Trần Thanh Vân: Không! Tôi không phải là người khám phá ra "Proton không phải là "viên gạch cuối cùng" đâu. Người khám phá ra điều này là bạn tôi, Giáo sư Hofstadter ở Đại học Stanford. Tôi chỉ là người chứng minh hạt Neutron cũng có một cơ cấu tương tự như thế và cũng không phải là "viên gạch cuối cùng".

- Ồ! Vậy là Wikipedia sai rồi. Ở góc độ cảm xúc, khi phát hiện ra điều đặc biệt kể trên, giáo sư thấy như thế nào?

- Tôi không phải là nhà văn, không thuộc giới nghệ sĩ nên không biết phải trả lời câu này như thế nào.

- Vậy giáo sư tự thấy mình là một người như thế nào ạ?

- Tôi thấy mình chỉ giống như một người phu đường, chỉ biết cặm cụi dưới đất, chứ không biết gì cao siêu cả.

- Trong khi rất nhiều người nhìn giáo sư như một biểu tượng lớn trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết thì chính giáo sư lại tự nhận mình giống "người phu đường, chỉ biết cặm cụi dưới đất". Liệu có phải sự khiêm tốn là phẩm chất quan trọng nhất của một nhà khoa học đích thực hay không?

 - Đây không phải là vấn đề khiêm tốn. Đây là ý thức của một thang giá trị đích thực. Một nhà nghiên cứu, theo định nghĩa, là một người nhận thức rằng sự hiểu biết của mình rất giới hạn, và do đó phải nỗ lực hết mình để bắt tay vào việc tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề mà khoa học đặt ra. Tôi nghĩ những phẩm chất của một nhà khoa học ngoài tính khiêm tốn, còn có tính cởi mở, sự tò mò và đam mê nghiên cứu.

- Và sau đó là kết nối, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng khoa học nữa, phải không ạ. Có như vậy thì vợ chồng giáo sư mới tổ chức các cuộc "Gặp gỡ Việt Nam" đến 14 lần, và có thể nói rằng giới khoa học Việt Nam được mở mang rất nhiều sau những cuộc gặp gỡ với những nhân vật khoa học tầm cỡ ấy?

- Khoa học ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng không nên nói rằng sự tiến bộ đó là nhờ những cuộc "Gặp gỡ Việt Nam". Điều tôi có thể nói với bạn là tôi rất vui khi thấy nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam đã tham gia "Gặp gỡ Việt Nam" và trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, được kính trọng trên thế giới. Một điều chắc chắn là nhiều người trong số họ nhận ra rằng "Gặp gỡ Việt Nam" cho phép họ thiết lập nhiều liên hệ vững chắc và rất hữu ích cho công việc khoa học và sự nghiệp của mình.

- Cùng với các hội nghị, các cuộc giao lưu tiếp xúc, "Gặp gỡ Việt Nam" còn tổ chức các khoá học ngắn hạn, để chắp cánh cho những giấc mơ khoa học, phải không ạ?

- Những hội nghị đầu tiên của "Gặp gỡ Việt Nam" diễn ra từ năm 1993, và kể từ năm 1994 đến nay, bên cạnh những hội nghị còn có những khóa học theo các chủ đề như vật lý hạt nhân, vật lý thiên văn, vật lý ngưng tụ... 

Những năm gần đây còn có những khoá học hè khoảng 2 tuần, và ở những khoá học như thế, người dạy và người học có thể tự do chia sẻ, trao đổi và cùng nhau đi tìm kiến thức.

Mỗi một khoá học như thế thường có khoảng 30 sinh viên Việt Nam và khoảng 20 sinh viên đến từ các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ. Tất cả các sinh viên đều nhận được học bổng cho việc đi lại, học hành và ăn ở.  

Kết quả là nhiều sinh viên từ các lớp học này đã được giáo sư của họ chọn để làm tiến sĩ Khoa học ở nước ngoài. Và sau đó có một số người đã quyết định quay về, làm việc ở Việt Nam.

GS Trần Thanh Vân (thứ ba từ trái sang)

- Dù họ biết, quay về là đầy khó khăn!

- Những khó khăn đến từ việc lương thấp, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu phương tiện làm việc. Nhưng chính vì khó khăn thì chúng ta mới phải cùng nhau tìm cách khắc phục và thay đổi.

- Chính vì vậy nên vợ chồng giáo sư mới thành lập một Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở Quy Nhơn? Liệu dự án này có thể phát triển tới mức nào, thưa giáo sư?

- Từ viên gạch đầu tiên là ICISE được thành lập vào năm 2013, hội Gặp gỡ Việt Nam đã đề xuất với tỉnh dự án thành lập Trung tâm Khám phá Khoa học, (gồm có nhà chiếu hình vũ trụ, các phòng triển lãm, các phòng khám phá khoa học và sắp tới, sẽ có một đài quan sát thiên văn…) với mục đích đem khoa học đến quần chúng, từ trẻ em 3-4 tuổi đến những vị cao tuổi. Đây là một nơi Gặp gỡ Trao đổi Khoa học giữa các tầng lớp xã hội và giữa các thế hệ.

ICISE và Trung tâm Khám phá Khoa học là giai đoạn khởi đầu trong quá trình thành lập một khu đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay, hội "Gặp gỡ Việt Nam" đã đề nghị Trung tâm Khám phá Khoa học lên chương trình đưa vài nhà chiếu hình vũ trụ di động về các vùng xa xôi hẻo lánh, giúp các trẻ em nhỏ khu vực này có điều kiện tiếp cận với khoa học, và gợi mở tình yêu khoa học trong lòng các em. Một số doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng đang khảo sát để hình thành quần thể các hạng mục khoa học cho khu đô thị khoa học tương lai này.

- Một đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam, mới nghe thôi đã thấy lấp lánh rồi.

- Uớc mơ lớn nhất của tôi bây giờ là Quy Nhơn sẽ trở thành một Princeton của Việt Nam một ngày nào đó trong tương lai.

- Princeton?

- À, đấy là một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ nhưng rất có uy tín khoa học, nơi mà nhà vật lý danh tiếng Albert Einstein đã sống khi phải rời khỏi chế độ Đức Quốc xã. Với tất cả sự chân thành và khiêm tốn, tôi hy vọng trong vòng từ 20 đến 50 năm nữa, Quy Nhơn có thể thành một Princeton của Việt Nam.

- Thực sự khả thi chứ ạ?

- Tôi nghĩ, điều này khả thi vì ở Việt Nam, Trung tâm ICISE có rất nhiều tiềm năng phát triển. Vấn đề là tất cả chúng ta, các nhà Lãnh đạo Nhà nước và chính quyền địa phương, phải cùng nhau hành động để đeo bám, thực hiện mục tiêu đến cùng. 

Tôi luôn nói với những người làm việc cùng mình rằng chúng ta phải có mục tiêu, có ước mơ, cho dù đấy là những ước mơ khó thực hiện. Thế hệ chúng tôi sẵn sàng trở thành những "người phu lát đường" để có thể tạo nên những viên đá đầu tiên cho con đường ước mơ này.

- Trong suốt quá trình về Việt Nam tổ chức các cuộc "Gặp gỡ Việt Nam" và xây dựng các dự án khoa học ở Việt Nam, ông nhận xét thế nào về tinh thần hợp tác của những cá nhân, đơn vị mà mình đã và đang làm việc?

Hồi đầu, một mô hình như ICISE còn mới mẻ với Việt Nam, nên sự hợp tác của các cấp chính quyền là chưa cao. Nhưng bây giờ, cùng với nỗ lực từ nhiều phía, mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng tốt lên. ICISE đã tạo cơ hội cho các sinh viên, các nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam gặp gỡ, xây dựng mối quan hệ với các chuyên gia trên khắp thế giới. 

Hiện nay ICISE đã lập ra viện khảo cứu IFIRSE gồm 2 nhóm nghiên cứu: nhóm nghiên cứu về Vật lý Lý thuyết và nhóm nghiên cứu về Vật lý Neutrino. Nhóm Neutrino là nhóm nghiên cứu duy nhất Việt Nam về lãnh vực Neutrino. 

Giáo sư Nakaya đã nhận làm giám đốc cho nhóm này ở Việt Nam. Nhóm này đã tham gia thí nghiệm quốc tế T2K tại Nhật Bản với sự tham dự của 12 quốc gia.

Các nghiên cứu viên của hai nhóm đã tích cực xây dựng chương trình nghiên cứu và gần đây đã nhận được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia NAFOSTED cho 2 đề tài thuộc lĩnh vực Vật lý lý thuyết và Vật lý Neutrino. 

Nhưng tôi luôn nghĩ, để nó có thể phát triển mạnh mẽ, toàn diện thì cần phải có một ý chí tập thể của nhiều cấp chính quyền. Chính nhờ một ý chí như thế mà "Gặp gỡ Moriond" tại Pháp đã kéo dài đến tận hôm nay.

- Ồ, "Gặp gỡ Moriond", tôi có biết tới câu chuyện này thông qua bộ phim tài liệu "Ngọn lửa Moriond" được phát trên VTV, và nói thật là tôi rất ấn tượng với một chi tiết trong bộ phim ấy, đó là mùa xuân năm 1966, Moriond dù là một ngôi làng vô danh kẹp giữa Pháp và Italia nhưng đã được chọn là nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ phi chính thống giữa những nhà khoa học trẻ và những nhà khoa học lớn trên thế giới, do chính giáo sư đề xuất. Nếu "Gặp gỡ Việt Nam" có tuổi đời trên 25 năm thì "Gặp gỡ Moriond" có tuổi đời trên 50 năm rồi, phải không ạ?

- Đến nay đã là 54 năm! Sở dĩ kéo dài được như thế vì khi tôi khởi xướng "Gặp gỡ Moriond", tôi được nhiều con người nhiệt huyết, tận tâm giúp đỡ. Tôi hy vọng ở Việt Nam cũng sẽ có một ý chí tập thể giống như thế. Một ý chí đủ mạnh mẽ và bền bỉ, chứ không phải chỉ ở dạng thấp thoáng ban đầu.

- Tôi hiểu điều giáo sư đang nói, và hy vọng trong một tương lai rất gần tới đây, một ý chí đủ lớn như thế sẽ xuất hiện. Bây giờ thì tôi muốn hỏi, không chỉ kết nối giới khoa học Việt Nam với nước ngoài, giáo sư còn nhiều hoạt động đa dạng khác ở Việt Nam như nuôi trẻ mồ côi ở các làng trẻ SOS, rồi phát học bổng hàng năm của Quỹ Odon Vallet... Vậy, động cơ nào đã khiến giáo sư có một sự dấn thân toàn diện đến như thế?

- Tất cả đều xuất phát từ một nhận thức đơn giản rằng, sự hiện diện của chúng ta trên trái đất này là vô cùng ngắn ngủi. Và chúng ta - những lớp người đi trước - cần chung tay giúp các bạn trẻ xây dựng tương lai.

- Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!

Diệp Xưa
.
.