Vị lão tướng và những ký ức không phai mờ

Thứ Sáu, 24/04/2015, 11:09
Những cơn mưa phùn cuối xuân khiến Hà Nội lướt thướt trong cơn gió se lạnh. Trong khu tập thể “nhà binh” trên phố Trần Phú, có một căn biệt thự cổ gồm nhiều gia đình chung sống là những cán bộ, sĩ quan Quân đội. Tìm mãi mới thấy cái chuông đúng địa chỉ. Sau một hồi chuông đổ, có tiếng bước chân rồi cánh cửa khẽ mở.

Vị lão tướng Khuất Duy Tiến xuất hiện, thân tình mời khách vào nhà. Cảm giác thật giản dị và ấm áp. Toàn sách và chữ nho, với những bài thơ, câu đối trên bàn thờ, trên tủ sách và tường nhà. “Những chữ này đều do tôi tự viết!” - nghe chủ nhà nói vậy, khách không khỏi trầm trồ nể phục.

Nghe danh vị tướng xứ Đoài đã lâu nhưng hôm nay mới được gặp mặt. Ông người gốc Đại Đồng (Thạch Thất – Hà Nội), một vùng đất rất thân quen với tôi. Có lần đi qua căn nhà cũ của gia đình ông ở quê, tôi được dân làng “khoe” bằng một giọng hãnh diện: “Nhà ông Tiến, bố làm tướng, con cũng làm tướng”!

Trung tướng Khuất Duy Tiến (ảnh chụp tháng 3/2015).

Con hơn cha là nhà có phúc; ngẫm vậy, lại thấy ông viết được chữ Nho nên mới hỏi: “Chắc hẳn, các cụ nhà ông từ xa xưa theo nghề gõ đầu trẻ hoặc bốc thuốc cứu người?”. Ông cười đôn hậu, thành thật: “Không đâu. Nhà tôi nghèo lắm. Chắc anh cũng hiểu “cố nông” là gì. Không ruộng đất, chỉ đi làm thuê làm mướn quanh năm suốt tháng”…

Vị lão tướng đưa tôi trở về với kí ức của một người đã gần tuổi 90, có nhiều năm sống trong cảnh lầm than cơ cực. Trong nạn đói năm 1945, ông đã phải tận mắt chứng kiến hai người chú ruột chết vì đói. “Đến bây giờ tôi vẫn chưa thể quên được nỗi đau ấy”, ông Tiến trầm giọng...

Bùi ngùi, ông kể tiếp: “Ngày rằm tháng 2 năm Ất Dậu, chú ruột tôi là Khuất Duy Cắng, đói quá, mệt lả và thèm ăn. Chú nói với mẹ tôi: Chị cho em bát cháo. Mẹ tôi vét nồi được lưng bát, chú húp được hai miếng cháo cám nấu với rau cải ma lõng bõng nước. Miếng thứ ba vừa bưng lên miệng thì chú ngã vật ra tắc thở. Tôi khóc thét gọi: “Bà ơi, bố ơi, chú hai chết rồi”! Mẹ tôi sợ quá ngồi như người mất hồn. Bố tôi vội lay gọi chú, bà tôi hú hồn hú vía chú tôi, nhưng chú đã không thể tỉnh lại được nữa rồi…

Hơn một tháng sau, lại đến lượt chú thứ ba tôi là Khuất Duy Đàn, sau cơn sốt rét vừa đói vừa kiệt sức. Hôm ấy, chú nằm trên chõng nhìn tôi, tay vẫy vẫy. Tôi lại gần, vừa cầm tay chú thì tự nhiên cánh tay ấy rời ra và thõng xuống…

Bất lực nhìn 2 người em lần lượt chết vì đói, bố tôi hét lên thật to và lấy tay đấm ngực: “Thằng Đản này, thằng anh xấu hổ, hèn hạ này không cứu mạng được hai em để hai em chết đói. Anh xấu hổ quá hai em ơi”! Rồi bố tôi tự đập đầu vào vách nhà. Bà tôi thì tỏ ra nghị lực và cứng cỏi, giữ bố tôi rồi gọi mẹ tôi và anh em tôi ôm chặt lấy bố tôi.

Bà tôi nói với bố tôi: “Không phải tội của con mà là tội của mẹ. Mẹ không lo lắng được cho các em, để vợ chồng con phải gánh vác tất cả. Mẹ biết con thương các em lắm nhưng nhà mình nghèo quá biết làm sao được. Các em nó ra đi nó biết cả đấy. Bây giờ con phải bình tâm lại để còn nuôi các cháu, cho mẹ trông cậy; con là trưởng họ, là trụ cột của gia đình ta, con phải vững vàng mới được. Ngày xưa bố con mất, mẹ thắt lưng buộc bụng nuôi ba anh em con, chín tuổi con đã cùng mẹ gánh vác việc nhà việc họ. Bây giờ con phải vững vàng lên để nhà ta vượt qua đận khó khăn này”.

Nhớ về những năm tháng cơ cực, thi thoảng ông Tiến lại thốt lên: “Tôi đau lắm anh ạ!”. Bố tôi, cả đời chưa được một bữa ăn no. Không có ruộng đất nên bố tôi phải thuê xe tay, đi chở khách kiếm tiền hằng ngày. Đến bữa ăn, bố tôi lấy một cái dây thừng buộc chặt bụng. Bố tôi bảo, làm thế để ăn ít đi, ăn nhanh hơn thì nhà chủ người ta mới quý, mới thuê mình làm… Bố tôi là trưởng họ, nên cũng được ông bà tôi cho đi học chữ Nho. Cụ rất sáng dạ, học đến đâu biết đến đó, nhưng lúc 9 tuổi viết được văn tế họ thì phải nghỉ học, đi ở cho nhà giàu đến năm 23 tuổi… Tôi là con trai cả nên cũng được đi học chữ Nho, dù nhà tôi khi đó vẫn chưa hết đà sa sút.

Ông Khuất Duy Tiến và vợ tại nhà riêng (tháng 3/2015).

Từ đầu năm 1943, tôi bắt đầu thôi học ở nhà làm đủ thứ việc giúp mẹ nhưng giấu không cho bố tôi biết. Một hôm cụ đi làm về sớm hơn bình thường, thì thấy tôi mang một giỏ cua về nhà. Tôi ấp úng không trả lời khi cụ hỏi, nhưng cô em gái tôi thì nói hết việc tôi nghỉ học, suốt ngày đi bắt cua, bắt cá… Bố tôi nổi trận lôi đình, nọc tôi ra nện cho một trận.

Khi cơn giận nguôi đi, cụ ôm lấy tôi vừa khóc vừa nói: “Bố đã chịu cảnh thất học hèn hạ, con cũng định theo bố ư? Bố biết con thương bố mẹ, ngày mùa bố cho con gặt thuê làm mướn để con biết làm ruộng. Bố còn định dạy cho con biết cày bừa, gieo mạ để sau này dù con phải làm thuê làm mướn nhưng là người có học thì người khác không thể khinh rẻ, bắt nạt… Thế là, tôi trở lại học chữ Nho và bố tôi còn cho tôi học thêm chữ Quốc ngữ. Đến năm 1944, tôi thi đỗ bằng Sơ học yếu lược. Cả gia đình và dòng họ vô cùng hân hoan vì tôi là người đầu tiên trong họ có tấm bằng này và có chức vị “hương sinh” trong xã, không phải đi phu đi lính; bố tôi là người vui và tự hào nhất…”.

Lớn lên trong hoàn cảnh ấy, cậu bé Khuất Duy Tiến luôn có nghị lực và ý chí. Sau khi tham gia công tác tại địa phương, ông gia nhập Vệ quốc đoàn. Từ đó, ông đã kinh qua 2 cuộc kháng chiến và sau này là 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc. 

Tròn 40 năm trước, ông là Trưởng phòng tác chiến mặt trận B3 - Tây Nguyên; chính ông là người được giao nhiệm vụ chấp bút kế hoạch nghi binh nổi tiếng trong trận Buôn Ma Thuột và ngày 10/3/1975. Vị lão tướng nhớ lại: “Ngày 12/1/1975, chúng tôi nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu do Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền kí, yêu cầu phải chuẩn bị thêm mục tiêu Buôn Ma Thuột”…

Đêm ấy, ông Tiến và Tư lệnh mặt trận B3 Vũ Lăng, quyền Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước và các cán bộ tác chiến chụm đầu vào tấm bản đồ thị xã Buôn Ma Thuột tính toán. Tư lệnh Vũ Lăng nói: “Phải tìm mọi cách nhử địch về Kon Tum và Plei Ku rồi hãm chúng ở đó, tạo sơ hở ở Buôn Ma Thuột, để ta đột phá thật nhanh vào đây tiêu diệt địch trong thời gian ngắn nhất và làm chủ thị xã này”... Dừng một lát, ông Vũ Lăng nói tiếp: “Tôi giao cho anh Tiến - Trưởng phòng Tác chiến làm Tổ trưởng Trung tâm nghiên cứu chiến thuật đề xuất phương án đánh thị xã Buôn Ma Thuột”.

Được giao nhiệm vụ tối quan trọng, suốt mấy ngày, Tổ Trung tâm nghiên cứu chiến thuật đã tỉ mỉ xây dựng phương án nghi binh, phương án tấn công Buôn Ma Thuột. Ông Tiến nhớ lại cuộc họp quan trọng thông qua kế hoạch: “Chiều 14/2/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch báo cáo quyết tâm và kế hoạch tác chiến chiến dịch với Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đúng giờ làm việc, anh Vũ Lăng lên cơn sốt rét không thể có mặt.

Sau khi nghe anh Nguyễn Quốc Thước báo cáo, Đại tướng Văn Tiến Dũng đặt vấn đề: Vì sao Sư đoàn 10, một đơn vị có kinh nghiệm đánh công sự vững chắc mà không đưa vào tiến công thị xã Buôn Ma Thuột ngay từ đầu. Anh Đặng Vũ Hiệp và anh Nguyễn Quốc Thước đã trình bày lý do, nhưng xem ra ý kiến chưa đủ sức thuyết phục Đại tướng. Lúc này, anh Vũ Lăng vẫn đang lên cơn sốt, người run lẩy bẩy nhưng anh vẫn ngóng tin kết quả cuộc họp. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, anh Hiệp đến thăm anh Vũ Lăng và kể lại vắn tắt diễn biến cuộc họp.

Cuối cùng anh Hiệp nói vui: “Có chết thì ngày mai hẵng chết. Còn bây giờ ông phải cố đến dự họp, “cãi” về chuyện sử dụng sư đoàn 10 đánh Đức Lập”. Vậy là, ông Vũ Lăng đành phải đến cuộc họp dù đang đùng đùng lên cơn sốt rét. Qua sự trình bày đầy thuyết phục của ông Vũ Lăng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nhất trí phê chuẩn kế hoạch.

Phương án nghi binh được giữ bí mật tuyệt đối. Từ Tổng hành dinh quân đội Việt Nam Cộng hòa đến các cơ quan tình báo Mỹ tại Sài Gòn, Quân khu 2 của địch ở Tây Nguyên đều tập trung theo dõi động tĩnh của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 của ta. Họ ghi nhận máy thông tin vô tuyến điện 15W, các đường dây điện thoại của hai sư đoàn này vẫn ở chế độ hoạt động bình thường và sóng vẫn phát đi từ các địa điểm cũ; qua đó cho rằng hai sư đoàn của ta vẫn “án binh bất động” và mục tiêu bị tấn công sẽ là Kon Tum hoặc Plei Ku như những năm trước đó. Do vậy, khi đại quân ta tiến vào Buôn Ma Thuột, địch hoàn toàn bất ngờ, bị động và thất bại nặng nề…

Đã gần tuổi 90 nhưng Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn mạnh khỏe, tinh tường.

Chiêm nghiệm cuộc đời mình, Trung tướng Khuất Duy Tiến tâm sự: Tôi thấy mình mang ơn nhiều người, cao nhất là bố mẹ đã sinh thành ra tôi. Suốt đời bố mẹ tôi vất vả, áo rách không kịp vá, chạy bữa sáng lo bữa tối. Tôi chịu ơn bố, vì bố là người luôn động viên tôi học chữ Nho, rồi học chữ Quốc ngữ. Cụ đã vạch đường, chỉ hướng, luyện rèn ý chí cho tôi từ ấu thơ. Người mang ơn kế tiếp là ông đồ Dậu, 7 năm dạy tôi chữ Nho và ông đồ Hào, dạy chữ Quốc ngữ, bỏ tiền giúp tôi chụp ảnh, làm hồ sơ thi được tấm bằng Sơ học yếu lược. Các ông đã coi tôi như con đẻ, dạy tôi biết chữ, và điều trọng yếu là cho tôi kiến thức và lẽ sống làm người…

Nói đến đây, vị lão tướng nhìn sang vợ đang châm trà giúp ông tiếp khách, nói chân thành: “Gia đình tôi được như ngày hôm nay, công bà ấy lớn lắm. Tôi thì biền biệt các chiến trường, chỉ biết đến công tác. Việc nuôi dạy con cái, trông cả vào bà ấy; nên các con tôi mới trưởng thành”.

Nghe chồng nói vậy, bà nhìn ông, nở nụ cười ấm áp, đôn hậu.

Trần Duy Hiển
.
.