Vị hoàng tử cuối cùng của triều Nguyễn

Thứ Bảy, 17/02/2007, 14:00

Đã 62 năm kể từ ngày Bảo Đại, vị vua cuối cùng ở Việt Nam tuyên bố thoái vị. Thời gian trôi đi, tưởng rằng những công chúa, hoàng tử đều đã trở thành nhân vật trong sách lịch sử hay phim ảnh. Nhưng trong căn nhà nhỏ nằm giữa một xóm nghèo ở thành phố Cần Thơ  đang còn một vị hoàng tử của triều Nguyễn vẫn luôn nhớ về một thời dĩ vãng…

Đó là Hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu, người cuối cùng trong 9 người con của Vua Thành Thái hiện còn sống ở Việt Nam. Phải nhờ tới anh bạn đồng nghiệp thường trú ở Cần Thơ dẫn đường, tôi mới tìm được căn nhà nằm khuất sâu trong con ngõ 166, đường Phan Đình Phùng (thành phố Cần Thơ) vào một chiều cuối năm. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, nhưng từ cánh cửa tới các đồ vật như: giường, tủ đều được sơn hai màu vàng, đỏ (màu của vương triều xưa), là một ông già nhỏ thó, mái tóc lưa thưa đã bạc trắng, đeo đôi kính lão dày cộp nhưng cách ăn mặc và phong thái cực kỳ lịch lãm. Đó chính là Hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu, con thứ 7 của Vua Thành Thái, em ruột Vua Duy Tân.

Năm nay Hoàng tử Vĩnh Giu đã 84 tuổi. Nhưng những ký ức của một thời tưởng như xa lắm rồi ấy thì ông vẫn nhớ như mới xảy ra. Và câu chuyện giữa chúng tôi với ông cứ trôi ngược về gần một thế kỷ trước.

“Tôi sinh ngày 22/3/1922 ở đảo Réunion, khi hoàng gia đã bị lưu đày tới đó 6 năm. Nhưng trong những câu chuyện với các con, cha mẹ tôi vẫn thường kể về quãng đời làm vua của cha và anh Năm Duy Tân. Đó là ngày mùng Một tết Kỷ Sửu - 1889. Cha tôi, Nguyễn Phước Bửu Lân, khi đó mới 13 tuổi nhưng đã được đưa lên làm vua và có niên hiệu là Thành Thái”.

Lật giở cuốn sách đã ngả màu viết về quãng đời lưu lạc của vua cha và vua anh in bằng tiếng Pháp, Hoàng tử Vĩnh Giu kể tiếp: “Dù được người Pháp  dựng lên làm vua, nhưng cha tôi là người mang tư tưởng chống Pháp. Vì thế mà ông đòi thực dân Pháp thực hiện Hòa ước Patenmotre về việc triều đình nhà Nguyễn có quyền điều hành các cửa biển quan trọng như Hải Phòng, Đà Nẵng. Chính vì tinh thần yêu nước mà sau đó Vua Thành Thái đã tập hợp được rất nhiều người yêu nước.

Thấy nguy cơ về một vị vua có tư tưởng “phản loạn”, năm 1907, thực dân Pháp lấy cớ Vua Thành Thái bị tâm thần đã đưa ông về Vũng Tàu và ép phải nhường ngôi cho con trai là Nguyễn Phước Vĩnh San, năm ấy mới 7 tuổi lên làm vua và lấy niên hiệu là Duy Tân”.

Nhưng cũng như vua cha, lên ngôi từ khi rất nhỏ, nhưng đã hiểu nỗi khổ của cảnh nước mất nhà tan. Có một lần, đứng trên lầu cao, nhìn ra ngoài thành thấy cảnh nhân dân đói rét, Vua Duy Tân đã trích 300 đồng từ phần lương 500 đồng của mình rồi nhờ thầy dạy học cầm ra phát cho dân. Sau lần ấy, ông đã tự tìm đến những người yêu nước trong tổ chức Việt Nam quang phục hội để bàn chuyện cứu nước. Nhưng rồi sau cuộc khởi nghĩa Duy Tân, đặc biệt là vụ đánh đồn Mang Cá (5/1916) bất thành, Vua Duy Tân bị bắt khi đang đi chân đất và trên người vẫn đeo hai thanh gươm.

Để đàn áp những người tham gia khởi nghĩa, thực dân Pháp đã đưa những lãnh tụ của Việt Nam quang phục hội như Trần Cao Vân, Thái Phiên đi xử tử; riêng Vua Duy Tân, chúng đưa vào Vũng Tàu rồi đưa cả hoàng tộc lên tàu đi đày ở đảo Réunion, một hòn đảo thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ Dương, cách Madagascar khoảng 420 dặm về phía đông bắt đầu cuộc sống lưu đày...

Quãng thời gian ấy, ông Vĩnh Giu chỉ biết qua lời kể lại của cha và anh. Nhưng những năm tháng cùng gia đình sống tại đảo thì ông đều được chứng kiến.

Gia đình Vua Thành Thái khi mới trở về Việt Nam (1948) sau 32 năm lưu đày.

Sang Réunion, hoàng gia sống trên đường Saint Denis (năm 1992, chính quyền Pháp đặt tên là đại lộ Hoàng tử Vĩnh San - Duy Tân). Sống trong cảnh lưu đày, xa cố quốc, để các con không quên nguồn cội, giữ gìn bản sắc văn hóa, Vua Thành Thái đề ra nguyên tắc bắt cả gia đình phải tuân theo, đó là ngày thường mặc âu phục, nhưng đến dịp lễ, tết là phải mặc quốc phục; tất cả phải học theo tập quán phong tục của người Việt. Không chỉ các con mà cả tùy tùng đi theo, ngoài học chương trình giáo dục của Pháp khi ở nhà đều phải học tiếng Việt; còn trong bữa ăn hằng ngày, cả gia đình ăn những món ăn Việt do chính bà hoàng phi Chí Lạc nấu.

Để nuôi cả một đại gia đình, ngoài tiền trợ cấp, cha con Vua Thành Thái, Duy Tân còn tự làm thêm. Vua Thành Thái mở xưởng gỗ, đóng yên ngựa; còn Vua Duy Tân mở một cửa hiệu sửa chữa, lắp ráp vô tuyến điện. Đó cũng là phương tiện để Duy Tân cập nhật tin tức chiến sự, bởi lúc này đã nổ ra Chiến tranh thế giới thứ 2, châu Âu, trong đó có nước Pháp cũng đang bị quân Đức đánh chiếm. Trong ký ức của Vĩnh Giu, ông vẫn nhớ cảnh “anh Năm Duy Tân” thường ôm sát chiếc rađio vào tai để nghe thông tin rồi nói cho mọi người. “Anh ấy lập bản đồ châu Âu, gắn cờ của từng nước trên lãnh thổ của họ rồi cập nhật cho dân chúng về bước tiến của quân Đức”.

Gần 30 năm sống cảnh lưu đày, nhưng trong thâm tâm vị vua trẻ Duy Tân vẫn không nguôi khát khao giành độc lập cho nước nhà. “Anh Năm luôn nói với chúng tôi rằng trong sách văn học Pháp dạy rằng khi nước nhà có nguy biến, thanh niên phải cầm súng bảo vệ. Tại sao thanh niên các nước thuộc địa như Việt Nam đứng dậy đấu tranh bảo vệ độc lập của mình lại bị đày như thế này?”.--PageBreak--

Để thoát khỏi cảnh cô lập nơi đảo xa ấy, đầu năm 1945, khi Chiến tranh thế giới thứ 2 đã đến giai đoạn khốc liệt nhất, Duy Tân tình nguyện gia nhập đội quân kháng chiến sang châu Âu chiến đấu với quân phát xít, với cấp bậc binh nhì phụ trách vô tuyến điện. Và từ chiến trường nước Pháp, Duy Tân đã tìm tới Paris để trao tận tay tướng De Gaulle bản đề cương trình bày quan điểm nước Pháp cần phải trả độc lập cho Việt Nam. Nhưng rồi ngày 25/12/1945, trên chuyến bay từ Paris trở về, Duy Tân bị tử nạn. Biết tin con mất, Vua Thành Thái đã khóc mấy đêm liền.

Hai năm sau ngày Vua Duy Tân tử nạn, năm 1948, chính quyền Pháp cho Vua Thành Thái đưa cả hoàng tộc trở về Việt Nam sau 32 năm lưu đày. Trở về Việt Nam, trong hành trang mang theo của Vĩnh Giu còn có một chiếc xe đạp đua của Vua Duy Tân tặng trước lúc ông lên đường gia nhập quân đội. Đó là chiếc xe đạp khung làm bằng đuya-ra nên rất nhẹ. Nhưng sau này, vì cuộc sống quá khó khăn mà Vĩnh Giu đã phải bán món kỷ vật quý giá ấy.

Về Việt Nam, thực dân Pháp cũng không cho Vua Thành Thái về Huế mà giam lỏng hết Sài Gòn lại đưa xuống Vũng Tàu. Còn với các hoàng tử, công chúa, chúng phân tán mỗi người một nơi. Riêng Hoàng tử Vĩnh Giu, lúc này đã là một thanh niên 26 tuổi và đã được đào tạo về kỹ thuật cầu đường, sau khi bị quản thúc ở Vũng Tàu một năm, vì “có tư tưởng chống Pháp”, năm 1949, chúng đưa Vĩnh Giu về Cần Thơ làm chuyên viên công chính, chuyên đi xây dựng cầu đường.

Hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu khi mới trở về Việt Nam và bây giờ.

Ngày đó, chàng chuyên viên công chính gốc gác hoàng tộc đang độc thân, lại là người Tây học trở thành niềm ao ước của nhiều tiểu thư con nhà khuê các. Năm 1950, qua sự mối lái của một vài người trong chính quyền, Vĩnh Giu lấy vợ. Cái chuyện lấy vợ của Hoàng tử Vĩnh Giu cũng nhiêu khê. Sinh ra ở Réunion, vì vậy mọi giấy tờ đều do người Pháp cấp. Ngày đó, cơ quan hành chính của Pháp có hai bộ phận cấp hộ tịch và đăng ký kết hôn, một nơi chuyên cấp cho người Việt, còn một nơi cấp cho người Pháp. Khi hoàng tử đến nơi cấp giấy giá thú cho người Việt xin đăng ký kết hôn thì người ta trả lời hoàng tử rằng “giấy tờ của ông do người Tây cấp nên ông phải sang bên cấp giấy tờ cho người Tây để làm”; khi sang nơi cấp giấy cho người Pháp thì họ lại nói “ông là con của ông vua chống Pháp thì làm sao tôi cấp giấy tờ cho ông được”. Bực mình vì chuyện thủ tục “hành là chính”, chàng hoàng tử chẳng thèm đăng ký kết hôn nữa. Kể tới đây, ông cười và nói: “Vợ chồng tôi có với nhau 7 mặt con mà vẫn chưa có giấy đăng ký kết hôn”.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, qua thời Pháp, tới thời Mỹ, ông vẫn làm công chức và còn tham gia Tổng cuộc xe đạp miền Tây cho tới năm 1975.

Sau ngày giải phóng, vì nhiều lý do khác nhau ông Vĩnh Giu nghỉ làm, gia đình ông phải tìm về xóm nhỏ này ở nhờ trong căn nhà của người em vợ. Ngày đó, đây là nơi hoang vu, xung quanh toàn sình lầy lau lách. Cuộc sống khó khăn nên cả 7 người con, trong đó người con gái Công Tôn Nữ Thanh Các đang học đại học, đành bỏ học để đi làm kiếm sống.

Bốn trong số 7 người con của ông lấy vợ rồi đều đưa vợ con về sống cùng cha mẹ trong căn nhà cấp bốn chật chội này.

Cuộc sống khó khăn như vậy, nhưng chưa bao giờ ông nghĩ tới chuyện rời bỏ đất nước dù từ năm 1955, Chính phủ Pháp cho phép gia đình ông có thể sang Pháp hoặc đảo Réunion bất cứ lúc nào, rồi tới cuối những năm 80, một người bà con ở Mỹ cũng gửi giấy bảo lãnh về, nhưng ông đều từ chối. Ngày đó nhiều người bảo ông gàn dở. Nhưng ông có lý do để không đi, đó là “tâm nguyện cả đời của cha, anh mình là nhà nước được độc lập, tự do. Bây giờ được độc lập tự do thì tại sao mình phải đi đâu”.

Năm 2003, trong lần về thăm Cần Thơ, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến thăm ông “với tư cách là người bạn già”. Thấy gia cảnh ông khó khăn quá, nguyên Thủ tướng có đề nghị địa phương quan tâm giải quyết nhà cho ông. Nhờ có sự tác động này mà sau đó gia đình ông được chính quyền bán trả góp giá rẻ cho một căn nhà hai tầng trong khu tái định cư ở ngoại ô thành phố Cần Thơ nên mới tách được một gia đình ra ở đó. Cũng vì nghèo mà hơn nửa thế kỷ kể từ ngày trở về Việt Nam, ông mới về Huế được ba lần để làm giỗ vua cha, lần gần nhất cũng đã cách nay hơn chục năm rồi.

Chiều muộn, chúng tôi mới chia tay ông. Trước lúc chia tay, tôi hỏi ông cuộc sống khó khăn thế này, sao ông không cho các con xuất cảnh? Ông cười hiền lành bảo: “Tôi bảo con tôi rằng dù nghèo nhưng chẳng đâu bằng khi được sống trên quê hương Tổ quốc mình. Và chúng nó đều nghe lời tôi”

Nguyễn Thiêm
.
.