Văn hào Nga Ivan Turgenev: Yêu như lao xuống dòng nước xoáy...
Suốt đời, ông đã lẽo đẽo theo nàng với một tình yêu bất tận và tuyệt vọng. Vì nàng mà nhà văn chấp nhận rời bỏ Tổ quốc sống tha hương, xa cách thân bằng cố hữu... Một văn hào Nga khác là Liev Tolstoi đã viết về niềm yêu có phần bệnh lý này: "Ông ấy cực kỳ đáng thương. Chịu đau khổ về đạo đức như thế chỉ có thể là một người với trí tưởng tượng như ông ấy… Thật khó tin là ông ấy lại có thể yêu được nồng nàn đến thế…".
Mùa thu năm 1843 tại St. Peterburg có một nhà hát opera từ Italia tới lưu diễn. Tất cả giới tinh hoa ở "kinh đô phương Bắc" của nước Nga đều lũ lượt đến xem ngôi sao trẻ mới lên Pauline Viardot, 22 tuổi. Xuất hiện trên sân khấu năm 16 tuổi, tới năm 20 tuổi, Pauline đã trở thành nhân vật nổi tiếng trên các sân khấu châu Âu…
Trong số các khán giả có Ivan Turgenev. Hôm ấy diễn vở "Người thợ cạo thành
"Hôm nay tôi đã tới nhìn ngôi nhà, nơi mà 7 năm trước đây tôi đã có được vinh hạnh trò chuyện với nàng - Turgenev viết trong một lá thư gửi Pauline Viardot - Ngôi nhà ấy ở trên đại lộ Neva, đối diện với nhà hát Aleksandr; căn phòng mà nàng ở nằm ở góc nhà - nàng có còn nhớ chứ? Trong tất cả cuộc đời tôi không có ký ức nào quý giá hơn những ký ức về nàng… Tôi bắt đầu tự tôn trọng bản thân mình kể từ khi tôi mang trong mình kho báu đó… Từ giờ, hãy cho phép tôi được quỳ xuống dưới chân nàng…".
Nhà văn đã bị tình yêu của mình cuốn hút đến mức không còn cảm quan thực tại nữa và sẵn sàng bỏ qua một sự thật là, người mà ông yêu đã có chồng rồi… Hơn nữa, ông còn kết thân được với chồng của người tình trong mộng, nhà phê bình và nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng Louis Viardot. Bản thân ông Louis, lớn hơn vợ mình tới 20 tuổi, cũng đã từ lâu không để ý tới những phút giây lãng mạn của Pauline (Thơ Simonov: "Những nghịch ngợm buông tuồng nho nhỏ, Chẳng là trò phản bội gì đâu…"). Ông Louis đã "mũ ni che tai" trước mối quan hệ giữa vợ mình với nhà văn Nga vì nói cho cùng, Turgenev không phải là người đàn ông đầu tiên mà Pauline tỏ ra là có cảm tình…
Trước đây người ta vẫn cho rằng, quan hệ giữa Pauline với Turgenev hoàn toàn mang tính tinh thần, chay tịnh… Thế nhưng, có những sự việc nói khác đi, mặc dù nữ ca sĩ đã tiêu hủy tất cả những bức thư có thể gây nên những nghi ngờ không hay sau khi Turgenev qua đời. Có giả thuyết cho rằng, cha của người con trai Paul mà Pauline sinh ra chính là Turgenev. Năm 1856, nhà văn tới thăm Pauline Viardot ở trang trại của gia đình nàng tại Courtavenel (cách
Tất nhiên, không có quả quyết 100% rằng người con trai đấy là giọt máu của nhà văn Nga để lại cho nữ ca sĩ Pháp. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cha của người con trai đấy có thể là một người tình khác của Pauline, họa sĩ Ary Scheffer hoặc là của hoàng tử xứ Baden mà trong giai đoạn đó, đã có những mối quan hệ tình cảm mật thiết với Pauline. Cũng thật lạ là, không có nhà nghiên cứu nào lại nghĩ rằng, cha của người con trai ấy là ông chồng chính danh của nữ ca sĩ (!).
Trong hai năm 1852-1853, do bị chính quyền Sa hoàng gây khó dễ vì bài điếu văn gay gắt trong lễ tang văn hào Gogol, Turgenev đã bị quản thúc tại trang trại gia đình và vì thế, không thể nào gặp được Pauline. Đó là giai đoạn "khó ở" vô cùng đối với nhà văn - "xa mặt" người tình trong mộng trong một thời gian dài như thế đối với ông là cả một cơn ác mộng. Khi bất ngờ ông hay tin rằng Pauline chuẩn bị đi lưu diễn ở Moskva. Và ông quyết định liều mạng bước qua lệnh cấm của Sa hoàng, rời khỏi trang trại đi gặp người yêu dấu. Ông bắt buộc phải nhờ làm một giấy thông hành giả để lên Moskva diện kiến với Pauline không gì thay thế được đối với ông. Chỉ nhìn thấy nàng thôi là ông đã cảm thấy lòng mình mãn nguyện…
Tuy nhiên, nói một cách thực lòng, Turgenev rất đau đớn vì mối tình gần như đơn phương dành cho nữ ca sĩ tài năng nhưng lòng dạ lúc nào cũng như gió thoảng, ở đâu âu đấy… Đã không chỉ một lần ông cố gắng ổn định đời tư của mình mà không cần tới Pauline. Ông, cũng như nhiều nhà văn Nga vĩ đại, đã không sống một cuộc đời chay tịnh. Thậm chí, năm 1854, Turgenev từng tỏ ra say mê một cô con gái 18 tuổi của một người anh em họ. Tuy nhiên, cảm xúc này cũng không giúp được ông quên lãng Pauline.
Là một nhà văn lớn, Turgenev rất được phụ nữ ưa thích. Em gái của văn hào Liev Tolstoi, Maria Tolstaya, thậm chí đã li dị chồng - một việc bị coi là rất táo tợn thời đó - để định lên xe hoa cùng Turgenev. Oái oăm thay, khi hay biết tin này, nhà văn đã hoảng hốt bỏ đi mất dạng và về sau, không bao giờ nối lại quan hệ với người đàn bà mê đắm đó nữa…
Trong lúc đó ở trang trại tại Nga, một nữ nông nô đã sinh hạ cô con gái Palagaya sau một lần quan hệ tình cờ với Turgenev. Hay tin này, Pauline xin được đỡ đầu cô con gái đó. Hành động này đã khiến Turgenev cảm kích vô cùng và càng thêm sùng mộ nữ ca sĩ Pháp, thậm chí coi nàng như người có trái tim đức mẹ… Nhà văn đổi tên con gái sang kiểu Pháp và đưa bé gái về ở trong nhà Pauline. Tuy nhiên, cô con gái của nhà văn Nga về sau không thể nào yêu quý bà mẹ đỡ đầu được như cha cô mong muốn… Khác máu…
Cảnh sống chung của vợ chồng Pauline cùng con cái của hai người, Turgenev và con gái của ông dưới một mái nhà đã gây nên nhiều đồn đại phức tạp trong con mắt của những người dân châu Âu chỉn chu thời đó. Thế nhưng, nhà văn Nga không buồn để ý tới những suy nghĩ của người đời. Đối với ông, quan trọng nhất trong cuộc sống trên cõi thế luôn luôn chỉ là Pauline.
Và mặc dầu Pauline không hề có gì chung với những nữ nhân vật mà nhà văn ca ngợi trong các tác phẩm của mình, Turgenev vẫn luôn luôn tham khảo ý kiến của nàng khi sáng tác. Chính Pauline về sau cũng nói: "Không có tác phẩm nào của Turgenev được in ra mà lại không được ông đưa cho tôi xem trước…".
Turgenev qua đời vào ngày 3/9/1883 vì bệnh ung thư cột sống trong vòng tay của người tình Pháp đã luống tuổi của mình. Ngày 1/10/1883, thi hài nhà văn được đưa từ
Pauline còn sống thêm 27 năm nữa. Sau khi nàng mất, người ta tìm được tập bản thảo "Turgenev. Cuộc đời dành cho nghệ thuật". Người thời đó nói là từ tập bản thảo đó có thể hiểu rõ hơn nhiều điều trong tình yêu kỳ lạ "yêu như lao xuống dòng nước xoáy" (thơ Hồng Thanh Quang) giữa nhà văn với diva âm nhạc Pháp. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, tập bản thảo đó đã bị biến mất