Văn hào Nga Ivan Bunin: Mối tình cuối, mối tình tội lỗi

Thứ Tư, 20/03/2013, 15:05
Đứng lặng bên cửa sổ, Ivan Bunin cứ dõi theo mãi những bước chân rời xa dần của người thiếu phụ. Mặt trời đang ở trên đỉnh đầu, cây cối xanh tươi, không khí tháng Tư tràn ngập mùi hương hoa vòi voi ngọt ngào. Tới gần một ngôi nhà nghỉ, cô dừng chân lại, đặt xuống đất cái túi đựng trăm thứ bà giằn. Một cơn gió mạnh thổi tới làm váy cô tốc lên, để lộ đôi tất đen bọc ngoài đôi chân trẻ trung tràn trề sức sống, làm bay mũ của nàng và khiến cô bị xiêu cả người về phía trước…

Cô phải bám lấy hàng rào chờ cơn gió đi qua rồi mới lại tất tả đi xuống phía bờ biển theo con đường bậc thang và khuất bóng. Mọi sự đã kết thúc. Nhà văn đau thắt trong tim rời khỏi cửa sổ ngồi sụp xuống ghế bành…

Hai người đã gặp nhau lần đầu vào mùa hè năm 1926 tại Paris. Galina Kuznetsova từ lâu đã muốn nhờ ông, một trưởng lão của nền văn học Nga ngữ ở hải ngoại, xem hộ mấy bài thơ của cô nhưng mãi vẫn không dám. May nhờ một người quen chung của cả hai người đã nghĩ ra cho cô cái cớ để cô tới gặp Bunin: mang hộ tới tặng ông một cuốn sách.

Cô đã rất náo nức tới gặp ông nhưng trong lần giáp mặt đầu tiên, cô đã cảm thấy thất vọng vì dường như ông tiếp cô rất lạnh nhạt và kẻ cả. Chỉ ở những lần gặp gỡ sau, dần dà hai người mới tìm được ra điểm tiếp cận với nhau và tình yêu nảy nở. Trong con mắt Galina, Bunin là một người đàn ông thật dịu dàng, tốt bụng…

Ở thời điểm đó, cả ông lẫn cô đều đang bị ràng buộc bởi hôn nhân. Người vợ thứ hai của nhà văn, Vera Muromtseva, là một phụ nữ xuất thân từ gia đình quý tộc Nga cũ. Còn cô đang là vợ Petrov, của một cựu sĩ quan Bạch vệ và hiện đang làm nghề lái taxi ở Paris. Gặp ông rồi, cô lập tức bỏ chồng ngay, buộc Bunin phải trăn trở “trên đe giữa búa” không thể nào dứt khoát chọn một trong hai người, hoặc vợ hoặc Galina.

Ở tuổi 54, ông ngại phải phá bỏ quá khứ và bắt đầu một cuộc hôn nhân mới. Hơn nữa, về mặt tâm lý, ông đã quá quen với một cuộc sống cùng với người vợ từng cùng ông trải qua quá nhiều muối mặn gừng cay đến mức khó có thể hình dung ra được một cuộc sống thiếu vắng bà.

Ivan Bunin.

Tình cảnh thực là khủng khiếp, gần như bế tắc. Rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải thòi ra và bà Vera cuối cùng cũng biết được về cuộc ngoại tình của chồng mà cả thành Paris đã bàn tán từ lâu. Bà không thể giấu được nỗi đau đớn của mình và cũng không biết phải làm sao để thoát khỏi tình cảnh đó.

Nhưng rồi Bunin cũng đã làm được một điều kỳ diệu: ông thuyết phục được vợ tin rằng giữa ông với Galina không chỉ là thú vui thoảng qua chứ không có gì nghiêm túc cả, đó chỉ là những phút xao lòng giữa một trưởng lão với một cô học trò thơ mơ mộng. Theo ông nói, Galina rất có tài nhưng còn chưa đủ kỹ năng để trở thành một tác giả nghiêm túc nên đơn giản là ông giúp cô trau dồi nghệ thuật.  Và chỉ có thế thôi…

Và Vera cũng đã nghiến răng mũ ni che tai và làm như thể tin vào những điều mà chồng nói, bất chấp mọi chuyện đàm tiếu của thiên hạ về tình yêu của nhà văn lừng danh với thiếu phụ 26 tuổi rất xinh đẹp và hấp dẫn.

Của đáng tội, Vera cũng còn biết phải làm gì hơn nữa: chẳng lẽ bà lại phải dứt áo rời khỏi người đàn ông mà bà vô cùng yêu thương rồi biến mất tăm tích trong kiếp sống lưu vong nơi đất khách quê người. Bà đã không thể nào sống thiếu được ông, một người chồng gia trưởng, nóng nảy, không khoan nhượng. Và bà buộc phải đồng ý để Galina chuyển đến ở cùng với gia đình họ ở Grasse trong ngôi nhà Beldevere nằm trên đỉnh núi và hướng mặt ra biển.

Ở cuối những năm 20, họ mới chỉ có đủ tiền để mua căn nhà dacha nhỏ này ở thị trấn Grasee của xứ Provance. Chính đây đã là nơi từng đón tiếp nhiều danh nhân văn hóa của cộng đồng Nga ở nước ngoài như vợ chồng nhà văn Merezhkovskys, nhà soạn nhạc Rachmaninoff, nhà thơ Khodasevich  với nữ sĩ tình nhân Berberova… Vera đã luôn là bà chủ hiếu khách. Còn Bunin ở đây vẫn tiếp tục làm việc, viết những tác phẩm tuyệt vời của mình về cõi thế…

Trước đó gia đình họ cũng đã cho một nam học trò tá túc. Đó là anh Roshchin, người từng được Bunin dìu dắt trên con đường văn học. Vì thế, Vera đã cố nghĩ rằng có thêm một nữ học trò như thế cũng là chuyện bình thường. Dẫu cho bà quá hiểu rằng một học trò nữ và một học trò nam khác nhau như thế nào. Hơn nữa, biết rõ bản tính dễ rung động của chồng bà không khỏi lo lắng khi ở trong nhà là một cô học trò vẫn đang mơn mởn xuân thì như Galina.

Galina đã đi đi lại lại tới Grasse không chỉ một lần cho tới khi quyết định dứt khoát là sẽ chuyển đến ở hẳn đây vào tháng 5/1927.  Một thời gian sau, ngôi nhà lại đón thêm một nhà văn mới vào nghề là Zuroff. Bắt đầu một cuộc sống chung của năm người, với rất nhiều căng thẳng.

Mỗi buổi sáng, dùng bữa điểm tâm xong, ai về phòng nấy làm việc. Bunin rất riết róng với các học trò vì theo ông, chỉ khi còn trẻ người ta mới có thể viết một cái gì đó có ra hồn để về sau không phải cảm thấy xấu hổ. Đôi lúc, khi Galina viết không cảm hứng, cô đã ra vườn, đi lại quẩn quanh hay cắt hoa hồng hoặc bắt sâu hại cây.

Trong khi đó thì Vera vào phố để mua hàng. Nhưng khi tất cả mọi người đụng nhau cạnh bàn ăn bữa trưa thì lại hay xảy ra những cuộc cãi vã. Bunin hay làu bàu lo lắng lúc thì về chuyện trục trặc trong in ấn các tác phẩm của họ, lúc thì vì bệnh tật tái phát ở tuổi về chiều… 

Vera hay làm ông sợ bằng những lời khuyên bất tận như cần phải nằm nghỉ, uống thuốc chứ không nên đi lại nhiều. Zuroff cảm thấy khó chịu vì nhọc mình mà vẫn chưa nên công cán gì trên đường văn chương. Còn Roshchin, người được tôn là thuyền trưởng, thì luôn muốn được khen ngợi đối với bất cứ thứ gì mà anh ta viết ra.

Ngay từ ngày đầu tiên tới Grasse, Galina đã bắt đầu ghi nhật ký về mọi chuyện diễn ra ở đây liên quan tới Bunin và mối quan hệ tình cảm giữa hai người.  Một năm trôi qua và cô đã hạ bút than thở: “Chúa ơi, đây quả thực là một nơi không thể nào chịu nổi!”. Tuy nhiên, cô không thể nào thoát khỏi bản thân mình và tình yêu dành cho Bunin, mặc dù lúc nào cũng canh cánh trong lòng câu hỏi: Tiếp theo sẽ là thế nào?!

Riêng Bunin thì càng ngày càng bị ám ảnh bởi những suy tư về tuổi già và cái chết. Ông gầy đi trông thấy và càng ngày càng khó viết hơn những dòng chữ mới cho tập ba tác phẩm Cuộc đời Arseniev. Phải tới tận năm 1933, ông mới hoàn thành bộ tiểu thuyết này.

Trong hoàn cảnh đó, chỉ có cảm xúc yêu đương mới có thể cứu rỗi ta khỏi nỗi u sầu. Bunin hiểu rằng đó sẽ là tình yêu sau cuối của đời ông nên đã làm mọi việc để thêm phần gắn bó Galina với mình. Ông đọc cho cô nghe những gì ông đã viết và cô cũng vào phòng làm việc của ông để đọc cho ông nghe những gì cô đã viết. Ông giúp cô hiệu đính lại văn, dạy dỗ: chỗ này cần phải dùng từ khác, còn ở đây thì cần thay đổi cốt truyện…

Và cô chăm chú nuốt từng lời của ông, nhìn ông bằng ánh dịu dàng, đầy ngưỡng mộ, đồng thời cảm thấy rất rõ quyền lực của mình đối với ông. Bunin thậm chí đã không nhận ra từ lúc nào ông đã bắt đầu nhất nhất làm theo ý cô muốn. Chiều nào cô cũng gọi ông đi dạo và dù rất mệt mỏi ông vẫn cứ phải lẽo đẽo theo cùng.

Khi cô ngỏ ý muốn ông nghe cô đọc vào những lúc rất không thích hợp nhưng ông cũng vẫn ngoan ngoãn đồng ý và nhẫn nại lắng nghe. Hai người càng ngày càng ở bên nhau nhiều thời gian hơn. Họ trò chuyện với nhau về mọi thứ: ông kể cho cô nghe  những kỷ niệm đã qua, những đam mê và thất vọng trong quá khứ, về việc ông đã bước vào làm văn như thế nào và việc ông đã được bầu làm viện sĩ ra sao…

Hai người đã cùng tới Nice và Cannes, đi dạo qua các quán rượu nhỏ ấm cúng, uống Burgundy, cà phê pha cognac và cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, đôi khi ông cảm thấy lòng mình tự dưng tê tái vì những ám ảnh về tuổi thanh xuân không bao giờ quay lại. Và ông trở nên buồn bã và lặng lẽ. Một lần, khi họ nhìn thấy đám thanh niên địa phương sôi động đùa vui, Bunin bỗng ôm choàng lấy vai Galina và hào hứng nói, ông vô cùng muốn được như lũ trẻ bây giờ, ca hát, nhảy múa, cuốn cô vào bóng tối.

Mọi sự đã đột nhiên chấm dứt. Mà lại đúng lúc có vẻ như mọi thứ đang rất tốt đẹp: Bunin đến Stockholm nhận giải Nobel. Khi đó, ở ngôi nhà của Bunin bắt đầu thường xuyên xuất hiện nữ ca sĩ Marga Steppuhn, em ruột của nhà triết học Friedrich August Steppuhn. Con sơn ca với những triệu chứng lesbian rất rõ rệt này đã khiến cho Galina trở nên mê muội.

Và Vera đầy nhạy cảm đã nhận thấy rõ điều này trước tiên và đã viết vào nhật ký: “Marga đã ở nhà chúng tôi tới tuần thứ ba rồi... Cô ấy với Galina có một tình bạn cao độ. Galina rất hào hứng chiếm giữ riêng Marga…”. Và một tháng sau, Vare nhận xét: “Galina sẽ “bay” thôi, cô ấy tôn thờ Marga một cách rất dị thường…”. Thế nhưng, Bunin vẫn không hề để ý tới việc này.

Galina tiếp theo đã sống trong nhà của họ thêm tám năm nữa. Khi “bay”  tới cùng Marga, Bunin đã buộc phải cay đắng tâm sự với nhà văn Boris Zaitsev, người bạn cố tri từ thời trai trẻ  mới dựng nghiệp ở Nga: “Tôi cứ nghĩ rằng phải là một anh chàng nào cơ cướp đi tình yêu của tôi. Hóa ra lại là một mụ đàn bà!”.

* * *

Bunin từ từ đứng dậy khỏi cái ghế bành và tiến lại gần cửa sổ, ưỡn ngực hít thở không khí mùa xuân tràn trề hương hoa. Phía dưới kia biển đang ồn ã vỗ sóng. Chỉ bây giờ,  khi mọi chuyện liên quan tới Galina đã kết thúc, ông mới cảm thấy rõ rệt tội lỗi to lớn của mình trước người vợ hiền, bà Vera...

Rồi đột nhiên, ông nghe thấy giọng bà vang lên, lảnh lót như thời thanh nữ. Bà gọi ông xuống vườn dùng trà...

Huyền Anh
.
.